VNREBATES

Rủi ro tỷ giá là gì? 3 biện pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá hối đoái

03.01.2023, 15:30 12 phút đọc

Tỷ giá hối đoái là thước đo để tính toán và so sánh giá trị đồng nội tệ với đồng tiền ngoại tệ. Chính vì vậy, rủi ro tỷ giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lạm phát và các hoạt động xuất nhập khẩu của nền kinh tế. Vậy rủi ro tỷ giá là gì? Bài viết này sẽ chia sẻ cùng bạn 3 cách phòng ngừa rủi ro tỷ giá

Đọc thêm:

Rủi ro tỷ giá là gì?

Rủi ro tỷ giá hay rủi ro tiền tệ, rủi ro ngoại hối, rủi ro tỷ giá hối đoái là loại rủi ro đề cập đến những tổn thất mà một giao dịch tài chính quốc tế có thể phải chịu do biến động tiền tệ.

Rủi ro tỷ giá mô tả khả năng giá trị đầu tư có thể giảm do thay đổi giá trị tương đối của các loại tiền tệ liên quan. Đây là một rủi ro không thể tránh khỏi của các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, thật may mắn, đây là loại rủi ro mà chúng ta hoàn toàn có thể giảm thiểu đáng kể thông qua các kỹ thuật phòng ngừa rủi ro.

Một trong những nguyên tắc cơ bản một nhà đầu tư sẽ phải tuân thủ đó là tránh những khoản đầu tư hoàn toàn vào các tài sản nước ngoài. Mặc dù điều này giúp giảm rủi ro tỷ giá đáng kể, nhưng đứng từ góc độ đa dạng hóa danh mục đầu tư, nó lại không phải là sự thay thế tốt nhất.

Rủi ro tỷ giá hay rủi ro tiền tệ, rủi ro ngoại hối, rủi ro tỷ giá hối đoái

Khái niệm rủi ro tỷ giá

Rủi ro tỷ giá thường xuất hiện khi nào?

Kinh doanh ngoại hối là một trong những hoạt động của ngân hàng nhằm phục vụ cho nhu cầu đa dạng của nền kinh tế, tạo điều kiện cho các nhà kinh doanh xuất nhập khẩu hoạt động thuận lợi.

Rủi ro hối đoái là rủi ro xuất hiện trong nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối do sự biến động về tỷ giá giữa các đồng tiền.

Nếu tỷ giá hối đoái bán ra lớn hơn tỷ giá mua vào thì nhà kinh doanh có lãi, ngược lại thì bị lỗ.

Trong nền kinh tế thị trường, tỷ giá luôn biến động, với biến đổi của tỷ giá hối đoái, bất kỳ một khoản nợ nào cho dù dài hay ngắn, đối với một đồng tiền nhất định, đều có thể tạo cho ngân hàng phải đối mặt với rủi ro tỷ giá hối đoái.

Đọc thêm: Chu kỳ kinh tế và sự tác động đến thị trường ngoại hối

Rủi ro tỷ giá có ảnh hưởng thế nào?

Các nhà đầu tư ở Hoa Kỳ đặc biệt quan tâm tới rủi ro tỷ giá, nhất là khi đồng đô la Mỹ đang tăng mạnh – điều này có thể bào mòn lợi nhuận từ các khoản đầu tư nước ngoài. Ngược lại, trong cùng bối cảnh, các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt khi đầu tư vào các tài sản ở Hoa Kỳ, việc đồng nội tệ mất giá so với đồng đô la Mỹ có thể mang lại cho họ một khoản lợi nhuận gia tăng.

Như vậy, biến động tỷ giá sẽ mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư này và đồng thời là rủi ro cho các nhà đầu tư khác. Nguyên tắc chung ở đây là các nhà đầu tư sẽ hưởng lợi từ khoản đầu tư nước ngoài khi đồng nội tệ đang bị giảm giá so với đồng tiền nước ngoài đang được đầu tư. Nhưng nếu thị trường dịch chuyển theo hướng ngược lại, đồng nội tệ đang tăng giá so với đồng tiền nước đầu tư thì nhà đầu tư cần phòng vệ rủi ro tỷ giá.

Trong hoạt động kinh doanh ngân hàng, nếu ngân hàng có dư ngoại tệ nào đó, khi ngoại tệ đó lên giá, ngân hàng sẽ có lãi, ngược lại ngân hàng sẽ lỗ khi ngoại tệ đó xuống giá. Tương tự, nếu ngân hàng ở vị thế đoản vị về loại ngoại tệ nào đó, ngân hàng sẽ lỗ khi ngoại tệ đó lên giá, và có lãi nếu ngoại tệ đó xuống giá.

Một trạng thái ngoại hối dù ở thế trường hay thế đoản đều có nguy cơ gây tổn thất cho các nhà giao dịch, cụ thể: Dư ngoại tệ càng lớn thì rủi ro càng cao khi tỷ giá giảm; ngược lại, đoản ngoại tệ càng mạnh thì rủi ro cũng không ít khi tỷ giá tăng.

Bạn có thể sử dụng các công cụ tài chính phái sinh để phòng ngừa rủi ro tỷ giá, cụ thể như quyền chọn mua bán ngoại tệ hoặc nghiệp vụ mua bán ngoại tệ kỳ hạn.

Tác động của rủi ro tỷ giá tới nền kinh tế

Tỷ giá hối đoái là thước đo để tính toán và so sánh giá trị đồng nội tệ với đồng tiền ngoại tệ. Chính vì vậy, việc biến động tỷ giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lạm phát và các hoạt động xuất nhập khẩu của nền kinh tế.

1. Với hoạt động xuất nhập khẩu

Khi tỷ giá giảm, tức là đồng nội tệ mạnh lên thì giá cả hàng hóa xuất khẩu sẽ đắt hơn. Các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ giảm sức cạnh tranh tại thị trường nước ngoài và hạn chế sản xuất, khiến tỷ lệ tăng trưởng kinh tế thấp. Tuy nhiên, hàng hóa nhập khẩu sẽ rẻ hơn, người tiêu dùng có thể mua được hàng với giá thấp hơn.

Đồng nội tệ mất giá khi tỷ giá tăng, kéo theo đó là giá hàng hóa xuất khẩu sang nước ngoài sẽ rẻ hơn và có khả năng cạnh tranh cao hơn trên thị trường quốc tế. Giá cả của các loại hàng hóa nhập khẩu sẽ đắt đỏ hơn và đẩy chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng, nguy cơ lạm phát có thể xảy ra.

Tác động của rủi ro tỷ giá tới nền kinh tế

Tác động của rủi ro tỷ giá tới nền kinh tế

2. Với hoạt động thanh toán trong kinh doanh ngân hàng

Với hoạt động thanh toán trong kinh doanh ngân hàng, rủi ro tỷ giá có thể dẫn đến rủi ro thanh toán phát sinh khi những người gửi tiền đồng thời có nhu cầu rút tiền gửi ở ngân hàng ngay lập tức. Để giải quyết nhu cầu này, ngân hàng phải đi vay bổ sung nguồn vốn thanh toán hoặc phải bán tài sản Có của mình để đáp ứng nhu cầu rút tiền của người gửi tiền.

Khi ngân hàng thiếu khả năng chi trả, nếu không được giải quyết kịp thời có thể dẫn đến mất khả năng chi trả.

3 cách phòng ngừa rủi ro tỷ giá để giảm thiểu tổn thất

Khi rủ ro tỷ giá xảy ra, những công ty hoạt động trong lĩnh vực dầu khí quốc gia, doanh nghiệp dệt may, xuất khẩu thủy hải sản là những doanh nghiệp ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự biến động tỷ giá.

Để phòng ngừa rủi ro tỷ giá trong bối cảnh tỷ giá liên tục biến động, những doanh nghiệp này cần chủ động sử dụng các công cụ tài chính phát sinh. Những công cụ này đóng vai trò “giảm sốc” cho các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khi tỷ giá tăng.

3 cách phòng ngừa rủi ro tỷ giá để giảm thiểu tổn thất

3 cách phòng ngừa rủi ro tỷ giá để giảm thiểu tổn thất

1. Các công cụ tài chính phái sinh phòng ngừa rủi ro tỷ giá

Mua bán ngoại tệ kỳ hạn

Đây là giao dịch mà bên bán cam kết bán một số lượng ngoại tệ với tỷ giá đã được xác định vào ngày giao dịch được định trước trong tương lai.

Với hoạt động mua bán ngoại tệ kỳ hạn, doanh nghiệp có thể sẽ phải mua ngoại tệ với giá cao hơn hiện tại. Bù lại, doanh nghiệp lại đảm bảo tỷ giá nằm trong kế hoạch kinh doanh của mình, tránh được trường hợp tỷ giá vọt lên tăng quá cao so với thời điểm hiện tại.

Hợp đồng kỳ hạn tiền tệ được coi là một trong những công cụ hiệu quả để phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Doanh nghiệp cũng có thể được tùy chỉnh theo số lượng và kỳ hạn cụ thể. Tuy nhiên, công cụ này không dễ tiếp cận đối với các nhà đầu tư cá nhân.

Một phương pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá khác là xây dựng một hợp đồng kỳ hạn tổng hợp. Với hợp đồng dạng này, nhà đầu tư cùng một lúc mua một quyền chọn mua và bán một quyền chọn bán ở cùng mức giá thực hiện và cùng ngày đáo hạn.

Hợp đồng tương lai tiền tệ

Hợp đồng tương lai tiền tệ được giao dịch trên một sàn giao dịch và chỉ cần ký quỹ trước một khoản rất nhỏ. Bạn hoàn toàn có thể tiếp cận được phương thức phòng ngừa rủi ro tỷ giá này dù bạn chỉ là một nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ. Đây là ưu điểm của hợp đồng tương lai so với hoạt động mua bán tiền tệ kỳ hạn.

Công cụ này có nhược điểm là chúng không thể được tùy chỉnh như hợp đồng kỳ hạn tiền tệ và chỉ được giao dịch theo các ngày cố định có sẵn.

Quyền chọn mua ngoại tệ

Hợp đồng quyền chọn ngoại tệ là giao dịch thỏa thuận giữa 2 bên: bên mua quyền và bán quyền. Trong đó:

+ Quyền chọn mua: Bên mua được quyền được mua ngoại tệ với tỷ giá đã được thoả thuận trước trong một khoảng thời gian hoặc thời điểm đã được xác định từ trước. Bên mua cũng không bắt buộc phải mua hoặc bán một số lượng ngoại tệ đã được xác định trong hợp đồng.

+ Quyền chọn bán: Bên bán được quyền bán ngoại tệ với tỷ giá thỏa thuận trong một khoảng thời gian hoặc thời điểm đã xác định. Với hợp đồng quyền chọn bán, bên bán có nghĩa vụ bán hoặc mua số lượng ngoại tệ theo tỷ giá đã được các bên thỏa thuận trong hợp đồng trước đó.

Có thể nói, hợp đồng quyền chọn tiền tệ là một công cụ khả thi và cũng cực kỳ hữu hiệu để phòng ngừa rủi ro tỷ giá hối đoái.

Với quyền chọn mua ngoại tệ, các nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp có thể chủ động thực hiện quyền của mình.

  • Trường hợp tỷ giá tăng, doanh nghiệp có thể thực hiện quyền mua ngoại tệ của mình với ngân hàng.
  • Trường hợp tỷ giá giảm, doanh nghiệp có quyền từ chối thực hiện quyền mua bán của mình.

Đọc thêm: Chứng khoán phái sinh là gì? Đầu tư có đảm bảo không?

2. Phòng ngừa rủi ro tỷ giá bằng cách đầu tư vào tài sản phòng ngừa rủi ro

Giải pháp đơn giản nhất để phòng ngừa rủi ro tỷ giá chính là đầu tư vào tài sản được phòng vệ rủi ro ở nước ngoài, chẳng hạn như các quỹ giao dịch được phòng vệ rủi ro (ETFs).

Các quỹ ETF có sẵn được giao dịch ở hầu hết các thị trường lớn. Chúng có khả năng cung cấp một loại tiền tệ cụ thể như một tài sản cơ sở. Nhờ đó, chúng cũng có thể được sử dụng như một giải pháp để phòng ngừa rủi ro tỷ giá hối đoái.

Phương thức này không thực sự phù hợp với các khoản đầu tư lớn và có lẽ nó cũng không phải là cách hiệu quả nhất để phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Tuy nhiên, quỹ ETF có thể mang lại lợi ích lớn cho các nhà đầu tư cá nhân vì cung cấp các khoản đầu tư nhỏ, điều kiện ký quỹ hợp lý và có thể giao dịch cả mua hoặc bán.

3. Phòng ngừa rủi ro tỷ giá bằng cách tự phòng vệ

Bạn và doanh nghiệp của mình rất dễ phải đối mặt với một số rủi ro ngoại hối nếu danh mục đầu tư của bạn có chứa cổ phiếu hoặc trái phiếu mua bán bằng ngoại tệ hay biên lai lưu ký của Mỹ.

Vì vậy, một lời khuyên chúng tôi gửi đến bạn đó là nên đa dạng hóa danh mục đầu tư cả bằng đồng nội tệ và đồng ngoại tệ. Đây cũng là cách bạn tự phòng vệ cho khoản đầu tư của chính mình khỏi rủi ro tỷ giá

Xem thêm: Cách đọc hiểu chỉ số ISM để trade Forex

Lời kết

Trong bài viết này, chúng tôi đã chia sẻ cùng bạn rủi ro tỷ giá là gì và 3 cách phòng ngừa rủi ro tỷ giá để giảm thiểu tổn thất. Hi vọng bạn sẽ có được những kiến thức bổ ích thông qua những thông tin được đề cập trên đây. Chúc bạn có những giao dịch thành công.

Tổng hợp bởi VnRebates

👉 Cập nhật Phương pháp trading mới và hiệu quả nhất trên thế giới bằng 4 Khóa học video miễn phí
Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.