VNREBATES

Bear Trap là gì? Dấu hiệu và cách phòng tránh bẫy Bear Trap

29.03.2023, 16:39 21 phút đọc

Có một điều chắc chắn rằng, bất kỳ nhà đầu tư nào tham gia vào thị trường tài chính đều không dưới 1 lần dính phải “bẫy”. Trong đó, nổi bật nhất phải nhắc đến là Bull Trap và bẫy giảm giá Bear Trap. Có thể nói, thị trường Forex, chứng khoán hay Crypto đều là nơi mà những cái bẫy giá liên tục được tạo ra để săn các trader non nớt, thiếu kiến thức lẫn kinh nghiệm thực chiến. Trong bài viết này, VnRebates sẽ cung cấp cho bạn những thông tin chi tiết về Bẫy giảm giá Bear Trap, cũng như đưa ra những giải pháp tốt nhất trong việc phòng tránh và ứng phó khi mắc bẫy, giúp bạn tối ưu lợi nhuận và giảm thiểu những rủi ro không đáng có.

>> Xem thêm:

Bear Trap là gì?

Bear Trap hay bẫy giảm giá là tín hiệu về sự đảo chiều giả trong thị trường có xu hướng tăng (Uptrend). Nghĩa là giá đang trong xu hướng tăng đột nhiên giảm đột ngột phá vỡ các ngưỡng hỗ trợ, khiến nhiều nhà đầu tư nghĩ giá đang có xu hướng giảm và đặt lệnh Sell để đón đầu xu hướng. Tuy nhiên không như kỳ vọng và dự đoán, giá quay đầu và nhanh chóng tăng trở lại làm các nhà đầu tư thua lỗ.

Hiện tượng Bear Trap thường xuất hiện ở hầu hết các thị trường tài chính, từ chứng khoán, hợp đồng tương lai, trái phiếu và tiền tệ. Như vậy, khi trader tin rằng thị trường đảo chiều giảm nhưng giá cứ tiếp tục tăng thì đó là bẫy giảm giá. Ngoài ra Bear Trap cũng được coi là breakout giả.

Bear Trap là gì

Bear Trap hay bẫy giảm giá là tín hiệu về sự đảo chiều giả trong thị trường có xu hướng tăng (Nguồn: Internet)

Ví dụ bẫy Bear Trap:

Dưới đây là ví dụ về Bear Trap vào ngày 7/6 đối với cổ phiếu Agrium, Inc. (AGU). Bạn sẽ nhận thấy rằng giá cổ phiếu đã phá vỡ mức thấp nhất trong hai ngày, trước khi quay lại tăng mạnh hơn.

Ví dụ về bẫy Bear Trap

Ví dụ về bẫy Bear Trap (Nguồn: Internet)

> Xem thêm:

Bẫy Bear Trap trong chứng khoán xảy ra khi nào?

Khi cá mập thao túng thị trường

Cá mập là thuật ngữ ám chỉ những nhà đầu tư trong thị trường có số vốn lớn, khổng lồ. Họ là người có thể thao túng thị trường và có thể tạo ra tín hiệu như Bear Trap bằng cách tạo ra các lệnh mua bán ảo liên tục để đẩy giá xuống. Kết hợp với các tin tức tiêu cực đưa ra có thể khiến cho những nhà đầu tư non kinh nghiệm phán đoán sai xu hướng thị trường và đặt lệnh Sell. Lúc này cá mập đã chờ sẵn và đặt lệnh mua ở mức thấp để kiếm lời.

Khi nhà đầu tư muốn chốt lời

Một số trường hợp quá nhiều nhà đầu tư thấy thị trường đi lên quá nhiều muốn chốt lời hoặc trước các dịp nghỉ lễ, tết muốn chốt lời để nghỉ ngơi, các nhà đầu tư sẽ bán ra và đóng lệnh. Điều sẽ tạo ra hiệu ứng điều chỉnh giá tạm thời, tuy nhiên sau khi hiệu ứng này kết thúc giá sẽ tăng lại và đi theo chiều hướng ban đầu.

 Tìm hiểu thêm:

Khi tin tức, sự kiện nổ ra

Các nhà đầu tư thường có xu hướng thoát bớt lệnh trước khi công bố tin tức, sự kiện lớn để đề phòng rủi ro. Điều này khiến cho giá bị điều chỉnh tạm thời. Và khi tin tức, sự kiện xấu chính thức tung ra, nhiều nhà đầu tư sẽ rơi vào trạng thái bi quan và quyết định chốt lời khiến giá cũng sẽ có xu hướng giảm trong một thời gian.

Bear Trap thường xảy ra khi nào

Bear Trap thường xảy ra khi “cá mập” thao túng thị trường hoặc nhà đầu tư muốn chốt lời (Nguồn: Internet)

Các giai đoạn của Bear Trap

Giai đoạn 1: Khi giá đang ở trong xu hướng tăng, đường giá đột ngột đảo chiều giảm xuống và có xu hướng phá vỡ ngưỡng hỗ trợ. 

Giai đoạn 2: Đường giá phá vỡ ngưỡng hỗ trợ. Lúc này, các nhà đầu tư vào vị thế bán vì cho rằng đây là tín hiệu giá giảm. Trên thực tế, đây chỉ là tín hiệu giả và là một bear trap. Thanh khoản trong giai đoạn này giảm sút. 

Giai đoạn 3: Trong giai đoạn này, có sự cạnh tranh giữa hai phe mua và bán. Đường giá đi ngang với thanh khoản hạn chế. 

Giai đoạn 4: Bên bán đã “đầu hàng” bên mua. Điều này được thể hiện bằng một Gap giá tăng vượt ngưỡng hỗ trợ. Lúc này, bên mua hoàn toàn thắng thế làm cho đường giá tăng trở lại. 

Giai đoạn 5: Những nhà đầu tư vào vị thế bán trước đó đã mắc phải bear trap. Họ bị mất đi một khoản tiền vì quyết định sai lầm trong giao dịch.

Các giai đoạn của Bear Trap

Các giai đoạn của Bear Trap (Nguồn: Internet)

Phân tích tâm lý thị trường đằng sau Bear Trap – Bẫy giảm giá

Những cái bẫy giảm giá này được tạo thành từ nhiều nguyên do nhưng thường xảy ra khi phe gấu (bears) quyết định giảm hoặc kéo giá xuống.

Ở một số thị trường, có thể có nhiều nhà đầu tư muốn mua cổ phiếu nhưng rất ít người bán sẵn sàng chấp nhận giá chào mua (giá bid). Trong trường hợp này, người mua có thể tăng giá bid — mức giá mà họ sẵn sàng trả cho cổ phiếu đó. Điều này có thể sẽ thu hút nhiều người bán hơn vào thị trường, khiến thị trường hoạt động mạnh hơn do sự mất cân bằng giữa áp lực mua và bán.

Tuy nhiên, khi quá nhiều người mua cổ phiếu sẽ làm giảm áp lực mua và tăng áp lực bán tiềm ẩn.

Để tăng nhu cầu và khiến giá cổ phiếu tăng, các tổ chức có thể đẩy giá xuống thấp hơn để thị trường có vẻ giảm giá. Điều này khiến các nhà đầu tư mới bắt đầu bán cổ phiếu. Một khi cổ phiếu giảm giá, các nhà đầu tư quay trở lại thị trường, và giá cổ phiếu tăng lên cùng với sự gia tăng của nhu cầu.

>> Xem thêm: 10 nguyên tắc newbie cần nắm để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp

VnRebates có cung cấp khóa học Đầu tư Forex nâng cao, giúp bạn có cơ hội trở thành Pro-Trader!!

>>> Click ngay: KHÓA HỌC ĐẦU TƯ FOREX NÂNG CAO <<<

Thông thường, các nhà giao dịch khác đặt Bear Trap nơi họ bán tài sản cho đến khi các nhà giao dịch khác tin rằng xu hướng tăng đã kết thúc và giá sẽ giảm. Khi giá tiếp tục giảm, các trader sẽ bị đánh lừa khi tin rằng nó sẽ tiếp tục. Và sau đó, Bear Trap sẽ được giải phóng khi thị trường quay đầu và giá tăng cao hơn. Đó là hiệu suất thị trường sai dẫn đến nhiều nhà giao dịch đã mắc bẫy.

Các nhà đầu tư ít kinh nghiệm thường dễ bị sập Bear Trap bởi họ chưa nắm vững được cách thức quá trình trên được tiến hành do đó rất dễ để bị cuốn vào bẫy giảm giá trong giai đoạn đầu của nó. Lợi dụng tâm lý còn quá non nớt này, một cái bẫy đã được giăng sẵn từ các trader chuyên nghiệp, khi những trader non nớt kia đồng loạt vào lệnh SELL làm cho giá giảm xuống thì các pro-trader này đã chờ sẵn để BUY lại với giá hời. Và khi lượng mua vào quá lớn đã vượt xa khỏi số lượng bán thế nên đã xuất hiện một gap up.

Giá tiếp tục tăng lên, lúc này những Trader vào lệnh SELL trước đó đã nhận ra rằng mình đã sai, họ thoát lệnh và từ đó tạo thêm áp lực đẩy giá lên cao hơn nữa, hình thành một trend tăng mới. Tất cả đã nằm trong kịch bản và các nhà đầu tư dính bẫy phải chịu lỗ.

>> Xem thêm: Những sai lầm và “bẫy” phổ biến trong giao dịch Forex

Bear Trap và bán khống (short-selling)

Việc trader bán khống trong trường hợp dính Bear Trap có thể bị cuốn vào bẫy “bán non” – “short squeeze” khi cổ phiếu bắt đầu tăng vọt.

Tình huống bán non xảy ra khi giá cổ phiếu hay tài sản khác (có nhiều lệnh bán khống) tăng lên rất mạnh sau 1 đợt giảm giá ngắn do thu hút nhiều người mua sẵn sàng mua hơn. Lúc này, tình thế buộc nhiều nhà giao dịch bán khống phải kết thúc lệnh bán của mình để cắt lỗ, và càng tạo thêm sức ép tăng giá cho cổ phiếu hay hàng hóa đó.

Cổ phiếu Tesla được nhiều chuyên gia gọi là một cỗ máy Bear Trap khi đã khiến nhiều nhà đầu tư bán khống “short squeeze”:

Bear trap đã tạo nên những pha bán non - short squeeze trên thị trường với cổ phiếu Tesla

Bear trap đã tạo nên những pha bán non – short squeeze trên thị trường với cổ phiếu Tesla (Nguồn: Internet)

Đặc biệt, câu chuyện về cổ phiếu của Tesla (TSLA) năm 2020 là một trong những ví dụ rõ rệt nhất về Bear Trap. Năm 2020, giới bán khống đã “lĩnh đủ” khi nhằm vào cổ phiếu Tesla khi cổ phiếu này đã tăng 743%, dẫn tới khoản thua lỗ chưa từng có tiền lệ 40 tỷ USD cho các nhà bán khống cổ phiếu – theo dữ liệu từ công ty phân tích S3 Partners.

>> Xem thêm: 

Hướng dẫn cách nhận biết Bear Trap trong chứng khoán

Bear Trap có thể gây ra khoản lỗ lớn cho bất kỳ trader nào, do đó việc nhận biết được một breakout (sự phá vỡ) có phải thực là 1 tín hiệu breakout tốt hay chỉ là bẫy giảm giá là vô cùng hữu ích đối với trader trong việc tận dụng cơ hội để kiếm lời hoặc phòng tránh được rủi ro.

Có rất nhiều phương pháp, công cụ để nhận biết bẫy giá, trong bài viết này VnRebates sẽ phân tích 1 số công cụ phổ biến như đường thoái lui Fibonacci, bộ dao động sức mạnh tương đối (RSI) và chỉ báo khối lượng để hỗ trợ phân tích kỹ thuật của nhà đầu tư. Những công cụ này giúp dự đoán tính bền vững của các xu hướng tăng hoặc giảm.

Sử dụng chỉ báo khối lượng (Volume indicator) để nhận biết bẫy Bear Trap

Khối lượng thị trường là một trong những tín hiệu quan trọng nhất để xác định Bear Trap. Khi một tài sản bắt đầu đảo chiều, tiến đến mức cao mới hoặc mức thấp mới, bạn sẽ nhận thấy khối lượng bắt đầu tăng tốc.

Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu thị trường thay đổi hướng và khối lượng giao dịch thấp? Coi chừng! Đây có thể là một Bear Trap!

Xem thêm: 

Sử dụng chỉ báo khối lượng Volume để nhận biết bẫy Bear trap

Sử dụng chỉ báo khối lượng Volume để nhận biết bẫy Bear trap (Nguồn: Internet)

Đây là biểu đồ 10 phút của cổ phiếu Twitter từ ngày 26 – 27 tháng 8 năm 2015. Mũi tên dài màu đen xác định xu hướng tăng giá. Đột nhiên, đường xu hướng bị phá vỡ và giá bắt đầu giảm mạnh, được đánh dấu trong vòng tròn màu đỏ. Đồng thời, khối lượng giao dịch tương đối thấp, đây có thể là một dấu hiệu cho thấy sự đảo chiều.

Vậy, đây là một sự đảo chiều thực sự, hay là một Bear Trap?

Bear trap và Volume

Bear trap và Volume (Nguồn: Internet)

Sau khi xu hướng phá vỡ, Twitter hình thành cơ sở và sau đó phục hồi trở lại mức đỉnh gần đây.

Sau đó, Twitter phá vỡ mức thấp hơn của tam giác màu xanh, do đó tạo ấn tượng rằng vùng kháng cự quá mạnh để phá vỡ. Tuy nhiên, việc phá vỡ tam giác xảy ra trong thời gian khối lượng giao dịch thấp giống như lần phá vỡ trước đó của đường xu hướng tăng. Chúng ta có một đột phá giảm giá đáng ngờ thứ hai. Giờ thì sao?

Nhận biết Bear Trap và Volume

Nhận biết Bear Trap và Volume (Nguồn: Internet)

Nếu bạn đã bán khống sau khi phá vỡ xu hướng hoặc phá vỡ tam giác, bạn sẽ tự đưa mình vào một Bear Trap! Lưu ý rằng việc di chuyển cổ phiếu thực xảy ra khi có khối lượng giao dịch lớn. Những khối lượng lớn này không có trong hai lần breakdown, do đó một Bear Trap đã hình thành.

Nhận biết bẫy Bear Trap bằng các Mức Fibonacci (Fibonacci levels)

Fibonacci là một trong những công cụ hỗ trợ rất tốt trong việc nhận diện bẫy giảm giá. Tỷ lệ Fibonacci rất quan trọng để xác định sự đảo chiều xu hướng. Nếu giá không phá vỡ các mức Fibonacci quan trọng, bạn nên đặt câu hỏi rằng sự đảo chiều của giá có thực sự hay không? Những mini breaks này nên được coi là sự điều chỉnh xu hướng, chứ không phải là một breakout thực sự.

Bây giờ, hãy xem cách Fibonacci phù hợp như thế nào với kịch bản Bear Trap với cổ phiếu Twitter.

Nhận biết bẫy Bear Trap bằng các Mức Fibonacci (Fibonacci levels)

Bear Trap và Fibonacci levels (Nguồn: Internet)

Lưu ý rằng sau khi xu hướng bị gián đoạn, Twitter tìm thấy hỗ trợ mạnh mẽ ở Mức Fibonacci 23,6%. Các đáy tiếp theo thậm chí không gần với mức này. Trong trường này, giá chỉ bật lên trong vùng kháng cự màu xanh lam. Sau đó, xu hướng tăng mới xuất hiện.

Việc giá dừng lại ở một tỷ lệ quan trọng của Fibonacci và quay đầu chứng tỏ xu hướng tăng ban đầu vẫn còn rất mạnh, khả năng đảo chiều là không thể xảy ra và tín hiệu phá vỡ này là giả, đây là một bear trap.

Lưu ý, bear trap rất có thể xảy ra khi xu hướng hoặc giá không phá vỡ bất kỳ mức Fibonacci nào.

Nhận biết bẫy Bear Trap bằng công cụ kỹ thuật cung cấp tín hiệu phân kỳ

Tín hiệu phân kỳ chính là dấu hiệu nhận biết sắp có 1 Bear Trap. Để tìm ra sự phân kỳ, bạn phải kiểm tra xem chỉ báo và giá trên thị trường đang di chuyển theo hướng khác nhau hay ngược chiều, nhờ đó bạn có thể để xác định xem Bear Trap có xảy ra hay không. Nếu giá phá vỡ hướng xuống, nhưng các chỉ báo cho thấy tín hiệu tăng giá, thì chúng ta nên nghi ngờ động thái giảm giá có khả năng là một cái bẫy.

Các bạn nên sử dụng chỉ báo cung cấp các tín hiệu phân kỳ. Trong hình ảnh dưới đây, VnRebates sẽ hướng dẫn cách nhận biết Bear Trap với chỉ số sức mạnh tương đối (RSI)chỉ báo MACD.

Bear trap và tín hiệu phân kỳ

Bear trap và tín hiệu phân kỳ (Divergence) (Nguồn: Internet)

Đây là biểu đồ 10 phút của cổ phiếu Bank of America (BAC) từ ngày 12 đến ngày 16 tháng 11 năm 2015. Các đường màu xanh lam cho biết phạm vi giao dịch, mà BAC đã bị mắc kẹt trong phần lớn thời gian trong ngày. Vòng tròn màu đỏ hiển thị sự đánh thủng (breakdown) trong đường màu xanh lam.

Các đường màu xanh lam cho biết sự phân kỳ giữa giá và hai bộ dao động. Đường màu đỏ trên biểu đồ cho thấy giá đang tạo ra các mức thấp hơn, đồng thời MACD và RSI rõ ràng đang đi lên. Điều này tạo ra hai sự phân kỳ tăng giá giữa giá và hai chỉ báo, bất chấp sự xuất hiện của breakout giảm giá. Đây là một dấu hiệu cho thấy bạn không nên vào một vị thế bán. Bây giờ chúng ta hãy xem giá thực sự thay đổi như thế nào?

Bear Trap và tín hiệu phân kỳ (Divergence)

Bear Trap và tín hiệu phân kỳ (Divergence)

Sau khi breakout giảm giá, giá bắt đầu tăng ổn định. Điều này có nghĩa là tín hiệu đảo chiều là tín hiệu giả, đây chính là một Bear Trap. May mắn thay, bạn đã tránh được bẫy Bear Trap bằng cách phát hiện ra hai sự phân kỳ giữa giá, RSI và MACD.

Xem thêm: 5 chỉ báo kĩ thuật phân tích biểu đồ giá vàng hiệu quả

Cách phòng tránh bẫy Bear trap trong chứng khoán

Những trader dày dặn kinh nghiệm trong thị trường cũng không ít lần sập bẫy Bear Trap nên những trader mới vào nghề rất khó nhận biết để tránh được mọi bẫy giảm giá này. VnRebates sẽ hướng dẫn các trader cách phòng tránh bẫy giảm giá Bear Trap hiệu quả nhất.

  • Không trade breakout khi chưa thực sự hiểu được hành vi của giá. Tránh vào lệnh quá muộn khi một trend đã đi đến hồi kết.
  • Các bạn cần luyện tập đọc các tín hiệu một cách cẩn thận. Sử dụng các mẫu hình nến đảo chiều cùng các chỉ báo mà VnRebates gợi ý ở trên để xác định breakout là thật hay chỉ là tín hiệu giả của bẫy Bear Trap.
  • Tránh tham gia thị trường khi chỉ báo khối lượng không đưa ra dấu hiệu tăng rõ rệt.
  • Bán khống có thể đem lại lợi nhuận khủng nhưng chỉ thích hợp với những trader chuyên nghiệp hàng đầu thị trường. Do đó, nếu bạn chỉ là một trader newbie thì hãy cẩn trọng với việc bán khống.
  • Bear Trap hình thành khi có xu hướng giảm, vì vậy bạn nên quan sát xu hướng giảm đã diễn ra trong bao lâu và hạn chế tham gia thị trường khi xu hướng giảm kéo dài.
  • Trở thành người đặt bẫy: các trader chuyên nghiệp có thể tận dụng thời điểm Bear Trap để kiếm lời. Khi bạn nhận thấy một bear/bull trap, có nghĩa là khả năng cao một xu hướng mới đang hình thành và nếu may mắn bạn có thể bắt được trend từ rất sớm.

Cách phòng tránh bẫy bear trap trong chứng khoán?

Cách phòng tránh bẫy Bear trap trong chứng khoán (Nguồn: Internet)

Làm thế nào để giảm thiểu thua lỗ khi đã lỡ sập bẫy Bear Trap?

Việc sập bẫy giảm giá đồng nghĩa với thua lỗ, nhưng quan trọng là hạn chế được thua lỗ thay vì để cháy tài khoản. Bạn có thể tuân theo một số nguyên tắc sau để hạn chế thua lỗ:

  • Sử dụng lệnh cắt lỗ (stop loss): Đây là quy tắc tuyệt đối không thể thiếu của mọi trader dù chuyên nghiệp đến đâu khi tham gia thị trường. Một trong những cách để hạn chế thua lỗ khi bán khống là thông qua lệnh cắt lỗ – công cụ sẽ giúp bạn “cầm máu” tránh được khoản thua lỗ có thể tới vô hạn.
  • Cẩn trọng khi sử dụng tỷ lệ đòn bẩy cao.
  • Tuân thủ nguyên tắc không “all in one” – tất tay với thị trường để tránh nguy cơ cháy tài khoản. Luôn đặt việc quản lý vốn lên hàng đầu bởi sự nguy hiểm của bẫy Bear Trap đến từ sự tự tin thái quá và mất cảnh giác của trader.

>> Xem thêm: 

Thị trường tài chính, thị trường chứng khoán đầy rẫy những cạm bẫy và mánh khóe luôn chực chờ những trader thiếu kinh nghiệp sập bẫy và Bear Trap, Bull Trap là một trong những cái bẫy vô cùng phổ biến. Để tránh mắc bẫy giảm giá này, trader cần phải trau dồi kiến thức và nâng cao kinh nghiệm giao dịch.

Nắm rõ và thực hành phân tích kỹ thuật trong giao dịch, đặc biệt là các chỉ báo kỹ thuật là phương thức quan trọng giúp trader nhận biết được các Bear Trap để tránh. Hãy kiên nhẫn khi giao dịch và đừng bị cuốn theo đà giảm giá trên thị trường.

VnRebates – Hoàn tiền mọi giao dịch tài chính

Theo Investopedia, Forex Trading, Business Insider

Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.