VNREBATES

Chỉ số chứng khoán là gì? Các chỉ số chứng khoán hàng đầu thế giới

10.01.2023, 22:46 36 phút đọc

Khi tìm hiểu về thị trường chứng khoán, nhà đầu tư cần tìm hiểu về những chỉ số chứng khoán để phân tích và chọn ra một hoặc nhiều cổ phiếu một cách có cơ sở. Các chỉ số tài chính hay chỉ số chứng khoán không đảm bảo 100% khả năng sinh lời nhưng sẽ là nền tảng củng cố vững chắc cho sự lựa chọn của bạn. Vậy chỉ số chứng khoán là gì, các chỉ số chứng khoán hàng đầu thế giới và sức ảnh hưởng của nó như thế nào? Theo dõi bài viết dưới đây của Vnrebates nhé.

Xem thêm:

Tổng quan về Chỉ số chứng khoán Thế giới

Chỉ số chứng khoán là gì?

Chỉ số chứng khoán là một nhóm cổ phiếu xác định trên thị trường chứng khoán của một quốc gia, phản ánh chính xác tình hình của thị trường kinh tế và thị trường chứng khoán của quốc gia đó. Chỉ số chứng khoán được tổng hợp từ danh mục các cổ phiếu theo phương pháp tính nhất định. Thông thường là tập hợp các cổ phiếu đầu ngành (bluechip) vì những cổ phiếu này có vốn hóa lớn và có khả năng dẫn dắt thị trường.

Các chỉ số chứng khoán là dữ liệu để đo độ mạnh nền kinh tế

Các chỉ số chứng khoán là dữ liệu để đo độ mạnh nền kinh tế (Nguồn: Internet)

Các chỉ số được áp dụng trong thị trường chứng khoán được chia thành nhiều loại dựa vào tính chất của việc thống kê. Trong đó, 3 loại chỉ số quan trọng nhất nhất là chỉ số chứng khoán quốc gia, chỉ số phân tích tài chínhchỉ số phân tích kỹ thuật chứng khoán.

Xem thêm: Những kiến thức cơ bản về chứng khoán cho nhà đầu tư F0

Ý nghĩa của các chỉ số chứng khoán

Các chỉ số chứng khoán được giao dịch với khối lượng lớn và rất phổ biến trong cộng đồng nhà đầu tư. Không chỉ các trader mới vào nghề mà các chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm cũng ưu thích sử dụng chỉ số chứng khoán cho kế hoạch đầu tư cả ngắn hạn hay dài hạn của mình.

Chỉ số chứng khoán cung cấp số liệu cần thiết và quan trọng cho các nhà đầu tư để giúp họ quyết định có nên mua cổ phiếu của doanh nghiệp đó hay không. Chỉ số chứng khoán cũng thể hiện sự biến động thị trường hay đại diện cho sức khỏe của nền kinh tế mà họ theo dõi, những thay đổi trong nền kinh tế có thể khiến biến động của chỉ số tăng lên dẫn đến cơ hội giao dịch lớn.

Các chỉ số chứng khoán quan trọng

Các chỉ số của các nền kinh tế lớn nhất cũng là những chỉ số chứng khoán quan trọng nhất và được quản lý bởi các sàn giao dịch của các nước phát triển. Là một nền kinh tế đứng đầu thế giới nên các chỉ số chứng khoán của Hoa Kỳ cũng là những chỉ số có ý nghĩa nhất trên thị trường chứng khoán toàn cầu. S&P 500 (SPX), Chỉ số Trung bình Công nghiệp Dow Jones (DJI) và Nasdaq Composite (IXIC) là các chỉ số lớn nhất trên thế giới dựa trên vốn hóa thị trường của các thành phần.

Tên của chỉ số thường thể hiện số lượng các công ty con. Ví dụ, Nikkei 225 (NI225) biểu thị có 225 công ty và được xem là một chỉ báo hàng đầu của thị trường chứng khoán Nhật Bản. Giá trị của một chỉ số thường được tính dựa trên giá hoặc vốn hóa thị trường của các bộ phận của nó. Chúng được gọi là chỉ số trung bình theo giá và chỉ số vốn hóa. Nhiều nhà đầu tư chú ý đến các chỉ số chính vì chúng thường cho thấy tình trạng của toàn bộ nền kinh tế.

Dưới đây là danh sách các chỉ số chứng khoán quan trọng trên thế giới mà các nhà đầu tư cần theo dõi thường xuyên:

  • Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones (DJIA) là một chỉ số có giá theo dõi 30 công ty blue chip lớn, thuộc sở hữu chính phủ, giao dịch trên thị trường chứng khoán New York và NASDAQ.
  • Chỉ số tổng hợp Nasdaq – Nasdaq Composite: là chỉ số thị trường chứng khoán của các cổ phiếu phổ thông và chứng khoán tương tự được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq.
  • Chỉ số Nasdaq 100: là chỉ số bao gồm 100 công ty phi tài chính lớn nhất trong nước và quốc tế được liệt kê trên Nasdaq.
  • Chỉ số S&P 500: chỉ số cổ phiếu của 500 công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất niêm yết trên NYSE hoặc NASDAQ, thuộc sở hữu của Standard & Poor.
  • Chỉ số Russell 3000: chỉ số đo lường hiệu suất của 3000 công ty lớn nhất của Hoa Kỳ, chiếm khoảng 98% thị trường vốn cổ phần có thể đầu tư của Hoa Kỳ.
  • Chỉ số Euro Stoxx 50: chỉ số vốn hóa thị trường của 50 cổ phiếu Eurozone, cung cấp một đại diện blue-chip của các những công ty hàng đầu trong các lĩnh vực tại Eurozone.
  • Chỉ số FTSEurofirst 300: chỉ số giá trọng vốn hóa đo lường hiệu suất của 300 công ty lớn nhất châu Âu bằng cách vốn hóa thị trường, bao gồm 70% vốn hóa thị trường châu Âu.
  • Chỉ số tổng hợp SSE: chỉ số của tất cả các cổ phiếu niêm yết (cổ phiếu A và cổ phiếu B) tại Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải.
  • Chỉ số Hang Seng: chi số Hang Seng ghi nhận những thay đổi hàng ngày của 50 công ty lớn nhất tại Hồng Kông và chiếm khoảng 58% vốn hóa của Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông.
  • Chỉ số Nikkei 225: chỉ số thị trường chứng khoán cho Sở giao dịch chứng khoán Tokyo. Chỉ số Nikkei 225 là chỉ số giá bình quân gia quyền của 225 loại cổ phiếu công ty lớn nhất trên thị trường chứng khoán Tokyo.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ quan trọng

1. Chỉ số Dow Jones DJIA

Chỉ số Dow Jones (DJIA) tổng hợp chỉ số của 30 công ty lớn nhất nước Mỹ (không tính công ty nông nghiệp) như: tài chính, công nghệ, tài chính, bán lẻ và tiêu dùng. Đây là một trong những chỉ số lâu đời nhất nổi tiếng nhất và được sử dụng thường xuyên nhất trên thế giới.

Mặc dù thống kê chính xác và kịp thời các công ty hàng đầu giá trị nhất nước Mỹ nhưng chỉ số Dow Jones cũng có một số nhược điểm như không có tính đa dạng, nó chỉ là chỉ số theo giá chứ không theo dõi hiệu suất thực tế của các công ty được niêm yết.

 

Chỉ số Dow Jones tổng hợp chỉ số của 30 công ty lớn nhất nước Mỹ

Chỉ số Dow Jones tổng hợp chỉ số của 30 công ty lớn nhất nước Mỹ (Nguồn: Internet)

2. Chỉ số S&P500

Chỉ số Standard and Poor hay còn gọi là S&P500 là chỉ số dựa trên cổ phiếu phổ thông của 500 loại cổ phiếu được lựa chọn từ 500 công ty có mức vốn hóa thị trường lớn nhất của Mỹ được niêm yết trên NYSE hoặc NASDAQ. Tỷ lệ và loại cổ phiếu được sử dụng để tính toán được quyết định bởi công ty S&P Dow jones indices.

Rất nhiều nhà đầu tư coi chỉ số S&P500 là thước đo tốt và khách quan nhất của nền kinh tế Mỹ vì Ủy ban nghiên cứu kinh tế quốc gia cũng xác nhận giá trị cổ phiếu phổ thông là nhân tố hàng đầu của chu kỳ kinh tế. Thống kê cho thấy chỉ số này chiếm 80% tổng giá trị thị trường của nước Mỹ.

Chỉ số SP500 là thước đo tốt và khách quan nhất của nền kinh tế Mỹ

Chỉ số SP500 là thước đo tốt và khách quan nhất của nền kinh tế Mỹ (Nguồn: Internet)

3. Chỉ số Nasdaq-100

Chỉ số Nasdaq được tổng hợp và xây dựng dựa vào tất cả những cổ phiếu niêm yết trên sàn Nasdaq. Đặc biệt, chỉ số Nasdaq-100 là danh sách thống kê 100 công ty lớn nhất trên sàn Nasdaq không bao gồm doanh nghiệp hoạt động trong ngành tài chính. Vì đây là sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất nước Mỹ nên các chỉ số của các công ty gắn liền với sàn này cũng rất quan trọng. Chỉ số này gắn liền với các cổ phiếu công nghệ, tài chính, công nghiệp, bảo hiểm và vận tải.

Các công ty trên NASDAQ có khuynh hướng nhỏ hơn và trẻ hơn những công ty trên sàn New York (NYSE). Chỉ số này thường được coi như một chỉ số “cổ phiếu kỹ thuật” đơn giản bởi vì hỗn hợp của nó là hầu hết các công ty công nghệ kỹ thuật mới.

Chỉ số Nasdaq là danh sách thống kê 100 công ty lớn nhất trên sàn Nasdaq

Chỉ số Nasdaq là danh sách thống kê 100 công ty lớn nhất trên sàn Nasdaq không gồm doanh nghiệp hoạt động trong ngành tài chính (Nguồn: Internet)

Xem thêm: Chỉ số USD Index – Thước đo sức mạnh tuyệt đối của đồng bạc xanh

Các chỉ số phân tích kỹ thuật cơ bản trong chứng khoán

Khi tham gia vào thị trường chứng khoán thì nếu bạn biết phân tích kỹ thuật thông qua các mô hình và chỉ số phân tích có sẵn là một ưu thế. Điều này giúp nhà đầu tư tự tin hơn với lựa chọn cũng như hạn chế tối đa rủi ro nhờ việc dự án được xu hướng biến động của giá cổ phiếu. Dưới đây là một vài chỉ số phân tích kỹ thuật cơ bản trong chứng khoán bạn nên biết.

Xem thêm: Lệnh long – short là gì? Chiến lược đánh Long – Short trong chứng khoán

Đường trung bình động MA

Đường MA hay còn gọi là Moving Average là chỉ số báo hiệu xu hướng biến động của giá cổ phiếu được tính dựa trên biến động giá đóng cửa và khối lượng giao dịch cổ phiếu trong một thời gian xác định.

Đường MA thường có những mốc ngắn hạn như MA10 (10 ngày), MA20 (20 ngày), trung hạn như MA50 (50 ngày), dài hạn như MA100 (100 ngày), MA200 (200 ngày). 

  • Trường hợp đường giá cắt đường MA theo chiều từ dưới cắt lên nghĩa là giá cổ phiếu xu hướng tăng dần có nghĩa giá có thể có xu hướng tăng trong ngắn hạn. 
  • Trường hợp đường giá cắt đường MA theo chiều từ trên cắt xuống nghĩa là đang báo động giá giảm.
  • Trường hợp đường MA ngắn hạn cắt đường MA dài hạn theo chiều từ dưới lên đang báo động giá cổ phiếu trong ngắn hạn có xu hướng tăng so với dài hạn.
Đường trung bình động MA là công cụ phân tích kỹ thuật rất phổ biến

Đường trung bình động MA là công cụ phân tích kỹ thuật rất phổ biến (Nguồn: Internet)

Đường trung bình động hội tụ phân kỳ MACD

Đường MACD hay Moving Average Convergence Divergence là một trong những chỉ số phân tích kỹ thuật quan trọng nhất trong đầu tư chứng khoán. 

Công thức tính:

MACD = EMA (12) – EMA (26)

Trong đó:

EMA là đường trung bình động lũy thừa được tính bằng công thức hàm mũ. Với chỉ số EMA nhà đầu tư có thể xác định được xu hướng tăng giảm giá chính xác hơn đường SMA (Đường MA cơ bản)

  • Trường hợp đường MACD trên mức 0: Điều này thể hiện giá cổ phiếu trung bình trong 12 ngày cao hơn giá trung bình trong 26 ngày, cho thấy sự tích cực trong diễn biến ngắn hạn sắp tới.
  • Trường hợp đường MACD dưới mức 0: Điều này thể hiện giá cổ phiếu trung bình trong 12 ngày thấp hơn hơn giá trung bình trong 26 ngày, cho thấy dấu hiệu giảm của thị trường.

Chỉ số RSI sức mạnh tương đối

Chỉ số RSI (Relative Strength Index) được áp dụng trong rất nhiều thị trường tài chính hàng hoá không chỉ riêng chứng khoán. RSI giúp nhà đầu tư phát hiện sớm các dấu hiệu quá mua hoặc quá bán của cổ phiếu.

Công thức tính:

RSI = 100 – [ 100 / ( 1 + Mức tăng trung bình / Tổn thất trung bình ) ]

Thời gian tính RSI thường là mốc 14, ví dụ 14 ngày đối với đồ thị ngày và 14 giờ đối với đồ thị giờ.

RSI có giá trị từ 0 đến 100. Cách báo hiệu của RSI theo giá trị như sau:

  • Trường hợp RSI lớn hơn 70 ở một thời điểm xác định nghĩa là cổ phiếu đang ở vùng quá mua hay còn hiểu là mua quá mức. Điều ngày cảnh báo xu hướng đảo ngược giá nhà đầu tư nên lưu ý.
  • Trường hợp RSI thấp hơn 30 nghĩa là cổ phiếu đang ở vùng quá bán, giá cổ phiếu ở vùng này thường ở mức đáy và có thể sẽ tăng cao do khối lượng giao dịch tăng.
  • Trường hợp RSI giữa mức 30 và 70 được xem là vùng trung tính. Nếu đường RSI có xu hướng tăng cắt từ vùng trung tính vừa qua vùng quá mua báo hiệu thời điểm tích cực nên mua và ngược lại.

Chỉ báo Fibonacci

Chỉ báo Fibonacci là chỉ báo quen thuộc trong phân tích kỹ thuật, có nguồn gốc từ lý thuyết toán học đình đám của Leonardo Fibonacci. Theo lý thuyết này, xét dãy số bắt đầu từ 0 và 1, theo quy luật số tiếp theo là tổng 2 số liền trước, dãy số Fibonacci sẽ có quy luật như sau: 0, 1, 1, 2, 3, 5, 8, 13, 21, 34,… Từ dãy số này, người ta dễ dàng tính toán được tỷ lệ giữa 2 số liên tiếp trong dãy số sẽ gần bằng 1,618 và gọi đây là một tỷ lệ vàng. Fibonacci được ứng dụng phổ biến trong việc thiết kế đối xứng, vẽ tranh, xây dựng,… và ngay cả trong phân tích kỹ thuật chứng khoán. 

Trong các loại Fibonacci thì trong chứng khoán, Fibonacci thoái lui là thông dụng nhất, tiếp đến là Fibonacci mở rộng và Fibonacci hình xoắn ốc,… Khi có biến động giá chứng khoán, các mức kháng cự và hỗ trợ sẽ xuất hiện các tỷ lệ vàng quan trọng là 0.236, 0.382; 0.5; 0.618 và 1. Nhờ vào tỷ lệ này mà nhà đầu tư có thể xác định được điểm giao dịch tiềm năng. 

Tuy nhiên, để thực hiện dự đoán bằng chỉ số này cần nhà đầu tư thực hành thường xuyên để xác định được điểm đỉnh và điểm đáy. Sau đó, nhà đầu tư sẽ thao tác trên nền tảng giao dịch và kéo chuột từ điểm đầu đỉnh và đợt chân đáy của từng đợt tăng. Tỷ lệ Fibonacci sẽ tự động xuất hiện trên biểu đồ và nhà đầu tư có thể dễ dàng xác định được xu hướng tiếp theo.

Các chỉ số phân tích tài chính doanh nghiệp quan trọng trong chứng khoán

ROA (Return on total assets)

Chỉ số ROA là tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản dùng để đo lường khả năng sinh lợi trên mỗi đồng tài sản của doanh nghiệp.

Công thức tính:

ROA = Lợi nhuận ròng dành cho cổ đông thường / Tổng tài sản

Đây là chỉ số đánh giá hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp được dùng phổ biến nhất. Thông thường, nhà đầu tư trước khi chọn cổ phiếu sẽ cần đánh giá ROA của doanh nghiệp qua mỗi năm và so với các doanh nghiệp cùng ngành. 

ROE (Return on equity)

ROE là tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu. Đây là chỉ số rất quan trọng để xác định được khả năng sinh lợi trong tương lai của cổ phiếu nhờ vào tiềm lực của chính doanh nghiệp

Công thức tính:

ROE = Lợi nhuận ròng dành cho cổ đông / Vốn cổ phần

Tỷ lệ ROE cao qua các tháng nói lên sự phát triển ngắn hạn và dài hạn của công ty. Ở mỗi ngành khác nhau thường có tỷ lệ ROE khác nhau, điển hình như nhóm ngành dịch vụ công nghiệp khoảng 8.5%, nhóm ngành xây dựng là 11%. Để đánh giá được hiệu quả của một công ty cụ thể, nhà đầu tư cần so sánh giữa các công ty khác cùng ngành để có kết luận chính xách nhất.

P/B (Price-to-Book ratio)

Chỉ số P/B được dùng để so sánh giá trị thị trường của cổ phiếu và giá trị sổ sách của cổ phiếu đó.

Công thức tính:

P/B = Giá cổ phiếu hiện hành / Giá cổ phiếu sổ sách tại quý gần nhất

Trong đó, giá cổ phiếu sổ sách = ( Tổng giá trị tài sản – Giá trị tài sản vô hình – Nợ phải trả ) / Số lượng cổ phiếu đang lưu hành

  • Trường hợp doanh nghiệp cụ thể có P/B < 1, tức thị giá thấp hơn giá trị ghi sổ, về lý thuyết điều này có ý nghĩa là giá trị cổ phiếu hiện tại chưa đạt đúng giá trị vốn có và có khả năng tăng trưởng.
  • Trường hợp doanh nghiệp có P/B > 1, phản ánh về kỳ vọng của các nhà đầu tư với cổ phiếu nên sẵn sàng trả mức giá cao hơn nhiều so với giá trị sổ sách để mua vào. 

Tuy nhiên, chỉ số P/B cần được kết hợp với nhiều chỉ số khác và nhìn nhận trong thời gian dài để xác định được tiềm năng tăng trưởng của công ty trong tương lai ngắn. 

P/E (Price to Earning ratio)

Chỉ số P/E thể hiện mối quan hệ giữa giá cổ phiếu thị trường và doanh thu trên mỗi cổ phiếu. Hiểu cách đơn giản là giá cổ phiếu thực tế theo lợi nhuận của công ty.

Công thức tính:

P/E = Giá thị trường của cổ phiếu / Lợi nhuận trên một cổ phiếu

Chỉ số P/E > 15 thường được cho là an toàn khi chọn cổ phiếu đầu tư. Chỉ số P/E càng cao càng thể hiện được sự kỳ vọng của nhà đầu tư về tiềm năng tăng lợi nhuận của cổ phiếu trong thời gian tới.

EPS (Earnings per share) 

Chỉ số EPS là tỷ lệ thể hiện lợi nhuận sau thuế của công ty phân bổ trên mỗi cổ phiếu thường đang được lưu hành. Đây là chỉ số được xem là đáng tin cậy vì phản ánh sát sao khả năng sinh lợi của một công ty.

Công thức tính:

EPS cơ bản = ( Lợi nhuận sau thuế – Cổ tức ưu đãi ) / Số lượng bình quân gia quyền của cổ phiếu lưu hành trong kỳ

EPS pha loãng = ( Lợi nhuận sau thuế – Cổ tức ưu đãi ) / ( Số lượng bình quân gia quyền của cổ phiếu được lưu hành trong kỳ + Số lượng cổ phiếu sẽ được chuyển đổi )

Ví dụ về sự khác biệt giữa EPS cơ bản và EPS pha loãng như sau: 

  • Lợi nhuận sau thuế của công ty X năm 2021 là 500 tỷ đồng
  • Số lượng cổ phiếu đang lưu hành là 20 triệu cổ phiếu.
  • Sắp tới công ty dự định phát hành thêm 20 triệu cổ phiếu.

Như vậy, EPS cơ bản là 25.000đ, trong khi đó, EPS pha loãng là 12.500đ.

Khi đánh giá doanh nghiệp bằng EPS cần xét cả 2 chỉ số EPS cơ bản và EPS pha loãng để có kết luận chính xác nhất. Doanh nghiệp được xem có tiềm năng và ổn định khi chỉ số EPS tăng đều qua từng năm.

Nhà đầu tư nên nắm rõ các chỉ số phân tích tài chính để chọn mua chứng khoán tốt

Nhà đầu tư nên nắm rõ các chỉ số phân tích tài chính để chọn mua chứng khoán tốt (Nguồn: Internet)

Các chỉ số chứng khoán trên nói lên điều gì?

1. Thể hiện tâm lý của nhà đầu tư

Giá của cổ phiếu bị tác động chủ yếu do quy luật cung cầu trên thị trường. Vì vậy các chỉ số chứng khoán này phản ảnh rất rõ tâm lý cũng như thái độ của nhà đầu tư đối với thực trạng nền kinh tế. Anh em còn nhớ đợt dịch Corona bắt đầu từ tháng 3/2020 chứ? Các chỉ số DowJone, Vn30 sụt giảm hơn 50% giá trị. Nhưng khi tình hình ổn giá lại tiếp tục tăng trưởng và liên tục tạo ra các ATH (All time high).

2. Thể hiện sự tăng trưởng của kinh tế

Không chỉ thể hiện được tâm lý nhà đầu tư mà chỉ số chứng khoán còn cho ta thấy được sự suy giảm hay phát triển của nền kinh tế. Là một kênh tích lũy tài chính nên khi kinh tế phát triển thị trường chứng khoán cũng tăng trưởng. Từ đó, các nhà đầu tư sẽ quan tâm nhiều đến cổ phiếu hơn dẫn đến chỉ số này tăng.

3. Thể hiện hiệu suất hiện tại của thị trường chứng khoán

Tỷ lệ giá trị vốn hóa của thị trường ở thời điểm hiện tại so với giá trị vốn hóa của thị trường tại ngày cơ sở được coi là hiệu suất của thị trường chứng khoán.

Bằng cách xem xét, đánh giá chỉ số chứng khoán thì các nhà đầu tư tổ chức hay cá nhân có thể xác định được tình hình thị trường đang tích cực hay bất ổn. Ngoài ra xem xét các chỉ số chứng khoán ta cũng có thể biết được dòng tiền hiện tại đang đổ vào đâu, nhóm ngành nào hay dịch chuyển hẳn ra khỏi chứng khoán mà tìm đến các kênh trú ẩn như tiền mặt, vàng, Crypto…

4. Thể hiện sự giảm sút của nền kinh tế

Khi thi hoạt động trên thị trường suy thoái hay tụt dốc thì chỉ số chứng khoán cũng biến động theo. Không thể khẳng định rằng, việc đánh giá một thị trường là phát triển hay không chỉ dựa vào các chỉ số chứng khoán vì có khả năng tạo ra bong bóng. Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận các chỉ số chứng khoán là thứ đầu tiên khi chúng ta quyết định xuống tiền.

Các chỉ số này là một trong những cơ sở đánh giá thị trường. Từ đó anh em có thể đề ra kế hoạch đầu tư tiếp theo hợp lý nhất.

5. Các chỉ số chứng khoán Mỹ ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam như thế nào?

Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam kể từ khi BTA được ký kết vào năm 2000. Thương mại đã trở thành một trụ cột của mối quan hệ song phương ngày càng phát triển của hai nước. Điểm hấp dẫn đối với doanh nghiệp Việt ở chỗ Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới (trên 2.000 tỷ USD mỗi năm) với nguồn vốn, công nghệ dồi dào. Đây chính là thị trường màu mỡ đầy tiềm năng.

Ngược lại, Việt Nam hấp dẫn doanh nghiệp Hoa Kỳ với thị trường gần 100 triệu người tiêu dùng, tăng trưởng tích cực, chính sách thông thoáng, kết nối chặt chẽ với thị trường ASEAN và nhiều thị trường lớn trên thế giới nhờ mạng lưới các hiệp định thương mại tự do. Vì vậy khi thị trường Mỹ tăng trưởng các doanh nghiệp sẽ tiếp tục rót vốn đầu tư sẽ trực tiếp tác động giúp cho các doanh nghiệp Việt phát triển qua đó giúp các chỉ số chứng khoán tăng trưởng.

6. Làm sao để giao dịch được chỉ số? Có nên giao dịch không?

Hiện nay các sàn giao dịch kể cả trong nước và ngoài nước đều cho giao dịch chỉ số theo dạng phái sinh. Anh em có thể giao dịch chỉ số chứng khoán Mỹ ở các sàn quốc tế. Còn trong nước có rất nhiều công ty chứng khoán hỗ trợ anh em giao dịch các chỉ số như VN30, VN-Index.

Giao dịch chỉ số thường dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp vì độ biến động khá cao do đó không khuyến khích cho các nhà đầu tư mới.

Có nhiều nhà đầu tư lại thích giao dịch chỉ số chung như vậy vì họ không thích phải phân tích từng công ty riêng lẻ. Mà họ thường đánh giá tình hình chung của nền kinh tế thông qua các phân tích cơ bản, cách chính sách tiền tệ của các quốc gia. Sau đó dựa vào đó mà đầu tư vào các chỉ số chứng khoán mà họ cho là có khả năng tăng trưởng.

Đầu tư chứng khoán quốc tế

Đầu tư chứng khoán đặc biệt là chứng khoán quốc tế đang dần trở thành một thuật ngữ quen thuộc trên thị trường tài chính. Kênh đầu tư này đem về lợi nhuận rất cao, tuy nhiên cũng kèm theo một số rủi ro nhất định. Trên thực tế, làm giàu chưa bao giờ là điều dễ dàng và cơ hội đạt được đỉnh cao tài chính không dành cho tất cả mọi người. Vậy, để có thể tham gia vào thị trường chứng khoán quốc tế, bạn cần phải làm những gì?

Lựa chọn một nhà môi giới phù hợp

Khi mới bước chân vào thị trường chứng khoán, lựa cho mình một nhà môi giới uy tín và phù hợp là bước đệm đầu tiên vô cùng quan trọng. Có rất nhiều tiêu chí đối với nhà môi giới mà bạn cần quan tâm. Đầu tiên, bạn nên kiểm tra tình trạng quy định của nhà môi giới mà bạn đang có ý định sử dụng. Thực hiện giao dịch với một nhà môi giới được cấp phép bởi tổ chức tài chính uy tín là vô cùng quan trọng, đảm bảo tính an toàn cho số vốn đầu tư cũng như hạn chế rủi ro ở mức tối đa cho người sử dụng.

Ngoài ra, bạn cũng cần xem xét các yếu tố sau:

  • Phí giao dịch (spread, phí hoa hồng)
  • Đòn bẩy
  • Thủ tục nạp rút tiền
  • Số dư tối thiểu và khối lượng giao dịch tối thiểu
  • Tốc độ khớp lệnh
  • Dịch vụ khách hàng

Mở một tài khoản giao dịch chứng khoán quốc tế

Tài khoản chứng khoán là nơi lưu giữ tiền và thực hiện các hoạt động giao dịch. Để tham gia vào thị trường chứng khoán, bạn cần thiết lập một tài khoản cho mình. Giống như tạo tài khoản ngân hàng, thủ tục mở tài khoản chứng khoán vô cùng đơn giản. Sau khi đăng nhập vào trang web của nhà môi giới, bạn chỉ cần điền một số thông tin cơ bản (họ tên đầy đủ, email, số điện thoại) và cung cấp một số giấy tờ xác minh danh tính và địa chỉ là đã có tài khoản giao dịch chứng khoán quốc tế.

Thực hành đầu tư trên tài khoản demo

Giao dịch trên tài khoản demo là giao dịch mô phỏng cho phép các trader thực hành mua và bán mà không gặp rủi ro về vốn thực tế. Ngoài ra cũng có thể học được cách quan sát thị trường rất tốt vì biểu đồ trong tài khoản ảo cũng hoàn toàn giống  giao dịch thật nên áp dụng các lý thuyết đã học vào thực hành mà không lo mất tiền thật là một lợi thế rất lớn.

Không phải tự nhiên mà người ví đầu tư chứng khoán không giống như những trò chơi đỏ đen, nên việc trau dồi kiến thức và kỹ năng giao dịch mới thực sự mang đến thành công cho bạn.

Tham khảo: Chơi Forex ảo không tốn phí? Top 5 ứng dụng chơi thử Forex hàng đầu

Top 10 sàn chứng khoán lớn nhất thế giới

Hầu như nhà đầu tư nào cũng biết Sàn giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) là “ngôi nhà” của những cổ phiếu blue chip quan trọng nhất. Các tập đoàn khổng lồ như Walmart, Berkshire Hathaway, Exxon Mobil và Coca-Cola đều niêm yết trên sàn này cùng với gần 2.400 công ty khác, với tổng giá trị vốn hóa lên đến gần 20 nghìn tỷ USD.

1. Sàn chứng khoán New York (NYSE)

Sàn giao dịch chứng khoán New York có mức giá trị vốn hóa 19.223 tỷ USD (năm 2018) được thành lập: 1792, đến nay, giá trị giao dịch trung bình ngày trên sàn NYSE đạt trên 269 tỷ USD.

Phố Wall (New York, Mỹ) được mệnh danh là “Thánh địa của thương mại quốc tế” nên cũng không ngạc nhiên khi sàn giao dịch chứng khoán New York giữ vị trí số 1 trong danh sách.

2. Sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq

Sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq có giá trị vốn hóa: 6.831 tỷ USD (năm 2018) được thành lập năm 1971.

Sàn Nasdaq hiện thuộc sở hữu của Tập đoàn Nasdaq OMX. Tập đoàn này điều hành mạng lưới gồm nhiều sàn chứng khoán, trong đó có các sàn ở 8 nước châu Âu. Đây cũng là sàn chứng khoán đầu tiên ở Mỹ cho giao dịch trực tuyến.

3. Sàn giao dịch chứng khoán London

Sàn giao dịch chứng khoán London có giá trị vốn hóa: 6.187 tỷ USD (năm 2018) được thành lập vào năm 1801. Đây là một trong những sàn chứng khoán lâu đời nhất thế giới. Hiện sàn London có khoảng 3.000 công ty niêm yết từ 70 nước trên toàn cầu.

4. Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo

Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo có giá trị vốn hóa: 4.485 tỷ USD (năm 2018) được thành lập vào năm 1878. Đây là sàn chứng khoán lớn nhất châu Á với trên 2.200 công ty niêm yết, tính đến năm 2012. Năm ngoái, sàn Tokyo còn sáp nhập với Sàn chứng khoán Osaka.

5. Sàn chứng khoán Thượng Hải

Sàn chứng khoán Thượng Hải có giá trị vốn hóa: 3.986 tỷ USD được thành lập vào năm 1990.

Đây là sàn chứng khoán lớn thứ hai Trung Quốc và thứ 3 châu Á, hiện được quản lý bởi Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc. Do chịu sự giám sát của Chính phủ, sàn này không mở cửa hoàn toàn với nhà đầu tư nước ngoài và có tổng cộng 861 công ty niêm yết.

6.  Sàn giao dịch chứng khoán EuroNext

Sàn giao dịch chứng khoán EuroNext có giá trị vốn hóa: 3.321 tỷ USD (năm 2018) được thành lập vào năm 2000.

EuroNext được đặt tại Amsterdam (Hà Lan) và là sàn giao dịch của nhiều nước châu Âu. Sàn này có chi nhánh tại nhiều nước như Bỉ, Pháp, Bồ Đào Nha và Anh. Sau khi sáp nhập với Tập đoàn NYSE (Mỹ) năm 2007, EuroNext đã thực sự thành sàn chứng khoán toàn cầu.

7. Sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong

Sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong có giá trị vốn hóa: 3.325 tỷ USD (năm 2018) được thành lập vào năm 1891.

Đây là sàn chứng khoán lớn nhất Trung Quốc với 1.470 công ty niêm yết từ nhiều nước trên thế giới. Ban đầu, sàn này có tên “Hiệp hội các nhà môi giới Hong Kong”, sau đó được đổi tên như hiện nay năm 1914.

8. Sàn giao dịch chứng khoán Toronto

Sàn chứng khoán Toronto có giá trị vốn hóa: 2.781 tỷ USD (năm 2018) được thành lập năm 1852

Đây là sàn chứng khoán lớn nhất Canada và thứ 3 Bắc Mỹ, hiện được quản lý bởi Tập đoàn TMX. Sàn này hiện có trên 1.500 công ty niêm yết từ châu Âu, Canada và Mỹ, chủ yếu là các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng.

9. Sàn giao dịch chứng khoán (Đức)

Sàn giao dịch chứng khoán Deutsche Börse có giá trị vốn hóa 1.486 tỷ USD được thành lập năm 1994

Sàn chứng khoán Đức có nhiều chi nhánh tại các nước châu Âu, như Luxembourg, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ. Đây cũng là một trong số ít các sàn giao dịch trên thế giới có liên hệ với các tổ chức từ thiện.

10. Sàn giao dịch chứng khoán Australia (AXS)

Sàn giao dịch chứng khoán Australia có giá trị vốn hóa: 1.386 tỷ USD được thành lập năm 1861

Giá trị giao dịch trung bình trong ngày: 4.685 tỷ USD

Đây là sàn chứng khoán đầu tiên của Australia, đặt tại Melbourne. Kể từ khi thành lập, ASX đã có rất nhiều thay đổi và năm 2006 còn được sáp nhập với Sàn giao dịch tương lai Sydney.

Các sàn chứng khoán tại việt nam

Xuất hiện tại Việt Nam vào năm 2000, thị trường chứng khoán Việt Nam với nhiều bước phát triển đang phấn đấu sớm nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Đưa thị trường chứng khoán Việt Nam thành điểm đến an toàn, tin cậy, hiệu quả của các tổ chức tài chính quốc tế, các nhà đầu tư lớn trong khu vực và toàn cầu. Sau đây là top 5 sàn giao dịch chứng khoán tại Việt Nam:

1. Sàn giao dịch chứng khoán HOSE

Hose là tên viết tắt của Ho Chi Minh Stock Exchange là Sở giao dịch Chứng Khoán TP.Hồ Chí Minh. Vào năm 1998 thị trường chứng khoán tại Việt Nam đã thành lập ra Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh. Cho tới năm 2011, HOSE đã xây dựng và nghiên cứu 30 cổ phiếu hàng đầu về giá trị vốn hóa có mức thanh khoản tốt.

Chức năng của Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh giống như một thị trường thứ cấp cho một số phát hành trái phiếu hiện hữu. Cơ chế giao dịch của hệ thống đặt – khớp lệnh tự động với 300.000 lệnh mỗi ngày. Việc thanh toán của sở giao dịch được thực hiện qua ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam.

2. Sàn giao dịch chứng khoán HNX

Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội tên viết tắt là Hanoi Stock Exchange (HNX). Vào 8/3/2005 Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã chính thức khai trương và đi vào hoạt động. Vào năm 2010, HNX đã chính thức gia nhập thành viên thứ 19 của Liên đoàn các Sở giao dịch Chứng khoán châu Á và châu Đại Dương.

Thời gian làm việc của sở giao dịch là từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần: Sáng: 9h45 -12h30, chiều: 14h00 – 17h00.

3. Sàn chứng khoán Upcom

Upcom (Unlisted Public Company Market) là sàn giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết và được tổ chức tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Được xây dựng dựa trên nhu cầu phát triển của thị trường chứng khoán tại Việt Nam, Upcom có khung pháp lý cho thị trường đầy đủ, cơ chế linh hoạt và đem lại quyền lợi chính đáng cho các doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư. Điều kiện tham gia sàn giao dịch chứng khoán Upcom là chứng khoán đó được đăng ký lưu kí tại Trung tâm lưu ký và là chứng khoán của công ty đại chúng không niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán.

4. Sàn OTC

OTC hay Over the counter là loại cổ phiếu được phát hành ở các trung tâm giao dịch chứng khoán nhưng chưa niêm yết giá. Thanh khoản của các loại cổ phiếu OTC thường thấp nhưng lợi nhuận thì khá cao, đây được gọi là thị trường chứng khoán phi tập trung.

Sàn giao dịch chứng khoán phi tập trung OTC được sự quản lý, điều hành của các tổ chức do pháp luật quy định và sự quản lý của nhà nước.

Tuy nhiên nếu bạn có ý định muốn niêm yết công ty của mình trên sàn giao dịch này thì cũng không phải quá lo lắng, hiện nay sản OTC có hơn 500 doanh nghiệp tham gia niêm yết giá trị của mình tại đây.

5. Sàn giao dịch chứng khoán ảo Vnstockgame

VnStockgame hoạt động theo cách thức hoàn toàn giống như sàn giao dịch chứng khoán thành phô Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tại đây để tham gia trò chơi, bạn phải đăng ký là thanh viên của VNstockgame. Hệ thống sàn ảo Vnstockgame cho phép các nhà đầu tư đặt lệnh chờ ngoài các khoản thời gian quy định. Nguyên tắc khớp lệnh tại sàn giao dịch này sẽ lấy theo giá và khối lượng để làm cơ sở khớp lệnh. Trong một số trường hợp lệnh được khớp sẽ theo thứ tự ưu tiên về giá hoặc về thời gian.

Kết luận

Thị trường chứng khoán như là thước đo sức khỏe của nền kinh tế. Và các chỉ số chứng khoán cho chúng ta biết sức khỏe đó có đang tốt hay không. Khả năng phân tích các chỉ số chứng khoán cho bạn cái nhìn toàn cảnh về nền kinh tế, sự chuyển dịch dòng tiền và khả năng tăng trưởng trong tương lai. Biết được các chỉ số chứng khoán quan trọng này sẽ giúp ích được cho anh em rất nhiều trong quá trình đầu tư.

Theo dõi VnRebates để cập nhật tin tức Forex, Chứng khoán, Tiền điện tử mới nhất.

VnRebates – Hoàn tiền mọi giao dịch tài chính

Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.