VNREBATES

Vùng cung cầu là gì? Cách nhận biết và vẽ vùng cung cầu

12.09.2021, 06:00 15 phút đọc

Cung và cầu là hai khái niệm căn bản và cốt lõi trong thị trường tài chính. Tính chất của vùng cung cầu bao quát được bản chất và các quy luật của thị trường, do đó sử dụng vùng cung cầu là một trong những cách tốt nhất để chiến thắng được thị trường và kiếm lợi nhuận một cách đều đặn trong thị trường Forex. Nhưng tất nhiên, cách sử dụng chúng cũng không hề đơn giản mà đỏi hỏi anh em phải dành nhiều thời gian học hỏi và thực hành.

Để hiểu được phương pháp giao dịch với vùng cung cầu, trước hết chúng ta cần hiểu được về cấu trúc của thị trường và quy luật cung cầu trong Forex, vì nó được coi là nguồn gốc và bản chất của phương pháp này. Vùng cung cầu liên hệ trực tiếp tới quy luật cung cầu và động lực của thị trường, để hình thành nên các vùng quan trọng nơi giá có thể đảo chiều và tạo ra cơ hội tốt cho các nhà giao dịch.

Xem thêm: 

1. Quy luật cung cầu trong thị trường Forex

Khi bắt đầu học giao dịch theo cung cầu, anh em sẽ gặp phải những câu hỏi như vùng supply demand là gì, quy luật cung cầu là gì… Chúng ta sẽ trả lời những câu hỏi này bằng cách bắt đầu với lý thuyết cung cầu Forex, hay nói cách khác chính là quy luật cung cầu trong thị trường Forex.

Trong lý thuyết về phương pháp Wyckoff, chúng ta được biết thị trường thường tuần hoàn qua 4 giai đoạn chính là tích lũy – tăng trưởng – phân phối – suy thoái.

cấu trúc thị trường và vùng cung cầu

Cấu trúc thị trường liên quan đến vùng cung cầu

Trong kiến thức về vùng cung cầu, chúng ta sẽ quan tâm đến các giai đoạn tích lũy và phân phối, kết hợp với bản chất thị trường thông qua quy luật cung cầu như sau:

  • Quy luật cầu: giá của một mặt hàng càng cao thì lượng cầu càng ít (người mua không muốn mua thêm), ngược lại khi giá càng thấp thì cầu càng cao (người mua muốn mua với giá thấp).
  • Quy luật cung: giá càng cao thì cung càng cao (người bán muốn bán giá cao), trong khi giá giảm xuống thì cung cũng sẽ giảm (người bán không muốn bán giá thấp hơn).

Xem thêm:

2. Vùng cung cầu là gì?

Trong giai đoạn tích lũy, một xu hướng giảm vừa kết thúc do nguồn cung cạn kiệt, nhu cầu mua vào bắt đầu hiện hữu chuẩn bị cho sự tăng giá diễn ra. Do đó, giai đoạn này cũng còn được gọi là vùng cầu (nơi nhu cầu xuất hiện)

Ngược lại, trong giai đoạn phân phối là lúc xu hướng tăng chững lại, giá đã tăng đủ nhiều nên lực cầu dần mất đi và thay vào đó là lực cung tăng mạnh. Vì vậy, nơi đây cũng được gọi là vùng cung.

Về mặt hình thức, vùng cung cầu không khác gì các khu vực kháng cự và hỗ trợ mở rộng khi mà giá thường có xu hướng quay đầu hoặc đảo chiều xu hướng tại đây.

Hãy xét ví dụ dưới đây, chúng ta sẽ phân tích vai trò cũng như cách hoạt động của các vùng cung cầu, nơi mà cung lấn át cầu hoặc cầu lấn át cung.

vùng cung cầu

Cách hoạt động của vùng cung cầu

  • Đối với vùng cung: khi giá thị trường chạm tới vùng này, giá sẽ giảm xuống. Anh em có thể kiếm lợi nhuận bằng các lệnh bán tại đây.
  • Ngược lại, ở khu vực vùng cầu, nơi mà nhu cầu tăng mạnh sẽ đẩy giá tăng lên. Tại đây anh em có thể thực hiện các lệnh mua để thu về lợi nhuận tốt.
  • Nếu một vùng cung bị phá vỡ, nó sẽ trở thành vung cầu và ngược lại một vùng cầu bị phá vỡ cũng có thể trở thành vùng cung.

3. Cách nhận biết và vẽ vùng cung cầu trên biểu đồ

3.1. Cách xác định vùng cung cầu

Để ứng dụng vùng cung cầu vào trong giao dịch, trước hết chúng ta cần nhận biết được các vùng cung cầu ở đâu trên biểu đồ.

Các biến động trong thị trường rất đa dạng, vì vậy đôi khi anh em có thể nhầm lẫn vùng cung cầu với những khu vực khác, ví dụ như hỗ trợ và kháng cự thông thường. Tuy nhiên, để dễ dàng nhìn thấy được vùng cung cầu, anh em có thể áp dụng những dấu hiệu cơ bản nhất sau đây:

  • Khi giá giằng co và không có xu hướng rõ rệt (sideway) với một vài cây nến nhỏ (thường là dưới 10 cây), sẽ tạo ra một vùng gọi là vùng cơ sở. Khi đó, ta có một vùng cung cầu được hình thành dựa trên vùng cơ sở này, và giá sẽ đảo chiều sau khi vùng cơ sở tích lũy đủ.

vùng cung cầu

Vùng cung cầu hình thành sau vùng cơ sở

vùng cầu hình thành từ vùng cơ sở

Vùng cầu hình thành từ vùng cơ sở

  • Trong trường hợp khác, giá không sideway mà xảy ra biến động đảo ngược ngay lập tức, chỉ thể hiện qua một cây nến duy nhất. Khi đó ta không có vùng cơ sở mà chỉ có dấu hiệu là những cây nến hoặc mô hình nến điển hình như Hammer, nến nhấn chìm…

Vùng cung hình thành không có vùng cơ sở

Vùng cung hình thành mà không có vùng cơ sở

vùng cầu từ 1 cây nến

Vùng cầu hình thành từ 1 cây nến duy nhất

Xem thêm: Cách xác định thị trường sideway và giao dịch hiệu quả.

Giống như bất cứ hình thức phân tích nào cũng đều có tín hiệu mạnh và yếu, chúng ta có những vùng cung cầu mạnh và vùng cung cầu yếu khác nhau. Để dễ dàng hơn cho việc sử dụng, cũng như để có hiệu quả tốt hơn, chúng ta chỉ nên tập trung vào những vùng cơ sở mang tín hiệu mạnh với những dấu hiệu sau:

  • Phạm vi giá hẹp: các cây nến sideway tại vùng cơ sở nên là những cây nến nhỏ, biên độ giá thấp. Nếu phạm vi giá quá lớn cho thấy giá vẫn có những diễn biến lớn và không chắc chắn có sự đảo ngược xảy ra.
  • Dưới 10 ngọn nến: Nếu vùng cơ sở tích lũy quá lâu, khoảng trên 10 cây nến cũng là một dấu hiệu cho sự không chắc chắn.
  • Biến động mạnh sau khi thoát ra khỏi vùng tích lũy / phân phối: Sau khi tích lũy trong vùng cơ sở, giá cần có sự bứt phá mạnh mới thể hiện được ý nghĩa của vùng cung cầu.
  • Càng mới càng tốt: Các vùng cung cầu tốt nhất là khi giá chưa quay trở lại đó lần nào từ khi nó xuất hiện. Nếu càng được thử nghiệm lại nhiều lần, giá trị của nó sẽ càng giảm.
  • Đối với vùng cung cầu không có vùng cơ sở mà chỉ xuất hiện trên một cây nến, thì cây nến đó nên là nến phá vỡ giả, ví dụ như nến Spring. Đó là những mẫu nến có râu dài cho thấy giá vừa mới có ý định bứt phá nhưng nhanh chóng rút râu thể hiện sự đảo chiều sắp xảy ra.

Lưu ý: Phân biệt vùng cung cầu với hỗ trợ kháng cự thông thường

Với vai trò là tín hiệu đảo chiều, và là các khu vực có thể khiến xu hướng đảo ngược, anh em rất dễ nhầm lẫn giữa vùng cung cầu và các mức hỗ trợ kháng cự thông thường. Về mặt hình thức chúng rất giống nhau, nhưng nếu hiểu rõ về mỗi loại anh em sẽ thấy được các mức này hoàn toàn có thể phân biệt được.

Các mức hỗ trợ và kháng cự chỉ được xác định sau khi giá đã hình thành nên các đỉnh hoặc đáy rõ rệt, và được sử dụng khi giá chạm tới đó lần tiếp theo.

Còn với vùng cung cầu, nếu nắm bắt tốt anh em sẽ phát hiện được chúng khi vừa hình thành và sử dụng được ngay lập tức với hiệu quả thậm chí còn cao hơn những lần sau giá quay lại đó.

Trên thực tế, so với hỗ trợ và kháng cự thì vùng cung cầu khó nhận biết hơn nhiều. Anh em cần luyện tập thật thành thạo đến khi chúng trở nên quen thuộc thì mới có thể tận dụng được tối đa vai trò ưu việt của nó.

Xem thêm:

3.2. Cách vẽ vùng cung cầu trên biểu đồ

Khác với các vùng hỗ trợ và kháng cự có thể vẽ rất đơn giản bằng một đường hoặc một vùng nhỏ đi qua các đỉnh và đáy, vùng cung cầu thường là một vùng giá khá rộng. Vì vậy để vẽ được chúng một cách chính xác nhất trên biểu đồ cũng là một việc chúng ta cần luyện tập khá nhiều.

Cách vẽ vùng cung cầu trong trường hợp chúng được hình thành từ vùng cơ sở hay hình thành sau một cây nến duy nhất đều giống nhau. Tuy nhiên, anh em lưu ý rằng các khu vực được hình thành từ một vùng cơ sở sẽ có khả năng thành công cao hơn so với loại còn lại, ngoài ra chúng cũng dễ nhận biết hơn rất nhiều.

Sau khi đã nhận biết được một vùng cung cầu xuất hiện trên biểu đồ, chúng ta sẽ bắt đầu vẽ chúng một cách chính xác bằng công cụ vẽ hình chữ nhật trên MT4 hoặc Tradingview hay bất cứ nền tảng nào anh em dùng để phân tích.

Đối với vùng cung

  • Chúng ta sẽ vẽ vùng cung với chiều cao bắt đầu từ giá mở cửa của cây nến tăng cuối cùng trước khi giá xảy ra sự bứt phá giảm mạnh. Nếu trước khi giá bứt phá là các cây nến giảm trong vùng sideway, anh em cần tìm cây nến tăng cuối cùng trước nó chứ không dùng những cây nến giảm này.
  • Nơi kết thúc chiều cao của hình chữ nhật sẽ là ở mức giá cao nhất và gần đây nhất (tính cả râu nến), thường thì chúng cũng nằm ngay trong cụm nến cơ sở.

Anh em có thể quan sát hình ảnh ví dụ dưới đây để hiểu được thực tế cách vẽ vùng cung:

Cách vẽ vùng cung

Cách vẽ vùng cung

Đối với vùng cầu

Ngược lại với vùng cung, sau khi nhìn thấy sự xuất hiện của một vùng cầu trên biểu đồ, anh em có thể vẽ chúng với các quy tắc sau đây:

  • Nơi bắt đầu của vùng cầu sẽ là giá mở cửa của cây nến giảm gần nhất trước khi giá bứt phá tăng.
  • Vùng cầu sẽ được kéo từ nơi bắt đầu cho đến mức giá thấp nhất trong vùng cơ sở (tính cả râu nến)

vẽ vùng cầu

Cách vẽ vùng cầu

Anh em có thể kéo dài hình chữ nhật tùy ý để sử dụng trong tương lai. Sau khi kết thúc, chúng ta có một hình chữ nhật hiển thị vùng cung cầu trên biểu đồ, nơi mà giá nhiều khả năng sẽ đảo chiều khi chạm tới trong tương lai.

Về lý do tại sao chúng ta cần bắt đầu từ một cây nến tăng trước khi giá giảm hay một cây nến giảm trước khi giá tăng, chúng ta có thể dựa vào hành vi giao dịch của các ngân hàng hay các tổ chức lớn để giải thích.

Các ngân hàng không đặt lệnh giao dịch của họ theo hướng hiện tại của thị trường. Nói cách khác, nếu một cây nến tăng vừa hình thành thì họ sẽ không đặt lệnh mua và cũng không đặt lệnh bán sau một cây nến giảm. Vì vậy chúng ta cần xác định theo hướng ngược lại để xác định chính xác vùng cung cầu.

Đọc thêm:

4. Nguyên tắc áp dụng vùng cung cầu một cách hiệu quả

Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về cách giao dịch với vùng supply demand (vùng cung cầu) một cách đơn giản và hiệu quả nhất sau khi đã vẽ được các vùng này trên biểu đồ.

Theo như đặc điểm của vùng cung cầu, không khó để anh em biết được rằng chúng ta có thể sử dụng chúng để giao dịch đảo chiều tương tự như hỗ trợ và kháng cự. Anh em có thể đặt những lệnh bán tại vùng cung và vào lệnh mua ở vùng cầu.

Tuy nhiên, để sử dụng vùng cung cầu một cách hiệu quả nhất, anh em cần lưu ý rằng: hãy tìm những vùng cung cầu chưa bị phản ứng bởi giá, tốt nhất là giá chưa từng thử nghiệm lần nào tại đây.

Nói cách khác, những vùng cung cầu càng mới thì hiệu quả càng cao. Nếu anh em phát hiện được vùng cung cầu ngay khi nó vừa hình thành thì đó chính là nơi tốt nhất để giao dịch với phương pháp cung cầu.

áp dụng vùng cung cầu

Nguyên tắc áp dụng vùng cung cầu

Sau mỗi lần giá thử nghiệm lại một vùng cung cầu, vùng đó sẽ bị giảm giá trị đi. Chúng ta có thể hiểu cách giá vận hành giống như một quả bóng cao su, với vùng cung cầu là các vùng “nền” để chúng ta đập bóng. Hiểu một cách đơn giản, bóng càng đập xuống nền nhiều lần, độ nảy sẽ càng giảm cho đến khi hết hẳn.

Cách giá phản ứng với vùng cung cầu thật sự đúng như vậy. Lần đầu tiên vùng cung cầu hình thành mới là lúc nó thể hiện trạng thái thực sự của thị trường, rằng cung cầu đang bị thay đổi. Ở các lần tiếp theo, nó chỉ đơn giản là tâm lý của thị trường khi cho rằng giá sẽ phản ứng lại vùng này, và dần dần tâm lý đó sẽ yếu dần đến khi bị triệt tiêu thì vùng cung cầu cũ lúc này trở nên vô giá trị.

5. Kết luận

Mặc dù khó nhận biết và khó sử dụng hơn so với hỗ trợ và kháng cự thông thường, tuy nhiên vùng cung cầu lại có giá trị và đáng tin cậy hơn rất nhiều. Nếu anh em tập luyện và sử dụng thành thạo các mức này, nó sẽ trở thành một công cụ vô cùng hữu hiệu và đem lại những phần thưởng, nói cách khác chính là những khoản lợi nhuận vô cùng xứng đáng với công sức bỏ ra.

Tuy nhiên, cũng cần nhắc lại rằng, trên thị trường Forex đầy biến động này không có bất cứ một chỉ báo hay công cụ nào có độ chính xác 100%. Anh em cần học thêm cho mình các chiến lược khác nhau để da dạng hóa các phương pháp của mình, chiến đấu được trong mọi điều kiện thị trường. VnRebates luôn đồng hành cùng anh em để thực hiện được điều đó.

Chúc anh em giao dịch an toàn và hiệu quả.

VnRebates tổng hợp

👉 Cập nhật Phương pháp trading mới và hiệu quả nhất trên thế giới bằng 4 Khóa học video miễn phí
Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.