VNREBATES

Cách mua cổ phiếu – Bắt đầu con đường trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp

22.08.2020, 08:53 26 phút đọc

Đầu tư cổ phiếu, đó chính là khi bạn bỏ tiền mua quyền sở hữu của một công ty nào đó mà bạn cho là tốt. Nếu nhận định của bạn là đúng, công ty phát triển và bạn, cổ đông hay là một trong những chủ sở hữu công ty sẽ gặt hái được thành quả, số vốn đầu tư của bạn bỏ vào công ty đó tăng dần theo năm tháng.

Theo thời gian, đầu tư chứng khoán đã cho thấy nó không phải là một trò chơi may rủi, cảm tính. Các huyền thoại đầu tư Warren Buffet, Peter Lynch hay Jack Bolge… đều đã minh chứng khi bạn bỏ công nghiên cứu và đầu tư, bạn sẽ được đền đáp xứng đáng với công sức nghiên cứu mình bỏ ra.

Đầu tư chứng khoán, đó chính là khi bạn bỏ tiền mua quyền sở hữu của một công ty nào đó mà bạn cho là tốt. Nếu nhận định của bạn là đúng, công ty phát triển và bạn, cổ đông hay là một trong những chủ sở hữu công ty sẽ gặt hái được thành quả, số vốn đầu tư của bạn bỏ vào công ty đó tăng dần theo năm tháng.

Thông qua bài viết này, tôi muốn đưa đến các bạn những khái niệm tổng quát nhất để giúp các bạn bước đầu có thể trở thành những nhà đầu tư thành công.

1. Chứng khoán, Cổ phiếu, trái phiếu và các công cụ phái sinh

1.1 Chứng khoán 

Chứng khoán là bằng chứng xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với tài sản hoặc phần vốn của tổ chức phát hành. Chứng khoán bao gồm các loại như cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ … Chứng khoán có thể ở dưới các hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hay dữ liệu điện tử.

1.2 Cổ phiếu 

Đầu tư cổ phiếu

Khi bạn sở hữu cổ phiếu, bạn đang sở hữu một phần của công ty đó

Cổ phiếu (còn được gọi là vốn chủ sở hữu – Equity) là một chứng khoán đại diện cho quyền sở hữu một phần của một công ty. Các đơn vị cổ phiếu được gọi là “cổ phiếu”. Cổ phiếu được mua và bán chủ yếu trên các sàn giao dịch chứng khoán, mặc dù cũng có thể có bán riêng lẻ và là nền tảng của danh mục đầu tư của nhiều nhà đầu tư cá nhân. Các giao dịch này phải tuân theo các quy định của chính phủ nhằm bảo vệ các nhà đầu tư khỏi các hành vi gian lận. Về mặt lịch sử, chúng đã hoạt động tốt hơn hầu hết các khoản đầu tư khác trong thời gian dài. Các khoản đầu tư này có thể được mua từ hầu hết từ các hệ thống sàn và hệ thống của các công ty cung cấp dịch vụ chứng khoán trực tuyến.

Tại sao các doanh nghiệp phát hành cổ phiếu? Các công ty phát hành (bán) cổ phiếu để tạo ra nguồn vốn phục vụ hoạt động kinh doanh của họ. Người nắm giữ cổ phiếu (cổ đông) hiện đã mua một phần của công ty và tùy thuộc vào loại cổ phiếu nắm giữ, có thể yêu cầu một phần tài sản và thu nhập của công ty. Nói cách khác, một cổ đông hiện là chủ sở hữu của công ty phát hành. Quyền sở hữu được xác định bằng số lượng cổ phiếu một người sở hữu so với số lượng cổ phiếu đang niêm yết. Ví dụ: nếu một công ty có 1.000 cổ phiếu đang niêm yết và một người sở hữu 100 cổ phiếu, người đó sẽ sở hữu và yêu cầu 10% tài sản và thu nhập của công ty.

1.3 Trái phiếu 

Trái phiếu (Bond) là một công cụ thu nhập cố định đại diện cho một khoản vay của nhà đầu tư đối với người đi vay (thường là doanh nghiệp hoặc chính phủ). Một trái phiếu có thể được coi là một khoản nợ, giữa người cho vay và người đi vay bao gồm các chi tiết của khoản vay và các khoản thanh toán. Trái phiếu được sử dụng bởi các công ty, thành phố và chính phủ có quyền để tài trợ cho các dự án và hoạt động. Chủ sở hữu trái phiếu là chủ nợ của chủ thể phát hành. Chi tiết về trái phiếu bao gồm ngày kết thúc khi gốc của khoản vay đến hạn phải trả cho chủ sở hữu trái phiếu và thường bao gồm các điều khoản cho các khoản thanh toán lãi suất thay đổi hoặc cố định do người vay thực hiện.

Khi bạn sở hữu trái phiếu, bạn đang là chủ nợ cho các chủ thể khác vay, trái phiếu chính là giấy ghi nợ

1.4 Các công cụ tài chính hỗn hợp?

Các công cụ tài chính hỗn hợp kết hợp một số đặc điểm của cả chứng khoán nợ (Debt securities) và chứng khoán vốn (Equity securities). Ví dụ về chứng khoán hỗn hợp bao gồm chứng quyền cổ phần – Equity warrants (quyền chọn do chính công ty phát hành cho cổ đông quyền mua cổ phiếu trong một khung thời gian nhất định và ở một mức giá cụ thể), trái phiếu chuyển đổi – convertible bonds (trái phiếu có thể chuyển đổi thành cổ phiếu của công ty phát hành ) và cổ phiếu ưu đãi – preference shares (cổ phiếu công ty mà việc thanh toán lãi suất, cổ tức hoặc các khoản thu nhập vốn khác có thể được ưu tiên hơn so với cổ phiếu của các cổ đông khác).

2. Những điều cần biết trước khi đầu tư/giao dịch cổ phiếu

2.1 Các trường phái đầu tư

Với sự phát triển của khoa học công nghệ máy móc hiện nay, việc tiếp cận thông tin về các doanh nghiệp cùng những thông tin về tình hình kinh tế vi mô và vĩ mô đã không còn là những vấn đề khó khăn. Nhờ đó đã đẩy mạnh phát triển nhiều trường phái đầu tư lan rộng khắp thế giới, tuy nhiên hiện nay có 3 trường phái đầu tư thịnh hành nhất với giới đầu tư/giao dịch là: Phân tích đầu tư kỹ thuật, Phân tích đầu tư cơ bản và Phân tích đầu tư định lượng.

2.1.1 Trường phái phân tích đầu tư kỹ thuật

Phân tích kỹ thuật (Technical Analysis) là một trường phái giao dịch được sử dụng để đánh giá các khoản đầu tư và xác định các cơ hội giao dịch bằng cách phân tích các xu hướng chuyển động về giá và khối lượng.

Không giống như trường phái phân tích cơ bản, việc cố gắng đánh giá giá trị của chứng khoán dựa trên kết quả kinh doanh như doanh số và lợi nhuận, trường phái phân tích kỹ thuật tập trung vào việc nghiên cứu giá cả và khối lượng của một loại tài sản qua các khung thời gian nhất định. Các công cụ phân tích kỹ thuật được sử dụng để xem xét cách thức cung và cầu đối với một chứng khoán/tài sản sẽ ảnh hưởng đến những thay đổi về giá, khối lượng và từ đó có thể dự đoán được cách thức vận động của giá. Phân tích kỹ thuật thường được sử dụng để tạo ra các tín hiệu giao dịch ngắn hạn từ các công cụ biểu đồ khác nhau, nhưng cũng có thể giúp cải thiện việc đánh giá điểm mạnh hoặc điểm yếu của chứng khoán so với thị trường. Nhờ việc phân tích chuyển biến của giá mà nhà đầu tư/ giao dịch có thể ước lượng được những diễn biến trong ngắn hạn sắp tới của giá cả.

Điểm mạnh của trường phái phân tích kỹ thuật có thể được sử dụng trên bất kỳ loại tài sản nào với điều kiện có đủ dữ liệu giao dịch lịch sử. Điều này bao gồm cổ phiếu, hợp đồng tương lai, hàng hóa, thu nhập cố định, tiền tệ và các chứng khoán khác. Đây là thế mạnh của phân tích kỹ thuật khi không đòi hỏi quá nhiều kiến thức và sự nghiên cứu trên một vài loại tài sản nhất định. Trên thực tế, phân tích kỹ thuật phổ biến hơn nhiều trong thị trường hàng hóa và ngoại hối, nơi các nhà giao dịch tập trung vào các biến động giá ngắn hạn để kiếm lợi nhuận.

2.1.2 Trường phái đầu tư cơ bản

Trường phái phân tích cơ bản (Fundamental Analysis) là một phương pháp nghiên cứu giá trị nội tại của chứng khoán bằng cách xem xét các yếu tố kinh tế và tài chính liên quan. Các nhà phân tích cơ bản nghiên cứu bất cứ điều gì có thể ảnh hưởng đến giá trị của chứng khoán, từ các yếu tố kinh tế vĩ mô như trạng thái của nền kinh tế và ngành đến các yếu tố kinh tế vi mô như hiệu quả quản lý của công ty.

Mục tiêu cuối cùng là đi đến một con số mà nhà đầu tư có thể so sánh với giá hiện tại của chứng khoán để xem liệu chứng khoán đó bị định giá thấp hay được định giá quá cao.

Ví dụ: cổ phiếu ABC được định giá là 20 đồng một cổ phiếu, thì nhà đầu tư sẽ mua cổ phiếu ấy ở mức thấp hơn 20 đồng. Cụ thể, có thể ta sẽ chấp nhận mua ở mức 13 đồng một cổ phiếu. Khi đó, mức chênh lệch 07 đồng (20 đồng trừ 13 đồng) được gọi là biên độ an toàn của khoản đầu tư này. Trong hoạt động đầu tư, biên độ an toàn càng cao càng tốt cho nhà đầu tư.

Phương pháp phân tích cổ phiếu này được coi là trái ngược với phân tích kỹ thuật, bởi vì thiên hướng đầu tư trung và dài hạn và thường bỏ qua các biến động giá ngắn hạn trong thị trường.

2.1.3 Trường phái đầu tư định lượng

Trường phái phân tích định lượng (Quantitative Analysis) là một kỹ thuật sử dụng mô hình toán học và thống kê, đo lường và nghiên cứu để hiểu hành vi của thị trường đang ảnh hưởng thế nào đến một loại tài sản hoặc 1 viễn cảnh. Các nhà phân tích định lượng sẽ nghiên cứu các ảnh hưởng và đưa ra kết quả dưới dạng giá trị số. Phân tích định lượng được áp dụng để đo lường, đánh giá hiệu suất, định giá một công cụ tài chính và dự đoán các sự kiện trong thế giới thực, chẳng hạn như những thay đổi trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của một quốc gia hoặc giá của một loại tài sản đang có xu hướng như thế nào trong tương lai.

Thực tế trường phái đầu tư định lượng đang là trường phái mới nhất so với các nhà đầu tư và giao dịch, ra đời nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ thông tin, tuy nhiên không thể chối cãi sự hiệu quả của trường phái này khi một trong những quỹ đầu tư thành công nhất của thế giới đã áp dụng phương pháp này trong nhiều năm – Renaissance Technologies.

2.2 Hoạch định mục đích đầu tư và cách quản trị rủi ro

Đầu tư cổ phiếu_quản lý rủi ro

“Bạn đúng hay sai không quan trọng, cái chính là kiếm được bao nhiêu khi đúng và mất bao nhiêu khi sai”, George Soros

Nhiều nhà đầu tư/nhà giao dịch trước khi tham gia thị trường chứng khoán thường không xác định rõ những kế hoạch cần thiết, từ đó dẫn đến những sai lầm trong quá trình đầu tư và dẫn đến những thua lỗ không đáng có. Vậy như thế nào để hoạch định mục đích đầu tư và quản trị rủi ro? Bạn có thể tham khảo thêm về nội dung sách Think & Trading like a champion của Mark Minervini – người được mệnh danh là phù thủy chứng khoán. Trong cuốn sách đấy ông dành hẳn cho bạn gần ½ nội dung để lên kế hoạch cho những công việc giao dịch sắp tới. Sau đây tôi xin nêu lại vài ý của ông ấy:

 

  • Bạn cần kiểm soát tâm lý đầu tư một cách kỷ luật, tránh những cảm xúc tiêu cực hoặc phấn khích quá độ làm lung lay quy tắc giao dịch.
  • Bạn cần có bảng quy tắc giao dịch riêng
  • Bạn cần có bảng thống kê kết quả từ quy tắc giao dịch riêng đấy và xây dựng những mức chốt lời (take profit) và cắt lỗ (cut loss) phù hợp. Ở đây Mark Minervini đề nghị bạn nên có mức stop loss/take profit là ½.
  • Không sử dụng margin (Đòn bẩy) là một trong những điều kiện tiên quyết.

Đây là vài ý về cách quản trị rủi ro, tùy theo khẩu vị chấp nhận rủi ro và tư duy của từng nhà đầu tư mà chọn ra những chiến lược riêng của mình. Tuy nhiên, theo quan điểm của bản thân tôi nên có một chiến lược nhất định và cách quản trị rủi ro có tính toán trước khi tham gia vào giao dịch với số tiền lớn.

3. Hướng dẫn đọc biểu đồ phân tích kỹ thuật nhanh

3.1. Biểu đồ giá – Price chart

Một biểu đồ thể hiện giá là một chuỗi những điểm giá trên một khung thời gian nhất định. Theo những giai đoạn thống kê, biểu đồ được đề cập đến như chuỗi những điểm thời gian.

Một biểu đồ thể hiện giá là một chuỗi những điểm giá trên một khung thời gian nhất định. Theo những giai đoạn thống kê, biểu đồ được đề cập đến như chuỗi những điểm thời gian.

3.2. Khung thời gian – Time line

Khung thời gian chính là khoảng thời gian mà bạn muốn xem xét sự chuyển động của giá cả trong khoảng thời gian đó.

Khung thời gian dài hạn

Khung thời gian dài hạn có thể là một vài tuần, một vài tháng hoặc thậm chí là một vài năm. Nếu quyết định đầu tư dài hạn,khung thời gian dài hạn sẽ có lợi cho các nhà đầu tư hơn vì phí giao dịch thấp hơn (số lượng lệnh ít hơn), mức độ căng thẳng thấp hơn và có thể thoải mái rời khỏi máy tính của bạn mà không cần phải theo dõi hàng ngày, hàng giờ.

Tuy nhiên, việc đầu tư dài hạn có những hạn chế như bạn phải có nhiều vốn để hỗ trợ cho những sự thay đổi của thị trường, các nhà đầu tư phải kiên nhẫn và phải đặt mức dừng lỗ trước một thời gian dài để tránh mất nhiều tiền cho các việc điều chỉnh.

Khung thời gian trung hạn

Khung thời gian này thường sẽ là trong một vài giờ hoặc một vài ngày.

Lợi ích của việc giao dịch khung thời gian trung hạn là nhiều cơ hội giao dịch hơn, ít rủi ro mất tiền hơn giao dịch dài hạn và khả năng đa dạng hóa danh mục đầu tư nhiều hơn.

Hạn chế của giao dịch khung thời gian trung hạn sẽ là phí giao dịch cao hơn, rủi ro qua đêm và phải thường xuyên theo dõi thị trường, do đó mức độ căng thẳng sẽ cao hơn.

Khung thời gian ngắn hạn

Khung thời gian ngắn hạn thường là  một vài phút đến một vài giờ.

Những lợi ích của giao dịch ngắn hạn có thể kể đến như nhiều cơ hội giao dịch, không có rủi ro qua đêm và thấy được kết quả nhanh chóng.

Tuy nhiên, giao dịch ở khung thời gian ngắn hạn các nhà đầu tư sẽ phải chịu áp lực rất lực, bạn phải dành nhiều thời gian để theo dõi thị trường, lợi nhuận bị hạn chế (ngược lại thua lỗ cũng vậy) và phí giao dịch tăng vì bạn mở rất nhiều lệnh

Phân tích đa khung thời gian

Xem xét tiếp ví dụ với ba khung thời gian như bên dưới

Biểu đồ theo THÁNG

Biểu đồ theo TUẦN

Biểu đồ theo NGÀY

3.3 Công cụ phân tích biểu đồ

3.3.1 MACD

Chỉ báo MACD là một chỉ báo được sáng tạo bởi nhà giao dịch Gerald Appel vào những năm 1970. Và kể từ đó, nó là một trong những chỉ báo được sử dụng phổ biến nhất cho đến hiện nay. Các trader sử dụng chỉ báo MACD để xác định hướng của giao dịch, quán tính và khả năng đảo chiều xu hướng. Chỉ báo MACD được sử dụng để xác nhận giao dịch theo các chiến lược khác nhau, nhưng nó cũng cung cấp những tín hiệu giao dịch riêng lẻ

Hình minh họa dưới đây cho thấy cách chỉ báo MACD được áp dụng như thế nào trên cổ phiếu của công ty Apple (AAPL)

Chỉ báo MACD trên biểu đồ cổ phiếu Apple

Chỉ báo MACD trên biểu đồ cổ phiếu Apple

Như bạn thấy trên biểu đồ, có 2 đường tạo thành chỉ báo MACD, gồm đường MACD màu đen và đường Signal màu đỏ. Các đường này di chuyển cùng với nhau, trong đó đường Signal là đường trung bình động của đường MACD, do đó đường MACD sẽ di chuyển nhanh hơn đường Signal.

Trong chỉ báo MACD, 3 thành phần chính bao gồm trung bình động nhanh (Fast EMA), số khoảng thời gian được sử dụng để tính trung bình động chậm (Slow EMA). Cuối cùng là số thanh được sử dụng để tính số chênh lệch trung bình biến đổi giữa đường trung bình động nhanh và chậm, tức là thông số MACD SMA.

Tiếp theo, phần biểu đồ các thanh màu xanh được gọi là MACD Histogram. Khi MACD Histogram là dương, chúng cho biết đường MACD đang ở trên đường Signal,. Khi MACD Histogram là âm, chúng có nghĩa đường MACD ở dưới đường Signal.

MACD cung cấp một cái nhìn ngắn hạn về quán tính của xu hướng trong thời gian gần đây. MACD Histogram càng lớn, nó cho thấy năng lượng của xu hướng hiện tại càng lớn.

MACD

3.3.2 MA

Đường Trung Bình động hay Moving Average là đường nối các mức trung bình của giá đóng cửa trong N kỳ, với N được xác định trước bởi trader.

Ví dụ, đường MA 10 trên biểu đồ H1 là đường nối tất cả mức trung bình của giá đóng cửa trong 10 giờ gần nhất (N ở đây là 10 giờ)

Mục đích của MA là làm “dịu”, “mịn”, “mượt” những chuyển động giá phức tạp và biến động thành 1 đường mượt mà hơn, giúp bạn nhận ra được xu hướng thị trường dễ hơn. Ví dụ bên dưới cho thấy, khi bạn chọn N càng nhỏ (N=50), đường MA sẽ càng mịn hơn, tuy nhiên, đường MA này cũng không phản ánh sát với thực tế hơn so với N lớn hơn (N=100 hoặc 200):

3.3.3 Volume

Khối lượng, hoặc khối lượng giao dịch, là số lượng (tổng số) cổ phiếu, tiền tệ hoặc hợp đồng được giao dịch trong một khoảng thời gian nhất định. Nói chung khối lượng cho thấy sự quan tâm của người mua và người bán. Trong ví dụ dưới đây, khối lượng rõ ràng cho thấy người mua quan tâm nhiều hơn người bán vì lượng mua (nến xanh dài hơn) trong khi lượng bán ra ít hơn.

4. Hướng dẫn phân tích cơ bản nhanh

4.1 Phân tích Vĩ mô nền kinh tế

Phân tích vĩ mô nền kinh tế có thể đến với bạn thông qua những thông tin cực kỳ quen thuộc nếu bạn chịu khó tiếp nhận thông tin tài chính hằng ngày thông qua báo đài hằng ngày

Việc phân tích vĩ mô nền kinh tế là một việc mà ít người đầu tư/ giao dịch mới tham gia thị trường làm vì họ cho rằng điều này là không cần thiết hoặc quá khó để họ có thể phân tích. Đây là một quan điểm sai lầm, việc phân tích vĩ mô nền kinh tế có thể đến với bạn thông qua những thông tin cực kỳ quen thuộc nếu bạn chịu khó tiếp nhận thông tin tài chính hằng ngày thông qua báo đài hằng ngày.

Ví dụ 1: Chúng ta có thể thấy dịch bệnh COVID 19 đang có những diễn biến ngày một lan rộng trên thế giới, tuy nhiên những thông tin tích cực như những quốc gia đang kiểm soát dịch bệnh tốt là một trong những gợi ý cho chúng ta thấy được tình hình kinh tế ở các quốc gia đó như thế nào dẫn đến có thể giá trị đồng tiền của các quốc gia đó vẫn giữ ưu thế so với các đồng tiền khác.

Ví dụ 2: Việc dịch bệnh đang tràn lan khắp nơi và các quốc gia đang giãn cách xã hội gây ra những tổn thất mà ngay cả người dân thường như chúng ta có thể thấy được. Bằng cách giữ cho nền kinh tế không sụp đổ nhanh chóng, các quốc gia liên tục sử dụng cách thức nới lỏng định lương và chính sách tiền tệ mở rộng để thúc đẩy nền kinh tế của các quốc gia ngay lập tức. Với một số lượng tiền khổng lồ được bơm ra thị trường, các kênh tài chính đầu tư đã được đẩy lên tầm chưa từng có như sự phục hồi mạnh mẽ của DOW 30 và giá vàng vượt mốc mọi thời đại là ví dụ điển hình cho việc này.

Không cần phân tích quá nhiều hoặc phải có chứng chỉ CFA (Chartered Financial Analyst) để có thể sử dụng những thông tin vĩ mô này phục vụ cho các vấn đề đầu tư của chúng ta.

4.2 Phân tích Vi mô nền kinh tế

Cũng tương tự như việc phân tích vĩ mô nền kinh tế, ta lại một lần nhìn sâu hơn vào các mặt báo và sẽ thấy những gợi ý từ sự phục hồi của nền kinh tế. Khi một nền kinh tế phục hồi tất nhiên phải có những ngành nghề phục hồi hoặc tăng trưởng mạnh mẽ để thúc đẩy nền kinh tế đi lên. Như vậy đâu là những ngành đó?

Ví dụ 1: Chúng ta có thể thấy dịch bệnh COVID đã đem lại những sự thay đổi chưa từng có cho thế giới và vô hình chung đã đẩy giá trị của nhiều doanh nghiệp y tế và dược lên những mức giá chưa từng có khi rõ ràng nhu cầu y tế đang là một trong những nhu cầu thiết yếu hiện nay.

Ví dụ 2: Việc giãn cách xã hội chưa bao giờ là dễ dàng đến thời điểm tôi viết bài này, tuy nhiên việc thay đổi hình thức số hóa việc bán hàng trên internet đã làm thay đổi khá nhiều trong hành vi người tiêu dùng. Chúng ta có thể thấy được những doanh nghiệp cung cấp những nền tảng phục vụ livestream bán hàng đang là những con gà đẻ trứng vàng cho ai nắm giữ cổ phần của những doanh nghiệp như Tiktok và Facebook.

Từ nền kinh tế việc tìm ra những ngành nghề phù hợp với hiện trạng kinh tế và xã hội là rất dễ dàng nếu bạn là người chăm chỉ đọc báo mỗi ngày.

4.3 Phân tích giá trị nội tại của cổ phiếu đang theo dõi

Phân tích giá trị nội tại của cổ phiếu đang quan tâm hoặc đang theo dõi sẽ đòi hỏi bạn cần có những kiến thức cơ bản về phân tích tài chính – trường phái phân tích cơ bản. Tuy nhiên, bạn không cần phải bỏ 4 năm ra để học chuyên sâu về phân tích tài chính để có thể phân tích đầy đủ giá trị nội tại của 1 doanh nghiệp. Bạn có thể nhìn sơ qua các chỉ số tài chính để có những cái nhìn tổng quan nhất và tham khảo các báo cáo phân tích chuyên sâu từ các chuyên gia để có cái nhìn chi tiết hơn về doanh nghiệp mà bạn quan tâm. Ở đây tôi sẽ đưa ra 6 nhóm chỉ số mà các bạn nên xem tham khảo để nghiên cứu giá trị nội cổ phiếu:

  • Nhóm chỉ số khả năng thanh toán
  • Nhóm chỉ số phản ánh cơ cấu nguồn vốn và tài sản
  • Nhóm chỉ số hiệu suất hoạt động
  • Nhóm chỉ số hiệu quả hoạt động
  • Nhóm chi số phân phối lợi nhuận
  • Nhóm chỉ số giá thị trường

Ví dụ: Trong nhóm chỉ số hiệu quả hoạt động thì các chỉ số như ROE, ROA hoặc Net profit margin/ Biên lãi thuần sẽ là những chỉ tiêu mà bạn quan tâm đầu tiên để đánh giá khả năng sinh lãi của doanh nghiệp để từ đó đưa ra những tiêu chí so sánh nhất định đối với các doanh nghiệp cùng ngành. Thông thường, theo như quan điểm của tôi, các doanh nghiệp có biên lãi thuần trên 20% sẽ khá là ổn để bạn có thể tiếp tục theo dõi và nghiên cứu thêm vì chí ít thì doanh nghiệp cũng phải có sinh lãi cao hơn mức lạm phát.

Việc phân tích nghiên cứu nghiên cứu giá trị nội của cổ phiếu thường là việc sẽ làm cuối cùng sau khi phân tích vĩ mô và vi mô để từ đó chọn ra những doanh nghiệp tiềm năng nhất của những ngành tiềm năng trong nền kinh tế mạnh.

4.4 Phân tích rủi ro

Những việc phân tích được nêu trên nhằm để chúng ta, những người đầu tư/giao dịch cổ phiếu đánh giá rõ ràng được những rủi ro có thể đến từ đầu trong quá trình tham gia thị trường cũng như những cơ hội trong tương lai của cổ phiếu mà ta quan tâm. Bằng việc phân tích sâu sát những vấn đề nêu trên, việc phân tích nhanh những giá trị cơ bản cho ta thấy được một bức tranh tổng quan về nền kinh tế và những gì ta đang tham gia vào. Từ đó, dựa trên những kết quả phân tích mà ta tìm được, xây dựng nên danh mục đầu tư phù hợp với các tiêu chí đầu tư cũng như khẩu vị đầu tư mà mình muốn.

5. Kết luận chung

Trong phạm vi một bài viết ngắn, tôi không thể nói hết tất các các phạm trù liên quan, đánh giá thế nào là một cổ phiếu tốt còn tùy thuộc vào quan điểm cá nhân của mỗi người.

Tôi không đưa ra nhận định cụ thể như là cổ phiếu P/E bao nhiêu là cổ phiếu tốt, hay như sử dụng MACD hay RSI như thế nào, đã có nhiều, rất nhiều những bài viết nói về vấn đề này. Và nếu bạn thực sự đi theo những hướng dẫn kiểu như vậy. Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao mình vẫn sai không?

Tôi chỉ tổng hợp những kiến thức hết sức căn bản để các bạn lựa chọn, tất cả chỉ là công cụ, còn sử dụng thế nào phụ thuộc ở chính các bạn, đâu là cách thức phù hợp với bạn nhất, phân tích kỹ thuật hay phân tích cơ bản? Hãy xây dựng chiến lược mua cổ phiếu phù hợp với mình nhất.

“Không nhất thiết phải làm điều phi thường để đạt kết quả phi thường” – Warren Buffett

 

VnRebates tổng hợp

👉 Cập nhật Phương pháp trading mới và hiệu quả nhất trên thế giới bằng 4 Khóa học video miễn phí
Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.