VNREBATES

Chỉ báo Fractals là gì? Ý nghĩa và cách sử dụng chỉ báo Fractals

18.01.2023, 09:30 18 phút đọc

Chỉ báo Fractal là một chỉ báo có vẻ còn khá lạ lẫm với anh em Trader. Trên thực tế, chỉ báo này cũng khá khó tiếp cận và sử dụng, nhưng khi đã hiểu về nó, anh em sẽ có thêm một công cụ tuyệt vời để xác định được những mẫu đảo chiều, từ đó có thể đón được những con sóng mới. Nếu biết cách kết hợp chỉ báo này với những công cụ phân tích kỹ thuật khác, anh em sẽ có được chiến lược giao dịch vô cùng mạnh mẽ.

Chỉ báo Fractal là một công cụ dùng để xác định những mô hình đảo chiều của giá, hỗ trợ các nhà giao dịch đưa ra quyết định giao dịch một cách chính xác hơn. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về khái niệm, cấu trúc cũng như ý nghĩa của Fractal, từ đó giúp anh em làm chủ được chỉ báo kỹ thuật này khi phân tích biểu đồ.

Xem thêm:

Chỉ báo Fractal là gì

Theo định nghĩa, bản thân từ Fractal nghĩa là phân dạng, dùng để chỉ một phân dạng là một vật thể hình học thường có hình dạng gấp khúc trên mọi tỷ lệ phóng đại.

Dựa vào đó, chỉ báo Fractal đã được nghĩ ra. Trong các giao dịch forex, chỉ báo Fractals được hiểu là chỉ báo thể hiện các đỉnh và đáy ở những vùng mà sự di chuyển giá cả dừng và quay lại. Những điểm này có dạng gấp khúc tương ứng với đỉnh và đáy của đồ thị giá.

Chỉ báo Fractal là được phát triển bởi Bill Williams. Mục tiêu để chỉ báo này ra đời đó là nhằm phát hiện điểm đảo chiều (các đỉnh và đáy) và đánh dấu chúng bằng các mũi tên. Chỉ báo Fractal giúp người dùng xác định được giá sẽ phát triển theo hướng nào.

Về cơ bản, chỉ báo Fractal phát hiện các mẫu hình đảo chiều đơn giản và có thể dự đoán được, sau đó nó vẽ các mũi tên để chỉ ra sự tồn tại của mẫu đó. Một mô hình Fractal tăng giá báo hiệu giá có thể tăng cao hơn, và được đánh dấu bằng mũi tên xuống đặt phía dưới đường giá. Ngược lại, một Fractal giảm giá được vẽ bằng mũi tên lên, đặt trên đường giá.  

Chỉ báo Fractal trên biểu đồ

Chỉ báo Fractal trên biểu đồ

Cấu trúc Fractal trên biểu đồ

Thay vì cố gắng để hiểu được định nghĩa khô khan, chúng ta sẽ tìm hiểu về cấu trúc của Fractal để có cái nhìn trực quan và tiếp cận chỉ báo này một cách dễ dàng nhất.

Nếu như tìm hiểu về công thức cũng như cấu trúc của Fractal từ một số tài liệu nước ngoài cũng như trong nước, anh em có thể thấy những cách tính toán khá phức tạp. Tuy nhiên, mình sẽ trình bày với anh em một cách dễ hiểu nhất và không máy móc theo công thức dập khuôn, vì điều quan trọng nhất là chúng ta hiểu được nó chứ không phải học thuộc lòng công thức hình thành nên chỉ báo này.

Đầu tiên, chúng ta có hai loại Fractal khác nhau. Loại thứ nhất là Brearish Fractal, tức Fractal giảm giá, là dấu hiệu giá đảo chiều từ tăng sang giảm. Loại còn lại là Bullish Fractal, là Fractal tăng giá, báo hiệu giá đảo chiều từ giảm thành tăng.

Cả hai loại Fractal này đều được xác nhận hình thành thông qua cấu trúc 5 thân nến liên tiếp (hoặc nhiều hơn trong một số trường hợp).

Đối với Brearish Fractal:

  • Cây nến được đánh dấu mũi tên hướng lên là cây nến ở giữa, chúng ta tạm gọi là cây nến chính.
  • Điều kiện là hai cây nến trước nó phải có giá cao nhất thấp hơn giá cao nhất của cây nến chính.
  • Hai cây nến phía sau cũng phải có giá cao nhất thấp hơn cây nến chính để xác nhận cấu trúc Fractal được hình thành.

Đối với Bullish Fractal:

  • Cây nến chính được đánh dấu mũi tên hướng xuống
  • Hai cây nến phía trước có giá thấp nhất cao hơn giá thấp nhất của cây nến chính
  • Hai cây nến phía sau cũng cần có giá thấp nhất cao hơn giá thấp nhất của nến chính thì Fractal mới được xác nhận hình thành.

Nhìn chung, anh em có thể hiểu rằng Fractal giảm giá có cấu trúc gồm cây nến chính, và mỗi bên có hai cây nến thấp hơn cây nến chính tính cả râu nến.

Ngược lại, Fractal giảm giá gồm cây nến chính, và mỗi bên có hai cây nên cao hơn cây nến chính tính cả râu nến.

Như ví dụ minh họa bên dưới, anh em có thể coi mỗi thanh màu đen đại diện cho chiều dài toàn bộ cây nến, tính cả râu nến, thì Bearish Fractal là một hình chữ V (hoặc chữ U), với đáy là mức thấp nhất tính cả râu của cây nến chính. Còn Bullish Fractal sẽ là chữ V ngược (hoặc U ngược), với đỉnh là mức giá cao nhất tính cả râu của câ y nến chính.

Mô tả cấu trúc chỉ báo Fractal

Mô tả cấu trúc chỉ báo Fractal

Dưới đây là hai ví dụ trực quan hơn về chỉ báo Fractal trên biểu đồ:

  • Bearish Fractal được đánh dấu tại điểm cao nhất chính giữa trong chuỗi 5 nến
Fractal giảm giá (Bearish Fractal)

Fractal giảm giá (Bearish Fractal)

  • Bullish Fractal được đánh dấu tại điểm thấp nhất chính giữa trong chuỗi 5 nến.
Fractals tăng giá (Bullish Fractal)

Fractals tăng giá (Bullish Fractal)

Ý nghĩa của chỉ báo Fractal

Chỉ báo Fractal cho chúng ta biết điều gì

Thực tế, trên biểu đồ anh em có thể thấy Fractal tạo ra các tín hiệu rất thường xuyên, các mô hình Fractal được đánh dấu với tần suất khá lớn trong biểu đồ giá. Chính vì thế, sự tồn tại của một Fractal ngẫu nhiên có thể không quan trọng, mà chúng ta phải học cách nhận biết đâu mới là mô hình cần lưu ý.

Fractal cho chúng ta thấy khả năng thay đổi xu hướng, hoặc giá có thể đảo chiều. Như chúng ta đã phân tích, các mẫu Fractal có hình chữ U xuôi hoặc ngược (hay chữ V), và về nguyên lý nó sẽ tạo thành một đỉnh hoặc đáy mới.

Một lần nữa, chúng ta cần nhắc lại Fractal xuất hiện rất thường xuyên, nên không phải tín hiệu nào cũng quan trọng. Để có thể lọc được những Fractal có giá trị, anh em cần sử dụng kết hợp với các hình thức phân tích kỹ thuật khác.

Tác giả Bill Willams cũng đã phát minh ra một chỉ báo khác, chuyên dùng kết hợp với Fractal, đó là chỉ báo Alligator (tên chỉ báo có nghĩa là cá sấu). Chỉ báo Alligator giúp chúng ta cô lập được các xu hướng, và từ đó sử dụng tín hiệu Fractal thuận theo xu hướng để có hiệu quả cao nhất. Chúng ta sẽ nói về sự kết hợp này trong phần sau.

Xem thêm: Chỉ báo Alligator- tuyệt chiêu săn lệnh như cá sấu

Fractal khác gì so với các mẫu biểu đồ

Các mẫu biểu đồ hay mô hình giá mà chúng ta biết cũng là một cấu trúc hình học hình thành từ các cây nến, tương tự như Fractal. Vậy tại sao Fractal lại là một chỉ báo, một cấu trúc riêng chứ không nằm trong số các mẫu biểu đồ.

Câu trả lời là vì Fractal xác định một cấu trúc không dựa trên hình dạng nhất định nào, mà cần đảm bảo đúng cấu tạo 5 thân nến, với cây nến ở giữa là đỉnh hoặc đáy. Còn các mẫu biểu đồ không bị giới hạn ở số lượng nến, cũng không quy định về vị trí tương đối của các cây nến, mà chỉ cần hình thành nên một hình dạng nhất định như hình tam giác, hình cờ, hình cái nêm…

Ngoài ra, Fractal là một chỉ báo tự động đánh dấu các mẫu trên biểu đồ, còn việc xác định mô hình giá hầu hết được các nhà giao dịch thực hiện bằng tay.

Cách cài đặt chỉ báo Fractal

Tải và cài đặt Fractal trong MT4

Trong Tradingview, Fractal có tích hợp sẵn nên anh em chỉ cần mở nó lên như các chỉ báo thông thường khác.

Còn trong MT4, hiện tại chưa có sẵn chỉ báo này, anh em cần tải và cài đặt vào máy của mình trước khi sử dụng.

Đầu tiên, anh em cần tải chỉ báo Fractal từ kho chỉ báo của MQL5 về máy tính.

Sau khi đã tải được chỉ báo về, anh em bật Metatrader 4 lên rồi truy cập theo đường dẫn File/ Open Data Folder/ MQL4/ Indicators, rồi copy file vừa mới tải về vào thư mục Indicators.

Cách cài đặt chỉ báo fractal

Cách cài đặt chỉ báo Fractal

Sau đó, anh em cần khởi động lại MT4, tìm chỉ báo này tại cửa sổ Navigator/Indicator để mở nó lên.

Thiết lập thông số chỉ báo Fractal

Chúng ta có 2 cách setup thông số cho Fractals, được sử dụng theo hướng dẫn cụ thể như sau:

  • Cài đặt Input (24,24) để tìm ra nến cao nhất hoặc thấp nhất trong 24 cây nến. Loại Fractal này giúp quan sát chuyển biến của thị trường trong 1 tháng ( khung thời gian ngày )
  • Cài đặt Input (6,6) để tìm ra nến cao nhất hoặc thấp nhất trong 6 cây nến. Loại Fractal này giúp quan sát chuyển biến trong 1 tuần ( khung thời gian ngày )

Cài đặt Fractal Input 24/24

Sau khi hoàn mở, chỉ báo Fractal sẽ hiện ra cửa sổ cài đặt như bên dưới để anh em thiết lập đầu vào của indicator. Anh em nhập cả hai thông số là 24/24 như hình minh họa dưới đây:

Cài đặt fractal Input 24/24

Cài đặt Fractal Input 24/24

Anh em cũng có thể tùy chọn màu cho chỉ báo bằng cách truy cập vào tab “Colors”, và chọn màu mình thích.

Cài đặt Fractal Input 6/6

Việc cài đặt fractual Input(6,6) cũng tương tự như việc cài đặt Fractals 24/24 ở trên, anh em chỉ cần nhập giá trị đầu vào là 6/6.

Anh em có thể hiển thị cả hai Fractal (6,6) và (24,24) cùng lúc để thấy được sự khác biệt, khi đó, đừng quên đổi màu của mỗi loại để dễ quan sát nhất.

Xem thêm: Hướng dẫn chi tiết cách cài đặt MT4 trên Macbook

 Cài đặt fractal Input 6/6

Cài đặt Fractal Input 6/6

Hướng dẫn sử dụng chỉ báo Fractal

Cách sử dụng chỉ báo Fractal cơ bản

Trước hết, chúng ta cần nhắc lại tín hiệu được tạo ra từ Fractal:

  • Fractal giảm giá được đánh dấu ở trên đỉnh của cụm nến, với mũi tên màu xanh quay lên (mặc định trên tradingview) => là tín hiệu giá quay đầu giảm xuống (tín hiệu bán)
  • Fractal tăng giá được đánh dấu dưới đáy, với mũi tên màu đỏ quay xuống dưới (thiết lập mặc định) => là tín hiệu mua, giá có thể đảo chiều tăng.

Khi mới tiếp cận Fractal, anh em cần hết sức lưu ý vì tín hiệu tăng giá lại được đánh dấu bằng mũi tên hướng xuống, và tín hiệu giảm giá là mũi tên quay lên. Tất nhiên, đây không phải vấn đề quá lớn, vì sau một vài lần sử dụng anh em sẽ dễ dàng làm quen với nó.

Fractal cung cấp tín hiệu đảo chiều, do đó nguyên tắc chung là chúng ta sẽ vào lệnh mua khi xuất hiện Fractal tăng giá, và vào lệnh bán khi mô hình Fractal giảm giá được hình thành.

Tuy nhiên, chúng ta đã biết rằng Fractal xuất hiện rất nhiều trên biểu đồ, và chỉ số ít trong đó có thể được sử dụng để giao dịch. Chính vì vậy, việc kết hợp Fractal với một hoặc một số chỉ báo, công cụ kỹ thuật khác là điều bắt buộc.

Ở mức cơ bản nhất, anh em chỉ cần sử dụng Fractal cùng với một chỉ báo xu hướng, cụ thể là đường trung bình động MA là đã có thể loại bỏ được hầu hết tín hiệu nhiễu của Fractal. Nguyên lý của sự kết hợp này là dùng MA để xác nhận xu hướng, sau đó chỉ sử dụng các tín hiệu Fractal thuận theo xu hướng để vào lệnh.

Dưới đây là biểu đồ ví dụ một số lệnh giao dịch có thể thực hiện với MA100 và Fractal. Chúng ta có đường MA xác nhận xu hướng giảm, khi đó anh em có thể thực hiện những lệnh bán khi xuất hiện Fractal giảm giá.

Kết hợp chỉ báo Fractal và đường trung bình động MA

Kết hợp chỉ báo Fractal và đường trung bình động MA (Nguồn: TradingView)

Trong trường hợp ngược lại, chúng ta có ví dụ khác bên dưới. Anh em có thể thấy MA nằm dưới đường giá xác nhận xu hướng tăng. Khi đó anh em chỉ nên vào lệnh mua với Fractal tăng giá, còn lại các Fractal giảm giá xuất hiện đa số đều không mang đến một lệnh giao dịch tốt.

Không giao dịch với Fractal ngược xu hướng

Không giao dịch với Fractal ngược xu hướng (Nguồn: TradingView)

Ngoài ra, hãy lưu ý là các tín hiệu dù đã được lọc bởi đường MA cũng có thể không phải là tín hiệu tốt, như trong ví dụ phía trên chúng ta có một Fractal tăng trong xu hướng tăng, nhưng giá chỉ tăng rất ít rồi quay đầu giảm. Tuy nhiên, đó là điều mà chúng ta cần chấp nhận và khắc phục bằng cách quản lý vốn tốt, vì rủi ro là điều tất yếu trong thị trường Forex này.

Ở mức độ nâng cao hơn, anh em có thể vận dụng kết hợp thêm với một chỉ báo khác nữa, ví dụ như Fibonacci.

Trong biểu đồ dưới đây, chúng ta vẫn có MA xác định xu hướng tăng. Tuy nhiên, tín hiệu mua khi Fractal tăng giá xuất hiện còn được xác nhận mạnh mẽ hơn khi giá đang pullback về đúng mức Fibonacci quan trọng (mức 23,6).

Kết hợp thêm chỉ báo Fibonacci để có chiến lược hiệu quả

Kết hợp thêm chỉ báo Fibonacci để có chiến lược hiệu quả (Nguồn: TradingView)

Kết hợp chỉ báo Fractal với Williams Alligator

Alligator là một chỉ báo được tác giả Williams, cũng là tác giả của chỉ báo Fractal tạo ra, và dường như nó được sinh ra với mục đích kết hợp với Fractal để khắc phục những điểm yếu của chỉ báo này. Chính vì vậy, khi học về chỉ báo Fractal thì anh em nhất định phải nắm được sự kết hợp hoàn hảo này.

Về bản chất, chỉ báo Alligator là công cụ phân tích kỹ thuật bao gồm 3 đường MA nằm trên biểu đồ giá, 3 đường này tượng trưng cho phần hàm, phần răng và miệng của một con cá sấu, chính vì vậy nên nó được gọi là Alligator.

Chỉ báo này thường được dùng để xác định và dự báo xu hướng trong tương lai của loại tài sản cần phân tích. Nó hoạt động hiệu quả nhất khi kết hợp với một chỉ báo dạng dao động, chứ không chỉ riêng Fractal.

Chính vì cấu tạo từ các đường MA nên vai trò của Alligator cũng giống như khi chúng ta sử dụng đường MA với phương pháp vừa tìm hiểu, nhưng “bộ lọc” của Alligator sẽ mạnh mẽ và hiệu quả hơn nhiều so với một đường MA đơn lẻ.

Anh em có thể tìm các tín hiệu mua xuất hiện tại hoặc bên dưới Alligator’s teeth (đường MA chính giữa) và các tín hiệu bán xuất hiện tại hoặc phía trên Alligator’s teeth (như ví dụ minh họa bên dưới)

Kết hợp Fractal và Alligator

Kết hợp Fractal và Alligator (Nguồn: TradingView)

Việc sử dụng chỉ báo Alligator và Fractals kết hợp với nhau có thể cung cấp cho anh em những dự báo mạnh mẽ nhất và có độ chính xác cao. Sự kết hợp này được dùng để dự báo xu hướng của các thị trường và xác định các điểm vào lệnh tối ưu.

Tổ hợp này có ưu điểm đó là nó có thể sử dụng để dự báo cho bất kỳ nội dung hoặc bất kỳ khung thời gian nào.

Tuy nhiên, nếu sử dụng tổ hợp này, anh em cần phải lưu ý nhược điểm chính của nó là khi dao động giá quá lớn diễn ra, nó có thể cho tín hiệu sai. Chúng có thể tụt hậu so với các biến động trên thị trường thực tế.

Anh em cũng có thể sử dụng kết hợp thêm các chỉ báo khác để tăng hiệu quả cho hệ thống này, tương tự như cách dùng Fibonacci phía trên.

Xem thêm: Áp dụng tỷ lệ vàng Fibonacci trong thị trường Forex

Những điều cần lưu ý khi dùng Fractal

Vấn đề lớn nhất của chỉ báo Fractal chính là ở chỗ nó tạo ra quá nhiều tín hiệu. Các Fractal xuất hiện quá thường xuyên, nếu như một nhà giao dịch cố gắng giao dịch với tất cả nhưng tín hiệu tạo ra, thì rất có khả năng anh ta sẽ thua lỗ và cháy tài khoản một cách nhanh chóng. Do đó, ngoài việc sử dụng các chỉ báo hỗ trợ, thì anh em cần quản lý cảm xúc thật tốt để không rơi vào trạng thái giao dịch quá mức (over trading).

Vấn đề tiếp theo của Fractal, nó là một lagging indicator – chỉ báo tín hiệu trễ. Điều này có thể dễ thấy được, vì sau khi các cây nến đóng cửa thì Fractal mới hình thành, thậm chí anh em phải đợi hai cây nến tiếp theo đóng cửa thì tín hiệu Fractal mới được đánh dấu.

Các chỉ báo chậm dạng này thường chỉ hoạt động hiệu quả nhất khi được sử dụng làm công cụ xác nhận sự đảo chiều xảy ra. Thời điểm nó tạo đỉnh và đáy có thể được dự đoán bằng cách kết hợp các kỹ thuật khác.

Nếu khoảng thời gian diễn ra càng dài (nghĩa là càng lâu không xuất hiện một Fractal mới) thì độ đảo chiều càng đáng tin cậy hơn. Do đó anh em có thể điều chỉnh thông số của Fractal ở chu kỳ cao hơn để có tín hiệu chính xác hơn. Tuy nhiên đổi lại là các tín hiệu sẽ ít hơn, và có thể anh em sẽ phải chờ đợi lâu hơn để có một tín hiệu vào lệnh.

Để khắc phục nhược điểm này, các trader thường vẽ các Fractals trong nhiều khung thời gian và sử dụng kết hợp với nhau.

Xem thêm: Backtest là gì? Làm thế nào để backtest hệ thống giao dịch với kết quả chính xác nhất

Kết luận

Nhìn chung, Fractal là công cụ hữu ích và có thể được sử dụng theo nhiều cách khác nhau. Mỗi nhà đầu tư đều có thể tìm thấy biến thể cũng như cách sử dụng Fractal phù hợp với riêng mình, chẳng hạn như kết hợp với chỉ báo Alligator hoặc Fibonacci Retracement. Tuy nhiên, một lần nữa anh em cần nhớ rằng, không nên sử dụng Fractal một mình mà cần kết hợp nó cùng các chỉ báo khác để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Nếu cảm thấy hứng thú với chỉ báo này, hãy tìm hiểu kỹ để nắm rõ về nó, sau đó thực hành và backtest thật kỹ lưỡng trước khi đưa vào sử dụng trong thực tế với tài khoản tiền thật của mình. Và nếu có một phương pháp, hay một mẹo hữu ích nào đó với chỉ báo Fractal, đừng quên chia sẻ với chúng mình nhé. Theo dõi VnRebates để cập nhật tin tức Forex, Chứng khoán, Tiền điện tử mới nhất.

VnRebates – Hoàn tiền mọi giao dịch tài chính

👉 Cập nhật Phương pháp trading mới và hiệu quả nhất trên thế giới bằng 4 Khóa học video miễn phí
Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.