VNREBATES

Chỉ số ROIC là gì? Cách tính và ý nghĩa của ROIC trong đầu tư chứng khoán

16.04.2022, 08:00 11 phút đọc

Chỉ số ROIC – một trong những chỉ số quan trọng được nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffet tin dùng khi phân tích và lựa chọn cổ phiếu cho mình. Bài viết này VnRebates xin chia sẻ cho các nhà đầu tư về cách tính, ý nghĩa và một số kinh nghiệm ứng dụng chỉ số ROIC trong đầu tư nhé!

Trong một lần Đại hội cổ đông thường niên của Berkshire Hathaway năm 2013, Warren Buffet từng chia sẻ với truyền thông rằng:

Một công ty lý tưởng tạo ra Lợi nhuận trên vốn đầu tư (Return on Invested Capital) cao và nếu tiếp tục tái đầu tư vào công ty đó thì mức lợi nhuận đạt được cao hơn tương tự.  Hãy thử tưởng tượng,….

Một công ty 100 triệu đô tăng trưởng 20% mỗi năm, rồi lại tái đầu tư 20 triệu đô lợi nhuận kiếm được cho năm tới thì được 20% từ 120 triệu đô và cứ tiếp tục như thế.”

Qua câu nói trên, ta thấy Warren Buffet đánh giá Return on Invested Capital (ROIC) là một công cụ tuyệt vời để đánh giá và tìm ra doanh nghiệp tiềm năng cho riêng mình. Vậy thực sự bạn đã hiểu về ROIC chưa? Hãy cùng VnRebates tìm hiểu trong bài viết sau đây nhé!           

1. Tìm hiểu về chỉ số ROIC

1.1. Chỉ số ROIC là gì?

ROIC là viết tắt của cụm từ Return on Invested Capital, tức là tỷ suất sinh lời trên vốn đầu tư. ROIC phản ánh chất lượng tài chính của một doanh nghiệp thông qua việc cho chúng ta biết (%) lợi nhuận tạo ra trên mỗi đồng vốn đầu tư của cổ đông. Trong đó, vốn đầu tư là nguồn tiền mà doanh nghiệp huy động được bằng cách phát hành chứng khoán (được gọi là vốn chủ sở hữu) hoặc đi vay (được gọi là nợ) được thể hiện trên Bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp.

chỉ số ROIC

Ví dụ: nếu ROIC của doanh nghiệp là 10%, tức với mỗi 100 đồng vốn đầu tư vào thì doanh nghiệp tạo ra 10 đồng lợi nhuận.

Bản chất ROIC được trình bày theo dạng tỷ lệ phần trăm, nên đây là phương pháp để so sánh cùng với các công ty ngang hàng. Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, ROIC còn được sử dụng thường xuyên để theo dõi, đánh giá quản lý hiệu quả trong việc phân bổ tài sản của doanh nghiệp.

Xem thêm: Warren Buffett và Phương pháp đầu tư giá trị của nhà đầu tư vĩ đại nhất thế kỷ 20

1.2. Công thức tính ROIC

ROIC được xác định theo công thức sau:

chi số ROIC

Trong đó:

  • Return on Invested Capital (ROIC) là Tỷ suất sinh lời trên vốn đầu tư
  • Net Operating Profit After Tax (NOPAT) là Lợi nhuận hoạt động thuần sau thuế
  • Invested Capital (IC) là Vốn đầu tư gồm (Tổng nợ + Vốn chủ sở hữu + Các nguồn tài trợ dài hạn khác)

1.3. Chỉ số ROIC bao nhiêu là đủ tốt?

Tùy thuộc vào từng doanh nghiệp, từng ngành nghề khác nhau mà có chỉ số ROIC chuẩn mực khác nhau. Do đó, để chúng ta đánh gia ROIC bao nhiêu là đủ tốt thì rất khó. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể đánh giá tương đối chỉ số ROIC thông qua việc so sánh với WACC – chi phí sử dụng vốn bình quân như sau:

  • ROIC > WACC: Chi phí sử dụng cho dự án thấp hơn lợi nhuận công ty tạo ra. Hay nói cách khác, doanh nghiệp đang tạo ra nhiều giá trị cho cổ đông hơn.
  • ROIC < WACC: Chi phí sử dụng cho dự án cao hơn lợi nhuận công ty tạo ra. Hay nói cách khác, doanh nghiệp đang tạo ra ít giá trị cho cổ đông.

Trên thực tế, ngoài việc so sánh với WACC, để đánh giá nhanh một doanh nghiệp thông qua chỉ số ROIC chúng ta thường lấy mức ROIC >= 10% làm tiêu chuẩn. Nếu thấy chỉ số ROIC của một cổ phiếu giữ ở mức 10%/năm thì đáng để bạn xem xét đầu tư nhé.

2. Ý nghĩa và tầm quan trọng của ROIC trong đầu tư chứng khoán

Sau khi đã hiểu rõ định nghĩa về ROIC, bạn hẳn đang thắc mắc tầm quan trọng của chỉ số này như thế nào, đúng không nào? Khi phân tích đầu tư chứng khoán, ROIC đóng vai trò như một thước đo tính hiệu quả trong kinh doanh của doanh nghiệp đó với 3 ý nghĩa sau:

– ROIC là thước đo giá trị lâu dài của một doanh nghiệp

Mức tạo ra lợi nhuận sau thuế (EBIT) càng lớn trên mỗi đồng vốn đầu tư chứng tỏ doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả hơn từng ngày, tức giá trị của cổ đông ngày càng tăng cao. Hãy lấy một ví dụ về Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (mã HoSE: VNM) có ROIC lên đến 26,68% và tỷ lệ này duy trì ổn định trong suốt nhiều năm qua, chứng tỏ chứ mỗi 100 đồng cổ đông góp vào thì có đến gần 27 đồng lợi nhuận được tạo ra.

chi số ROIC

Xem thêm: Đầu tư tài chính dài hạn – con đường làm giàu mà forex trader đã bỏ lỡ

  – ROIC giải thích sự tăng trưởng của doanh nghiệp

Một doanh nghiệp muốn tăng trưởng chỉ có thể tạo ra lợi nhuận cao hơn mức chi phí bình quân. Hay nói cách khác, ROIC phải vừa đủ lớn hơn WACC thì doanh nghiệp mới có thể tăng trưởng được.

Lấy ví dụ cổ phiếu VNM như trên, giả sử lãi suất đi vay của VNM phải chi trả hằng năm là 10%. Trong khi đó, phần lợi nhuận tạo ra trên vốn là 26,68% > 10% chi phí đi vay, suy ra doanh nghiệp vẫn có khả năng chi trả các khoản nợ đến hạn và có thể tái đầu tư hiệu quả.

– ROIC phản ánh chất lượng quản trị doanh nghiệp của đội ngũ lãnh đạo.

Có thể nói, ROIC là một chỉ số đánh giá hiệu quả năng lực, phẩm chất và chất lượng lãnh đạo của đội ngũ quản lý. Với một đội ngũ lãnh đạo tốt, có tầm nhìn, có năng lực sẽ dẫn dắt doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận, gia tăng tài sản cho cổ đông.

chi số ROIC

Ngoài ra chỉ số này còn giải thích liệu doanh nghiệp có “con hào kinh tế” nào mang lại cho họ lợi thế cạnh tranh vượt trội hơn các đối thủ cạnh tranh hay không? Thương hiệu, sản phẩm hay chiến lược,…? Với các doanh nghiệp có thị phần, lợi thế cạnh tranh tốt thì hiển nhiên ROIC luôn cao hơn bao giờ hết, đó mới chính là khoản đầu tư đáng giá.

3. Ưu, nhược điểm của chỉ số ROIC

– Ưu điểm của chỉ số ROIC:

  • Dễ hiểu, dễ tiếp cận với nhiều nhà đầu tư: Tỷ suất sinh lời trên vốn là công cụ đo lường lợi nhuận của công ty so với vốn bình quân. Đó là một trong những mối quan tâm của nhà đầu tư, vì họ muốn biết công ty có thể tạo ra bao nhiêu dựa trên khoản đầu tư của họ. Nếu công ty có một tỷ lệ tốt, nó sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư hơn.
  • KPI cho ban lãnh đạo: Cổ đông có thể sử dụng tỷ lệ này để đánh giá hiệu quả hoạt động quản lý nhằm ngăn ngừa xung đột lợi ích giữa hai bên.

– Nhược điểm của chỉ số ROIC:

  • Không phân định rõ hiệu quả sự dụng nợ và vốn chủ sở hữu: Tỷ lệ này sử dụng chung số vốn đầu tư của doanh nghiệp trên bảng cân đối kế toán, nên đôi khi ROIC cao nhưng giá trị mang lại trên phần vốn chủ sở hữu do cổ đông góp thì không như mong đợi.
  • Bỏ qua giá trị thời gian của tiền: tỷ lệ phụ thuộc vào thu nhập ròng hoàn toàn bỏ qua giá trị thời gian của tiền.
  • Đối tượng dễ bị thao túng: Thu nhập ròng phụ thuộc vào chính sách kế toán, ước tính và nhiều yếu tố khác chịu ảnh hưởng của ban quản lý. Hơn nữa, ban lãnh đạo có thể thao túng để cải thiện tỷ lệ bằng cách giảm vốn chủ sở hữu thông qua việc mua lại cổ phần.

Xem thêm: Cổ phiếu ESOP là gì? Thực trạng phát hành cổ phiếu ESOP ở Việt Nam

4. Một số lưu ý trong phân tích chỉ số ROIC

Như các nhà đầu tư đã thấy, chỉ số ROIC rất dễ bị thao túng bởi ban lãnh đạo bằng cách hạch toán tăng lợi nhuận hoặc mua lại cổ phần để giảm vốn đầu tư, từ đó chúng ta rất dễ mua phải các doanh nghiệp yếu kém mà không hề hay biết. Do đó, hãy cùng VnRebates điểm qua một số lưu ý về chỉ số ROIC sau đây nhé:

– Chú ý đến các hoạt động bất thường

Doanh nghiệp có các hoạt động như mua lại cổ phần, bán cổ phiếu thấp hơn mệnh giá, hạch toán tăng các khoản phải thu mà không có doanh thu, thoái vốn, thanh lý tài sản…đều là các dấu hiệu bất thường mà khi chúng ta phân tích ROIC nên xem xét đến. Thay vì tạo ra lợi nhuận bền vững nhiều năm thì các doanh nghiệp sử dụng thủ thuật kế toán hoặc hoạt động bất thường chỉ làm “tăng ảo” ROIC nhưng thực sự không tạo ra thêm lợi ích cho cổ đông.

chi số ROIC

– Phân tích rõ cơ cấu vốn đầu tư trong ROIC

Một thành phần đáng quan tâm của ROIC là các khoản nợ. Các khoản nợ ngắn hạn, dài hạn có thể dẫn đến rủi ro thanh khoản trong doanh nghiệp nếu họ không quản lý tốt. Một số chỉ số bạn cần cân nhắc quan sát như tỷ lệ nợ/tổng tài sản, tỷ lệ thanh toán nhanh, tỷ lệ bao phủ lãi vay,..

Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ như MWG, PNJ thường có vốn vay ngắn hạn rất cao nên áp lực trả nợ ngắn hạn tương đối lớn; điều này hoàn toàn ngược lại với các doanh nghiệp bất động sản khi họ có rất nhiều các khoản vay dài hạn. Do đó, khi phân tích cơ cấu ROIC chúng ta cũng nên xem xét đến lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp này nữa nhé.

– Kết hợp ROIC cùng với các chỉ số khác.

Thông thường, chúng ta nên kết hợp sử dụng ROIC với các chỉ số như ROA, ROE, P/E, P/B, EBIT, EPS…để có góc nhìn tổng quan nhất về một doanh nghiệp. ROIC so với ROE thì ROIC đáng tin cậy hơn vì đã bao gồm các khoản nợ trong đó. So với ROIC, thì ROE chỉ phản ánh về vốn chủ sở hữu, nếu một doanh nghiệp sử dụng nợ quá cao, vốn chủ sở hữu thấp dẫn đến ROE cao và như vậy, khá rủi ro nếu doanh nghiệp không thanh toán tốt các khoản nợ.

Đồng thời, so sánh ROIC và WACC là cách hiệu quả nhất để xem xét doanh nghiệp có đang hoạt động hiệu quả và mang lại lợi ích cho cổ đông hay không.

Xem thêm: Chỉ số ROA là gì? Chỉ số roa như thế nào là tốt?

KẾT LUẬN

Bài viết đã khái quát cho các bạn đọc về chỉ số ROIC, cách tính, ý nghĩa, ưu nhược điểm và một số lưu ý khi sử dụng chỉ số này. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn đọc góc nhìn tốt nhất về chỉ số này và giúp các bạn áp dụng ROIC trong quá trình phân tích đầu tư của mình.

Chúc các bạn đầu tư thành công.  

VnRebates – Nơi Trading là NGHỀ

👉 Cập nhật Phương pháp trading mới và hiệu quả nhất trên thế giới bằng 4 Khóa học video miễn phí
Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.