VNREBATES

False break là gì? Cách phản ứng với False Break như một chuyên gia

30.01.2023, 17:40 11 phút đọc

Là một nhà giao dịch, nếu không học cách nhận biết và tìm ra được các bẫy giá của thị trường, tiêu biểu là false break, thì chúng ta sẽ mất tiền vào tay các nhà giao dịch khác có kinh nghiệm hơn, những người nắm bắt được nó. Vì vậy, hãy học về false break để trở ít nhất chúng ta có thể tránh được những cạm bẫy này và đảm bảo an toàn cho tài khoản của mình.

Nếu anh em thích giao dịch theo phương pháp breakout, chắc hẳn đã có đôi lần anh em vào lệnh khi thấy giá vừa phá vỡ kháng cự hoặc hỗ trợ, nhưng ngay sau đó lại thấy thị trường quay ngược trở lại và đẩy anh em vào trạng thái thua lỗ. Đó chính là nơi mà các tín hiệu false break hình thành, và anh em vừa rơi vào cái bẫy giá mà nó tạo ra.

False break (hay false breakout) xuất hiện khá thường xuyên trên thị trường, cùng với đó là không ít nhà giao dịch cũng thường xuyên mất tiền bởi chúng. Vậy làm thế nào để bản thân không là một trong số đó? Anh em hãy cùng mình tìm hiểu về false breakout là gì trong bài viết hôm nay nhé.

Xem thêm:

False break là gì?

Sự phá vỡ giả (false break) xảy ra khi giá di chuyển qua một mức hỗ trợ hoặc kháng cự, nhưng thị trường không có đủ động lượng để duy trì hướng di chuyển đó của nó khiến cho giá nhanh chóng quay đầu trở lại trong phạm vi cũ của ngưỡng hỗ trợ và kháng cự ban đầu.

Nhiều nhà giao dịch thích tìm kiếm các vị thế theo phương pháp giao dịch breakout khi sự phá vỡ xảy ra. Nếu quá vội vàng vào lệnh ngay khi giá vừa vượt qua các vùng hỗ trợ và kháng cự, họ có thể sẽ rơi vào cái bẫy của false break và nhận về kết quả thua lỗ.

Việc phá vỡ giả xảy ra cũng có thể báo hiệu cho các nhà giao dịch tham gia theo hướng ngược lại với hướng mà nó cố gắng phá vỡ. Vì sau khi false break xảy ra, giá có thể sẽ quay đầu và biến động khá mạnh mẽ.

Đọc thêm: Giao dịch breakout tự động với robot Expert Advisor

False Break tại khu vực kháng cự

False Break tại khu vực kháng cự (Nguồn: Internet)

Ý nghĩa của False break

Sự phá vỡ xảy ra tại các khu vực kháng cự và hỗ trợ. Các khu vực này có thể là các đường nằm theo phương ngang, hoặc các đường xu hướng hay cũng có thể là các đường trung bình động. Sự đột phá thành công là khi giá phá qua các mức kháng cự hoặc hỗ trợ này và đóng cửa tại đó, sau đó tiếp tục di chuyển theo hướng mà nó vừa phá vỡ.

Một sự phá vỡ giả thì ngược lại, khi giá phá qua khỏi các mức hỗ trợ hay kháng cự thì nó không thể tiếp tục đà di chuyển mà sẽ nhanh chóng quay đầu đảo chiều, thường thì sẽ quay đầu trở lại trong phạm vi của hỗ trợ và kháng cự trước khi kết thúc phiên.

Với những đặc điểm như vậy, false break cho thấy rằng thị trường không có đủ lực mua để tiếp tục đẩy giá lên trên mức kháng cự, hoặc không đủ lực bán để khiến giá giảm tiếp ra khỏi mức hỗ trợ.

Sau khi nhận thấy sự hình thành của false break, các nhà giao dịch có thể chọn thoát khỏi vị thế của mình ngay nếu trước đó đã vội vàng vào lệnh với hy vọng breakout diễn ra thành công, càng thoát sớm họ sẽ càng hạn chế được mức thua lỗ phải chịu. Còn đối với các nhà giao dịch không mắc phải bẫy giá false break, họ có thể tìm kiếm một cơ hội giao dịch ngược lại với sự phá vỡ giả đó.

Tìm hiểu thêm: Bí quyết giao dịch ăn trọn con sóng với đường kênh giá

Cơ hội giao dịch đảo chiều với false breakout

Cơ hội giao dịch đảo chiều với false breakout (Nguồn: Internet)

Các dấu hiệu phân biệt breakout và false breakout

Thực ra đây là một công việc rất khó, bởi ngay cả các Trader nhiều kinh nghiệm đôi khi cũng có thể bị rơi vào các bẫy false break. Tuy nhiên, mình sẽ cùng anh em phân tích một số dấu hiệu có thể được sử dụng để phân biệt false break với true break (sự phá vỡ thực sự) và với một số tín hiệu có cấu trúc tương tự.

Chúng ta sẽ bắt đầu với khối lượng giao dịch. Đây là cách phổ biến nhất được sử dụng để biết được một breakout là thật. Khi sự phá vỡ thực sự xảy ra, khối lượng giao dịch đi kèm thường sẽ tăng mạnh thể hiện động lượng của thị trường. Tuy nhiên, anh em cũng cần lưu ý rằng điều này không phải lúc nào cũng xảy ra.

Thay vì tập trung vào tìm kiếm những breakout nào là giả, chúng ta có một cách an toàn hơn để bảo vệ bản thân khỏi những bẫy này. Chỉ đơn giản là anh em hãy kiên nhẫn chờ đợi. Đừng hành động vội vàng khi vừa thấy giá phá vỡ qua hỗ trợ hoặc kháng cự, mà hãy kiên nhẫn đợi cho cây nến hiện tại đóng cửa.

Lời khuyên là anh em nên sử dụng khung thời gian hàng ngày, và chờ đợi cho đến khi ngày giao dịch đó kết thúc và xem xét rằng cây nến có thực sự đóng cửa ngoài phạm vi kháng cự hoặc hỗ trợ hay chưa. Nếu giá phá ra khỏi các mức này và đóng cửa với râu nến ngắn, thì có thể tự tin rằng đó nhiều khả năng đúng là sự phá vỡ. Nếu ngược lại thì rất có thể đó là false break.

Xem thêm: Giao dịch biểu đồ khung ngày sẽ cải thiện kết quả của bạn

Khác biệt giữa False Breakout và True Breakout

Khác biệt giữa False Breakout và True Breakout (Nguồn: Internet)

Một lưu ý tiếp theo, anh em cần nhớ rằng một false breakout xảy ra không có nghĩa là giá chắc chắn sẽ quay đầu. Đôi khi, anh em có thể thấy một tín hiệu phá vỡ giả khiến giá đảo chiều trở lại trong phạm vi kháng cự hoặc hỗ trợ, tuy nhiên nó chỉ đảo chiều một chút rồi lại nhanh chóng quay lại theo hướng phá vỡ, và lần này phá vỡ thực sự xảy ra.

Kinh nghiệm có thể rút ra ở đây một lần nữa là sự kiên nhẫn. Anh em hãy chờ đợi những tín hiệu đáng tin cậy nhất thay vì vội vàng giao dịch. Nếu không chắc chắn, hãy giữ cho mình an toàn bằng cách ngồi ngoài quan sát.

Sau khi đã chắc chắn một false breakout thực sự diễn ra, anh em có thể thực hiện một giao dịch đảo chiều theo hướng ngược lại với sự phá vỡ giả ban đầu. Cơ hội sẽ là rất lớn với những xu hướng mạnh mẽ và dài hạn có thể diễn ra sau một cú false breakout.

Xem thêm: Chọn chiến lược Breakout hay chiến lược sideway

Hãy kiên nhẫn chờ đợi tín hiệu đáng tin cậy trước khi giao dịch breakout

Hãy kiên nhẫn chờ đợi tín hiệu đáng tin cậy trước khi giao dịch breakout

Các trường hợp False break xảy ra

False break dạng bull trap và bear trap tại các khu vực key level

Một bull trap hay bear trap là một false break bao gồm 1-4 cây nến tại các mức cản trong thị trường có xu hướng hoặc thị trường sideway. False break này xảy ra khi giá di chuyển mạnh và tiến tới các mức cản quan trọng.

Điểm cần lưu ý của loại false breakout này là thị trường đang có động lượng mạnh, do đó nó khiến cho các nhà giao dịch có xu hướng tin rằng mức cản đó sẽ thực sự bị phá, nên họ nhanh chóng thực hiện các giao dịch theo hướng breakout và rất dễ mắc phải cạm bẫy này.

Cụ thể hơn, bull trap hình thành khi giá tăng mạnh ở mức kháng cự khiến cho các nhà giao dịch vội vàng vào lệnh mua. Thế nhưng sau khi phá khỏi mức cản, các ngân hàng hay tổ chức tài chính lớn đã can thiệp và khiến cho thị trường quay đầu giảm trở lại, để lại sự thua lỗ cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Ngược lại, bear trap được hình thành tại các mức hỗ trợ với động lượng mạnh, khiến cho các nhà giao dịch vội vàng tham gia với các lệnh bán vì hy vọng giá sẽ phá hỗ trợ và giảm sau. Sau đó tình huống tương tự diễn ra khi các ngân hàng can thiệp khiến cho giá tăng trở lại.

False Break: Bull trap và Bear Trap

False Break: Bull trap và Bear Trap (Nguồn: Internet)

False break khi giá tích lũy

Sự phá vỡ giả này xảy ra trong điều kiện thị trường sideway trong phạm vi nhỏ, với động lượng thị trường thấp. Với điều kiện thị trường này, nhiều nhà giao dịch thường cho răng đó là giai đoạn tích lũy, hoặc hình thành vùng cơ sở nên khi giá vừa có dấu hiệu phá vỡ khỏi phạm vi side way họ sẽ vội vàng tham gia giao dịch với hy vọng giá sẽ bứt phá mạnh mẽ.

Tuy nhiên, sau khi vào lệnh thì họ nhanh chóng chịu thua lỗ khi giá quay ngược trở lại phạm vi sideway. Lúc này họ nhận ra đây là một false break nhưng đã muộn và phải chịu cắt lỗ hoặc tiếp tục gồng lỗ. Cách tốt nhất để tránh loại bẫy này là kiên nhẫn chờ đợi giá thực sự đóng cửa ngoài phạm vi giao dịch thì mới tham gia vào thị trường.

False Break khi giá tích lũy

False Break khi giá tích lũy (Nguồn: Internet)

Fakey (Inside bar false – break)

Fakey cũng là một mẫu false break khá điển hình, với sự kết hợp của phá vỡ giả và mẫu nến Inside bar, cho thấy khả năng đảo chiều của giá là rất lớn. Anh em có thể xem ví dụ dưới đây để dễ hình dung:

False Break với Fakey

False Break với Fakey (Nguồn: Internet)

Khi thấy tín hiệu này xuất hiện trên biểu đồ, anh em có thể thực hiện các giao dịch đảo chiều theo hướng ngược lại so với hướng mà sự phá vỡ giả xảy ra, kết quả đạt được có thể vô cùng tiềm năng.

Xem thêm: Mẫu hình nến Fakey là gì? Giao dịch hiệu quả với nến Fakey

Tổng kết

Nếu không nắm bắt được các tín hiệu false breakout, anh em rất có thể sẽ mất tiền vào thị trường cũng như vào tay các Trader có kinh nghiệm hơn. Hy vọng qua những chia sẻ hôm nay, anh em đã biết cách tránh khỏi những cạm bẫy giá này, và hãy nhớ điều quan trọng nhất là sự kiên nhẫn, đừng vội vàng khi cơ hội chưa thực sự đến.

Anh em có thể tham khảo thêm các chiến lược giao dịch khác tại vnrebates.net và thảo luận cùng chúng mình nếu gặp bất cứ thắc mắc nào nhé. Ở trên thị trường này chúng ta cần không ngừng rèn luyện và học hỏi để hoàn thiện kỹ năng cũng như kỷ luật của mình, từ đó mới có thể giành chiến thắng một cách đều đặn thay vì mất tiền như đa số những nhà giao dịch cá nhân khác.

Chúc anh em giao dịch an toàn và hiệu quả. Theo dõi VnRebates để cập nhật tin tức Forex, Chứng khoán, Tiền điện tử mới nhất.

VnRebates – Hoàn tiền mọi giao dịch tài chính

Theo Nial Fuller; investopedia.com

👉 Cập nhật Phương pháp trading mới và hiệu quả nhất trên thế giới bằng 4 Khóa học video miễn phí
Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.