VNREBATES

Chiến tranh tiền tệ – cuộc chiến “đẫm máu” vì lợi ích quốc gia

01.07.2022, 08:30 14 phút đọc

Khi một nước có nạn thất nghiệp tăng cao hay muốn theo đuổi chính sách tăng trưởng xuất khẩu, thì tỷ giá hối đoái thấp hơn là một lợi thế nhưng sẽ ra sao nếu quốc gia mà họ xuất khẩu đến vì để bảo vệ lợi ích đất nước cũng thực hiện các biện pháp để giảm giá trị đồng tiền của mình? Đó chính là khi chiến tranh tiền tệ bắt đầu.

Trong một cuộc chiến tranh tiền tệ thì trên nguyên tắc không nước nào có hậu quả tốt hay xấu đi. Nhưng “cuộc chiến giấy bạc” như vậy sẽ làm các doanh nghiệp, và các nhà đầu tư hoang mang, mất niềm tin, làm hại cho việc thương mại quốc tế, làm bối rối các nhà đầu tư. Hậu quả gián tiếp của cuộc chiến tranh tiền tệ sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho tất cả các nước liên hệ, đặc biệt là tỷ gia hối đoái.

Vậy chiến tranh tiền tệ là gì? Nó diễn ra như thế nào? Mục tiêu của nó là gì? Và những lưu ý nào khi giao dịch trong bối cảnh có chiến tranh tiền tệ? Hãy cùng nhau tìm hiểu trong bài viết này của VnRebates nhé!

#Kiến_thức_phục_vụ_NGHỀ_Trading

1. Chiến tranh tiền tệ là gì?

1.1 Chiến tranh tiền tệ là gì?

Chiến tranh tiền tệ – currency war là một cuộc xung đột. Trong đó, các quốc gia cố gắng hạ giá để làm giảm giá tiền tệ của mình. Điều này nhằm tăng khả năng cạnh tranh quốc tế, làm thiệt thòi các nền kinh tế khác.

Khi đồng tiền của một nước mất giá, khối lượng hàng hóa xuất khẩu ra ngoài sẽ gia tăng. Như vậy họ có thể xuất khẩu nhiều hơn, làm gia tăng sản xuất và giảm thất nghiệp. Nhưng đôi khi một cuộc chiến tranh tiền tệ lại không vì lợi ích quôc gia mà lại là một trong những biện pháp trả đũa của các nền kinh tế liên hệ, nói chung là sẽ dẫn tới sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu.

chiến tranh tiền tệ

Chiến tranh tiền tệ Mỹ – Trung cuộc chiến không hồi kết

1.2 Ảnh hưởng của chiến tranh tiền tệ tới nền kinh tế

Giảm giá tiền tệ sẽ làm giảm đi mức sống của người dân cũng như khả năng mua sắm khi họ mua hàng hóa nhập cảng hay khi đi ra nước ngoài. Chính vì vậy, động thái này chưa bao giờ là một chiến thuật được người dân ưa chuộng.

Bên cạnh đó, việc đồng tiền một quốc gia trở nên rẻ đi cũng sẽ có thể đưa tới lạm phát, đồng thời khiến cho việc trả lãi những món nợ quốc tế trở nên đắt hơn, nếu phải trả bằng tiền ngoại tệ.

Xem thêm: Lạm phát là gì? Nhà đầu tư nên rót tiền vào đâu trong thời kỳ lạm phát?

Nếu một quốc gia có nạn thất nghiệp cao hay muốn theo đuổi chính sách tăng trưởng xuất khẩu, quốc gia đó sẽ cố gắng duy trì tỷ giá hối đoái thấp hơn. Khi đồng tiền nội địa giảm giá, giá cả hàng nhập khẩu vào quốc gia đó sẽ đắt hơn và ngược lại, hàng hóa xuất khẩu sẽ trở nên rẻ hơn. Việc cung ứng hàng hóa giá rẻ sẽ khiến quốc gia đó có được lợi thế cạnh tranh, mở rộng sản xuất và kéo theo giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Chiến tranh tiền tệ đồng thời khuyến khích đầu tư vào các tài sản trong nước. Thị trường chứng khoán cũng trở nên hấp dẫn hơn với khối ngoại. Đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) sẽ tăng khi các doanh nghiệp nội được định giá thấp đi. Các doanh nghiệp nước ngoài cũng có thể đầu tư khai thác tài nguyên. Kết quả là quốc gia đó sẽ hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.

Tuy nhiên, khi chiến tranh tiền tệ nổ ra – tức là các nước có quan hệ thương mại phản ứng lại động thái giảm giá tiền tệ của một nước bằng cách cũng giảm giá trị đồng tiền của mình, thì việc giảm giá sẽ không còn có hiệu quả nữa. Và đồng thời tạo ra sự không nhất quán về về chính sách kinh tế, làm bối rối các nhà đầu từ khiến họ e dè trong việc rót vốn vào đất nước đang có chiến tranh tiền tệ.

2. Chiến tranh tiền tệ diễn ra như thế nào?

2.1. Mục tiêu của chiến tranh tiền tệ là gì?

Nhìn chung, các quốc gia khơi mào cho cuộc chiến tranh tiền tệ đều hướng tới một mục đích chung là nhằm tăng lợi thế cạnh tranh của họ trong thương mại quốc tế. Các nước hầu hết đều kỳ vọng bằng việc phá giá đồng nội tệ, hàng xuất khẩu của mình sẽ có lợi thế hơn, rẻ hơn trên thị trường nước ngoài. Từ đó, các doanh nghiệp trong nước sẽ tăng xuất khẩu hàng hóa, kiếm lời được nhiều hơn, và từ đó tạo ra việc làm, phát triển GDP và thu hút nguồn vốn FDI đầu tư từ nước ngoài.

Xem thêm : GDP là gì? 3 cách tính GDP

Ngoài ra, có những cuộc chiến được khơi mào không vì mục đích kinh tế và lợi ích lợi ích quốc gia mà chỉ đơn thuần vì mục đích đáp trả và chính trị của một quốc gia. Đẩy nền kinh tế vào một tình thế khó khăn hơn chỉ vì mục đích chính trị thuần tuý.

2.2. Chiến tranh tiền tệ diễn ra như thế nào?

Giá trị đồng tiền của quốc gia này so với tiền tệ của quốc gia khác được quyết định qua tỷ giá hối đoái. Một quốc gia muốn khơi mào chiến tranh tiền tệ thường chủ động hạ thấp mức tỷ giá này. Đa số các nước thường neo tỷ giá đồng nội tệ của mình với USD vì đây là đồng tiền dự trữ toàn cầu, phương tiện thanh toán quốc tế.

Tuy nhiên, phần lớn các nước hiện nay đang áp dụng chính sách tỷ giá linh hoạt. Để làm được điều này, chính phủ phải tăng cung tiền để cung vượt cầu. Khi bơm tiền ra quá nhiều thì giá trị đồng tiền lập tức bị suy yếu và giảm xuống.

Ngoài chính sách tiền tệ nói trên, chính phủ một quốc gia cũng có thể dùng chính sách tài khóa mở rộng để tác động lên giá trị đồng tiền, như tăng chi tiêu công hay cắt giảm thuế khóa chẳng hạn. Tuy nhiên, hầu hết những quyết sách này thường phục vụ các mục tiêu chính trị khác ngoài việc gây chiến tranh tiền tệ.

chiến tranh tiền tệ

Chiến tranh tiền tệ diễn ra như thế nào?

Ví dụ: 1kg gạo ở Trung Quốc có giá 15 nhân dân tệ (NDT), và 1 USD = 30 NDT. Như vậy, 1 USD sẽ mua được 2kg gạo ở Trung Quốc. Vì suy thoái kinh tế, Trung Quốc phá giá tiền tệ của mình, 1 USD = 60 NDT. Như vậy, hiện nay với số tiền 1 USD, chúng ta có thể mua được 4kg gạo Trung Quốc.

Điều này cho thấy, giá gạo ở trong nước của Trung Quốc không hề thay đổi. Nhưng tại các thị trường nước ngoài, hàng hóa Trung Quốc sẽ có giá rẻ hơn trước khi giảm giá tiền tệ. Nhờ lợi thế về giá, hàng hóa Trung Quốc sẽ được đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác. Khi nhu cầu xuất khẩu lớn, Trung Quốc sẽ giải quyết được các vấn đề sản xuất, việc làm. Qua đó giải quyết được bài toán GDP đang giảm sút.

Nhưng nếu Mỹ không muốn Trung Quốc có những lợi thế này, thì họ sẽ phá giá đồng USD làm cho cán cân tỷ giá trở về như trước hoặc thấp hơn nữa – đây chính là chiến tranh tiền tệ điển hình.

2.3. Các cuộc chiến tranh tiền tệ trong lịch sử

Trong lịch sử, nền kinh tế thế giới đã trải qua nhiều cuộ chiến tranh tiền tệ, bao gồm cả công khai và các cuộc chiến ngầm giữa các quốc gia. Trong đó, có hai cuộc chiến hết sức tồi tệ. Chúng gây ảnh hưởng cực lớn đến sự phát triển thương mại toàn cầu:

chiến tranh tiền tệ

Lịch sử có 2 cuộc chiến tranh tiền tệ lớn

Cuộc chiến tranh tiền tệ lần thứ 1

Cuộc đua phá giá đầu tiên xảy ra giữa các cường quốc kinh tế trong thập niên 1920-1930 là trường hợp kinh điển của chiến tranh tiền tệ. Khởi điểm của cuộc chiến này bắt đầu từ nước Đức. Năm 1921, một đợt lạm phát được ngân hàng trung ương Đức Reichsbank thực hiện nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh. Nhưng cuối cùng, nó đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát và phá hủy đi nền kinh tế.

Năm 1922, Reichsbank phải điên cuồng in tiền để trả lương cho các nhân viên nhà nước. Hậu quả là 1 USD lúc đó không thể tiêu được trên nước Đức vì các cửa hiệu không có đủ năng lực để trả lại tiền thừa.

Trước tình hình hỗn loạn của Đức, các quốc gia khác cũng bắt đầu ra đòn. Năm 1925, Pháp phá giá đồng nội tệ Franc trước khi quay trở lại với chế độ bản vị vàng. Nhờ đó Pháp đã chiếm được lợi thế xuất khẩu so với Anh và Mỹ. Thời điểm đó, một người Mỹ với một ít USD có thể đến Pháp và sống như một ông hoàng.

Năm 1931, sau nhiều năm chịu suy thoái vì phục hồi chế độ bản vị vàng, Anh đã từ bỏ chế độ này. Kể từ đó, Anh bắt đầu hạ giá đồng nội tệ của mình để giành lại vị trí xuất khẩu. Năm 1933, Mỹ bắt đầu tham chiến khi phá giá USD với vàng, giành lại lợi thế cạnh tranh giá xuất khẩu đã mất vào tay Anh và Pháp.

Kết quả của chiến tranh tiền tệ lần thứ 1

Kết quả của cuộc chiến tranh tiền tệ này tạo ra một trong những đợt suy thoái tồi tệ nhất lịch sử. Cuộc chiến này còn tiếp tục cho đến khi chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc. Năm 1944, các cường quốc kinh tế phe chính yếu gồm Anh, Pháp và Mỹ đã lập ra hệ thống Bretton Woods. Nội dung chính của nó là thỏa thuận ổn định tỷ giá tiền tệ giữa các nước. Dưới hệ thống Bretton Woods, đồng USD đã chuyển đổi thành vàng với giá niêm yết 35 USD/1 ounce.

Xem thêm: Hệ thống Bretton Woods là gì? Mổ xẻ nguyên nhân sự sụp đổ của hệ thống này

Chiến tranh tiền tệ lần 2

Năm 1967, sau một thời gian bình ổn nhờ Bretton Woods, chiến tranh tiền tệ lần thứ 2 nổ ra. Anh được biết đến là nước khơi mào khi đồng bảng Anh bị phá giá mạnh. Và lượng tiền được phát hành khi đó đã gấp 4 lần trữ lượng vàng của Anh.  Đối mặt với lạm phát tăng cao, Pháp rút khỏi thỏa thuận ổn định tỷ giá với Anh và Mỹ.

Điều này khiến Mỹ chịu áp lực lớn khi lượng USD bán ra thị trường để đổi lấy vàng quá nhiều khiến đồng USD liên tục bị mất giá. Giá vàng lúc này tăng đến 45 USD/ 1 ounce, không còn là 35 USD như neo giá ban đầu. Năm 1972, đồng bảng Anh một lần nữa bị phá giá, khiến Mỹ rơi vào tình trạng suy thoái. Năm 1973, IMF chính thức khai tử hệ thống Bretton Woods.

Kết quả của chiến tranh tiền tệ lần thứ 2

Năm 1985, kinh tế Mỹ phục hồi khiến đồng USD tăng giá kỷ lục trở lại. Trước tình cảnh này, hàng hóa của Mỹ mất lợi thế cạnh tranh so với các cường quốc khác. Do đó, Mỹ đã buộc các quốc gia thuộc nhóm G7 ký một hiệp ước đồng ý giảm giá đồng USD.

Ngoài hai cuộc chiến tiền tệ lớn nêu trên, thế giới cũng từng chứng kiến một số cuộc chiến nhỏ. Đó là năm 2008, khi ngân hàng Lehman Brothers bị sụp đổ, Mỹ cũng phá giá đồng USD với các gói nới lỏng định lượng hay Nhật cũng từng phá giá đồng Yên để giúp đỡ nền kinh tế phục hồi.

#Thực_chiến_NGHỀ_Trading

3. Lưu ý khi giao dịch trong bối cảnh chiến tranh tiền tệ.

3.1. Lưu ý tin tức tài chính để nắm bắt nhanh tình hình thị trường

Chiến tranh tiền tệ khi xảy ra đều có sự giảm giá của các đồng tiền liên quan (hai bên hay nhiều bên), cho nên khi chiến tranh tiền tệ xảy ra thì các phân tích kỹ thuật sẽ có thiên hướng nhiễu do tình hình mất giá chung của đồng tiền. Chính vì vậy việc nắm bắt nhanh các tin tức và các biến động của thị trường sẽ giúp anh em có được các cảnh báo sớm để điều chỉnh chiến lược.

Anh em có thể cập nhật các tin tức thị trường và tài chính thông qua các trang web hỗ trợ giao dịch như investing hoặc FxFactory,…

chiến tranh tiền tệ

Cập nhật nhanh các tin tức tài chính thông qua FxFactory

3.2. Giao dịch trong thời kì chiến tranh tiền tệ – một động thái khó khăn

Nếu các phân tích và nhận định của các chuyên trang lớn đã xác định xảy ra chiến tranh tiền tệ giữa các bên thì anh em nên hạn chế giao dịch những cặp tiền có liên quan đến các bên trong cuộc chiến này bởi vì môi trường giá hiện tại sẽ cực kì bất ổn. Các phân tích kỹ thuật của anh em sẽ có độ nhiễu rất lớn.

Ví dụ: Trong cuộc chiến tranh tiền tệ ngầm kéo dài hơn 3 thập kỷ giữa Mỹ và Trung thì những lần đáp trả sẽ dẫn đến giá biến động rất mạnh và khó đoán định. Bong bóng thị trường cổ phiếu năm 2000 và nợ dưới chuẩn năm 2008 đã khiến tỷ lệ thất nghiệp của Hoa Kỳ tăng từ mức 6% vào cuối năm 2002 lên mức 9,9% vào năm 2009. Nỗi e sợ  giảm phát khiến Cục Dự trữ liên bang (FED) duy trì mức chính sách lãi suất thấp lâu hơn so với bình thường trong cả 2 đợt đổ vỡ.

Lãi suất liên bang giảm hơn 4,75% từ tháng 7-2000 đến tháng 7-2002. Đến năm 2004, lãi suất liên bang vẫn ở mức thấp 1,76%. Hệ quả của 5 năm duy trì lãi suất thấp là một quả bom nợ dưới chuẩn vào năm 2008. Lần này, FED phải duy trì mức lãi suất 0% trong suốt hơn 7 năm qua. Với 3 vòng nới lỏng định lượng (QE) chưa từng có trong tiền lệ từ 2008-2014, FED đã bơm ra 4.400 tỷ USD, khiến báo chí Hoa Kỳ gọi Chủ tịch Bernanke là “máy in tiền”. Tỷ lệ thất nghiệp của Hoa Kỳ đã giảm xuống mức 5,9% vào tháng 1-2015.

Theo biểu đồ dưới đây trong động thái đó của Mỹ, tỷ giá cặp CNYUSD đã tăng lên lập đỉnh cao nhất vào năm 2014 và tiến về sát đỉnh vào năm 2015. Trong thời kì này nếu Trung Quốc thực hiện các hành vi đáp trả thì sẽ là một biến động ngoài ý muốn cho các nhà đầu tư và nắm giữ dài hạn. Chính vì vậy việc tránh giao dịch cặp CNYUSD trong thời gian này là một hành động cẩn thận và an toàn.

Liền ngay sau khi tỷ giá CNYUSD lập đỉnh, Trung Quốc diễn ra đổ vỡ chứng khoán vào tháng 6-2015, lượng vốn tháo chạy khỏi Trung Quốc 800 tỷ USD trong vòng 1 năm trước đó. Một con số thực sự lớn cho dù Trung Quốc có đến 4.000 tỷ USD dự trữ ngoại hối, đây là nguyên nhân – hay “cái cớ” để Trung Quốc đánh rớt giá trị đồng tiền của mình để đáp trả Mỹ thì còn là câu hỏi bỏ ngõ. Còn thực tế thf giá trị đồng CNY sau đó đã giảm cực mạnh như bểu đồ cho thấy.

chiến tranh tiền tệ

Tỷ giá cặp CNYUSD qua các năm

4. Kết luận

Vì lợi ích quốc gia hoặc chỉ đơn giản là một động thái đáp trả mang tính chính trị cũng có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh tiền tệ. Và khi nó xảy ra thì không những ảnh hưởng đến kinh tế các bên tham chiến mà còn ảnh hưởng đến các định hướng và chiến lược trong dài hạn của anh trader. Chính vì vậy, anh em phải luôn nhanh chóng nắm bắt thông tin, trang bị cho mình kiến thức để nhận diện khi nào chiến tranh tiền tệ xảy ra và đặc biệt là tâm lý sẵn sàng thích ứng.

Hi vọng qua bài viết anh em đã có thể trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để đề phòng và giải quyết các yếu tố bất lợi do chiến tranh tiền tệ gây nên. Chúc anh em thành công trên thị trường tài chính!

VnRebates – Nơi Trading là NGHỀ

 

👉 Cập nhật Phương pháp trading mới và hiệu quả nhất trên thế giới bằng 4 Khóa học video miễn phí
Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.