VNREBATES

Chính sách tiền tệ – công cụ điều khiển tỷ giá của các Central bank

29.06.2022, 09:04 13 phút đọc

Các Ngân hàng trung ương thường nắm trong tay quyền lực thực thi chính sách về kinh tế vĩ mô thông qua chính sách tiền tệ. Vậy chính sách tiền tệ là gì? Nó có gì khác so với chính sách tài khoá? Có các công cụ nào thực thi chính sách này? Các dạng nhận biết ra sao? Anh em hãy cùng nhau nghiên cứu trong bài biết này của VnRebates nhé!

Chính sách tiền tệ là một bộ phận trong tổng thể hệ thống chính sách kinh tế của của một quốc gia, mục tiêu của nó là thực hiện việc quản lý tổng quát nền kinh tế nhằm đạt được những mục đích kinh tế-xã hội trong từng giai đoạn nhất định. Vậy những chính sách về tiền tệ có những tác động như thế nào đến nền kinh tế? Ảnh hưởng đến tỷ giá ra sao?

#Kiến_thức_phục_vụ_NGHỀ_Trading

1. Chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá là gì?

1.1. Chính sách tiền tệ

Chính sách tiền tệ (monetary policy) là quá trình quản lý cung tiền của Ngân hàng Trung Ương nhằm hướng tới một lãi suất mong muốn để ổn định tăng trưởng kinh tế – như kiểm soát lạm phát, duy trì tỷ giá hối đoái ổn định,…. Chính sách tiền tệ bao gồm việc điều chỉnh các loại lãi suất nhất định trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các nghiệp vụ thị trường mở, ban hành mức dự trữ bắt buộc, tăng hoặc giảm trao đổi trên thị trường ngoại hối

chính sách tiền tệ

Sơ đồ mô tả cách thức hoạt động của chính sách tiền tệ

Ví dụ: Bộ Tài chính Hoa Kỳ có khả năng tạo ra tiền, nhưng Cục Dự trữ Liên (FED) bang lại là cơ quan quyết định việc cung ứng tiền trong nền kinh tế, phần lớn thông qua các nghiệp vụ thị trường mở. Về cơ bản, điều này có nghĩa là mua trái phiếu khi chính sách tiền tệ nới lỏng và bán trái phiếu khi chính sách tiền tệ thắt chặt.

Xem thêm: Fed là gì? Tại sao lãi suất lại có tầm quan trọng tới thị trường Forex

Các công cụ để thi hành chính sách tiền tệ bao gồm sửa đổi lãi suất lên hoặc xuống, trực tiếp cho ngân hàng vay tiền mặt và thay đổi yêu cầu dự trữ của ngân hàng. Những công cụ này giúp cho Ngân hàng trung ương thực thi các chính sách của mình, từ đó vừa đảm bảo các mục tiêu quốc gia vừa điều khiển được tỷ giá hối đoái với đồng tiền khác trong rổ tiền tệ.

1.2. Chính sách tài khoá

Chính sách tài khóa (fiscal policy) trong kinh tế là chính sách thông qua chế độ thuế và đầu tư công để tác động tới nền kinh tế. Chính sách tài khóa cùng với chính sách tiền tệ là các chính sách kinh tế vĩ mô quan trọng, nhằm ổn định và phát triển nền kinh tế.

chính sách tiền tệ

Chính sách tài khoá – Fiscal policy

Ví dụ: Khi nền kinh tế đang ở tình trạng suy thoái, nhà nước có thể giảm thuế, tăng chi tiêu (đầu tư công) để chống lại sự suy thoái. Chính sách này gọi là chính sách tài khóa mở rộng. Ngược lại, khi nền kinh tế ở tình trạng lạm phát và có hiện tượng nóng, thì nhà nước có thể tăng thuế và giảm chi tiêu của mình để ngăn cho nền kinh tế khỏi rơi vào tình trạng quá nóng dẫn tới đổ vỡ. Chính sách này gọi là chính sách tài khóa thắt chặt.

Nói chung, chính sách tiền tệ hướng đến việc duy trì và điểu chỉnh lượng cung tiền trên thị trường thông qua sử dụng các yếu tố về lãi suất để ổn định thị trường tiền tệ. Còn đối với chính sách tài khoá thì lại hướng vào bên trong đất nước, tác động vào thuế và đầu tư công nhằm ổn định nền kinh tế trong nước.

2. Công cụ để hiện thực hóa các chính sách tiền tệ

Để thực hiện được các chính sách tiền tệ thì chính phủ phải sử dụng các công cụ có khả năng hiện thực hoá chính sách này, các công cụ đó bao gồm 6 công cụ:

  • Công cụ tái cấp vốn: là hình thức cấp tín dụng của Ngân hàng Trung ương đối với các Ngân hàng thương mại. Khi cấp khoản tín dụng cho Ngân hàng thương mại, Ngân hàng Trung ương đã tăng lượng tiền cung ứng đồng thời tạo cơ sở cho Ngân hàng thương mại tạo bút tệ và khai thông khả năng thanh toán của họ.

Xem thêm : Central Bank – Ngân hàng trung ương và tác động của nó đến thị trường Forex

  • Công cụ tỷ lệ dự trữ bắt buộc: là tỷ lệ phần trăm tiền gửi mà các ngân hàng buộc phải giữ làm dự trữ theo yêu cầu của ngân hàng trung ương. Thường thì đối với các ngân hàng thương mại phải gửi số tiền này vào một tài khoản đặc biệt ở ngân hàng trung ương. Ngân hàng trung ương cũng sẽ quy định tỷ lệ dự trữ bắt buộc khác nhau cho các khoản tiền gửi có kỳ hạn khác nhau. Việc này nằm đảm bảo khả năng tín dụng cho ngân hàng và đáp ứng nguồn vốn của thị trường.
  • Công cụ nghiệp vụ thị trường mở: là hoạt động Ngân hàng Trung ương mua bán các loại chứng từ đảm bảo tài sản như trái phiếu, từ đó điều hòa cung cầu về chứng từ này, gây ảnh hưởng đến khối lượng dự trữ của các Ngân hàng thương mại, từ đó tác động đến khả năng cung ứng tín dụng của các Ngân hàng thương mại dẫn đến làm tăng hay giảm khối lượng tiền tệ.
  • Công cụ lãi suất tín dụng: đây được xem là công cụ gián tiếp trong thực hiện chính sách tiền tệ bởi vì sự thay đổi lãi suất không trực tiếp làm tăng thêm hay giảm bớt lượng tiền trong lưu thông, mà có thể làm kích thích hay kìm hãm sản xuất. Từ đó kích thích hoặc kìm hãm lưu thông tiền tệ.
  • Công cụ hạn mức tín dụng: là 1 công cụ can thiệp trực tiếp mang tính hành chính của Ngân hàng Trung ương để khống chế mức tăng khối lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng. Hạn mức tín dụng là mức dư nợ tối đa mà Ngân hàng Trung ương buộc các Ngân hàng thương mại phải chấp hành khi cấp tín dụng cho nền kinh tế.
  • Tỷ giá hối đoái:Tỷ giá hối đoái là tương quan sức mua giữa đồng nội tệ và đồng ngoại tệ. Nó vừa phản ánh sức mua của đồng nội tệ, vừa là biểu hiên quan hệ cung cầu ngoại hối. Chính sách tỷ giá tác động một cách nhạy bén đến tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa, tình trạng tài chính, tiền tệ, cán cân thanh toán quốc tế, thu hút vốn đầu tư, dự trữ của đất nước.

3. Các dạng chính sách tiền tệ

Chính sách tiền tệ có các dạng khác nhau tuỳ thuộc vào mục tiêu mà chính sách đó hướng đến, bao gồm:

  • Mục tiêu lạm phát: mục tiêu hướng đến của chính sách này là giảm tỷ lệ lạm phát nhằm ổn định giá trị đối nội của đồng tiền đồng nghĩa với việc thắt chặt khiến cho lãi suất trong nền kinh tế tăng lên đặc biệt là lãi suất nắm giữ qua đêm, hiện tượng thoái lui đầu tư xuất hiện làm tổng cầu của nền kinh tế giảm xuống. Thất nghiệp sẽ có xu hướng tăng và tăng trưởng kinh tế bị kìm hãm
  • Mục tiêu mức giá: Chính sách tiền tệ hướng tới ổn định giá trị đồng tiền thì trong điều kiện nền kinh tế trì trệ, việc kiểm soát lạm phát ở một tỷ lệ hợp lý (thường ở mức một con số) bằng cách giảm lãi suất, đặc biệt là lãi nắm giữ qua đêm sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế trở lại nhằm ổn định giá trị đồng tiền.
  • Tổng cung tiền: tăng hoặc giảm mức cung tiền cho nền kinh tế nhiều hơn bình thường. Để thực hiện điều này, Ngân hàng trung ương sẽ thực hiện 1 hoặc kết hợp 2 trong 3 cách gồm hạ lãi suất chiết khấu, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tăng mua vào trên thị trường chứng khoán. Lúc này lãi suất giảm, các doanh nghiệp vay tiền nhiều hơn để phát triển kinh doanh, người dân cũng tiêu dùng nhiều hơn làm cho tổng cầu tăng, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân. Từ đó, quy mô nền kinh tế mở rộng, thu nhập của người lao động tăng, thất nghiệp giảm.
  • Cố định tỷ giá hối đoái: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái được Ngân hàng Nhà nước thực hiện khi muốn điều chỉnh lượng cung tiền bằng ngoại tệ của nền kinh tế. Để tăng cung tiền bằng ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh giảm tỷ giá hối đoái bằng cách mua vào giấy tờ có giá của các Ngân hàng Thương mại trên thị trường mở bằng ngoại tệ. Để giảm cung tiền bằng ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh tăng tỷ giá hối đoái bằng cách bán giấy tờ có giá cho các Ngân hàng Thương mại và thu về ngoại tệ.
  • Bản vị vàng: bản vị vàng giới hạn khả năng của chính phủ trong việc điều chỉnh lạm phát bằng cách bơm thêm tiền giấy vào lưu thông. Bản vị vàng tạo ra sự vững chắc của thương mại quốc tế do nó cung cấp một cơ cấu cố định tỷ giá tiền tệ tạo cân bằng cung tiền trong lưu thông tiền tệ.
  • Chính sách tổng hợp: Là tổng hoà của các dạng chính sách ở trên nhằm hướng đến mục tiêu là tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát.

Bảng dưới đây sẽ mô tả một cách khái quát về các chính sách, biến số cần tác động và mục tiêu nhắm đến:

Chính sách tiền tệ: Biến số tác động: Mục tiêu dài hạn:
Mục tiêu lạm phát Lãi suất của nợ qua đêm Cố định tỷ lệ lạm phát
Mục tiêu mức giá Lãi suất của nợ qua đêm Cố định mức giá
Tổng cung tiền Tốc độ tăng cung tiền Cố định tỷ lệ lạm phát
Cố định tỷ giá Tỷ giá Tỷ giá
Bản vị vàng Giá vàng Lạm phát thấp đo bằng giá vàng
Chính sách tổng hợp Thường là lãi suất Thường là tỷ lệ thất nghiệp + Lạm phát

 

Hiện tại các quốc gia như: Australia, Brazil, Canada, Chile, Colombia, the Czech Republic, Hungary, New Zealand, Norway, Iceland, Philippines, Poland, Sweden, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, và Anh đang sử dụng chính sách hướng tới mục tiêu lạm phát.

Xem thêm: Lạm phát là gì? Nhà đầu tư nên rót tiền vào đâu trong thời kỳ lạm phát?

Chính sách tổng cung tiền thì được đa số các nước tiên tiến sử dụng trong thập niên 1980s (gồm Hoa Kỳ).

Hoa Kỳ hiện tại đang sử dụng chính sách tổng hợp – mixed policy từ những năm 1980s và nó còn có tên là “Taylor rule,” theo đó đảm bảo rằng lãi suất của FED thay đổi thích ứng với các shock lạm phát và tổng cung tiền hiện có.

#Thực_chiến_NGHỀ_Trading

4. Các yếu tố chi phối và ảnh hưởng đến quyết định chính sách tiền tệ

Chính sách tiền tệ được xây dựng dựa trên các yếu tố đầu vào từ nhiều nguồn khác nhau. Cơ quan quản lý tiền tệ có thể xem xét các con số kinh tế vĩ mô như tổng sản phẩm quốc nội (GDP)lạm phát, tốc độ tăng trưởng ngành và lĩnh vực cụ thể và các số liệu liên quan để đưa ra quyết định

Xem thêm: GDP là gì? 3 cách tính GDP

Các diễn biến địa chính trị cũng là một trong các yếu tố quyết định đến chính sách tiền tệ quốc gia. Các lệnh cấm vận dầu mỏ hoặc việc áp đặt (hoặc dỡ bỏ) thuế quan thương mại là những ví dụ về các hành động có thể có tác động sâu rộng.

Ví dụ 1: Sau khi phát động chiến tranh với Ukraine và nhận sự trừng phạt từ phương Tây dẫn đến đồng ruble mất giá, lúc này Nga đã sử dụng công cụ tỷ giá hối đoái đó là: yêu cầu thanh toán các lô khí đốt xuất khẩu tới các nước “không thân thiện” bằng đồng nội tệ của mình, ép các khách hàng khí đốt ở châu Âu phải mua đồng ruble của Nga trên thị trường mở. Thế là đồng ruble từ mức giá 140 ruble đổi 1 USD vào ngày 8/3/2022 đã tăng vọt lên mức 100 ruble đổi 1 USD vào ngày 25/3 vừa qua.

Với việc chấp nhận thanh toán bằng đồng ruble, Nga đã thực thi hiệu quả việc đưa một phần nội tệ của mình ra khỏi lưu thông, duy trì tỷ giá hối đoái của đồng ruble, và ngăn chặn áp lực lạm phát nảy sinh từ việc phá giá tiền tệ – và đây cũng là dạng chính sách kết hợp giữa chính sách tổng cung tiềncố định tỷ giá khi vừa tác động đến tốc độ cung tiềntỷ giá để nhắm đến mục tiêu dài hạn là cố định tỷ lệ lạm phátgiữ vững tỷ giá hối đoái.

chính sách tiền tệ

Tỷ giá RUBUSD tăng vọt ngay sau khi nga lợi dụng dầu để thực hiện chính sách tiền tệ thông qua công cụ “tỷ giá hối đoái” (nguồn biểu đồ: Tradingview)

Ví dụ 2: Công cụ lãi suất là một trong những công cụ ưa thích của FED nhằm để thực hiện các chính sách tiền tệ của mình. Thông qua việc tác động đến lãi suất FED không trực tiếp làm tăng thêm hay giảm bớt lượng tiền trong lưu thông, mà có thể làm kích thích hay kìm hãm sản xuất thông qua việc mở rộng hoặc kìm hãm khả năng và nhu cầu cho vay trên thị trường. Từ đó kích thích hoặc kìm hãm lưu thông tiền tệ.

Ngày 04/05/2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ – FED đã tăng phạm vi lãi suất cơ bản gấp hai lần quy mô của một đợt tăng lãi suất thông thường, trong bối cảnh cơ quan này “chạy nước rút” để vượt qua vấn đề lạm phát gia tăng tại Mỹ. Cụ thể, Fed thông báo sẽ tăng lãi suất chủ chốt lên 0,5%, mức tăng lãi suất cao nhất kể từ tháng 5/2000.

chính sách tiền tệ

FED nâng lãi suất để hạn chế lưu thông tiền tệ dẫn đến chỉ số USD index tăng cao

5. Kết luận

Các chính sách tiền tệ nói chung bao gồm cả chính sách tài khoá đều nhằm mục đích ổn định kinh tế vĩ mô và định hướng phát triển nền tài chính quốc gia. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ còn là một trong những công cụ hữu hiệu của các Ngân hàng trung ương trong việc điểu chỉnh và duy trì tỷ giá hối đoái.

Các chính sách tiền tệ tuy mục đích là như nhau nhưng biểu hiện khá đa dạng thông qua 6 công cụ và 6 dạng chính sách đẫ được đề cập ở trên. Các chính sách tiền tệ thường là dạng tổng hợp giữa nhiều dạng và nhiều công cụ, chính vì vậy khi anh em nắm được các mấu chốt cơ bản thì sẽ suy ra đưuọc tác động của chính sách lên tỷ giá đồng tiền mà anh em quan tâm – giống như ví dụ về việc Nga bắt buộc chi trả bằng đồng ruble ở trên.

VnRebates – Nơi Trading là NGHỀ

Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.