VNREBATES

Cổ phiếu ngành ngân hàng: TOP 5 mã cổ phiếu uy tín nên đầu tư nhất 2023

30.12.2022, 14:01 21 phút đọc

Cổ phiếu ngành ngân hàng được xem như “phong vũ biểu” của thị trường chứng khoán Việt Nam. Chiếm tỷ trọng vốn hóa hơn 30%, mọi biến động của cổ phiếu ngân hàng tác động cực kỳ lớn đến VN-Index. Vậy xu hướng ngành ngân hàng trong 2023 thế nào? Đâu là cổ phiếu ngân hàng đáng đầu tư năm 2023?

Xem thêm: Top 10 cổ phiếu nên đầu tư dài hạn 2023 tại Việt Nam

Cổ phiếu ngành ngân hàng là gì?

Cổ phiếu ngân hàng là loại chứng khoán vốn được phát hành bởi các Ngân hàng Thương mại Cổ phần tại Việt Nam và niêm yết chính thống trên sàn chứng khoán. 

Trong tổng số 31 ngân hàng tại Việt Nam thì đã có 23 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán, trong đó có 16 ngân hàng niêm yết trên sàn HOSE và HNX và 7 mã cổ phiếu niêm yết sàn UpCOM.

Cổ phiếu ngành ngân hàng là gì?

Cổ phiếu ngành ngân hàng là gì? (Nguồn: VnRebates)

Đặc điểm của các mã cổ phiếu ngành ngân hàng

Để đầu tư có hiệu quả, nhà đầu tư cần có phương pháp phân tích phù hợp với từng danh mục cổ phiếu, đặc biệt là cổ phiếu ngân hàng. Bởi vì đây là nhóm cổ phiếu thuộc ngành đặc thù của nền kinh tế. Tính đặc thù của ngành ngân hàng được thể hiện qua các khía cạnh sau:

  • Sản phẩm kinh doanh: Ngân hàng kinh doanh tiền tệ – một loại hàng hóa đặc biệt. Các dịch vụ tiền tệ chính gồm: tín dụng, huy động và thanh toán.
  • Chịu sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN): Các ngân hàng thương mại chịu sự giám sát chặt chẽ của NHNN về sự minh bạch, uy tín và đảm bảo các tỷ lệ an toàn trong quá trình hoạt động.
  • Vốn hóa ngành ngân hàng lớn nhất: Ngành ngân hàng có mức vốn hóa chiếm 30% vốn hóa của VN-Index, điển hình có 9/30 mã ngân hàng nằm trong rổ VN30. Do đó, đây là nhóm ngành có vai trò dẫn dắt thị trường quan trọng nhất.
    Ví dụ: Khi thị trường bước vào chu kỳ tăng điểm, thì cổ phiếu ngân hàng tăng đầu tiên và dẫn dắt các nhóm ngành khác tăng theo. Nhà đầu tư thường “soi” biến động của nhóm cổ phiếu này như chỉ báo cho sự thay đổi xu hướng của thị trường.

Đặc điểm của cổ phiếu ngành ngân hàng

Đặc điểm của cổ phiếu ngành ngân hàng (Nguồn: Internet)

Các chỉ số quan trọng khi phân tích cổ phiếu ngành ngân hàng

Phân tích cổ phiếu ngân hàng được thực hiện dựa trên các chỉ tiêu và số liệu được lập trên báo cáo tài chính. Qua đó, nhà đầu tư có thể dễ dàng đánh giá hiệu quả sử dụng vốn và hiệu quả kinh doanh của từng mã cổ phiếu trong ngành. Sau đây VnRebates chia sẻ nhà đầu tư một số chỉ số quan trọng của ngành ngân hàng.

Một số chỉ số quan trọng cần lưu ý như sau:

Nhóm chỉ số về hiệu quả huy động vốn

  • Tốc độ tăng trưởng huy động vốn (%) = (Số dư vốn huy động kỳ này – Số dư vốn huy động kỳ trước) / Số dư vốn huy động kỳ trước x 100% 

Ý nghĩa: Chỉ số càng cao thể hiện lượng tiền huy động từ người dân tăng trưởng. Đồng nghĩa tình hình kinh doanh tích cực và ngân hàng có lợi thế cạnh tranh trong việc huy động nguồn vốn. 

  • CASA (%) = (Tiền gửi không kỳ hạn + Tiền ký quỹ) / Tổng tiền gửi của khách hàng x 100%

Ý nghĩa: Tỷ lệ CASA (Current Account, Saving Account) được hiểu nôm na là tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn. CASA cao tức ngân hàng thu hút được nguồn vốn chi phí rẻ. CASA cao sẽ giúp cải thiện NIM (Net Interest Margin), từ đó tăng hiệu quả hoạt động của ngân hàng.

Nhóm chỉ số về hiệu quả tín dụng

Hoạt động tín dụng giữa vai trò cốt lõi tạo ra lợi nhuận cho ngân hàng. Vì vậy, đây được xem là chỉ số quan trọng bậc nhất.

  • Tốc độ tăng trưởng tín dụng (%) = (Dư nợ cho vay kỳ này – Dư nợ cho vay kỳ trước) / Dư nợ cho vay kỳ trước x 100%

Ý nghĩa: Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng phản ánh hiệu quả tăng trưởng cho vay của ngân hàng. Chỉ số này càng cao thì tức ngân hàng thu hút được khách hàng đến vay và từ đó tạo ra lợi nhuận cho ngân hàng.

  • NIM (%) = Thu nhập lãi thuần / Tài sản sinh lãi x 100% 

Ý nghĩa: Hệ số NIM (Net Interest Margin) là sự chênh lệch phần trăm giữa thu nhập lãi và chi phí lãi. Hệ số NIM cho biết ngân hàng thực sự đang hưởng chênh lệch từ việc huy động – cho vay là bao nhiêu. Đây là hệ số cực kỳ quan trọng, NIM càng cao thì ngân hàng làm ăn càng hiệu quả.

  • CIR = Tổng chi phí  / Tổng thu nhập hoạt động

Ý nghĩa: Chỉ tiêu CIR (Cost to Income Ratio) cho biết mức độ hiệu quả trong vận hành kinh doanh của ngân hàng. Khi chỉ tiêu này càng hạ thấp qua các năm thì cho thấy ngân hàng đang quản trị chi phí hiệu quả hơn.

Nhóm chỉ số về quản trị rủi ro

  • Tỷ lệ dư nợ tín dụng so với huy động (LDR)= Dư nợ tín dụng / Nguồn vốn huy động 

(Chỉ số nằm trong khoảng từ 0 đến 1.0)

Ý nghĩa: Tỷ lệ dư nợ trên huy động (LDR) cho thấy khả năng sinh lời càng cao, đi kèm rủi ro thanh khoản gia tăng. Hiện nay, NHNN áp dụng tỷ lệ LDR tối đa là 85% ( theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN, từ ngày 1/1/2020) [1]. Thông thường, các ngân hàng duy trì tỷ lệ LDR ở mức 80 – 85% là tốt nhất. 

  • Tỷ lệ Nợ xấu = Nợ nhóm 3,4,5 / Tổng cho vay khách hàng x 100%

Ý nghĩa: Tỷ lệ này đánh giá hoạt động thu hồi nợ của ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu càng cao sẽ ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản, tăng trưởng tín dụng và ảnh hưởng xấu đến uy tín, từ đó làm giảm khả năng cạnh tranh của ngân hàng.

Tổng hợp mã cổ phiếu ngành ngân hàng được niêm yết trên thị trường hiện nay

Mã chứng khoán  Tên Ngân hàng Sàn niêm yết Ngày niêm yết 
ACB Ngân hàng TMCP Á Châu HOSE 09/12/2020
BAB Ngân hàng TMCP Bắc Á BANK. HNX 03/03/2021
BID Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam HOSE 24/01/2014
CTG Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam HOSE 16/07/2009
EIB Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam HOSE 27/10/2009
HDB Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh HOSE 05/01/2018
MBB Ngân hàng TMCP Quân đội HOSE 01/11/2011
MSB Ngân hàng TMCP  Hàng Hải Việt Nam HOSE 23/12/2020
NVB Ngân hàng TMCP Quốc Dân HNX 13/09/2010
OCB Ngân hàng TMCP Phương Đông HOSE 28/01/2021
LPB Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt HOSE 09/11/2020
SHB Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội HOSE 11/10/2021
SSB Ngân hàng TMCP Đông Nam Á HOSE 24/03/2021
STB Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín HOSE 12/07/2006
TCB Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam HOSE 04/06/2018
TPB Ngân hàng TMCP Tiên Phong HOSE 19/04/2018
VCB Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam HOSE 30/06/2009
VIB Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam HOSE 10/11/2020
VPB Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng HOSE 17/08/2017

TOP cổ phiếu ngành ngân hàng uy tín nên đầu tư nhất năm 2023

Cổ phiếu Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (HoSE: CTG)

Thông tin cổ phiếu niêm yết

  • Mã chứng khoán: CTG
  • Khối lượng cổ phiếu niêm yết: 4,805,750,609 cổ phiếu
  • Khối lượng cổ phiếu đang lưu hành: 4,805,750,609 cổ phiếu
  • Vốn hoá: 134,080.44 tỷ đồng

Đánh giá doanh nghiệp

Hiện nay, Ngân hàng Công thương Vietinbank (HoSE: CTG) là một ngân hàng có vốn nhà nước đứng thứ 2 về quy mô tổng tài sản trong ngân hàng niêm yết. Vietinbank sở hữu tệp khách hàng rộng lớn, thương hiệu mạnh và danh mục sản phẩm đa dạng là động lực giúp VietinBank tăng trưởng dài hạn.

  • Tăng trưởng bền vững: Trong 2 Quý đầu năm 2022, CTG đạt thu nhập lãi thuần là 11,972 tỷ VND (tăng 10.1% so với cùng kỳ); và lợi nhuận trước thuế đạt 5,785 tỷ VND (tăng 107.3% so với cùng kỳ).
  • NIM tăng nhờ tập trung cho vay nhóm bán lẻ và SME. Trong nửa đầu năm 2022, tăng trưởng cho vay nhóm bán lẻ và SME lần lượt đạt 22.4% và 11.7%, tỷ lệ này cao hơn so với mức tăng trưởng chung là 9.6%. Tăng tỷ trọng tích cực về dư nợ tín dụng là yếu tố và động lực chính cho NIM của CTG tăng trong dài hạn.
  • Hiệu quả hoạt động của VietinBank được cải thiện. CIR của Vietinbank đã có sự cải thiện liên tục từ năm 2018 đến nay. Trong 9 tháng năm 2022, tỷ lệ CIR của Vietinbank chỉ là 27.3% thuộc nhóm ngân hàng có CIR thấp nhất toàn ngành. 

Thông tin về cơ bản về cổ phiếu CTG

Thông tin về cơ bản về cổ phiếu CTG (Nguồn: Vietstock)

Cổ phiếu Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (HoSE: TCB)

Thông tin cổ phiếu niêm yết

  • Mã chứng khoán: TCB
  • Khối lượng cổ phiếu niêm yết: 3,510,914,798 cổ phiếu
  • Khối lượng cổ phiếu đang lưu hành: 3,587,238,514 cổ phiếu
  • Vốn hóa: 103,312.47 tỷ đồng

Đánh giá doanh nghiệp

Ngân hàng Techcombank (TCB) là một trong những ngân hàng tư nhân có kết quả động kinh doanh tốt nhất hiện nay. TCB được hẫu thuẫn bởi Tập đoàn Masan Group, sản phẩm cạnh tranh và hệ thống rộng khắp các tỉnh thành tạo nên vị thế cạnh tranh lớn cho Ngân hàng.

  • Tăng trưởng mạnh mẽ sau đại dịch: TCB tiên phong phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, cụ thể lũy kế trong 6 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận trước thuế đạt được là 14,106 tỷ VND (tức tăng +22.3% YoY), hoàn thành đến 52% kế hoạch năm. 
  • Chất lượng tài sản đứng đầu ngành. Tỷ lệ nợ xấu Quý 2/2022 của TCB giảm 7bps xuống chỉ còn 0.6%. Đồng thời, TCB duy trì tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao lên mức 172%. Nhờ quản trị rủi ro chặt chẽ, TCB được xem là ngân hàng có chất lượng tài sản tốt. 
  • Huy động thành công khoản vay hợp vốn lên tới 1 tỷ USD: Ngày 26/6/2022, TCB đã xuất sắc huy động thành công khoản vay hợp vốn có trị giá lên đến 1 tỷ USD. Điều này giúp TCB bổ sung nguồn vốn kinh doanh mạnh mẽ và giúp ngân hàng đáp ứng hoàn toàn được nhu cầu vay vốn cho khách hàng. [2]

Thông tin về cơ bản về cổ phiếu TCB

Thông tin về cơ bản về cổ phiếu TCB (Nguồn: Vietstock)

Cổ phiếu Ngân hàng Vietcombank (HoSE: VCB)

Thông tin cổ phiếu niêm yết

  • Mã chứng khoán: VCB
  • Khối lượng cổ phiếu niêm yết: 4,732,516,571 cổ phiếu
  • Khối lượng cổ phiếu đang lưu hành: 4,732,516,571 cổ phiếu
  • Vốn hóa: 376,235.07 tỷ đồng

Đánh giá doanh nghiệp

Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Vietcombank (HoSE: VCB) là ngân hàng lớn nhất tại Việt Nam hiện nay với vốn hóa tính đến tháng 12/2022 là 376,235.07 tỷ VND. Hơn thế nữa, trong 10 năm qua, ngân hàng Vietcombank đã không ngừng phát triển ấn tượng về lợi nhuận, tệp khách hàng và cả tổng quy mô tài sản lẫn vốn tự có.

  • Tăng trưởng tín dụng và NIM cải thiện tốt: Trong Quý 1/2022, thu nhập lãi thuần của VCB đạt 11,976 tỷ VND, tương đương tăng trưởng 18.8% YoY; lợi nhuận sau thuế tăng ấn tượng 15.3% so với ngân hàng khác. Chỉ số NIM cải thiện đáng kệ đạt 3.39%, tăng 24bps so với cùng kỳ.
  • Chất lượng tài sản của VCB tốt nhất trong toàn hệ thống ngân hàng. VCB duy trì tỷ lệ nợ xấu vẫn dưới 1.0%. Đồng thời, VCB vẫn giữ vị thế là ngân hàng thận trọng nhất từ việc trích lập dự phòng bao phủ nợ xấu lên đến 373%. Điều này giúp VCB tránh khỏi các rủi ro tăng mạnh, đặc biệt trong chu kỳ suy thoái kinh tế ngày nay. 
  • Cổ tức đều đặn: VCB là ngân hàng hiếm hoi chia cổ tức bằng tiền đều đặn cho cổ đông với tỷ lệ duy trì trung bình từ 8% đến 12%. Nên VCB là cổ phiếu được nhiều nhà đầu tư dài hạn ưu thích mua tích sản.

Thông tin về cơ bản về cổ phiếu VCB

Thông tin về cơ bản về cổ phiếu VCB (Nguồn: Vietstock)

Cổ phiếu Ngân hàng TMCP Quân Đội (HoSE: MBB)

Thông tin cổ phiếu niêm yết

  • Mã chứng khoán: MBB
  • Khối lượng cổ phiếu niêm yết: 4,533,986,133 cổ phiếu
  • Khối lượng cổ phiếu đang lưu hành: 4,533,986,133 cổ phiếu
  • Vốn hóa: 85,919.04 tỷ đồng

Đánh giá doanh nghiệp

MBbank là một trong những ngân hàng phát triển vượt bật sau đại dịch Covid-19. Chất lượng tài sản tốt, lợi thế cạnh tranh lớn và được sự hậu thuẫn của Tập đoàn Viettel, MB được dự đoán đáng xem xét đầu tư năm 2023.

  • Ký hợp tác chiến lược Hưng Thịnh Land và Novaland. MBBank đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Novaland (năm 2021) và Hưng Thịnh Land ( năm 2022). Điều này tạo động lực và vị thế cạnh tranh lớn cho MB.
  • Biên lãi thuần (NIM) tiếp tục cải thiện. NIM của ngân hàng MBB tăng 39bps QoQ lên mức 5.61%, nhờ hoạt động hiệu quả, đặc biệt thu hút được tỷ lệ CASA duy trì ở mức cao, khoảng 43.8%. 
  • Chất lượng tài sản lành mạnh. Tỷ lệ nợ xấu của MBB tăng nhẹ 9bps so với cuối năm 2021, tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ nợ xấu MBB duy trì 250% – cao đứng thứ 2 toàn ngành. Việc duy trì tỷ lệ bao phủ cao giúp MBB tránh các rủi ro trong hoạt động cho vay. 

Thông tin về cơ bản về cổ phiếu MBB

Thông tin về cơ bản về cổ phiếu MBB (Nguồn: Vietstock)

Cổ phiếu Ngân hàng TPBank (HoSE: TPB)

Thông tin cổ phiếu niêm yết

  • Mã chứng khoán: TPB
  • Khối lượng cổ phiếu niêm yết: 1,581,755,495 cổ phiếu
  • Khối lượng cổ phiếu đang lưu hành: 1,581,755,495 cổ phiếu
  • Vốn hóa: 36,380.38 tỷ đồng

Đánh giá doanh nghiệp

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) thành lập từ năm 2008. Chính nhờ sự sáng tạo trong áp dụng công nghệ, chiến lược kinh doanh khác biệt đã giúp TPBank từ một ngân hàng nhỏ đến nay đã phát triển thành Top 10 ngân hàng tốt nhất Việt Nam.

  • Tiên phong trong chuyển đổi số. TPBank luôn đi đầu trong xu thế áp dụng công nghệ trong dịch vụ ngân hàng. Cuối năm 2021, TP đã xuất sắc lần thứ 3 đạt giải “Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc nhất”. 
  • Kết quả kinh doanh tích cực. Trong Quý 2/2022, TPBank ghi nhận kết quả kinh doanh với LNTT đạt 2,165 tỷ VND (tức tăng +33.4% so với quý cùng kỳ). Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, LNTT đã tăng hơn 36.6% so với năm trước.
  • TPB duy trì khả năng thanh toán và tỷ lệ vốn ở mức tốt. Cuối quý 1 năm 2022, tỷ lệ cho vay vốn ngắn hạn/ trung và dài hạn của TPBank ở mức 31.35%. Ngoài ra, tỷ lệ CAR theo Basel II của TP đạt mức 12.98%.

Thông tin về cơ bản về cổ phiếu TPB

Thông tin về cơ bản về cổ phiếu TPB (Nguồn: Vietstock)

Tại sao nên cân nhắc đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng?

Trên thị trường chứng khoán, so với một số lĩnh vực khác thì ngân hàng mang lại tiềm năng lợi nhuận tốt hơn khi đầu tư, cụ thể:

1. Độ an toàn cao, lợi nhuận thấp

Ngân hàng là tổ chức hoạt động dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Các ngân hàng tại Việt Nam phải tuân thủ những quy định khắt khe với sự giúp đỡ tích cực từ phía Ngân hàng nhà nước để giảm thiểu tối đa trường hợp sụp đổ. Chính bởi vậy, việc một ngân hàng tại Việt Nam rơi vào tình trạng tương tự là cực kỳ nhỏ.

Không chỉ vậy, mọi thông tin, mọi vấn đề liên quan tới ngân hàng sẽ được công khai. Nhà đầu tư khi này có thể nắm bắt tình hình thị trường liên quan tới mã cổ phiếu mà mình muốn mua hoặc đang sở hữu nhằm có những lựa chọn phù hợp và kịp thời.

Bên cạnh đó, theo một số chuyên gia phân tích lĩnh vực ngân hàng được coi là vua của TTCK và ngành kinh tế quốc dân.

Cổ phiếu ngành ngân hàng luôn được kiểm soát bởi Ngân hàng Nhà nước

Cổ phiếu ngành ngân hàng luôn được kiểm soát bởi Ngân hàng Nhà nước (Nguồn: Internet)

2. Giá cổ phiếu ngân hàng thấp hơn so với những lĩnh vực khác

Ngân hàng là ngành được lựa chọn hàng đầu đối với các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Ngoài lý do độ an toàn cao, các cổ phiếu ngân hàng đang bị định giá thấp hơn so với những lĩnh vực khác. 

Cụ thể, theo Stockbiz.vn, tỷ lệ P/E (Giá so với EPS) và P/B (Giá so với giá trị sổ sách) của ngành ngân hàng lần lượt là 8,78 và 1,63 thấp hơn so với các lĩnh vực khác như: hàng tiêu dùng, y tế hoặc dịch vụ tiêu dùng. Điều này là bất hợp lý đối với một ngành thanh khoản top đầu và dẫn dắt thị trường như ngành ngân hàng. 

Đồng thời, cổ phiếu ngành ngân hàng rất ít có sự phân hoá, tỷ lệ ký quỹ cũng thấp hơn hẳn so với cổ phiếu của nhiều ngành khác. Vì thế, có thể nói, cổ phiếu ngân hàng đang khá rẻ cùng với tỷ lệ ký quỹ thấp nên rất phù hợp với mọi nhà đầu tư, từ người mới bắt đầu đến chuyên nghiệp.  

So sánh P/E và P/B ngành ngân hàng so với các ngành khác

So sánh P/E và P/B ngành ngân hàng so với các ngành khác (Nguồn: StockBiz.vn)

3. Số lượng doanh nghiệp tham gia hoạt động trên sàn ngày càng tăng

Theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước và Uỷ ban chứng khoán Nhà nước thì từ năm 2022 yêu cầu các hệ thống ngân hàng đang hoạt động phải đăng ký niêm yết trên sàn HOSE. Điều này sẽ tạo được sự công bằng về giá cho mọi loại cổ phiếu hiện nay, tạo lực thu hút cao hơn với các nhà đầu tư.

Thời điểm mua cổ phiếu ngân hàng giúp sinh lời cao

Các thời điểm mà nhà đầu tư nên lưu ý để mua cổ phiếu ngành ngân hàng hiệu quả, thu về lợi nhuận cao:

  • Sau khi báo cáo tài chính quý 3 của ngân hàng phát hành: Báo cáo tài chính quý 3 phản ánh rõ nhất về tình hình hoạt động của ngân hàng. Qua đó, nhà đầu tư có thể biết được ngân hàng đã hoàn thành bao nhiêu % kế hoạch, lợi nhuận dự phóng, chỉ số hoạt động,… Từ đó có kế hoạch đầu tư cuối và đầu năm tiếp theo. 
  • Trước khi Tết Nguyên Đán diễn ra: Thị trường chứng khoán Việt Nam thường giảm mạnh thời điểm trước Tết Nguyên Đán, nên đây là thời điểm “săn” cổ phiếu ngân hàng tốt với định giá rẻ. 
  • Vào mùa hội cổ đông thường niên của công ty (giữa tháng 3 và tháng 4 hàng năm): Vào mùa đại hội cổ đông, nhà đầu tư có tâm lý khá tích cực vì kỳ vọng các ngân hàng ra quyết định như chia cổ tức, tăng vốn, mục tiêu lợi nhuận kinh doanh,… Nên thường cổ phiếu ngân hàng sẽ tăng mạnh vào thời điểm này. 
  • Sau thời kỳ khủng hoảng kinh tế và đang có hướng hồi phục: Nhóm ngành ngân hàng được xem “đầu tàu” của VN-Index và được nhà đầu tư xem như chỉ báo của thị trường. Sau thời kỳ hậu khủng hoảng, nhóm cổ phiếu ngân hàng dẫn sóng hồi phục đầu tiên, nên nhà đầu tư có thể lựa chọn mua vào để đạt lợi nhuận tốt nhất.

Các thời điểm vàng mua cổ phiếu ngân hàng

Các thời điểm vàng mua cổ phiếu ngân hàng (Nguồn: Internet)

Kinh nghiệm lựa chọn và đầu tư vào cổ phiếu ngành ngân hàng

Nhìn chung khi nhà đầu tư quyết định mua cổ phiếu ngành ngân hàng thì cần xem xét những yếu tố cụ thể sau đây:

  • Nhà đầu tư nên tập trung vào chỉ số đánh giá chất lượng tài sản của ngân hàng quan trọng hơn chỉ số về hoạt động kinh doanh. 
  • Một khi ngân hàng đã có chất lượng tài sản tốt thì tiếp đến đánh giá kết quả kinh doanh và khả năng sinh lời.
  • Các yếu tố vĩ mô như: lãi suất cơ bản, lạm phát, cung tiền,… ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng. 
  • Ngân hàng có LDR thấp, CAR cao thể hiện khả năng tăng trưởng tín dụng bền vững.
  • Nên đầu tư vào ngân hàng có ROE cao vượt trội hơn ngành (trung bình nên cao hơn 10%).

Kết luận

Trên đây VnRebates đã cung cấp cho các bạn những thông tin về Top 5 cổ phiếu ngân hàng đáng đầu tư nhất năm 2023. Việc lựa chọn cổ phiếu ngành ngân hàng tốt là bước cực kỳ quan trọng trong quá trình đầu tư của các trader. Vậy nên, hy vọng bài viết trên đã hữu ích với các bạn. Theo dõi VnRebates để cập nhật thêm những kiến thức tài chính mới nhất nhé!

VnRebates – Hoàn tiền mọi giao dịch tài chính

Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.