VNREBATES

Đồng NZD là tiền nước nào? Tỷ giá NZD và chính sách tiền tệ cần biết

15.03.2023, 17:12 11 phút đọc

New Zealand không phải là nền kinh tế quá nổi trội trên thế giới, nhưng đồng tiền của nước này, tức đồng NZD, lại là một trong những đồng tiền được giao dịch nhiều nhất trong thị trường ngoại hối. Vậy đâu là lý do khiến cho đồng NZD được chú ý nhiều như vậy? Và khi giao dịch đồng tiền này chúng ta cần quan tâm đến những vấn đề gì? Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu và phân tích trong bài viết dưới đây.

Xem phim:

1. Đồng NZD và nền kinh tế New Zealand

1.1. Lịch sử và đặc điểm của đồng NZD

Đồng NZD, hay còn gọi là đồng đô la New Zealand, là đơn vị tiền tệ chính thức của New Zealand. Đồng NZD thường được ký hiệu là NZ$ để phân biệt với các loại tiền tệ khác dựa trên đô la.

Đồng NZD của New Zealand còn được gọi là đồng Kiwi. Ngoài New Zealand, đồng NZD còn được sử dụng ở một số khu vực khác như quần đảo Cook, Nieu, Tokelau và quần đảo Pitcairn.

Đô la New Zealand đã có lịch sử lâu đời hơn 160 năm, vì trên thực tế, New Zealand đã sử dụng tiền xu và tiền giấy của mình thậm chí trước cả khi đồng tiền của Anh trở thành tiền tệ hợp pháp. Tuy nhiên, cho đến năm 1933, khi New Zealand chính thức phát hành đồng tiền đầu tiên của họ dựa trên bảng Anh, thì đồng NZD mới được công bố là tiền tệ chính thức của nước này.

Ban đầu, đồng NZD được cố định tỷ giá so với đô la Mỹ ở mức 44 xu (cent) cho một đô la. Cho đến ngày 4 tháng 3 năm 1985, đồng đô la của New Zealand được thả nổi, và giá trị của nó được xác định bởi thị trường. Cho đến hiện tại, đồng NZD vẫn thường dao động trong khoảng từ 39 đến 88 xu so với đồng bạc xanh USD.

Về mệnh giá, đồng NZD được phát hành dưới dạng tiền giấy với các mệnh giá 5, 10, 20, 50 và 100 $ (NZ$), ngoài ra còn có các đồng xu kim loại với mệnh giá nhỏ hơn, gồm 10, 20, 50 cent và 1$, 2$.

đồng NZD

Đồng NZD – tiền tệ của New Zealand (Nguồn: Internet)

1.2. Nền kinh tế đặc thù của New Zealand

Khi chúng ta nhắc đến “nền kinh tế đặc thù”, thì sự đặc thù của kinh tế New Zealand đến từ việc nó là một nền kinh tế thị trường tự do. Mặc dù New Zealand không phải nền kinh tế thị trường duy nhất trên thế giới, nhưng đây là nền kinh tế thị trường nổi bật và rất phát triển, với sự toàn cầu hóa và thương mại quốc tế đóng vai trò chủ đạo.

New Zealand là quốc gia lớn thứ 52 thế giới tính theo GDP – tổng sản phẩm quốc nội, và đứng thứ 63 trên thế giới tính theo sức mua tương đương – PPP (số liệu năm 2020). Mặc dù đây không phải số liệu cho thấy New Zealand là nền kinh tế lớn trên thế giới, tuy nhiên quốc gia này lại có nền kinh tế thị trường nổi bật, và nó khiến cho đồng NZD là một trong những đồng tiền được giao dịch rất nhiều trên thế giới (đứng thứ 10).

Nền kinh tế của New Zealand có ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng khá lớn, chiếm tới 63% tỷ trọng GDP tính đến năm 2013. Tuy nhiên, sản xuất của quốc gia này cũng rất phát triển, với các ngành quy mô lớn như sản xuất nhôm, chế biến thực phẩm, chế tạo kim loại, gỗ và giấy… Ngoài ra, khai khoáng, chế tạo, điện, khí… là các lĩnh vực quan trọng. Tổng thể ngành sản xuất chiếm tỷ trọng khoảng 16,5% GDP tính đến năm 2013.

Xem thêm:

Cơ cấu nền kinh tế New Zealand

Cơ cấu nền kinh tế New Zealand (nguồn: easyuni.com)

Với sự phát triển của công nghiệp và dịch vụ, xuất khẩu của New Zealand cũng trở thành một trong những lĩnh vực thống trị nền kinh tế, mặc dù tỷ trọng chỉ chiếm khoảng 6,5%. Cũng chính vì vậy, nền kinh tế của New Zealand phụ thuộc khá nhiều vào thương mại quốc tế, chủ yếu là với Úc, Canada, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Hoa Kỳ.

Dựa vào sự giao thương quốc tế rộng rãi, nền kinh tế New Zealand được coi là nền kinh tế toàn cầu, và cũng là nền kinh tế thị trường phát triển. Hệ quả là đồng NZD trở thành một trong những đồng tiền được giao dịch nhiều nhất trên thế giới và được nhiều nhà đầu tư yêu thích.

Xem thêm: Nền kinh tế phía sau đồng Đô la Úc và các dữ liệu quan trọng.

2. Ngân hàng dự trữ New Zealand và chính sách tiền tệ

Ngân hàng dự trữ New Zealand, tên viết tắt là RBNZ (Reserve Bank of New Zealand), là ngân hàng trung ương của đất nước này. Giống như hầu hết các ngân hàng trung ương khác, RBNZ có nhiệm vụ duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính New Zealand.

Ngân hàng dự trữ New Zealand được thành lập vào năm 1934, sau khi Đạo luật Ngân hàng dự trữ năm 1933 được thông qua. Khác với Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ, RBNZ không có bất cứ chủ sở hữu tư nhân nào mà hoàn toàn thuộc sở hữu của chính phủ New Zealand.

Nhìn chung, RBNZ chịu trách nhiệm duy trì chính sách tiền tệ, đáp ứng nhu cầu tiền tệ trao đổi trong thị trường nội địa và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho hệ thống ngân hàng thương mại.

Ngoài ra, vào năm 2007, chính phủ New Zealand đã quyết định mở rộng vai trò của RBNZ, theo đó tổ chức này không chỉ quản lý các ngân hàng thành viên, mà còn quản lý các tổ chức xây dựng, công đoàn tín dụng, công ty bảo hiểm và các công ty tài chính. Khoảng 30 tỷ đô la được giao dịch thông qua hệ thống thanh toán của ngân hàng này mỗi ngày.

Ngân hàng Dự trữ New Zealand

Ngân hàng Dự trữ New Zealand (Nguồn: Internet)

Về chính sách tiền tệ, RBNZ có nhiệm vụ thực hiện các chính sách tiền tệ với mục tiêu thúc đẩy việc làm trong nền kinh tế, duy trì sự ổn định giá cả. Để quản lý các chính sách tiền tệ, RBNZ đặt ra một mức lãi suất qua đêm song song với lãi suất thông thường đối với những khoản vay của các ngân hàng thương mại. Với lãi suất qua đêm, ngân hàng dự trữ có thể tác động đến hệ thống tiền tệ một cách linh hoạt và ngay lập tức.

Một số hoạt động khác để thực hiện chính sách tiền tệ của RBNZ là tham gia trực tiếp vào thị trường trong nước bằng cách mua bán trái phiếu chính phủ, để kiểm soát lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế. Ngân hàng trung ương này cũng theo đuổi các chính sách nới lỏng định lượng trong trường hợp căng thẳng tài chính diễn ra.

Một chức năng cơ bản nữa của RBNZ, đó là phát hành tiền tệ quốc gia, tức đồng NZD, hay nói cách khác chính là in tiền mặt phục vụ cho hoạt động trao đổi của nền kinh tế trong nước.

Xem thêm: Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và chương trình nới lỏng định lượng

3. Các yếu tố ảnh hưởng đến đồng NZD

Có nhiều yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến giá trị của đồng NZD mà anh em cần lưu ý khi giao dịch đồng tiền này. Trong đó, các yếu tố kinh tế cơ bản cũng tác động lên đồng tiền này giống như bất cứ các loại tiền tệ nào khác. Ngoài ra, còn có một số yếu tố đặc trưng khác cũng khiến cho giá trị đồng NZD thay đổi.

Chúng ta sẽ điểm qua một số yếu tố quan trọng nhất cần theo dõi khi giao dịch đồng NZD như sau:

Báo cáo kinh tế – các dữ liệu kinh tế cơ bản

Những dữ liệu kinh tế cần được xem xét bao gồm GDP, chỉ số niềm tin người tiêu dùng, dữ liệu lạm phát… Anh em sẽ nắm được chi tiết các loại dữ liệu nàyvà tác động cụ thể của chúng đối với đồng NZD cũng như tất cả các loại tiền tệ khác khi tìm hiểu về phương pháp phân tích cơ bản.

Các thông tin và dữ liệu này có thể được tìm thấy tại các trang thông tin tài chính lớn trên thế giới như investing, forexfactory… anh em có thể theo dõi để cập nhật một cách nhanh chóng nhất, phục vụ cho việc phân tích thị trường.

Chính sách tiền tệ

Chính sách tiền tệ là một yếu tố quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị đồng NZD. RBNZ là người quyết định các chính sách tiền tệ này, họ sẽ tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, giúp đồng NZD tăng giá. Ngược lại, trong nhiều trường hợp RBNZ sẽ hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng kinh tế, nhưng đồng thời sẽ khiến đồng NZD giảm giá vì nhà đầu tư sẽ tìm đến các đồng tiền có mức lợi tức cao hơn.

Ví dụ, vào tháng 10 năm 2021, ngân hàng dự trữ New Zealand đã tăng lãi suất lần đầu tiên sau 7 năm nhằm kiểm soát lạm phát do giá cả tăng không ngừng. Tương ứng với chính sách này, anh em có thể thấy giá trị đồng NZD đã tăng lên, thể hiện qua biểu đồ tỷ giá NZD/USD dưới đây.

Đồng NZD tăng so với USD trong tháng 10 năm 2021

Đồng NZD tăng so với USD trong tháng 10 năm 2021 (Nguồn: Internet)

Sự kiện chính trị / xã hội

Các vấn đề xung quanh nền chính trị và xã hội New Zealand hiển nhiên cũng ảnh hưởng tới giá trị đồng NZD, vì không ai muốn đầu tư vào tiền tệ của một đất nước bất ổn.

Minh chứng rõ nhất cho luận điểm này là trong đợt đại dịch Covid-19 vừa qua, hầu hết các nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng lao dốc, trong đó bao gồm New Zealand, khiến cho đồng tiền này mất giá đáng kể so với đô la Mỹ – vì đồng đô la Mỹ vẫn luôn được coi là đồng tiền trú ẩn an toàn khi thế giới bất ổn, còn NZD cũng như nhiều đồng tiền khác thì không phải như vậy.

Tìm hiểu thêm:

Các yếu tố đặc thù khác

Một vài yếu tố đặc thù tác động đến đồng NZD liên quan đến nền kinh tế thị trường của nước này.

New Zealand là một nước giàu tài nguyên thiên nhiên, và hoạt động xuất khẩu của nước này xuất phát từ các ngành công nghiệp hàng đầu là nông nghiệp, sữa, lâm nghiệp, đánh bắt cá, khai thác mỏ và du lịch. Do đó, giá cả của các loại hàng hóa này đều ít nhiều ảnh hưởng tới giá trị đồng NZD, bởi giá hàng hóa tăng sẽ khiến giá trị xuất khẩu của New Zealand tăng, và kéo theo đồng NZD tăng giá.

Đặc biệt, New Zealand là một trong những nước xuất khẩu sữa bột lớn nhất thế giới, do đó nếu giá sữa tăng sẽ giúp đồng NZD được hưởng lợi. Ngoài ra, du lịch cũng chiếm 6% GDP của nước này, nên đai dịch covid đã ảnh hưởng đến đồng tiền của họ vì du lịch bị đóng cửa trong thời gian dài.

Xem thêm:

4. Kết luận

Đồng NZD là một trong những loại tiền tệ khá đặc biệt, khi nó đến từ một nền kinh tế không quá lớn nhưng lại được yêu thích và giao dịch rất nhiều trên thị trường ngoại hối. Nếu anh em cũng có đồng tiền này trong danh mục của mình, đừng quên phân tích các yếu tố mà chúng ta đã tìm hiểu phía trên để có cái nhìn toàn diện nhất, và đưa ra các quyết định một cách chính xác nhất nhé.

Chúc anh em giao dịch an toàn và hiệu quả.

VnRebates – Hoàn tiền mọi giao dịch tài chính

👉 Cập nhật Phương pháp trading mới và hiệu quả nhất trên thế giới bằng 4 Khóa học video miễn phí
Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.