VNREBATES

Đừng để nỗi sợ khiến cho cơ hội vụt mất – Hãy tin tưởng vào chính bản thân mình

21.06.2022, 21:05 10 phút đọc

Nếu như lòng tham khiến cho anh em giao dịch một cách tùy tiện, không kiểm soát, có thể dẫn đến cháy tài khoản, thì nỗi sợ là trạng thái tâm lý ngược lại, nó ngăn cản anh em thực hiện các lệnh giao dịch cho dù các thiết lập đều rất tốt, để rồi sau đó để lại sự tiếc nuối ngậm ngùi. Tưởng chừng như đây chỉ đơn giản là bỏ qua một cơ hội trong vô vàn cơ hội khác, nhưng trên thực tế nó lại rất nguy hiểm nếu như anh em không kiểm soát được nỗi sợ của mình.

Đã bao giờ anh em thấy trên biểu đồ xuất hiện một thiết lập hoàn toàn phù hợp theo chiến lược giao dịch của mình, nhưng lại băn khoăn và rồi quyết định không vào lệnh với suy nghĩ “nhỡ thua thì sao?”, cuối cùng lại phải tự mình chứng kiến giá đi đúng như nhận định, để rồi chỉ còn lại là sự tiếc nuối, hối hận tại sao mình không vào lệnh lúc đó…

Đây chính là biểu hiện của tâm lý sợ hãi trong thị trường , nó thường không phổ biến như mặt đối lập của nó – tâm lý tham lam, nhưng nếu anh em thấy mình có ở trong trạng thái đó thì cần học cách kiểm soát thật tốt trước khi rơi vào những tình huống nguy hiểm hơn. Vậy, làm thế nào để kiểm soát được nỗi sợ? Để làm được điều đó thì trước hết chúng ta cần hiểu được gốc rễ của vấn đề.

Tại sao tâm lý sợ hãi lại xuất hiện và ngăn cản chúng ta thực hiện giao dịch?

Nguồn gốc của việc sợ hãi, băn khoăn không vào lệnh có lẽ được giải thích đơn giản nhất từ nỗi sợ mất mát, hay nói chính xác hơn là sợ mất tiền. Anh em có thể thấy một thiết lập rất tốt, nhưng suy nghĩ trong đầu lúc đó lại là “nhỡ thua thì sao”, “nhỡ mất tiền thì sao”… Những suy nghĩ đó đã ngăn cản anh em vào lệnh để rồi cuối cùng chỉ biết đứng nhìn cơ hội kiếm về một khoản lợi nhuận tiềm năng đã vụt mất – chúng ta đã mất tiền chính vì nỗi sợ mất tiền.

Thế nhưng lại cần phân tích sâu hơn một chút – nỗi sợ mất tiền từ đâu mà có? Tâm lý này thường chỉ xuất hiện ở những trader đã trải qua rất nhiều lần thua lỗ, chứ không có ở các trader mới giống như tâm lý tham lam. Điều này cũng dễ hiểu, vì chỉ khi đã trải qua thua lỗ, mất tiền rất nhiều lần thì chúng ta mới bị ám ảnh về điều đó, còn tâm lý các trader mới lại thường rất lạc quan vào thị trường, cho rằng mình có thể kiếm tiền dễ dàng và dễ rơi vào trạng thái tham lam.

Con người thường có xu hướng đưa ra những quyết định cho tương lai dựa trên những gì xảy ra trong quá khứ. Trong nhiều hoàn cảnh, hành vi này là tốt vì nó ngăn chúng ta lặp lại các sai lầm đã từng mắc phải. Tuy nhiên, nếu như “lạm dụng” điều đó, hay đúng hơn là không kiểm soát được nó thì xu hướng tưởng như rất tự nhiên của con người này lại chống lại chúng ta trong việc giao dịch.

Thị trường tài chính nói chung, và thị trường Forex nói riêng là nơi các kết quả xảy ra một cách ngẫu nhiên, không có một chiến lược nào có thể dự báo đúng 100%, do đó đôi khi những thất bại trong quá khứ không thể hiện rằng điều tương tự sẽ diễn ra trong tương lai. Vì vậy việc dựa trên những lần thua lỗ trong quá khứ để kết luận rằng lần này sẽ lại thua lỗ là một suy nghĩ hết sức sai lầm.

Ví dụ trong biểu đồ dưới đây, giả sử anh em áp dụng chiến lược giao dịch với pinbar. Khi các cây pinbar số 1, 2, 3 xuất hiện, anh em vào lệnh mua và nhận được kết quả thua lỗ liên tiếp. Sau đó khi cây pinbar thứ 4 xuất hiện, anh em cũng kết luận rằng nó sẽ thất bại như những lần trước, và không vào lệnh nữa. Cuối cùng kết quả là chúng ta bỏ lỡ một lệnh mua rất đẹp. Nếu quản lý vốn tốt thì anh em hoàn toàn có thể gỡ lại hoàn toàn mức thua lỗ của các lệnh trước đó.

nỗi sợ

Những kết quả trong quá khứ không phản ánh được những gì xảy ra trong tương lai (biểu đồ: tradingview.com)

Tất nhiên, đây chỉ là một ví dụ đơn giản để anh em hiểu rằng những gì diễn ra trong quá khứ không phản ánh tương lai. Trên thực tế, anh em cần một chiến lược hoàn chỉnh hơn, và kiểm soát tâm lý của mình để tuân theo chiến lược đó một cách tuyệt đối nhất có thể.

Xem thêm: 7 bước kiểm soát tâm lý giao dịch quyết định sự thành bại của mọi Trader

Hậu quả của việc để nỗi sợ hãi lấn át lý trí – vòng luẩn quẩn giữa lòng tham và nỗi sợ

Nếu đứng ở vị trí một người ngoài cuộc, tức là chưa trải qua cảm giác này, có thể anh em sẽ nghĩ rằng việc bỏ lỡ giao dịch thì có gì đáng sợ? Chẳng phải chỉ là bỏ lỡ một trong rất nhiều những cơ hội khác hay sao? Và việc này suy cho cùng tốt hơn nhiều so với tâm lý tham lam, vào lệnh liên tục để rồi mất tiền… Nghe có vẻ hợp lý, nhưng mọi chuyện không hề đơn giản như vậy.

Nếu chúng ta vì sợ hãi mà bỏ lỡ một thiết lập, rồi cuối cùng thiết lập đó thất bại thì đó là một điều may mắn, một điều đáng tự hào. Nhưng thực tế không đơn giản như vậy, mà những tín hiệu bị bỏ lỡ lại thường có xu hướng thành công, từ đó khiến cho anh em có cảm giác tiếc nuối. Sự tiếc nuối này xảy ra một hai lần cũng không sao, nhưng khi nó bị dồn nén quá nhiều lần sẽ lại khiến chúng ta hành động dựa trên quá khứ và gây ra hậu quả khó lường.

Và nỗi ám ảnh vì đã bỏ lỡ quá nhiều cơ hội khiến anh em cảm thấy không khác nào mình đã thua lỗ, do đó khi trở lại với thị trường, chúng ta thường có xu hướng muốn gỡ lại khoản thua lỗ không hề tồn tại đó, bằng việc vào lệnh liên tục – với suy nghĩ rằng những lần phân tích trước đó đã đúng thì lần này cũng sẽ đúng. Cứ như vậy, từ nỗi sợ hãi, anh em đã “kích hoạt” trở lại lòng tham vốn có bên trong con người mình. Và trong trạng thái đó thì khả năng phân tích của chúng ta không còn được sáng suốt như ban đầu, dẫn đến những thua lỗ liên miên, cuối cùng khi đủ bình tĩnh lại thì vô tình chúng ta lại quay trở lại trạng thái sợ hãi mất rồi…

Như vậy, chỉ cần không kiểm soát tốt một trong hai trạng thái tâm lý tham lam và sợ hãi, chúng ta rất có khả năng sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn đầy nguy hiểm này, và những lần cháy tài khoản cũng từ đó mà ra.

nỗi sợ

Nỗi sợ là một tâm lý tiêu cực trong giao dịch

Vậy làm thế nào để kiểm soát nỗi sợ trong giao dịch

Đừng để nỗi sợ mất mát khiến chúng ta mất tinh thần – chấp nhận thua lỗ là một phần của giao dịch

Nếu như đối với lòng tham, anh em có thể kiểm soát được với câu thần chú “thị trường vẫn luôn ở đấy”, thì nỗi sợ cũng có thể được kiểm soát bằng một câu thần chú khác: “thua lỗ là một phần của giao dịch”. Anh em phải chấp nhận rằng giao dịch luôn có thắng có thua, chẳng có một chiến lược nào hay một chuyên gia nào có được tỷ lệ thắng 100% cả, do đó chúng ta cần đối mặt với thua lỗ, không ám ảnh, không sợ hãi và cũng không được lấy kết quả trong quá khứ để làm ảnh hưởng đến quyết định của tương lai.

Anh em cần coi mỗi giao dịch của mình là một sự kiện hoàn toàn độc lập, không để những yếu tố khác tác động đến quyết định giao dịch của mình ngoại trừ các thiết lập và nguyên tắc theo chiến lược đã vạch sẵn. Điều đó có nghĩa như sau:

  • Không để kết quả của các giao dịch trước đó tác động đến tâm lý
  • Không sử dụng giao dịch này để “trả thù” hay “gỡ” cho thua lỗ của giao dịch khác
  • Không để những vấn đề cá nhân ảnh hưởng đến việc đưa ra quyết định, ví dụ khi thất tình, có chuyện gia đình… thì anh em nên gác lại việc giao dịch đến khi có trạng thái tâm lý tốt nhất.

Xem thêm: Ngày mai, tháng sau, năm sau hay đến tận kiếp sau – Thị trường vẫn chờ đợi anh em!

Đừng để sự tự tin quá mức dẫn đến nỗi sợ

Tự tin là điều cần thiết trong giao dịch, nhưng tự tin quá mức lại trở thành con dao hai lưỡi.

Việc quá tự tin vào bản thân mình hoặc chiến lược của mình có thể khiến anh em phân tích một cách cẩu thả, không kỹ lưỡng, từ đó dẫn đến những kết quả xấu, và như đã nói, kết quả xấu sẽ gây ra nỗi sợ.

Hoặc một tình huống khác, trong lúc có động lực, anh em có thể đọc một vài cuốn sách, xem một số video hướng dẫn, các khóa học… và nghĩ rằng mình vừa học được những điều thật tuyệt vời, từ đó vội vàng áp dụng ngay vào thực chiến với phần lớn số tiền đang có. Kết quả, anh em có thể kiếm được những khoản lợi nhuận lớn – nếu may mắn. Nhưng trong hầu hết trường hợp, điều đó sẽ ngăn cản anh em đến với thành công ngay từ khi bắt đầu.

nỗi sợ

Tự tin là tốt, nhưng tự tin quá thì không…

Chúng ta cần nhớ rằng lý thuyết chỉ là lý thuyết. Dù lý thuyết có hay đến đâu, có truyền cảm hứng đến đâu thì khi thực hành có thể khác xa. Vì vậy, 3 bước anh em cần làm trước khi đưa bất cứ lý thuyết nào vào thực chiến đó là backtest, backtest và backtest.

Xem thêm: Backtest là gì? Làm thế nào để backtest hệ thống giao dịch với kết quả chính xác nhất

Cuối cùng, hãy tuân thủ kỷ luật và quản lý tốt lòng tham

Như chúng ta vừa phân tích, lòng tham và nỗi sợ có thể tạo ra một vòng luẩn quẩn và khiến chúng ta bị xoáy vào đó, và nỗi sợ thường xuất hiện sau lòng tham. Vì vậy, để không bị nỗi sợ chiếm đoạt thì anh em cần biết cách kiểm soát lòng tham ngay từ đầu, với câu thần chú: “thị trường vẫn luôn ở đấy”.

Đồng thời, cũng đừng quên rằng quản lý vốn và giữ kỷ luật giao dịch là điều tối quan trọng để anh em giữ được cảm xúc cũng như tâm lý tốt nhất. Việc chấp nhận rủi ro là một phần giao dịch có nghĩa là anh em sẵn sàng chấp nhận thua lỗ, và quản lý vốn giúp anh em giữ được thua lỗ ở trong tầm kiểm soát.

Cuối cùng, hãy nhớ rằng tất cả những gì chúng ta vừa cùng nhau thảo luận chỉ là lý thuyết. Và một lần nữa, lý thuyết chỉ là lý thuyết. Anh em cần tự mình rèn luyện, thực hành không ngừng nghỉ để hoàn thiện cả phương pháp lẫn tâm lý giao dịch của mình, qua đó mới có thể từng bước đạt được thành công với NGHỀ Trading mà chúng ta đang theo đuổi.

Đừng đánh mất bản thân mình và đừng để tiền của mình mất đi trên thị trường này anh em nhé.

VnRebates – Nơi Trading là NGHỀ

👉 Cập nhật Phương pháp trading mới và hiệu quả nhất trên thế giới bằng 4 Khóa học video miễn phí
Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.