VNREBATES

Durable goods là gì? Chỉ số Durable goods quan trọng như thế nào?

11.01.2023, 18:08 16 phút đọc

Tin tức là một phần quan trọng trong giao dịch ngoại hối. Những bản tin, báo cáo đó là sự tổng hợp của rất nhiều dữ liệu kinh tế quan trọng, trong đó dữ liệu durable goods – Hàng hóa lâu bền cũng được xem là một chỉ báo có giá trị cho hoạt động giao dịch của các trader. Vậy, trong bài viết dưới đây Vnrebates sẽ cùng bạn phân tích durable goods là gì? Tầm quan trọng của báo cáo đơn đặt hàng lâu bền (Durable goods Orders Report) trong giao dịch như thế nào?

Xem thêm:

Durable goods là gì?

Durable goods là gì?

Durable goods là gì? (Nguồn: Internet)

Durable goods, Durables hay hard goods – Hàng hóa lâu bền là một loại sản phẩm hữu hình có tuổi thọ kinh tế cao. Hiểu nôm na thì durable goods là một loại hàng hóa được sử dụng liên tục trong một thời gian dài, thường là trên 3 năm và với tính chất không bị hao mòn nhanh chóng người tiêu dùng không mua sắm chúng thường xuyên.

Trong nền kinh tế, hàng hóa lâu bền được sản xuất để phục vụ cả cho người tiêu dùng cũng như các công ty sản xuất. Các doanh nghiệp và người tiêu dùng thường sẽ mua nhiều hơn khi nền kinh tế ổn định.

Những ví dụ tiêu biểu về hàng tiêu dùng lâu bền là các thiết bị, đồ nội thất gia đình và văn phòng, thiết bị sân vườn và bãi cỏ, thiết bị điện tử tiêu dùng, đồ chơi, dụng cụ thể thao, thiết bị chụp ảnh, đồ trang sức, phương tiện giao thông có động cơ và các bộ phận của xe có động cơ, tua bin và chất bán dẫn. Trong khi đó, Durable goods của nhà sản xuất chủ yếu bao gồm thiết bị và máy móc.

Bởi vì durable goods có thời gian sử dụng tương đối dài nên những hàng hóa này thường khá đắt đỏ. Ngoài việc mua bằng tiền mặt, người tiêu dùng có thể mua hàng hóa lâu bền bằng tín dụng. Ngoài ra, mua sắm durable goods là một hình thức mua thứ cấp, do đó khi ngân sách giảm xuống, việc cắt giảm chúng là lựa chọn đầu tiên để tiết kiệm.

Việc sản xuất durable goods là một bộ phận cấu thành nên GDP của một quốc gia. Một số nhà sản xuất hàng hóa lâu bền có cổ phiếu được giao dịch công khai lớn nhất theo vốn hóa thị trường gồm Kimberly-Clark Corporation, ABB, Johnson Controls, Clorox Company, Mohawk Industries và Whirlpool Corporation.

Các chuyên gia kinh tế luôn theo dõi sát sao mức tiêu thụ của người tiêu dùng đối với hàng hóa lâu bền, vì dữ liệu này được xem là một chỉ báo quan trọng về sức mạnh của nền kinh tế.

Xem thêm: GDP là gì? 3 cách tính GDP

Phân loại Durable goods – Hàng hóa lâu bền

Phân loại Durable Goods (theo BEA của Hoa Kỳ)

Phân loại Durable Goods (theo BEA của Hoa Kỳ) (Nguồn: Internet)

Cục Phân tích Kinh tế (The Bureau of Economic Analysis – BEA) sẽ thực hiện việc thu thập các số liệu durable goods, đây là một phần quan trọng trong báo cáo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng quý của Hoa Kỳ. Cũng theo cơ quan này, durable goods được chia làm 3 loại như sau:

Hàng tiêu dùng lâu bền (Consumer Durable Goods)

Hàng tiêu dùng lâu bền là những mặt hàng được các hộ gia đình và cá nhân mua có thời hạn sử dụng từ 3 năm trở lên. Các hàng tiêu dùng lâu bền nổi bật là ô tô, thiết bị nội thất, bộ đồ ăn, dụng cụ và thiết bị làm vườn, dụng cụ thể thao, hành lý, điện thoại và đồ điện tử, nhạc cụ, sách và đồ trang sức. Danh mục này cũng bao gồm một số sản phẩm vô hình như phần mềm.

Hàng hóa kinh doanh lâu bền (Business Durable Goods)

Hàng hóa lâu bền được sử dụng bởi các doanh nghiệp bao gồm thiết bị công nghiệp như động cơ, máy móc gia công kim loại và thiết bị truyền tải điện, chủ yếu là xe tải, xe buýt, tàu thuyền và máy bay. Trên thực tế, máy bay thương mại là chiếm phần lớn trong danh mục hàng hóa lâu bền của Hoa Kỳ.

Ngoài ra, một số hàng hóa giống như hàng tiêu dùng lâu bền như máy tính, điện thoại hay đồ nội thất được sử doanh nghiệp sử dụng hay chủ nhà cho thuê cũng được xếp vào nhóm hàng này.

Hàng tiêu dùng không lâu bền (Nondurable Goods)

Là hàng hóa có tuổi thọ trung bình dưới 3 năm. Những hàng hóa nằm trong danh mục này bao gồm thực phẩm, dược phẩm, thuốc lá, quần áo, đồ dùng gia đình, sản phẩm chăm sóc cá nhân, tạp chí và xăng.

Báo cáo đơn hàng durable goods (Durable Goods Orders – DGO Report)

Báo cáo đơn hàng durable goods của Hoa Kỳ là chỉ số kinh tế quan trọng

Báo cáo đơn hàng durable goods của Hoa Kỳ là chỉ số kinh tế quan trọng (Nguồn: Internet)

Báo cáo đơn hàng durable goods được xuất bản hàng tháng bởi Cục Điều tra Dân số thuộc Bộ Thương mại Hoa Kỳ như một bản tóm tắt doanh số bán hàng lâu bền trong tháng trước. Cụ thể đây là báo cáo trước về số lượng các lô hàng được vận chuyển, hàng tồn kho và đơn đặt hàng (orders) của nhà sản xuất đối với hàng hóa lâu bền. Nói ngắn gọn, báo cáo hàng hóa lâu bền cung cấp cho các nhà đầu tư/trader dữ liệu về các đơn đặt hàng mới nhận được từ hơn 4.000 nhà sản xuất hàng hóa lâu bền.

Báo cáo đơn đặt hàng lâu bền có thể chỉ ra 2 vấn đề quan trọng:

  • Báo cáo giúp đánh giá ngành công nghiệp hàng lâu bền nói riêng và nền kinh tế nói chung.
  • Tài chính của hộ gia đình bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tình hình kinh tế nên việc cắt giảm mua hàng hóa lâu bền thường là một dấu hiệu cho thấy sự suy thoái kinh tế.

Dữ liệu này là một chỉ số quan trọng hàng đầu và luôn được các nhà nhà phân tích tài chính và kinh tế quan tâm theo dõi vì việc mua bán đòi hỏi số tiền lớn và tỷ lệ thuận với sức mạnh kinh tế.

Báo cáo đơn đặt hàng durable goods của Hoa Kỳ được công bố tháng 4 năm 2021

Báo cáo đơn hàng durable goods của Hoa Kỳ được công bố tháng 4 năm 2021 (Nguồn: Internet)

Theo báo cáo công bố vào tháng 4 năm 2021, đơn đặt hàng mới đối với hàng hóa lâu bền do Mỹ sản xuất đã giảm 1,3% so với tháng trước, sau mức tăng 1,3% đã được điều chỉnh tăng trong tháng 3 và bất chấp dự báo của thị trường với mức tăng 0,7%. Đây là sự sụt giảm đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền đầu tiên trong gần một năm, do tình trạng thiếu hụt nguồn cung tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất.

Xem thêm: Chỉ số PPI là gì và cách sử dụng chỉ số ppi hiệu quả trong Forex Trading

Tầm quan trọng của báo cáo đơn hàng durable goods 

Báo cáo đơn đặt hàng durable goods có ý nghĩa gì với nhà đầu tư

Báo cáo đơn đặt hàng durable goods có ý nghĩa gì với nhà đầu tư (Nguồn: Internet)

Chỉ số quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách?

Chỉ số đơn đặt hàng lâu bền đo lường nhu cầu đối với hàng hóa lâu bền do Hoa Kỳ sản xuất trong nước và quốc tế. Khi giá trị của chỉ số này tăng lên, có nghĩa là nhu cầu đang tăng lên, điều này sẽ trực tiếp dẫn đến việc tăng sản xuất, việc làm và ngược lại.

Đơn đặt hàng durable goods bao gồm cả các đơn đặt hàng thành công và các đơn đặt hàng chưa thực hiện của hàng hóa lâu bền và các lô hàng trong tháng trước đó. Do đó, nó được coi là một chỉ báo đáng tin cậy đối với lĩnh vực sản xuất, và thị trường có xu hướng di chuyển theo hướng của chỉ báo này.

Cũng theo đó, hàng tiêu dùng lâu bền được sản xuất nhưng chưa bán được (hàng tồn kho) cũng được thu thập trong báo cáo. Nếu hàng hóa được sản xuất nhiều hơn số lượng bán được thì hàng tồn kho của doanh nghiệp tăng lên. Mặt khác, khi lượng hàng hóa được bán ra nhiều hơn số lượng hàng hóa được sản xuất trong một thời kỳ nhất định, hàng tồn kho của doanh nghiệp sẽ giảm xuống.

Những thay đổi trong hàng tồn kho của doanh nghiệp được sử dụng như một chỉ số kinh tế để đánh giá hướng đi của nền kinh tế của một quốc gia. Sự gia tăng hàng tồn kho của doanh nghiệp có thể báo hiệu sự suy yếu của nhu cầu tiêu dùng hoặc sự tăng cường của hoạt động sản xuất.

Đơn đặt hàng lâu bền là một chỉ số kinh tế quan trọng, là một tín hiệu của sự lạc quan và bi quan đối với các điều kiện kinh tế trong tương lai. Do đó các doanh nghiệp và người tiêu dùng nhìn chung sẽ đặt hàng cho hàng hóa lâu bền khi họ tin rằng nền kinh tế đang được cải thiện. Một báo cáo hàng hóa lâu bền cho thấy sự gia tăng đơn đặt hàng là một dấu hiệu chứng tỏ nền kinh tế đang có xu hướng tăng trưởng tốt. Khi nền kinh tế phát triển không tốt, việc đầu tư vào hàng hóa lâu bền thường bị hoãn lại.

Ngoài ra, việc chi tiêu tiêu dùng cá nhân cho hàng hóa lâu bền cũng được sử dụng như một chỉ báo kinh tế. Do việc mua sắm hàng hóa lâu bền của người tiêu dùng có thể bị hoãn lại nên mức chi tiêu của người tiêu dùng có xu hướng biến động rất nhiều từ năm này sang năm khác. Trong thời kỳ suy thoái, chi tiêu của người tiêu dùng cho hàng hóa lâu bền có xu hướng giảm.

Các mức tăng và giảm trong tiêu dùng cá nhân có thể được sử dụng như một chỉ báo về niềm tin của người tiêu dùng và hướng đi của nền kinh tế. Sự gia tăng trong chi tiêu tiêu dùng như vậy thường được hiểu là dấu hiệu của một nền kinh tế đang phục hồi hoặc mạnh mẽ. Tương tự, các doanh nghiệp có xu hướng ngừng mua thiết bị mới trong điều kiện kinh tế không chắc chắn. Việc tăng mua thiết bị lâu bền của nhà sản xuất có thể báo hiệu sự phục hồi sau suy thoái kinh tế hoặc giai đoạn tăng năng suất.

Báo cáo đơn hàng lâu bền cũng giúp các chuyên gia kinh tế nhận định được chu kỳ kinh tế. Trong giai đoạn đầu của suy thoái, chi tiêu hàng hóa lâu bền giảm nhằm mục tiêu tiết kiệm bởi các hộ gia đình và cá nhân không thấy triển vọng gì đối với tài chính hay việc làm. Sau đó các doanh nghiệp cũng hủy bỏ việc mua tư liệu sản xuất do nhu cầu tiêu dùng giảm.

Trong khi đó, ở giai đoạn đầu phục hồi kinh tế, các hộ gia đình lạc quan về việc làm và thu nhập. Họ có thể bắt đầu đặt hàng một số hàng hóa lâu bền. Trong giai đoạn này, chi phí đi vay thường thấp do ngân hàng trung ương duy trì lãi suất thấp để kéo nền kinh tế thoát khỏi suy thoái. Các doanh nghiệp phản ứng với sự phục hồi kinh tế bằng cách tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, ngành sản xuất tăng trưởng.

Trong lịch sử, báo cáo DGO có thể dự đoán các xu hướng kinh tế trong tương lai khá nhất quán. Một ví dụ điển hình là sự phục hồi được dự đoán sau ngày 11/9, cũng như sau cơn bão Katrina và đặc biệt là cảnh báo về cuộc suy thoái năm 2008 như trong ví dụ dưới đây:

Durable goods la gi

Báo cáo đơn hàng Durable goods đã có giai đoạn giảm 40% trong khủng hoảng kinh tế 2008 (Nguồn: Internet)

Báo cáo Đơn hàng lâu bền lần đầu tiên cảnh báo về cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 vào tháng 3 năm 2007. Báo cáo cho thấy lượng đơn đặt hàng thấp hơn năm trước. Thời kỳ mà số lượng các đơn đặt hàng lâu bền giảm mạnh là từ tháng 3 năm 2008.

Chỉ số đơn đặt hàng lâu bền đã giảm gần 40% từ năm 2007 đến đầu năm 2010 do cuộc Khủng hoảng Tài chính Toàn cầu 2008. Lý do là các doanh nghiệp giảm số tiền đầu tư và người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu của.

Báo cáo đơn hàng durable goods mang đến tín hiệu gì cho trader?

Dữ liệu về báo cáo Đơn hàng durable goods không chỉ là chỉ báo kinh tế quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách mà còn là chỉ báo cung cấp tín hiệu giao dịch hữu ích cho các trader.

Những sản phẩm lâu bền này thường liên quan đến các khoản đầu tư lớn nên chúng rất nhạy cảm với tình hình kinh tế Hoa Kỳ và cho thấy tình trạng hoạt động sản xuất của cường quốc kinh tế này. Do đó đối với những Forex trader, dữ liệu này cũng đưa ra dấu hiệu về sự tích cực hay tiêu cực với đồng USD. Nhìn chung, chỉ số cao là dấu hiệu tích cực/xu hướng tăng đối với USD và ngược lại.

Khi báo cáo cho thấy các đơn hàng này tăng lên, có nghĩa là nền kinh tế đang được cải thiện. Điều đó cũng có ý nghĩa tích cực với các khoản đầu tư như cổ phiếu hay quỹ tương hỗ mà bạn đang tham gia. Ngược lại, khi báo cáo cho thấy đơn đặt hàng giảm, điều này là dấu hiệu báo trước rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại, báo cáo tăng trưởng GDP cũng có thể bị giảm, khiến thị trường chứng khoán giảm hoặc đi vào thời kỳ suy thoái.

Với đầu tư chứng khoán: Các đơn đặt hàng lâu bền cho phép các nhà đầu tư dự đoán được kỳ vọng đối với các báo cáo về sản xuất, một trong các lĩnh vực chính của nền kinh tế. Báo cáo hàng hóa lâu bền còn cho biết nhiều thông tin hơn về chuỗi cung ứng so với hầu hết các chỉ số khác và có thể đặc biệt hữu ích trong việc giúp các nhà đầu tư cảm thấy tiềm năng thu nhập trong các ngành công nghiệp chủ đạo như: sản xuất máy móc, công nghệ và vận tải.

Tuy nhiên, trader cũng cần lưu ý rằng các dữ liệu hàng hóa lâu bền có tính biến động vì nó có thể cho ra một bản điều chỉnh khác so với dữ liệu ban đầu và điều này xảy ra với tần suất không hề thấp.

Trong một số trường hợp báo cáo cho ra số đơn hàng durable goods tăng nhưng không tạo được động lực tăng giá với đồng USD. Ví dụ: Báo cáo DGO của Hoa Kỳ được phát hành vào tháng 3 để đề cập đến kết quả hoạt động của tháng 2 — đã công bố mức tăng tổng thể 3,1% lên 247,7 tỷ đô la nhưng không cung cấp kích thích đối với USD như một số nhà đầu đã hình dung. Sau khi công bố báo cáo, USD đã giảm so với EUR từ 0,814 xuống 0,809 vào cuối ngày giao dịch (như hình dưới).

Báo cáo đơn hàng durable goods mang đến tín hiệu gì cho trader?

Báo cáo đơn hàng durable goods mang đến tín hiệu gì cho trader? (Nguồn: Internet)

Do đó, để tận dụng hiệu quả báo cáo này cho việc giao dịch, các nhà phân tích hay trader nên sử dụng đường trung bình để theo dõi giá trị trung bình dữ liệu một vài tháng thay vì dựa quá nhiều vào giá trị dữ liệu của một tháng.

Xem thêm: Sử dụng chỉ số PMI để phân tích thị trường Forex

Lời kết

Dữ liệu về Durable goods và báo cáo đơn hàng lâu bền là chỉ số kinh tế quan trọng hàng đầu, có giá trị nhất định đối với các nhà kinh tế, nhà hoạch định chính sách cũng như nhà đầu tư. Cũng giống như các chỉ báo kinh tế khác, trader cần theo dõi chặt chẽ dữ liệu durable goods để tìm ra các tín hiệu giao dịch tiềm năng cũng như có những quyết định đầu tư đúng đắn. Theo dõi VnRebates để cập nhật tin tức Forex, Chứng khoán, Tiền điện tử mới nhất.

VnRebates – Hoàn tiền mọi giao dịch tài chính

Theo corporatefinanceinstitute, thebalance

👉 Cập nhật Phương pháp trading mới và hiệu quả nhất trên thế giới bằng 4 Khóa học video miễn phí
Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.