VNREBATES

Khối ngoại mua/bán ròng ảnh hưởng như thế nào đến quyết định giao dịch của nhà đầu tư?

08.04.2022, 08:53 14 phút đọc

Hoạt động khối ngoại mua/bán ròng dù không còn tác động mang tính quyết định đến tâm lý thị trường do sự trỗi dậy mạnh mẽ của dòng tiền từ nhà đầu tư trong nước nhưng vẫn được xem là tín hiệu mua/bán có giá trị với nhiều nhà đầu tư.

Làn sóng nhà đầu tư mới tham gia thị trường trong 2 năm vừa qua đã thiết lập vô số kỷ lục cũng như tạo sự thăng hoa chưa từng có đối với thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta không thể bỏ qua một nhân tố với sự chi phối nhất định từng có mức ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm lý thị trường cũng như luôn được xem là những tín hiệu mua/bán hữu ích cho nhiều nhà đầu tư cá nhân, đó chính là khối ngoại và đặc biệt là hoạt động khối ngoại mua/bán ròng.

Bài viết dưới đây sẽ giải đáp giúp nhà đầu tư khối ngoại là gì cũng như ảnh hưởng của việc khối ngoại mua/bán ròng đến TTCK Việt Nam.

#Kiến_thức_phục_vụ_NGHỀ_Trading

1. Khối ngoại là gì và sự chi phối của khối ngoại đối với TTCK Việt Nam

1.1 Khối ngoại là gì?

khoi ngoai

Khối ngoại là gì?

Khối ngoại là thuật ngữ trong lĩnh vực chứng khoán, chỉ những nhà đầu tư nước ngoài (tổ chức và cá nhân) đăng ký mở tài khoản giao dịch tại TTCK Việt Nam. Thông thường những nhà đầu tư này là những quỹ đầu tư sở hữu nguồn vốn dồi dào và nắm giữ các cổ phiếu của nhiều công ty có vốn hoá lớn (cổ phiếu Blue chip) trên thị trường.

Ví dụ: Trong danh sách 20 cổ đông lớn nhất của VNM ngoài Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thì chủ yếu là khối ngoại với hai cái tên nổi tiếng là F&N Dairy Investments Pte Ltd sở hữu 17,69% và Platium Victory Pte.Ltd với 10,62% (tính đến tháng 1/2021).

Indochina Capital, PXP Vietnam, VinaCapital, JP Morgan, Dragon Capital, HSBC, City Group… là những nhà đầu tư nước ngoài nổi tiếng đang sở hữu những “siêu cổ phiếu” trên thị trường Việt Nam. Khối ngoại cũng hoạt động mạnh mẽ ở các quỹ hoán đổi danh mục (ETFs) mà tiêu biểu là VFM VN30, VFM VNDiamond, ETF VNM, FTSE Vietnam ETF… nắm giữ lượng cổ phiếu có giá trị cực kì lớn.

Khi giao dịch trên TTCK Việt Nam, khối ngoại sẽ được thống kê số liệu theo quy định riêng để giới hạn việc quản lý số cổ phiếu sở hữu. Đó là lý do, nhà đầu tư có lẽ thường nghe thấy cụm từ “room ngoại” – tỷ lệ (%) cổ phiếu mà tổng các nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu.

Hiểu nôm na thì nhà đầu tư nước ngoài chỉ được phép mua số lượng cổ phiếu đã phát hành tối đa theo tỷ lệ % tối đa được quy định theo từng ngành hoặc từng công ty phát hành cổ phiếu. Ví dụ: Tỷ lệ sở hữu của khối ngoại trong ngành ngân hàng bị giới hạn ở 30%, các ngành khác là 49%.

Mục đích của quy định này là để ảnh hưởng của khối ngoại đối với công ty nội không quá mạnh, tránh việc nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, room ngoại này có thể được thay đổi (tăng hay giảm) tùy vào từng giai đoạn đối với từng doanh nghiệp.

1.2 Vai trò thúc đẩy thị trường chứng khoán của khối ngoại

Do khối ngoại thường là những nhà đầu tư tổ chức với đội ngũ chuyên gia phân tích nên họ luôn được giới chuyên gia tài chính đánh giá cao ở sự tự tin khi tham gia thị trường, giao dịch kỷ luật và đúng kỹ thuật – ngược lại với tình trạng giao dịch theo cảm tính của nhiều nhà đầu tư trong nước.

Thực thế cho thấy trong những năm trước khi lượng vốn do khối ngoại mang lại rất lớn, tính đến đầu năm 2021 thì khối ngoại sở hữu trên 20% số vốn thị trường, nên ảnh hưởng của những nhà đầu tư nước ngoài này lên thị trường giao dịch chứng khoán Việt Nam vô cùng rõ rét. Sự tác động mạnh mẽ tới tâm lý thị trường của khối ngoại được thể hiện ở việc  trước khi quyết định mua hoặc bán một cổ phiếu, nhà đầu tư trong nước thường có xu hướng “ngó” xem khối ngoại đang mua vào hay bán ra.

Điều này có nghĩa rằng, nếu khối ngoại đang giải ngân để “gom” mạnh một vài mã cổ phiếu nhất định hay nhóm ngành nào đó, nhà đầu tư cá nhân sẽ đi theo đó và ngược lại, nếu khối ngoại “xả” cổ phiếu nào, nhà đầu tư cũng sẽ chốt lời theo hướng đó.

Bên cạnh việc “hút” các dòng vốn nước ngoài dồi dào đem lại nhiều lợi ích cho nhà đầu tư trong nước thì sự xuất hiện của những nhà đầu tư nước ngoài còn giúp cho thị trường chứng khoán Việt Nam trở nên minh bạch hơn, tăng nguồn ngoại tệ và sức hút đầu tư vào thị trường. Bởi vì nếu chỉ có những nhà đầu tư trong nước tham gia giao dịch chứng khoán thì sẽ rất dễ bị “tay to” hay “cá mập” thao túng giá.

Xem thêm: Từ A-Z về chỉ số thị trường chứng khoán Việt Nam

2. Khối ngoại mua/bán ròng ảnh hưởng gì đến nhà đầu tư trong nước?

Ảnh hưởng của việc khối ngoại mua/bán ròng đến TTCK Việt Nam

Những tập đoàn lớn như VinaCapital, HSBC, Citigroup… và các quỹ ETF là những nhà đầu tư nước ngoài mạnh nhất trên TTCK Việt Nam do nắm giữ lượng cổ phiếu có giá trị cực lớn nên mọi động thái của những nhà đầu tư này đều ảnh hưởng đến thị trường. Khi giá cổ phiếu biến động, khối ngoại luôn tách rời độc lập với các nhà đầu tư khối nội. Vì vậy, khi nhà đầu tư trong nước đổ xô ra bán thì họ sẽ tìm cách để mua vào.

Nói đến các hoạt động của khối ngoại trên TTCK Việt Nam, nhà đầu tư cần đặc biệt quan tâm đến việc khối ngoại mua/bán ròng. Cả 2 động thái “gom” và “xả” cổ phiếu của khối ngoại đều là tâm điểm với những ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị trường và tâm lý nhà đầu tư.

2.1 Khối ngoại mua ròng – Tín hiệu tích cực

Khi nhà đầu tư nước ngoài mua vào cổ phiếu với tỷ trọng lớn hơn bán ra ở TTCK Việt Nam gọi là khối ngoại mua ròng.

Ví dụ: Trong phiên 23/3, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 16,7 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng tương ứng đạt 1.033,4 tỷ đồng, trong đó, họ giải ngân mạnh nhất vào cổ phiếu DGC, chiếm gần một nửa giá trị giao dịch tại mã này.

Động thái khối ngoại mua ròng cổ phiếu (mua vào nhiều hơn bán ra) có thể được lý giải là các nhà đầu tư đang cảm thấy TTCK Việt Nam thực sự hấp dẫn và dự đoán trong tương lai gần, cổ phiếu mà họ đang “gom” sẽ sinh lời đáng kể. Khối ngoại mua ròng được xem là tín hiệu đầy tích cực cho bất kỳ thị trường chứng khoán nào bởi nó phần nào thể hiện được tình hình kinh tế ở quốc gia đó đang khởi sắc…

Việc khối ngoại mua ròng cũng là tín hiệu tích cực đối với các nhà đầu tư cá nhân trong nước, giúp họ lạc quan để giữ lại cổ phiếu hay quyết định mua thêm. Điều này sẽ khiến khối lượng giao dịch tăng đáng kể, khiến TTCK trở nên sôi động hơn, tăng trưởng mạnh hơn, giá cổ phiếu lúc này cũng sẽ tăng theo. Đó là lý do mà khối ngoại mua ròng được xem là “trụ đỡ” cho cả thị trường lẫn nhà đầu tư khối nội.

2.2 Khối ngoại bán ròng có phải lúc nào cũng là tín hiệu tiêu cực?

Ngược lại với mua ròng, khối ngoại bán ròng là khi hoạt động bán ra cổ phiếu của các nhà đầu tư nước ngoài mạnh mẽ hơn so với mua vào.

Ví dụ: Trên HOSE, khối ngoại mua vào với khối lượng 78,3 triệu đơn vị, giá trị 3.495 tỷ đồng và bán ra với khối lượng 80,4 triệu đơn vị, giá trị 3.713,1 tỷ đồng. Như vậy, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng trên sàn này 2 triệu đơn vị, tương ứng bán ròng 218 tỷ đồng, chính là hiệu số giữa số lượng bán ra cổ phiếu so với số lượng mua vào.

Thống kê cho thấy, trong vòng nửa đầu tháng 3/2022, khối ngoại bán ròng 6.500 tỷ đồng cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, ETF trên thị trường tài chính Việt Nam. Nếu tính từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 9.843 tỷ đồng.

Thông thường, tình hình khối ngoại bán ròng có thể mang đến tâm lý lo lắng cho các nhà đầu tư trong nước bởi họ cho rằng khối ngoại rút vốn khi không thấy TTCK Việt Nam không còn đủ hấp dẫn hay khả năng sinh lời của cổ phiếu không còn cao. Nhìn chung, khối ngoại bán ròng làm tăng áp lực bán, giảm kỳ vọng, giảm cầu, và hành động này sẽ kéo điểm của thị trường hoặc giá của một mã cổ phiếu nào đó xuống.

Những nhà đầu tư không chuyên với tâm lý yếu thường lâm vào tình trạng hoàng loạn mà “xả” cổ phiếu theo khối ngoại. Họ hy vọng việc này sẽ giúp giảm thiểu thua lỗ, khiến cho TTCK Việt Nam sụt giảm đáng kể và tăng trưởng chậm lại.

Tuy nhiên, liệu khối ngoại bán ròng có phải lúc nào cũng là tín hiệu tiêu cực?

Theo ông Nguyễn Sơn, là Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, việc khối ngoại bán ròng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau chứ không nhất thiết là tín hiệu đáng lo ngại rằng họ rút khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam. Đó có thể là động thái tái cơ cấu hạng mục đầu tư hoặc chỉ tạm thời rút khỏi thị trường.

Nhà đầu tư cần nhìn vào bức tranh tổng thể để có nhận định chính xác thay vì ồ ạt bán theo. Ví dụ: Trong giai đoạn đầu tháng 8/2021 thị trường chứng kiến bán ròng liên tục lên tới 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trước đó vào tháng 7 khối ngoại đã liên tiếp 4 tuần mua ròng. Do đó, nhà đầu tư nên hiểu rằng khối ngoại đang “chốt lời” cộng với thay đổi hạng mục đầu tư và đó hoạt động hoàn bình thường.

Xem thêm: Những nhóm cổ phiếu ngành nào sẽ “lên ngôi” trong năm 2022?

#Thực_chiến_NGHỀ_Trading

3. Nhà đầu tư cá nhân cần lưu ý gì trước những đợt “gom” và “xả” của khối ngoại?

Khối ngoại mua/bán ròng

3.1 Nhà đầu tư cá nhân chỉ xem khối ngoại mua/bán ròng là tín hiệu tham khảo

Chúng ta phải khẳng định rằng khối ngoại luôn có đội ngũ chuyên gia phân tích dày dặn kinh nghiệm với mức độ rủi ro thấp nhưng không phải lúc nào họ cũng đưa ra những quyết định đúng đắn để đảm bảo rằng cổ phiếu mà họ mua vào sẽ tăng giá. Do đó, nhà đầu tư cần có những phân tích và phán đoán của riêng mình và nên xem hoạt động mua ròng của khối ngoại như một kênh tham khảo mà thôi.

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng cần hiểu được chu kỳ mua/bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài diễn ra như thế nào. Cụ thể, việc bán ròng từ các khối ngoại bị ảnh hưởng bởi các sự kiện kinh tế với chu kỳ thông thường như sau: thời điểm từ khoảng tháng 9 – 10 mỗi năm, khối ngoại thường tái cân bằng nguồn vốn và hoạt động theo quỹ đầu tư, sau đó từ tháng 10 dòng vốn khối ngoại vào thị trường có tính ổn định hơn.

Ngoài ra, nếu tính theo chu kỳ suy thoái kinh tế, khi đó dòng tiền thường có khuynh hướng đổ vào ở những kênh trú ẩn an toàn như trái phiếu, vàng,…

Đặc biệt, trong khối ngoại, bên cạnh nhóm đầu tư dài hạn với danh mục rõ ràng thì vẫn còn nhóm đầu cơ trao đổi mua bán liên tục và nhóm này đang có xu hướng tăng cao. Nhóm đầu cơ này thường tham gia vào thủ thuật làm giá hay tung các tin đồn làm lũng đoạn thị trường.

Xem thêm: Đầu tư vàng như thế nào sinh lời? Có nên đầu tư vàng thời điểm này? 

3.2 Cục diện thị trường hiện nay: Vốn nội trỗi dậy, liệu khối ngoại có còn đủ mạnh để dẫn dắt TTCK Việt Nam?

Trên thực tế cơ cấu của khối ngoại trên sàn Hose đã ngày càng co lại. Cụ thể, nếu như giai đoạn 2015 – 2019, giá trị giao dịch của khối ngoại chiếm khoảng 28-35% tổng giá trị mua bán của toàn thị trường thì từ thời điểm đại dịch Covid diễn ra, lượng giao dịch của khối ngoại đã giảm xuống còn 24%, rồi tiếp tục giảm xuống còn 19% vào tháng 5/2021.

Ngoài ra, trong khi dòng tiền đầu tư trong nước tăng trưởng bứt phá mạnh mẽ suốt từ năm 2020 đến 2021 chiếm hơn 90% thanh khoản thị trường thì dòng tiền mua vào của khối ngoại ngày càng suy yếu. Cơ cấu ngày càng nhỏ lại khiến cho ảnh hưởng tâm lý thị trường của hoạt động mua/bán ròng của khối ngoại không còn đáng kể như trước.

Ví dụ: Trước đây với thanh khoản mỗi phiên trên sàn HOSE giá trị khoảng 4.000 – 5.000 tỷ đồng, khối ngoại chỉ cần bán ròng 500 tỷ đồng, chiếm từ 10-15% thanh khoản trên HoSE, thì cục diện toàn thị trường có thể đã thay đổi đáng kể.

Tuy nhiên, kể từ tháng 4/2020, khi thanh khoản tăng trưởng bứt phá lên bình quân 10.000 – 20.000 tỷ, sức bán ròng của khối ngoại không ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường. Đặc biệt đến đầu năm 2021, dòng vốn đầu tư trong nước đã dẫn dắt thị trường đưa chỉ số Vn-Index liên tục cán mốc lịch sử bất chấp khối ngoại bán ròng liên tục.

Xem thêm: Top 3 sàn giao dịch chứng khoán uy tín và lớn nhất Việt Nam

4. Lời kết

Tuy rằng ở thời điểm hiện tại, mức ảnh hưởng của việc khối ngoại mua/bán ròng không còn mạnh mẽ như cách đây vài năm vì dòng vốn từ nhà đầu tư cá nhân mới trong nước tăng “đột biến” kể từ khi dịch bệnh xuất hiện nhưng không thể phủ nhận những động thái của nhà đầu tư nước ngoài vẫn là một trong những tín hiệu mua – bán hữu ích cho nhà những đầu tư cá nhân.

VnRebates – Nơi Trading là NGHỀ

 

 

👉 Cập nhật Phương pháp trading mới và hiệu quả nhất trên thế giới bằng 4 Khóa học video miễn phí
Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.