VNREBATES

Phân tích giá của đồng Dollar Mỹ trên góc nhìn phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật

17.07.2021, 10:08 11 phút đọc

Bài viết sẽ thể hiện những nhận định sâu sắc về các yếu tố ảnh hưởng đến giá của đồng Dollar (đô la) trên góc nhìn phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật. Hãy cùng mình tìm hiểu nhé!

1. Phân tích cơ bản

Chỉ số Dollar Index đã kết thúc nửa đầu năm với mức tăng trưởng gần 2% nhờ vào cuộc họp tháng 6 đầy lạc quan của Fed (cục dự trữ liên bang Mỹ). Chỉ số Index là thứ đo lường hiệu suất của đồng Dollar Mỹ so với các đồng tiền khác trên thế giới, và gần đây đã có sự dao động khá mạnh.

Đồng Dollar Mỹ tăng mạnh trong quý một khi mà nền kinh tế của Mỹ phục hồi nhanh hơn so với các nước khác, nhưng ngay sau khi các nước khác đã cho thấy tốc độ triển khai tiêm chủng Vaccine (vắc-xin) của họ không thua kém gì Mỹ, thì đồng Dollar Mỹ đã dừng đà tăng lại.

1.1 Nhân tố quan trọng với đồng Dollar vào nửa cuối năm?

Vào cuộc họp cuối cùng của Fed diễn ra vào ngày 15 và 16 tháng sáu, FOMC (Ủy ban thị trường mở liên bang) đã giữ lãi suất quỹ liên bang ở mức 0,00-0,25% và Asset Purchases Program (chương trình mua tài sản) ở mức 120 tỷ dollar, trong đó mua 80 tỷ dollar một tháng cho các sản phẩm trái phiếu và 40 tỷ dollar một tháng cho các sản phẩm tài chính được bảo đảm bằng thế chấp.

Đồng thời, ủy ban đã tăng lãi suất của tiền gửi dự trữ bắt buộc từ 0,05% lên 0,15% và tỷ lệ Repo nghịch đảo cũng tăng lên 0,05%. Những thay đổi đã đảm bảo rằng lãi suất của T-bill (Trái phiếu kho bạc) sẽ không bị giảm xuống mức âm.

Tuy nhiên, điều ảnh hưởng đến thị trường nhiều nhất là biểu đồ Dot Plot (biểu đồ dấu chấm). Nó đã tiết lộ rằng một số quan chức của Fed đang kỳ vọng lãi suất sẽ tăng nhanh hơn so với dự đoán trong cuộc họp vào tháng ba. Biểu đồ dưới đây cho thấy bảy quan chức dự đoán lãi suất sẽ tăng vào năm 2022 và mười ba quan chức kỳ vọng lãi suất sẽ tăng vào năm 2023, với đa số đều cho rằng sẽ có một đợt tăng lớn vào cuối năm 2023.

Biểu đồ Dot Plot thể hiện ý kiến của các quan chức

Biểu đồ Dot Plot thể hiện ý kiến của các quan chức

Có một số lý do đằng sau những quan điểm này và cần phải theo dõi chặt chẽ để biết tương lai của lãi suất như thế nào. Nếu mà Fed thắt chặt chính sách sớm hơn dự kiến thì đồng Dollar sẽ được hưởng lợi nhiều hơn so với các đồng tiền khác.

Fed đang cố gắng giữ cân bằng giữa hai nhiệm vụ chính của mình là ổn định giá cả và toàn dụng lao động. Ủy ban sẽ gặp khó khăn trong việc thắt chặt chính sách để giải quyết lạm phát (thứ mà họ tin rằng chỉ là tạm thời) và qua đó ảnh hưởng đến sự phục hồi của thị trường lao động

Xem thêm: Dot Plot – Biểu đồ cho thấy dự báo lãi suất tương lai từ chính các thành viên FED

1.2 Lạm phát có phải chỉ là tạm thời?

Có lẽ cuộc thảo luận về việc lạm phát là tạm thời hay lâu dài sẽ không bao giờ kết thúc, và chỉ có thời gian mới chứng minh được ai đúng ai sai mà thôi.

Tuy nhiên, nếu chúng ta tìm kiếm những yếu tố gây nên sự lạm phát thì chúng ta có thể tìm ra chúng một cách dễ dàng và thậm chí còn có thể kết luận rằng những yếu tố này chỉ là nhất thời mà thôi, nhưng mà vấn đề là những yếu tố này sẽ tồn tại trong bao lâu?

Biểu đồ dưới đây thể hiện rằng giá của thực phẩm và năng lượng ở Mỹ đã tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái, và đạt đến mức cao nhất kể từ năm 1992.

Giá thực phẩm và năng lương tại Mỹ đã tăng đáng kể

Giá thực phẩm và năng lượng tại Mỹ đã tăng đáng kể

1.3 Sự tắc nghẽn

Tất cả chúng ta đều biết rằng đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng trên toàn thế giới, và nhiều quốc gia vẫn đang áp dụng các lệnh giãn cách xã hội và chưa có dự định gì về việc mở cửa lại nền kinh tế. Các biến thể của COVID-19 vẫn đang được sinh ra, đe dọa rất nhiều đến xã hội. Tuy nhiên, dù các chuỗi cung ứng vẫn sẽ phải chịu áp lực, nhưng có lẽ chúng sẽ hoạt động tốt hơn ngay khi các quốc gia tăng tốc kế hoạch tiêm chủng Vaccine.

Xem thêm: Biến thể Delta của COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế như thế nào?

1.4 Chi tiêu được dồn nén

Lệnh giãn cách xã hội sẽ buộc mọi người phải ở nhà và giới hạn các hoạt động thường ngày của họ. Vậy nên khi các quốc gia gỡ bỏ các lệnh giãn cách thì người dân sẽ có thể tiếp tục các hoạt động của mình, hơn nữa họ còn có nhiều tiền mặt để chi tiêu (nhờ vào các chương trình hỗ trợ và chính sách tài khóa).

Ngoài ra, tỉ lệ gửi tiết kiệm đã tăng vọt trong vài tháng qua, vậy nên khi hết giãn cách xã hội, người dân sẽ có cơ hội để chi tiêu những khoản tiết kiệm đó, và điều này sẽ kích cầu nền kinh tế.

Tuy nhiên, nếu chúng ta có cái nhìn khách quan hơn thì chúng ta có thể thấy rằng hầu hết các chương trình hỗ trợ sẽ kết thúc vào tháng 9. Như vậy, người dân sẽ có tâm lý đề phòng việc chi tiêu quá mức, và nó sẽ giảm lực cầu.

1.5 Thiếu chip xử lý

Hầu hết các thiết bị được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta đều hoạt động thông qua chip, từ điện thoại thông minh, máy tính, ô tô,… Đại dịch COVID-19 đã kéo theo sự thiếu hụt chip xử lý trên toàn cầu, làm giảm nguồn cung của nhiều mặt hàng từ đồ gia dụng cho đến ô tô.

Trong khi nhu cầu đối với những mặt hàng này tăng lên thì nguồn cung lại thiếu, điều này dẫn đến giá cả tăng đáng kể. Sau đây là một ví dụ nhỏ cho thấy tác động của những gì đã xảy ra đối với giá cả.

Giá của xe bán tải đã qua sử dụng ở Mỹ đã tăng 46% trong 12 tháng qua, giá xe SUV đã qua sử dụng tăng 31%, còn xe sedan thì tăng 30%. Tuy nhiên các nhà máy sản xuất chip đang dần sản xuất trở lại, có nghĩa là sự thiếu hụt chip này có thể chỉ là tạm thời.

Hơn nữa, chính quyền của tổng thống Biden đang cung cấp 75 tỷ Dollar để đầu tư trực tiếp cho sản xuất thiết bị bán dẫn trong nước. Mục đích là để giải quyết vấn đề này và giảm sự phụ thuộc vào các nhà sản xuất ở châu Á.

1.6 Giá dầu

Giá dầu đã phục hồi đáng kể khi các nhà sản xuất đã quản lý sản lượng của họ một cách hợp lý để thoát khỏi cơn khủng hoảng đến từ COVID-19. Giá dầu WTI đã tăng từ vùng giá thấp vào tháng 4 năm 2020 lên mức cao nhất kể từ năm 2018, đây là một đà tăng khá mạnh. Giá xăng tại Mỹ cũng tăng lên 3,19 USD/gallon, cao nhất kể từ năm 2014. Tuy nhiên, có nhiều rủi ro có thể sẽ làm gián đoạn đà tăng giá hiện tại của giá dầu.

Thật ra cũng có nhiều yếu tố đã gây áp lực với sự giảm phát trong những năm qua, từ công nghệ cho đến con người, vậy nên điều này cũng dẫn đến lạm phát. Biểu đồ dưới đây sẽ cho thấy một ví dụ về những gì Fed đang mong đợi về lạm phát. Giá gỗ xẻ (gỗ làm nhà) tăng lên mức cao nhất mọi thời đại là $1711 do thiếu nguồn cung.

Tuy nhiên, khi nguồn cung dần bắt đầu bắt kịp nhu cầu, giá lại giảm xuống chỉ còn $758. Do đó, áp lực về giá đối với các nhà thầu sẽ giảm bớt trong giai đoạn tới và giá mà người tiêu dùng phải trả cũng sẽ giảm xuống theo.

Giá gỗ xẻ thiết lập đỉnh mới, sau đó giảm rất mạnh

Giá gỗ xẻ thiết lập một đỉnh mới, sau đó giảm rất mạnh

1.7 Liệu Cục Dự trữ Liên bang có đang chờ đợi toàn dụng lao động?

Các quan chức của Fed luôn nói về sự khác biệt giữa tỷ lệ thất nghiệp và số người thật sự thất nghiệp. Biểu đồ dưới đây cho thấy tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ tham gia lao động của Mỹ. Có thể thấy được tỷ lệ thất nghiệp đang giảm và tỷ lệ tham gia lao động thì tăng lên. Điều này có nghĩa là nền kinh tế đang phát triển, tạo ra việc làm để đáp ứng được nguồn cung lao động.

Hiện tại, tỷ lệ việc làm ở Mỹ đang ở mức kỷ lục, nhưng nguồn cung lao động vẫn khá yếu do các khoản trợ cấp thất nghiệp cao, cha mẹ thiếu người trông trẻ ở nhà, … Mặt khác, 2,7 triệu người Mỹ đã rời bỏ lực lượng lao động.

Nếu chúng ta kết hợp những con số này với nhau, chúng ta có thể dự báo rằng nếu nền kinh tế Mỹ tiếp tục tạo ra khoảng 500.000 việc làm mỗi tháng, thì nền kinh tế Mỹ có thể tiến gần đến mức thị trường lao động trước đại dịch vào quý IV. Do đó, Fed sẽ có thể giảm bớt việc mua tài sản trong quý IV mà không lo ảnh hưởng đến sự phục hồi của thị trường lao động.

Xác suất càng cao thì đồng Dollar sẽ càng mạnh!

Tỷ lệ thất nghiệp đang giảm, còn tỷ lệ tham gia lao động lại tăng lên

Tóm lại, kịch bản tốt nhất để Fed bình thường hóa chính sách tiền tệ sẽ là giảm số người thật sự thất nghiệp và duy trì tỉ lệ lạm phát trên 2%. Có thể đồng Dollar sẽ tìm thấy một động lực vững chắc từ việc bình thường hóa chính sách. Dưới đây là các xác suất cho việc Fed sẽ tăng lãi suất, khi các xác suất này tăng cao hơn thì đồng Dollar sẽ càng mạnh hơn.

Khi xác suất càng cao thì đồng Dollar sẽ càng mạnh!

Khi xác suất càng cao thì đồng Dollar sẽ càng mạnh!

2. Phân tích kỹ thuật

Giá của đồng Dollar đã tăng vọt sau cuộc họp của Fed, chạm mức 92,40, đồng thời cũng là mức cao nhất kể từ đầu tháng tư. Tuy nhiên, đà tăng quá mức này đã khiến một số nhà đầu tư chốt lời trong tuần sau đó. Trong tuần này, giá của đồng Dollar đã đi ngang, không có gì đột phá, và các nhà đầu tư đang chờ đợi báo cáo việc làm của tháng 6, sẽ ra mắt vào thứ sáu tuần này.

Nhìn chung, đồng Dollar vẫn đang đi ngang trong một biên độ rộng giữa 88,20 (mức thấp tháng 2 năm 2018) và 103,82 (mức cao tháng 1 năm 2017).

  • Kịch bản tăng: Có thể mô hình hai đáy sẽ được hình thành, giá sẽ đảo chiều, bứt phá lên khỏi đường EMA55 và tìm kiếm mức giá ở đường EMA200, tức là ở mức 94,40.
  • Kịch bản Giảm: Chỉ số Dollar Index vẫn không vượt được ngưỡng kháng cự gần đây và đang bị từ chối ở đường EMA55. Có thể chỉ số này sẽ tiếp tục di chuyển sớm để test lại mức thấp nhất của năm ở gần 89,20, và có thể sẽ giảm xuống 88,20.

Xem thêm: Chiến lược giao dịch kết hợp nến Nhật với các công cụ khác

Bài viết được tham khảo từ [Forexlive]

“Tổng hợp bởi Vnrebates.”

Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.