VNREBATES

Rally base rally và rally base drop: Đặc điểm 4 mô hình vùng cung cầu

13.09.2021, 06:00 11 phút đọc

Giao dịch với vùng cung cầu là phương pháp vô cùng hiệu quả nhưng tương đối khó tiếp cận, nhất là với anh em Trader mới. Một trong những cách giúp anh em dễ dàng sử dụng vùng cung cầu hơn là học cách phân loại chúng, để sử dụng đúng trong từng điều kiện thị trường. Ví dụ như Rally base rally dùng để giao dịch theo xu hướng, Rally base drop dùng để giao dịch đảo ngược xu hướng. Trong bài viết hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sự khác biệt giữa các loại vùng cung cầu và cách chúng hình thành trong thị trường.

Đọc thêm: Test cung cầu là gì? Tại sao Test cung cầu lại quan trọng trong VSA?

1. Vùng cung cầu trong xu hướng

1.1. Rally Base Rally

Rally Base Rally là vùng cung cầu hình thành trong quá trình giá tăng. Rally ở đây có thể hiểu là một đợt hồi phục.

rally base rally

Cấu trúc rally base rally

Quan sát biểu đồ ví dụ phía trên, anh em có thể thấy cấu trúc thị trường trong trường hợp này như sau: một đợt phục hồi tăng diễn ra (rally), sau đó giá chững lại tạo ra một khoảng sideway mà ta gọi là vùng cơ sở (base), sau đó lại đến một đợt phục hồi khác (rally). Như vậy chúng ta có tên của loại vùng cơ sở này được đặt theo cấu trúc thị trường tạo ra nó.

Một đợt Rally base rally luôn luôn tạo ra một vùng cầu chứ không thể tạo ra vùng cung.

1.2. Drop Base Drop

Mô hình Drop base drop hoàn toàn trái ngược với Rally base rally, chỉ có một điểm giống nhau duy nhất là cả hai đều hình thành ở trong một xu hướng tiếp diễn.

drop base drop

Cấu trúc drop base drop

Trong khi cấu trúc Rally base rally sẽ luôn tạo ra vùng cầu, thì Drop base drop luôn luôn hình thành vùng cung chứ không thể tạo ra được vùng cầu.

Quan sát biểu đồ ví dụ, anh em có thể thấy đầu tiên chúng ta có một đợt giá sụt giảm mạnh (drop), sau đó tới một vùng cơ sở (base) được hình thành và rồi lại tiếp tục là một đợt giá tụt mạnh (drop)

1.3. Điều kiện thị trường hình thành Rally base rally và Drop base drop

Hai loại vùng cơ sở trong xu hướng này đều hình thành khi thị trường có xu hướng, và chúng như một bước đà để đấy giá tiếp tục đi theo xu hướng đó. Lần tới khi giá quay trở lại khu vực này, nó sẽ bị đẩy trở lại theo đúng xu hướng lúc các vùng này được hình thành.

Về nguyên lý hình thành nên các vùng này, đó có thể là do hoạt động của các ngân hàng và các tổ chức tài chính lớn khi họ chốt lời từ các vị thế hiện tại.

Hãy cùng xem lại biểu đồ Rally base rally mà chúng ta có ở phía trên.

điều kiện thị trường hình thành rally base rally

Điều kiện thị trường hình thành rally base rally

Trước đợt tăng giá đầu tiên (đợt rally), các ngân hàng đã đặt các lệnh mua. Với tiềm lực rất mạnh của mình thì việc đặt lệnh mua của họ đã đẩy giá tăng lên. Khi đạt được mức lợi nhuận nhất định, các ngân hàng muốn đảm bảo lợi nhuận đang có nên họ chốt lời các lệnh mua, và đối tượng tiêu thụ việc chốt lời của họ chính là những nhà giao dịch các nhân bắt đầu tham gia mua vào khi thấy giá tăng mạnh.

Việc họ chốt lời với khối lượng lớn có nghĩa là giá sẽ bị đẩy giảm xuống một phần, và giá sẽ giằng co hình thành nên vùng cơ sở. Lúc này, các cá nhân tham gia mua muộn cảm thấy lo lắng và chốt lời sớm, hoặc cắt lỗ những lệnh mua của mình vì lo sợ giá sẽ giảm sâu.

Bên cạnh đó, một số nhà giao dịch khác khi thấy giá chững lại sau đợt tăng mạnh, họ sẽ nghĩ rằng giá có thể đảo chiều nên đã thực hiện các lệnh bán ở đây.

Với hai nhóm nhà giao dịch nhỏ lẻ cùng thực hiện lệnh theo một hướng (một số chốt lệnh mua và số còn lại vào lệnh bán), các ngân hàng lại bắt đầu làm ngược lại. Họ tiếp tục vào các lệnh mua để đẩy giá cao hơn. Các nhà giao dịch vừa tham gia lệnh bán vừa rồi chính là những người mang lại cho họ lợi nhuận.

Đối với loại vùng cung cầu Drop base Drop, thị trường có những diễn biến tương tự như trên nhưng theo chiều ngược lại.

Xem thêm: 6 mẹo xác định xu hướng thị trường

2. Vùng cung cầu đảo ngược xu hướng

2.1. Drop Base Rally

Drop base rally là một loại cấu trúc luôn luôn hình thành vùng cầu trên thị trường.

Anh em cũng có thể hiểu cấu trúc của loại này theo đúng như tên gọi của nó: một đợt giá giảm mạnh (drop), rồi một vùng cơ sở (base) và tiếp theo là một đợt đảo chiều tăng (rally).

drop base rally

Cấu trúc drop base rally

Khác với Rally base rally hay Drop base drop chỉ hình thành trong thị trường có xu hướng tiếp diễn, cấu trúc Drop base rally được hình thành khi xu hướng thị trường có sự đảo ngược, từ giảm sang tăng.

Lần tới khi giá giảm lại về đến vùng này, nó sẽ đẩy thị trường theo hướng hồi phục tăng lên.

2.2. Rally Base Drop

Ngược lại Drop base rally, chúng ta có cấu trúc Rally base drop: giá tăng – hình thành vùng cơ sở – giá quay đầu giảm.

rally base drop

Cấu trúc rally base drop

Các vùng này được hình thành khi thị trường đảo ngược từ tăng trở thành giảm giá, và trong lần tới khi giá hồi phục trở lại đây, nó sẽ đẩy thị trường quay trở lại đà giảm.

Lưu ý: Đối với Rally base rally và Drop base drop, việc hình thành nên vùng cơ sở (base) là bắt buộc để hoàn thiện cấu trúc này. Tuy nhiên với hai loại cấu trúc đảo ngược xu hướng mà chúng ta vừa phân tích, vùng cơ sở có thể không hình thành cũng được chấp nhận.

drop base rally không có vùng cơ sở

Drop base rally không có vùng cơ sở

Như trong ví dụ trên đây, sau một đợt giảm thị trường ngay lập tức quay đầu tăng luôn. Đó vẫn có thể được tính là một vùng Drop base rally hoàn thiện mà không có một vùng cơ sở rõ ràng mà chỉ xuất hiện các mẫu nến đảo chiều cơ bản.

Xem thêm: Các mẫu hình nến đảo chiều trong Forex mà bạn nên biết

2.3. Điều kiện thị trường hình thành Drop base rally và Rally base drop

Trong khi các vùng Rally base rally và Drop base drop chỉ hình thành trong trường hợp các ngân hàng chốt lời các vị thế của họ, thì Drop base rally và Rally base drop có thể hình thành trong cả trường hợp các ngân hàng chốt lời các vị thế đã có, hoặc họ thực hiện các vị thế mới.

Trường hợp hai cấu trúc đảo ngược này được hình thành do các ngân hàng thực hiện các lệnh giao dịch mới, chúng ta có các tín hiệu với xác suất thành công cao hơn so với các vùng hình thành do họ chốt lời.

Lý do cho việc này là khá đơn giản. Khi các ngân hàng chốt lời, tức là họ đã có khoản lợi nhuận trong tay mình. Lúc đó họ có thể không cần quá quan tâm đến diễn biến tiếp theo của thị trường, giá có thể đảo chiều hoặc tiếp diễn cũng không ảnh hưởng đến họ vì họ có thể tìm kiếm các cơ hội khác.

Tuy nhiên trong trường hợp họ thực hiện các giao dịch mới, họ cần cố gắng đảm bảo sự đảo ngược được diễn ra, và không làm cho giá di chuyển ngược với vị thế của họ để đảm bảo lợi nhuận của mình.

điều kiện thị trường hình thành drop base rally

Điều kiện thị trường hình thành drop base rally

Trong ví dụ trên đây, chúng ta thấy một vùng cơ sở được hình thành sau một đợt giảm mạnh với những cây nến đỏ khá dài. Sự sụt giảm này có thể là do có nhiều nhà giao dịch tham gia giao dịch ngắn hạn với các lệnh bán, sau đó họ nhanh chóng chốt lời.

Đồng thời vào thời điểm đó, các ngân hàng đã tham gia vào thị trường với các lệnh mua, họ hấp thụ hết các lệnh bán trước đó khiến giá bắt đầu tăng lên và phá vỡ mức đỉnh cũ trước khi hình thành vùng cung cầu này.

Ngay sau khi giá phá vỡ đỉnh cũ, chúng ta thấy một sự sụt giảm mạnh mẽ. Sự sụt giảm này khiến cho nhiều nhà giao dịch nhỏ lẻ tiếp tục bán khống vì họ cho rằng đợt tăng vừa rồi chỉ là đợt pullback hồi về và đà giảm sẽ còn tiếp diễn.

Tuy nhiên, các ngân hàng đối mặt với tình huống này họ cần tiếp tục mua để đẩy giá lên cao, vì nếu giá giảm tiếp qua vùng cơ sở ban đầu thì họ sẽ phải chịu thua lỗ và sớm phải thanh lý các giao dịch lỗ của mình. Họ không muốn điều đó xảy ra lên cần tiếp tục mua với khối lượng lớn hơn, do đó đã đẩy được giá tăng trở lại sau đó.

Tất nhiên những diễn biến này không phải ngẫu nhiên, mà các ngân hàng hẳn đã có kế hoạch trước cho mọi tình huống để đảm bảo cho khối tài sản khổng lồ của họ.

Vậy, để giao dịch một cách an toàn nhất, chúng ta cần tham gia cùng với các ngân hàng trong trường hợp họ thực hiện giao dịch mới thay vì trong trường hợp họ chốt lời.

Việc làm thế nào để phân biệt được đâu là giao dịch mới và đâu là chốt lời của ngân hàng hoàn toàn có thể thực hiện được thông qua các tín hiệu trên biểu đồ, tuy nhiên mình nghĩ nó không thực sự thích hợp với các anh em mới tham gia thị trường, bởi nó khá phức tạp và nâng cao, do đó anh em có thể tìm hiểu nếu muốn sau khi đã thành thạo những kiến thức cơ bản và thực hành thật nhuần nhuyễn.

Thế nhưng, có một dấu hiệu đơn giản mà chúng ta có thể sử dụng, đó là dựa vào trạng thái của các cây nến phía sau vùng cơ sở.

Nếu các cây nến có thân lớn và giá tăng phá qua đỉnh cũ gần nhất, chứng tỏ lực thị trường rất mạnh mẽ sau khi thoát ra khỏi vùng cơ sở. Đó là một tín hiệu mạnh, và có thể là dấu hiệu cho thấy các ngân hàng thực hiện giao dịch mới.

nến động lượng mạnh phía sau vùng cơ sở

Nến động lượng mạnh theo sau vùng cơ sở

Anh em có thể tự tin thực hiện một giao dịch khi giá quay trở lại vùng này vào lần tiếp theo.

Ngược lại, nếu sau khi thoát khỏi vùng cơ sở mà giá diễn biến chậm chạp, không dứt khoát thì có thể đó chỉ là đợt chốt lời của các ngân hàng và họ không có động thái mạnh mẽ nào sau đó. Trong trường hợp này, khi giá quay trở lại vùng cơ sở trong lần tới thì chúng ta không chắc chắn được liệu nó có quay đầu lại được hay không.

drop base rally thất bại

Cấu trúc drop base rally thất bại

Xem thêm: Vùng cung cầu là gì? Cách nhận biết và vẽ vùng cung cầu

3. Tổng kết

Hy vọng bài viết này đã giúp anh em hiểu và phân biệt được các loại vùng cung cầu trong từng điều kiện thị trường khác nhau. Hãy nhận biết và vận dụng chúng một cách hiệu quả nhất trong từng hoàn cảnh phù hợp để có thể đạt được lợi nhuận với phương pháp giao dịch theo cung và cầu nhé.

Anh em cũng có thể tham khảo thêm các bài viết, các chiến lược giao dịch khác tại vnrebates.net để hoàn thiện kho chiến lược của mình, giúp anh em chiến đấu được trong tất cả các điều kiện thị trường khác nhau.

Chúc anh em giao dịch an toàn và hiệu quả.

VnRebates tổng hợp

Theo forexmentoronline.com

👉 Cập nhật Phương pháp trading mới và hiệu quả nhất trên thế giới bằng 4 Khóa học video miễn phí
Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.