VNREBATES

Sắc xanh bao trùm thị trường phố Wall sau quyết định nâng lãi suất 0.75% của Fed

16.06.2022, 21:51 7 phút đọc

Thị trường chứng khoán phố Wall đã khởi sắc sau quyết định tăng lãi suất mới mức tăng mạnh nhất trong gần 3 thập kỷ và phát biểu của chủ tịch Powell. Giới chức Fed hạ đáng kể triển vọng tăng trưởng kinh tế trong năm 2022 và tiếp tục “cam kết chặt chẽ” với mục tiêu lạm phát.

Sau chuỗi ngày hỗn loạn, sắc xanh đã bao trùm thị trường phố Wall trong phiên giao dịch ngày 15/6. Chỉ số S&P 500 tăng 54,51 điểm, tương đương 1,46%, lên 3.789,99 điểm, chấm dứt chuỗi 5 ngày lao dốc liên tục. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 303,70 điểm, tương đương 1%, lên 30.668,53 điểm trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 270,81 điểm, tương đương 2,5%, lên 11.099,15 điểm.

Sắc xanh đã trở lại trên thị trường chứng khoán Mỹ – chỉ số S&P 500 tăng 54.51 điểm

Trước đó, kết thúc cuộc họp chính sách quan trọng diễn ra hôm thứ Tư, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã công bố quyết định tăng lãi suất với mức tăng mạnh nhất trong gần 3 thập kỷ, trong nỗ lực chế ngự lạm phát hiện đang tăng với tốc độ chưa từng có kể từ tháng 12/1981.

Sau nhiều tuần dự đoán, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) hiện đang thiết lập mức lãi suất chuẩn dao động trong khoảng 1.5% – 1.75%, mức cao nhất kể từ ngay trước khi diễn ra đại dịch Covid-19 toàn cầu.

Quyết định tăng lãi suất mạnh bất thường này của Fed diễn ra sau bốn ngày “hỗn loạn” trên thị trường tài chính Mỹ, cổ phiếu lao dốc, lợi tức trái phiếu tăng vọt và tiền điện tử đã sụp đổ sau công bố chỉ số CPI tăng 8.6% so với cùng kỳ năm trước – vượt xa dự báo của giới chuyên gia.

Dù nhiều nhà đầu tư lo sợ Fed sẽ đột ngột tăng lãi suất ở mức 1% nhưng nhìn chung mức tăng 0.75% diễn ra đúng như kỳ vọng của thị trường. Ngay sau quyết định tăng lãi suất, chứng khoán Mỹ đã biến động nhưng đã khởi sắc hơn khi Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc họp chính sách.

 “Rõ ràng, mức tăng 75 điểm cơ bản của ngày hôm nay là một mức tăng bất thường và tôi không mong đợi động thái tương tự như vậy sẽ được thực hiện thêm nhiều lần.”

Tuy nhiên, ông nói thêm rằng mức tăng 75 điểm cơ bản là “cần thiết”ở cuộc họp tiếp theo vào tháng 7, Fed có thể sẽ tăng lãi suất thêm 50 hoặc 75 điểm cơ bản. Vị chủ tịch cũng cố gắng trấn an nhà đầu tư với lời hứa sẽ “tiếp tục truyền đạt ý định của chúng tôi rõ ràng nhất có thể.”

Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu

Ông Powell tiếp tục cho biết: “Chúng tôi sẽ theo dõi sự tiến triển của tình trạng lạm phát. Nếu tình trạng lạm phát không cải thiện, Fed sẽ có những động thái quyết liệt hơn.”

Theo một phương án được trích dẫn, các thành viên FOMC đã đặt ra một lộ trình nâng lãi suất mạnh mẽ trong thời gian tới nhằm kiềm chế lạm phát đang tăng vọt với tốc độ chưa từng trong vòng 40 năm qua.

Theo biểu đồ “dot plot” về kỳ vọng của từng thành viên, lãi suất chuẩn của Fed sẽ kết thúc năm ở mức 3.4% – cao hơn 1.5 điểm phần trăm so với ước tính hồi tháng 3. Lãi suất trong năm 2023 được FOMC dự báo sẽ tăng lên gần 4%, cao hơn 1 điểm phần trăm so với ước tính hồi tháng 3.

Xem thêm: Đoán định kỳ vọng của FOMC qua biểu đồ Dot Plot

Cắt giảm triển vọng tăng trưởng năm 2022

Giới chức Fed cũng hạ đáng kể triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2022, dự báo tăng tưởng GDP chỉ còn 1.7%, giảm so với ước tính 2.8% hồi tháng 3.

Dự báo lạm phát được điều chỉnh theo chi tiêu tiêu dùng cá nhân cũng được nâng lên 5.2% cùng năm từ mức 4.3% trước đó, mặc dù lạm phát cốt lõi, không bao gồm chi phí thực phẩm và năng lượng vốn dễ biến động, được dự báo tăng 4.3%, cao hơn 0.2 điểm phần trăm so với dự báo 4.1% trước đó. Lạm phát PCE lõi cho tháng 4 đã ở mức 4.9%, do đó, quan chức Fed kỳ vọng áp lực giá sẽ hạ nhiệt trong những tháng tới đây.

Tuyên bố của FOMC đã vẽ nên một bức tranh lạc quan về nền kinh tế Hoa Kỳ ngay cả khi lạm phát vẫn đang nóng bỏng tay.

lai suat

Lộ trình điều chỉnh lãi suất của Fed kể từ năm 2017 (tính theo điểm cơ bản). Nguồn ảnh cnbc

“Hoạt động kinh tế nói chung dường như đã khởi sắc sau chuối ngày ảm đạm của quý I. “Việc làm đã tăng mạnh trong những tháng gần đây, và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp. Lạm phát vẫn ở mức cao, phản ánh sự mất cân bằng cung và cầu liên quan đến đại dịch, giá năng lượng cao hơn và áp lực giá lan rộng hơn.”

Thật vậy, các ước tính được thể hiện qua bản tóm tắt các dự báo kinh tế của FOMC cho thấy lạm phát giảm mạnh vào năm 2023, xuống 2.6% và 2.7%, kỳ vọng ít thay đổi so với ước tính hồi tháng Ba.

Về dài hạn, triển vọng chính sách của Ủy ban phần lớn phù hợp với các dự đoán của thị trường, vốn chứng kiến ​​một loạt đợt tăng trước mắt sẽ đưa lãi suất chuẩn lên khoảng 3.8%, mức cao nhất kể từ cuối năm 2007.

Fed có còn cam kết mạnh mẽ với lạm phát mục tiêu 2%?

Trong thông báo mới nhất của FOMC lại không xuất hiện cụm từ quen thuộc trong thời gian gần đây đó là “hy vọng lạm phát sẽ quay lại mức mục tiêu 2% và thị trường lao động vẫn mạnh mẽ”. Trong thông báo mới, Fed chỉ lưu ý rằng sẽ “cam kết chặt chẽ” với mục tiêu.

Powell thừa nhận lãi suất chuẩn dự kiến ​gần 4% sẽ là “hạn chế vừa phải”, có nghĩa là nó sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Ông cho biết ông cho rằng tỷ lệ thất nghiệp 4.1% – ước tính của Fed vào cuối năm 2024 – là mức thấp trong lịch sử và có khả năng đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% mà không khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Xem thêm: Lãi suất là gì? Ảnh hưởng của lãi suất đến nền kinh tế

Liệu Fed tăng lãi suất có quá nhanh hay không?

Việc thắt chặt chính sách đang diễn ra cùng thời điểm với tăng trưởng kinh tế giảm tốc trong khi giá cả vẫn không ngừng leo thang. Đây là hiện tượng được gọi là lạm phát đình trệ.

Ngân hàng Barclays cho biết, chiến lược tăng lãi suất táo bạo hơn của Fed là sự thừa nhận rằng họ sẵn sàng chịu đựng tình trạng thất nghiệp gia tăng và nguy cơ suy thoái dẫn đến lạm phát cao hơn. Bộ Thương mại cho biết hôm thứ Tư rằng doanh số bán lẻ trong tháng Năm đã giảm 0.3%. Tỷ lệ thế chấp cao hơn đang hạ nhiệt thị trường nhà ở. Thông thường, Fed tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát trong một nền kinh tế mạnh. Do đó, có nguy cơ rằng một mức tăng lãi suất lớn sẽ đẩy một nền kinh tế đang chậm lại vào suy thoái trong năm tới.

Điều đó cũng có nghĩa rằng, hy vọng về một cuộc “hạ cánh mềm” rất khó xảy ra bởi các chu kỳ thắt chặt lãi suất trong quá khứ thường dẫn đến suy thoái.

VnRebates – Nơi Trading là NGHỀ

Theo cnbc

 

 

👉 Cập nhật Phương pháp trading mới và hiệu quả nhất trên thế giới bằng 4 Khóa học video miễn phí
Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.