VNREBATES

Tại sao giá vàng trong nước cao hơn thế giới? Nguyên nhân là gì?

05.02.2021, 06:00 9 phút đọc

Mặc dù thị trường vàng trong nước không giao dịch theo giá vàng quốc tế nhưng giá vàng trong nước tăng liên tục, thậm chí có giai đoạn tăng lên gần 63 triệu đồng/ lượng. Giá vàng trong nước tăng cao hơn giá vàng quốc tế 4 triệu đồng/ lượng, chênh lệch giá bán và giá mua có lúc lên đến 2 triệu đồng/ lượng. Điều gì làm giá vàng trong nước cao hơn thế giới?

Chênh lệch giá vàng thế giới và trong nước

Giá vàng trong nước hiện nay đang có tương quan thế nào so với tình hình giá vàng thế giới? Tại sao lại có sự chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới?

Đại dịch Covid -19 đã khiến kinh tế thế giới khủng hoảng kèm theo xung đột chính trị giữa Mỹ – Trung Quốc tăng cao đã làm cho thế giới lại một lần nữa chao đảo. Nhiều quốc gia đã phải liên tục tung ra các gói cứu trợ lên tới hàng nghìn tỷ USD, thậm chí FED còn cam kết thực hiện chương trình nới lỏng không giới hạn để kích thích tăng trưởng kinh tế Mỹ.

Dù kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh nhưng nhu cầu đầu tư vàng lại không ngừng gia tăng. Đặc biệt, các quỹ đầu tư ETF đang nắm giữ tới hơn 3.751 tấn vàng. Điều này đã góp phần đẩy giá vàng quốc tế lên tới 2.074USD/ounce.

Mặc dù thị trường vàng trong nước không giao dịch theo giá vàng quốc tế nhưng một điều chúng ta luôn thấy rằng giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới. Thậm chí có giai đoạn giá vàng trong nước tăng lên gần 63 triệu đồng/ lượng, đẩy mức chênh lệch so với với giá vàng thế giới lên đến 4 triệu đồng/ lượng.

Như vậy, điều gì làm cho giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới? Bạn hãy cùng VNRebates tìm hiểu nguyên nhân đằng sau sự chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới này nhé.

Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới

Xem thêm: Đánh bại Bạch Kim, vàng được lịch sử lựa chọn là “lý tưởng” nhất cho vai trò tiền tệ

1. Điều gì làm cho giá vàng trong nước cao hơn thế giới?

Giá vàng thế giới giảm xuống mức 1.810 USD/ounce ngay phiên đầu tuần, sau đó phục hồi lên mức 1.833 USD/ounce lúc 16h ngày 18/01/2021. Quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương 51,2 triệu đồng/lượng.

Trong cùng thời gian này, giá bán vàng miếng SJC tại Công ty SJC và Công ty PNJ đồng loạt ở mức 56,45 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua – bán giảm còn 0,55 triệu đồng/lượng. Theo giá quy đổi, giá vàng miếng SJC đang cao hơn giá vàng thế giới 5,25 triệu đồng/lượng.

Nhận định từng giai đoạn kinh tế khác nhau, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cũng khác nhau. Trong giai đoạn nền kinh tế ổn định và tăng trưởng, mức chênh lệch sẽ thấp hơn so với trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế và bất ổn chính trị. Do đó, khi xét đến chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cũng như biến động tăng giảm giá vàng, chúng ta đều xét đến tổng quan nền kinh tế và các chỉ số vĩ mô trong từng giai đoạn. Chúng ta cùng điểm qua các nguyên nhân sau đây:

1.1 Cung không đủ cầu

Theo quy định, Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu –  nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Ngân hàng Nhà nước tổ chức, nhập khẩu nguyên liệu và quản lý sản xuất vàng miếng. Doanh nghiệp kinh doanh, mua bán vàng miếng phải được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Tại Việt Nam, chỉ được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất nhưng phải tuân theo các quy định chặt chẽ.

Từ năm 2014 cho đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã không nhập khẩu vàng miếng để can thiệp thị trường. Do đó nguồn cung trong nước không đủ cầu, điều này làm cho giá vàng trong nước cao hơn thế giới.

1.2 Tâm lý chờ đợi của cả người bán lẫn người mua

Người bán muốn bán giá cao hơn trong khi người mua muốn mua giá thấp hơn so với giá vàng thế giới. Cầu có nhưng cung thủ khiến giá vàng Việt Nam trở nên đắt đỏ, một mình một chợ nên đã đẩy chênh lệch giá trong nước và thế giới tăng cao.

1.3 Khác biệt về phương pháp giao dịch

Thế giới chủ yếu giao dịch vàng qua tài khoản (vàng tài khoản) và được giao dịch bởi các quỹ đầu tư, tổ chức tài chính và nhà đầu tư kinh doanh vàng phái sinh, trong khi giao dịch vàng ở Việt Nam là vàng vật chất nên sẽ có độ trễ biến động nhất định. Doanh nghiệp kinh doanh vàng cần thời gian để điều chỉnh biên độ giá trong nước so với biến động giá vàng thế giới cho phù hợp.

1.4 Biên độ tăng giá không được quy định cụ thể trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng

Trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng, mâu thuẫn chính trị leo thang, nhu cầu vàng tăng đột biến. Các doanh nghiệp kinh doanh vàng vẫn phải đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng trong khi nguồn cung lúc này thiếu hụt nghiêm trọng. Để đảm bảo cân đối nguồn cung, các doanh nghiệp kinh doanh vàng được phép điều chỉnh giá phù hợp, không bị quy định biên độ tăng giá bán vàng. Điều này dẫn đến giá vàng trong nước so với giá vàng thế giới tăng cao.

Xem thêm:Tương lai nào cho giao dịch vàng phái sinh tại Việt Nam?

Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới khiền nhiều nhà đầu tư khổ sở

2. Phản ứng của nhà đầu tư khi có biến động chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới

Phải chăng nhà đầu tư cảm thấy thua thiệt khi mua vàng với giá cao hơn so với thế giới? Hay đó là cơ hội để các nhà đầu tư tìm kiếm những món lợi nhuận khổng lồ? Dựa trên mức biến động chênh lệch giá bạn sẽ hành động như thế nào để giao dịch tối ưu?

2.1 Khi mức chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới giảm dần

Khi mức chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới được thu hẹp, các nhà đầu tư và doanh nghiệp sản xuất vàng cảm thấy sự tin tưởng hơn vào giá vàng hiện tại. Lúc này, giá vàng trong nước sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi giá vàng thế giới theo cùng chiều tăng hoặc giảm.

Đồng thời, việc thu hẹp chênh lệch giá sẽ giúp nhà đầu tư dự đoán chính xác xu hướng giá vàng trong nước hiện nay. Một mặt, giúp các nhà đầu tư nhanh chóng chốt lời hiệu quả, mang lại lợi nhuận tối ưu. Mặt khác, thị trường cân bằng hơn, người tiêu dùng có những sự đầu tư vàng miếng phù hợp hơn.

2.2 Mức chênh lệch giá lớn và giá vàng hiện tại có xu hướng tăng

Khi mức chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới có chiều hướng gia tăng. Một là, thị trường tài chính đang gặp bất ổn và Việt Nam đang thực hiện điều chỉnh giá vàng để cố gắng kìm hãm sự bất ổn ấy. Hai là, nhu cầu vàng của thị trường trong nước và thế giới không còn tương đồng nữa. Trong cả hai trường hợp, giá vàng thay đổi sẽ gây nên bất lợi cho thị trường.

Do đó, việc đầu tư vào vàng ít đem lại lợi nhuận và thanh khoản chậm hơn. Vàng trở nên kém hấp dẫn cho đầu tư dài hạn lẫn ngắn hạn. Song song với đó, các phân tích lẫn dự báo kinh tế về giá vàng sẽ không còn chính xác và hữu hiệu.

Xem thêmLãi suất, lạm phát và giá vàng – Mối quan hệ giữa giá vàng và lãi suất là gì?

Chênh lệch giá vàng

Kết luận

Xu hướng chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới sẽ thay đổi cách các nhà đầu tư vào vàng. Qua đó cũng khiến vàng trở nên khó chơi và không tạo được thế cạnh tranh so với các lựa chọn tài chính khác. Chính vì thế, các nhà đầu tư không chỉ quan sát biến động giá vàng hiện tại mà còn cần xem xét kỹ lượng chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới. Từ đó, tối ưu các khoản đầu tư và tránh những rủi ro không đáng có.

Mặt khác, xét trên góc độ nền kinh tế, nếu chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới quá lớn và kéo dài sẽ dễ dẫn đến tình trạng nhập lậu vàng và làm “chảy máu” ngoại tệ. Do đó, đã có ý kiến đề xuất của các chuyên gia rằng Ngân hàng Nhà nước nên xem xét tăng nguồn cung vàng miếng SJC. Đồng thời, cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng nguyên liệu cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện theo quy định hiện hành để góp phần kéo giá vàng trong nước hiện nay về sát giá vàng quốc tế.

Chúc các bạn có nhiều giao dịch thành công!

Tổng hợp bởi VNRebates

👉 Cập nhật Phương pháp trading mới và hiệu quả nhất trên thế giới bằng 4 Khóa học video miễn phí
Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.