VNREBATES

Thanh khoản trái phiếu là gì? Cách hạn chế rủi ro thanh khoản trái phiếu

27.12.2022, 17:28 13 phút đọc

Thị trường trái phiếu gần đây trở nên “nóng hổi” với hàng loạt vụ phát hành trái phiếu sai quy định khiến cho thanh khoản thị trường trái phiếu rất kém. Vậy thực chất thanh khoản trái phiếu là gì? Cách nào để hạn chế rủi ro thanh khoản khi đầu tư vào loại hình tài sản này? Hãy cùng VnRebates tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.

Thanh khoản trái phiếu là gìXem thêm:

Thanh khoản trái phiếu là gì?

Thanh khoản trái phiếu (Bond Liquidity) là khả năng mua hoặc bán dễ dàng một trái phiếu mà không có sự thay đổi đáng kể về giá. Một trái phiếu có thanh khoản cao luôn dễ dàng tìm được người mua và người bán, nó thể hiện qua khối lượng giao dịch lớn trên thị trường, đi kèm đó là giá giao dịch của các trái phiếu này sẽ cao hơn.  

So sánh với các loại tài sản khác, trái phiếu có tính thanh khoản trung bình và kém hơn so với tiền mặt, tiền tiết kiệm,… Tuy nhiên, nó lại cao hơn so với bất động sảntiền ảo,… Đồng thời, xét theo loại thì trái phiếu chính phủ hoặc tín phiếu kho bạc (US Treasuries) có thanh khoản cao hơn so với trái phiếu doanh nghiệp (Corporate Finance). [1]

Tính thanh khoản của trái phiếu thay đổi theo từng loại và bị tác động bởi các yếu tố sau: 

  • Tổ chức phát hành: Các tổ chức như Chính phủ, Chính quyền địa phương mua – bán trái phiếu sẽ dễ dàng hơn so với các doanh nghiệp. Chẳng hạn, trái phiếu Chính phủ (Government Bonds) có thanh khoản cao và lãi suất thấp hơn so với Trái phiếu Doanh nghiệp.
  • Được niêm yết hoặc được bảo lãnh phát hành: Trái phiếu thường giao dịch thông qua OTC hoặc được niêm yết trên sàn. Các trái phiếu OTC có thanh khoản kém hơn. Ngoài ra, các trái phiếu được bảo lãnh phát hành bởi các tổ chức tín dụng sẽ có tính thanh khoản cao hơn vì nhà đầu tư dễ dàng mua và bán lại cho tổ chức tín dụng đó. 
  • Trái phiếu có chỉ số tín nhiệm cao: Bond Rating (Xếp hạng tín nhiệm trái phiếu) là cách đo lường mức độ tin cậy của tổ chức phát hành, được đánh giá bởi các tổ chức nổi tiếng như: S&P, Moody’s,… Những trái phiếu có đánh giá từ thang B trở lên thì có tính thanh khoản cao hơn. 

Tính thanh khoản trái phiếu cao sẽ đi kèm lãi suất thấp. Lãi suất trái phiếu được xem như “phần thưởng” cho việc đánh đổi rủi ro của nhà đầu tư đổi lấy lợi nhuận. Các trái phiếu rác (Junk Bond) có xếp hạng tín nhiệm thấp, không được niêm yết, không có tài sản đảm bảo thường có lãi suất rất cao trên thị trường. 

Tham khảo thêm: 

So sánh thanh khoản trái phiếu và các tài sản khác

So sánh thanh khoản trái phiếu và các tài sản khác (Nguồn: Business Insider)

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam

Thị trường trái phiếu là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Trong 5 năm qua, thị trường này có tốc độ tăng trưởng bình quân 46%/năm. Tính riêng trong năm 2021, có đến 1,2 triệu tỷ đồng vốn huy động của doanh nghiệp Việt Nam qua kênh trái phiếu, chiếm tương đương 15% GDP. [2]

Áp lực thanh khoản trái phiếu và nút thắt thanh khoản

Từ giữa năm 2022, thị trường trái phiếu Việt rơi vào tình trạng trầm lắng, mất thanh khoản trầm trọng. Theo thống kê, trong quý III/2022, số lượng trái phiếu phát hành thành công ra công chúng giảm đến -69% so với cùng kỳ. Điều này phản ánh rằng các nhà đầu tư dần mất niềm tin vào trái phiếu, trong khi doanh nghiệp không thể huy động được vốn. [3]

Tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp phát hành Q3/2022 giảm mạnh

Tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp phát hành Q3/2022 giảm mạnh (Nguồn: VMBA)

Một số doanh nghiệp đang mua lại trái phiếu trước hạn để cung cấp thanh khoản cho thị trường. Thống kê của VnDirect cho thấy trong những đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ, đã có khoảng 142.200 tỷ đồng được mua lại trong 9 tháng đầu năm 2022. 

Một số lý do khác khiến cho doanh nghiệp phải mua lại trái phiếu của mình trước hạn:

Cơ cấu lại nợ

Nhiều doanh nghiệp đã phân tích, dự báo về diễn biến thị trường sắp tới gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, họ quyết định mua lại trái phiếu trước hạn để có thể hoàn toàn chủ động điều chỉnh linh hoạt tình hình tài chính, nhằm đảm bảo an toàn và tối ưu hiệu quả kinh doanh.

Chẳng hạn, sau khi phát hành trái phiếu, họ nhận thấy việc hoạt động kinh doanh chậm, không triển khai ngay được, thì doanh nghiệp có thể thu mua trái phiếu trước hạn để thu xếp, quản lý dòng tiền khác hiệu quả hơn. Đây là hoạt động hết sức bình thường, đồng thời thể hiện uy tín và trình độ của chủ doanh nghiệp. [4]

Mua lại trái phiếu trước hạn để cơ cấu nợ

Mua lại trái phiếu trước hạn để cơ cấu nợ (Nguồn: Internet)

Nhà đầu tư muốn bán lại trái phiếu trước hạn để thu hồi vốn do tâm lý e ngại rủi ro gia tăng. 

Những bê bối trong vụ việc phát hành trái phiếu sai quy định của công ty Tân Hoàng Minh, tình trạng không hoàn thành nghĩa vụ trái phiếu với trái chủ của công ty An ĐôngVạn Thịnh Phát đã gây mất niềm tin cho nhà đầu tư và gây mất thanh khoản trái phiếu lan rộng.

Tâm lý e sợ, nhà đầu tư muốn bán trái phiếu trước hạn

Tâm lý e sợ, nhà đầu tư muốn bán trái phiếu trước hạn (Nguồn: Internet)

Khung pháp lý thị trường trái phiếu đang được hoàn thiện. 

Hiện nay, Bộ Tài chính đã công bố Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực ngày 16/09/2022 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp. 

Các doanh nghiệp có dấu hiệu phát hành chưa đúng theo quy định trên phải mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn để nhằm tái cơ cấu lại nguồn vốn huy động từ trái phiếu, bổ sung phương án sử dụng vốn theo đúng quy định. [5]

Giải pháp cải thiện tính thanh khoản của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam

Trong tuần qua, Bộ Tài Chính đã thống nhất sẽ rà soát khung pháp lý của Nghị định 65, đồng thời ghi nhận góp ý của các doanh nghiệp để cải thiện thanh khoản của thị trường trái phiếu hiện nay. Động thái của Bộ Tài Chính được xem là giải pháp thiết thực nhất cho việc lấy lại niềm tin của người dân vào doanh nghiệp phát hành. Một số điểm nổi bật của Nghị định 65 như sau:

Thứ nhất, doanh nghiệp phát hành phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm, áp dụng từ ngày 1/1/2023. Khi DN phát hành cho nhà đầu tư cá nhân phải có hợp đồng ký kết với đại diện người chủ sở hữu trái phiếu. Đồng thời, phải có xác nhận của ngân hàng thương mại về việc mở tài khoản từ việc phát hành trái phiếu.  

Thứ hai, nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp về nghĩa vụ công bố thông tin ra công chúng về kế hoạch sử dụng vốn, tài sản đảm bảo, tổ chức bảo lãnh phát hành và các quy định khác.  

Thứ ba, Nghị định nêu rõ quy định về nâng cao tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư. Theo đó, để trở thành đầu tư chuyên nghiệp cần phải thỏa điều kiện: Có ít nhất 2 tỷ đồng giá trị trung bình của danh mục đầu tư trong vòng 6 tháng và việc xác nhận này có hiệu lực trong vòng 3 tháng.

Nghị định 65/2022/NĐ-CP kỳ vọng là giải pháp thanh khoản cho thị trường trái phiếu

Nghị định 65/2022/NĐ-CP kỳ vọng là giải pháp thanh khoản cho thị trường trái phiếu (Nguồn: Internet)

Rủi ro của thanh khoản trái phiếu là gì?

Rủi ro thanh khoản trái phiếu (Liquidity risk in Bonds) là rủi ro mà các nhà đầu tư phải bán hoặc mua trái phiếu với giá thấp hơn giá kỳ vọng. Việc không thể mua bán theo giá kỳ vọng sẽ gây ra các khoản lỗ cho nhà đầu tư, rủi ro thanh khoản càng cao thì các khoản lỗ càng lớn.  

Đặc trưng của rủi ro thanh khoản trái phiếu

Một số điểm quan trọng về rủi ro thanh khoản trong trái phiếu:

  • Rủi ro thanh khoản được thể hiện qua chênh lệch giá mua-giá bán: Trái phiếu có rủi ro thanh khoản cao, tức chênh lệch giá mua – bán lớn và ngược lại. Thanh khoản càng thấp thì khoản chênh lệch này càng lớn.  
  • Rủi ro thanh khoản liên hệ chặt chẽ với giá, lãi suất và thời gian đáo hạn trái phiếu: Một trái phiếu thời gian đáo hạn dài thường được chào bán với mức giá thấp và lãi suất cao hơn. Thời gian đáo hạn càng dài thì rủi ro thanh khoản càng cao và ngược lại. 
  • Trái phiếu Chính phủ có rủi ro thanh khoản thấp nhất: Thị trường trái phiếu được đảm bảo bởi Chính phủ. Vì vậy, nếu xảy ra rủi ro thì Chính phủ hoàn toàn có thể in thêm tiền để đảm bảo nghĩa vụ chi trả.
  • Trái phiếu của doanh nghiệp có nền tảng tài chính lành mạnh có rủi ro thanh khoản thấp: Những doanh nghiệp có tỷ lệ nợ so với vốn chủ sở hữu thấp hơn 1.0 và tỷ lệ bao phủ nợ vay (EBIT/Lãi vay) cao thì khi phát hành trái phiếu sẽ luôn được đánh giá tín nhiệm tốt hơn. Từ đó hạn chế được rủi ro thanh khoản. 

Các đặc điểm của rủi ro thanh khoản trái phiếu

Các đặc điểm của rủi ro thanh khoản trái phiếu (Nguồn: Internet)

Những nguyên nhân dẫn đến rủi ro thanh khoản trái phiếu

Cho tới nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đã đánh dấu nhiều sự phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng thị trường vẫn “ảm đạm” hơn bao giờ hết. Thanh khoản trái phiếu cạn kiệt dẫn đến rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư, gây mất niềm tin thị trường và ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế. 

Một số nguyên nhân dẫn đến rủi ro thanh khoản của trái phiếu Việt Nam như sau: 

  • Tác động của kinh tế vĩ mô 

Khủng hoảng năng lượng, lạm phát, chiến tranh Nga – Ukraine,… ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, khiến cho họ không thể hoàn thành nghĩa vụ tài chính đúng hạn. Vĩ mô bất ổn làm cho người dân tìm đến các kênh đầu tư an toàn hơn như gửi tiết kiệm, trữ vàng,… thay vì mua trái phiếu. Chính điều này đã làm gia tăng rủi ro thanh khoản trái phiếu. 

Vĩ mô kém ảnh hưởng lớn đến thanh khoản trái phiếu

Vĩ mô kém ảnh hưởng lớn đến thanh khoản trái phiếu (Nguồn: Internet)

  • Sự yếu kém của nguồn cung và cầu trái phiếu doanh nghiệp

Về phía các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu huy động vốn thông qua kênh tín dụng ngân hàng. Trong khi đó về phía người dân, họ vẫn duy trì thói quen đầu tư vào các tài sản quen thuộc như gửi tiết kiệm ngân hàng. Điều này dẫn đến cung và cầu khó có thể gặp nhau, từ đó khiến cho thanh khoản trái phiếu trở nên kém hơn rất nhiều.

  • Thiếu các tổ chức xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam

Lũy kế 10 tháng đầu năm 2022, hơn 251 nghìn tỷ đồng trái phiếu được phát hành như tổ chức xếp hạng tín nhiệm trái phiếu chỉ có FiinRating và SaiGon Thịnh Phát. [7]

Chính việc không thể đánh giá đúng và đủ về độ an toàn của trái phiếu dẫn đến tình trạng “vàng thau lẫn lộn”, làm mất niềm tin nhà đầu tư. Từ đó việc mua – bán trái phiếu cũng trở nên khó khăn hơn. 

Làm thế nào để hạn chế rủi ro của thanh khoản trái phiếu?

Đầu tư vào trái phiếu là một khoản đầu tư có rủi ro, đặc biệt là rủi ro thanh khoản. Vì vậy, các nhà đầu tư cần thận trọng trong việc lựa chọn trái phiếu. VnRebates khuyến nghị nhà đầu tư nên lựa chọn trái phiếu có các đặc điểm “5C” (5 Có) sau đây để hạn chế rủi ro: 

  • Có tài sản đảm bảo;
  • Có tổ chức bảo lãnh phát hành; 
  • Có đánh giá tín nhiệm từ hạng B trở lên;
  • Có năng lực tài chính bền vững;
  • Có phương án kinh doanh khả thi.

Việc lựa chọn trái phiếu theo tiêu chí “5C” giúp hạn chế được rủi ro thanh khoản, dễ dàng mua bán trên thị trường và đặc biệt tránh được rủi ro vỡ nợ của doanh nghiệp. 

Có thể bạn quan tâm: Quản trị rủi ro tài chính là gì? Kế sách quản trị rủi ro hiệu quả

Lựa chọn trái phiếu “5C” để hạn chế rủi ro thanh khoản trái phiếu

Lựa chọn trái phiếu “5C” để hạn chế rủi ro thanh khoản trái phiếu (Nguồn: Internet)

KẾT LUẬN

Trong bài viết trên, VnRebates đã chia sẻ với nhà đầu tư về thanh khoản trái phiếu và cách hạn chế rủi ro từ rủi ro thanh khoản trái phiếu. Trái phiếu luôn giữ vai trò là nguồn vốn cốt lõi của mọi doanh nghiệp và thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế. Vì vậy, cần thận trọng lựa chọn doanh nghiệp tốt để đảm bảo hạn chế rủi ro hiện hữu. Chúc các nhà đầu tư thành công. 

VnRebates – Hoàn tiền mọi giao dịch tài chính

👉 Cập nhật Phương pháp trading mới và hiệu quả nhất trên thế giới bằng 4 Khóa học video miễn phí
Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.