VNREBATES

Suy thoái kinh tế là gì? Tìm hiểu về suy thoái kinh tế 2020

26.08.2020, 15:26 11 phút đọc

Trong thời gian gần đây, hầu hết các diễn đàn kinh tế lớn đều nói về suy thoái kinh tế và những hệ lụy nó mang lại cho nền kinh tế trong nước cũng như thế giới. Vậy bạn đã biết suy thoái kinh tế là gì? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về suy thoái kinh tế năm 2020 qua bài viết này.

1. 4 pha trong chu kỳ kinh tế

a. Chu kỳ kinh tế là gì?

Chu kỳ kinh tế là tổng hợp những biến động tự nhiên của nền kinh tế giữa những giai đoạn tăng trưởng và suy thoái kinh tế. Để đánh giá chu kỳ kinh tế đang ở giai đoạn nào, các chuyên gia sẽ xem xét các chỉ số như GDP (Tổng sản phẩm quốc nội), lãi suất, tỷ lệ công ăn việc làm, chi tiêu tiêu dùng,…

4 pha trong chu kỳ kinh tế

4 pha trong chu kỳ kinh tế

b. Cấu trúc một chu kỳ

Chu kỳ kinh tế bao gồm 4 pha chính:

  • Suy thoái
  • Khủng hoảng
  • Phục hồi
  • Hưng thịnh

Trong đó, phục hồi và hưng thịnh là biểu hiện của nền kinh tế tăng trưởng nhanh, lãi suất thường thấp, sản xuất tăng và lạm phát thấp.

Ngược lại, trong những pha sụt giảm khi thị trường rơi vào khủng hoảng và suy thoái, mức tăng trưởng chậm dần, thất nghiệp tăng, sản xuất đình đốn.

Khi thị trường chạm đáy, một chu kỳ kinh tế mới sẽ bắt đầu trở lại khi nền kinh tế bắt đầu hồi phục trở lại.

c. Độ dài của một chu kỳ kinh tế

Ở hầu hết các quốc gia, việc xác định các mốc trong chu kỳ kinh tế tương đối khó do không có các quy chuẩn thật sự rõ ràng.

Nền kinh tế thế giới ghi nhận chu kỳ kinh tế 10 năm. Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ từ năm 1950 đến nay, trung bình một chu kỳ kéo dài 5 năm rưỡi.

d. Kiểm soát chu kỳ kinh tế

Chu kỳ kinh tế được chính phủ và ngân hàng trung ương đồng thời kiểm soát thông qua các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

  • Nền kinh tế phục hồi sau khủng hoảng sẽ được chính phủ hỗ trợ bằng cách mở rộng chính sách tài khóa. Ngược lại, các chính sách thắt chặt sẽ được áp dụng khi thị trường diễn biến xấu.
  • Khi chu kỳ kinh tế gần chạm đáy, ngân hàng trung ương sẽ áp dụng chính sách tiền tệ hạ lãi suất (ứng với chính sách tiền tệ mở rộng). Ngược lại, các ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất để ngăn các pha tăng trưởng chạm đỉnh.

2.Suy thoái kinh tế là gì và biểu hiện của suy thoái kinh tế?

a.  Suy thoái kinh tế

Suy thoái kinh tế (hay Recession) là “một thuật ngữ kinh tế vĩ mô dùng để chỉ sự suy giảm đáng kể trong hoạt động kinh tế nói chung trong một khu vực nhất định”.

Nền kinh tế bị đánh giá là rơi vào tình trạng suy thoái sau hai quý liên tiếp suy giảm kinh tế – tức là khi nền kinh tế tăng trưởng âm, được phản ánh bởi chỉ số GDP kết hợp với các chỉ số hàng tháng khác, ví dụ như chỉ số việc làm.

Suy thoái kinh tế là gì và biểu hiện của suy thoái kinh tế?

Suy thoái kinh tế là gì và biểu hiện của suy thoái kinh tế?

b. Nguyên nhân của suy thoái kinh tế

Suy thoái kinh tế phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

  • Một số học thuyết cho rằng suy thoái phụ thuộc vào các yếu tố tài chính như sự bùng nổ của tín dụng và rủi ro tài chính trong khoảng thời gian mà nền kinh tế đang tăng trưởng tốt trước một cuộc suy thoái cũng như sự thắt chặt của tín dụng và tiền bạc trước thềm suy thoái, hoặc cả hai.
  • Các học thuyết dựa trên tâm lý học cho rằng sự suy thoái phụ thuộc vào sự hưng phấn quá mức của thời kì hưng thịnh của nền kinh tế trước đó hoặc sự bi quan sâu sắc trong môi trường suy thoái (điển hình là học thuyết kinh tế của Keynes)

c. Biểu hiện của suy thoái kinh tế

Trong bài viết này, chúng tôi tổng hợp một số biểu hiện thường thấy khi nền kinh tế thế giới bước vào thời kỳ suy thoái:

  • Vận tải biển suy yếu
  • Dự báo bi quan về GDP
  • Nhu cầu dầu mỏ yếu
  • Thị trường chứng khoán suy giảm
  • Tỷ lệ thất nghiệp cao
  • Các cuộc nội chiến dai dẳng, mâu thuẫn quốc tế gia tăng
  • Người nghèo ngày một nhiều
  • Chính sách thắt lưng buộc bụng
  • Phố Wall quay lưng với tăng trưởng

3.Phân tích suy thoái kinh tế 2020

a.Khủng hoảng kinh tế đầu tiên có nguyên nhân từ dịch bệnh

Chu kỳ suy thoái kinh tế 10 năm đã xuất hiện ngay những tháng đầu năm 2020. Dịch bệnh Covid-19 bắt nguồn từ Trung Quốc nhanh chóng lan rộng ra toàn cầu khiến các thị trường rơi vào hoảng loạn. Đây được coi cuộc khủng hoảng đầu tiên có nguyên nhân duy nhất bắt nguồn từ dịch bệnh trong vòng 150 năm qua.

Đại dịch Covid-19 với tốc độ lây lan đáng báo động khiến nhiều quốc gia phải đóng cửa hàng loạt hoạt động kinh tế. Các nước đồng loạt áp dụng các giải pháp nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh và giảm tải cho hệ thống chăm sóc sức khỏe. Chính phủ các nước cũng triển khai hàng loạt các chính sách hỗ trợ vĩ mô quy mô lớn nhằm ổn định thị trường tài chính, tiền tệ.

Dịch Covid-19 là nguyên nhân dẫn đến một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu chưa từng có trong lịch sử. Biểu hiện rõ nhất là thị trường tài chính quốc tế liên tục chứng kiến những biến động mạnh mẽ nhất kể từ sau cuộc đại khủng hoảng 2008-2009. Các nhà đầu tư đổ xô bán tháo các tài sản rủi ro để tìm tới những nơi trú ẩn an toàn.

b. Biểu hiện của khủng hoảng kinh tế 2020

  • Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Mỹ

Chỉ trong khoảng 3 tuần kể từ cuối tháng 2/2020, thị trường chứng khoán Mỹ đã thực sự sụp đổ trước làn sóng bán tháo của các nhà đầu tư. Tín hiệu khủng hoảng tài chính thể hiện rõ rệt khi các chỉ số lớn như chỉ số Dow Jones đã “bốc hơi” khoảng 9.300 điểm sau khi đạt đỉnh vào ngày 12/2, tương đương 32% giá trị, Phố Wall cũng đã diễn ra 3 lần dừng giao dịch khẩn cấp do thị trường giảm giá quá mạnh (đều trên 7%).

Tình trạng bán tháo này từng diễn ra cuộc khủng hoảng năm 2008 khi thị trường chứng khoán hàng đầu thế giới đã mất hơn 24% giá trị chỉ trong 10 phiên giao dịch. Sự sụp đổ này đã gây ra hiệu ứng dây chuyền trên toàn cầu. Cụ thể, chỉ số chứng khoán châu Âu đã giảm khoảng 13% kể từ đầu năm, thị trường Trung Quốc cũng mất gần 10% giá trị.

Biểu đồ 2: Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới. Nguồn: Reuters.

Biểu đồ 2: Diễn biến thị trường chứng khoán thế giới trong suy thoái kinh tế năm 2020. Nguồn: Reuters.

Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán toàn cầu cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang sợ hãi. Họ đang ngày càng lo lắng về một cuộc suy thoái mới của kinh tế thế giới sắp tới gần.

  • Giá dầu thế giới lao dốc

Giá dầu thế giới cũng sụt giảm rất mạnh trong năm 2020. Nhu cầu năng lượng toàn cầu đã sụt giảm nghiêm trọng bởi thị trường nhập khẩu dầu thô lớn nhất là Trung Quốc buộc phải tạm dừng các hoạt động sản xuất do sự bùng phát của dịch bệnh.

Biểu đồ 3: Biến động giá dầu WTI (USD/thùng). Nguồn: Reuters.

Biểu đồ 3: Biến động giá dầu WTI (USD/thùng). Nguồn: Reuters.

Dù phía nguồn cung khi Nga và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã đạt được thỏa thuận về cắt giảm sản lượng, song khiến giá dầu thế giới vẫn rơi xuống mức giảm mạnh nhất kể từ sau chiến tranh vùng vịnh năm 1991.

Tính đến nay, giá dầu vẫn chưa có dấu hiệu ổn định trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa thể khống chế cũng như căng thẳng Mỹ – Trung đang ngày càng gia tăng.

  • Nhu cầu USD tăng đột biến

Cuối tháng 3, USD bất ngờ tăng khoảng 7%, chạm mức đỉnh của tháng 12/2016. Nhu cầu nắm giữ “đồng bạc xanh” tăng đột biến do một tài sản trú ẩn có tính thanh khoản cao.

Biểu đồ 5: So sánh diễn biến giá vàng và USD giai đoạn khủng hoảng 2008. Nguồn: Reuters.

Biểu đồ 5: So sánh diễn biến giá vàng và USD giai đoạn suy thoái kinh tế năm 2008. Nguồn: Reuters.

c. Tăng trưởng toàn cầu sụt giảm mạnh

Ngân hàng Thế giới đã dự báo GDP toàn cầu năm 2020 có thể sụt giảm tới 5.2% trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới tháng 6. Đây là mức giảm lớn nhất trong vòng tám thập kỷ trở lại và cao gấp 3 lần so với mức suy giảm do khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009. Các chuyên gia kỳ vọng, sự suy thoái sẽ chỉ kéo dài trong năm 2020. Khi dịch bệnh được kiểm soát và những chính sách hỗ trợ phát huy hiệu quả, kinh tế thế giới sẽ dần phục hồi vào năm 2021.

Nhóm các nền kinh tế phát triển chịu hậu quả nặng nề nhất trong cuộc suy thoái kinh tế năm nay với dự báo GDP giảm khoảng 7%. Trong khi đó, các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển (EMDEs) được dự báo tăng trưởng giảm 2.5%, với 80% thành viên được cho là có tỷ lệ tăng trưởng âm trong năm nay. Nhóm các quốc gia thu nhập thấp được dự báo tăng trưởng khoảng 1% năm 2020. Đây cũng là mức thấp kỷ lục trong vòng 25 năm qua.

Thu nhập bình quân đầu người toàn cầu năm 2020 được Ngân hàng thế giới cho là sẽ giảm khoảng 6.2%.

4.Kinh tế thế giới được kỳ vọng sẽ phục hồi vào 2021

Theo các báo cáo, Ngân hàng thế giới dự báo nếu dịch bệnh được kiềm chế và suy giảm từ giữa năm nay, các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, cùng với sự sôi động trở lại của thị trường tài chính, kinh tế toàn cầu có thể đạt mức tăng trưởng 4.2% vào năm 2021.

Trong khi đó, Quỹ tiền tệ quốc tế lại dự báo nền kinh tế thế giới sẽ chỉ phục hồi một phần trong năm 2021. Tuy nhiên, các dự báo này phụ thuộc vào các kết quả phục hồi của các nền kinh tế và diễn biến của dịch bệnh.

Có nhiều lý do để kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu hồi phục trong năm 2021, trong đó lý do lớn nhất để thị trường lạc quan hơn đó là những tiến triển trong việc nghiên cứu vaccine phòng bệnh. Bên cạnh đó, các nền kinh tế lớn đều đang nỗ lực điều tiết thị trường thông qua các chính sách cả về tài khóa và tiền tệ một cách khẩn cấp với quy mô lớn nhằm nới lỏng, hỗ trợ kinh tế cho người lao động và doanh nghiệp.

Lời kết

Trong bài viết này, chúng tôi đã chia sẻ cùng bạn về khái niệm suy thoái kinh tế cũng như phân tích diễn biến suy thoái kinh tế năm 2020. Mong rằng bài viết sẽ mang lại nhiều kiến thức bổ ích cho bạn. Nếu có bất cứ thắc mắc nào, vui lòng để lại bình luận dưới đây.

Tổng hợp bởi VnRebates

👉 Cập nhật Phương pháp trading mới và hiệu quả nhất trên thế giới bằng 4 Khóa học video miễn phí
Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.