VNREBATES

Tầm ảnh hưởng của các chỉ số tài chính với Forex

28.02.2019, 20:03 15 phút đọc

Các Forex trader luôn theo dõi các chỉ số tin tức kinh tế để từ đó học có thể kiếm được nhiều tiền hơn trong thời gian giao dịch Forex. Hôm nay, VnRebates sẽ giới thiệu và phân tích các chỉ số tài chính ảnh hưởng nhiều nhất đến thị trường Forex để giúp các trader thực hiện giao dịch một cách hiệu quả và thu được nhiều lợi nhuận hơn.

Thị trường ngoại hối (Thị trường Forex) thực sự là một thị trường mang tính toàn cầu, với số lượng người mua và người bán khổng lồ trên toàn thế giới tham gia vào các giao dịch hàng nghìn tỷ đô mỗi ngày thông qua mạng internet, và nó cũng là thị trường đầu cơ lớn nhất thế giới. Thực tế giao dịch Forex từ lâu đã trở thành một hoạt động mang tính toàn cầu nên nó rất nhạy cảm với những tin tức, sự kiện kinh tế, chính trị mang tầm vĩ mô diễn ra trên thế giới.

Thực tế, thị trường Forex và tiền tệ có liên quan chặt chẽ đến sức khoẻ kinh tế của một quốc gia cũng như các thông số liên quan khác. Bất kỳ sự tăng giá hoặc khấu hao nào trong giá trị đồng tiền đều phụ thuộc vào các yếu tố kinh tế của một quốc gia và có mối quan hệ trực tiếp với tình hình kinh tế hiện tại cũng như sự lệ thuộc về kinh tế của quốc gia trên thị trường toàn cầu. Ví dụ, giá trị của đồng đô la Canada chịu ảnh hưởng chủ yếu từ các hàng hóa như dầu thô và bất kỳ sự tăng hoặc giảm nào trong giá dầu đều được phản ánh trong giá trị của đồng tiền này.

Trong bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu và phân tích các chỉ số tài chính quan trọng ảnh hưởng nhiều nhất đến thị trường Forex mà các trader cần quan tâm trong chiến dịch giao dịch của mình. Những yếu tố này có tác dụng như chất xúc tác và tác động đến hướng biến động của thị trường Forex.

  • Tổng quan về các chỉ số tài chính ?
  • Lãi suất ảnh hưởng đến giá trị đồng nội tệ như thế nào?
  • Ảnh hưởng của tốc độ tăng trưởng GDP đến đồng nội tệ
  • Tác động của tỷ lệ lạm phát đến giá trị của tiền tệ
  • Sự thay đổi cán cân thương mại làm thay đổi tỷ giá tiền tệ
  • Tỷ lệ thất nghiệp
  • Chỉ số sản xuất, chỉ số bán lẻ và Chỉ số giá tiêu dùng
  • Triển vọng kinh tế toàn cầu đối với thị trường tiền tệ thế giới
  • Thương mại quốc tế

                                                                    Chỉ số tài chính và Forex (Ảnh: thenewsavvy)

Tổng quan về các chỉ số tài chính ?

Trên khắp thế giới, các cơ quan chính phủ và phi chính phủ khác nhau đưa ra báo cáo thường xuyên, với một số thông tin kinh tế nhất định. Đôi khi, là những dữ liệu trực tiếp như báo cáo doanh số hàng tháng từ một phân khúc cụ thể của nền kinh tế, một số khác là những dữ liệu được ghi lại trong các cuộc khảo sát. Ngoài ra các dữ liệu về kinh tế tài chính còn được suy luận từ những dữ liệu sẵn có.

Một số chỉ báo tài chính cho bạn cái nhìn tổng quan về tình trạng kinh tế hiện tại, số khác giúp bạn tìm hiểu về nền kinh tế ở các giai đoạn trước trong khi một số chỉ báo đưa ra các dự đoán hữu ích trong tương lai. Tất cả hình thức chỉ báo tài chính này đều có công dụng riêng và có thể tác động đến thị trường Forex theo những cách khác nhau.

Khó khăn đặt ra với các trader mới vào nghề là nhận ra đâu là những chỉ số quan trọng có ảnh hưởng mạnh mẽ đến giá cả thị trường nhất và đâu là những yếu tố có ít ảnh hưởng nhất. Kiến thức này rất hữu ích vì có thể có nhiều chỉ số kinh tế được phát hành trong một ngày và thực sự bạn không thể theo dõi tất cả chúng. Để giúp đỡ bạn trong lĩnh vực này, chúng tôi đã đưa ra một danh sách giải thích về các chỉ số kinh tế Forex có sức ảnh hưởng lớn nhất mà bạn cần quan tâm.

>Xem thêm: Thế nào là giao dịch chuyên nghiệp

Lãi suất ảnh hưởng đến giá trị đồng nội tệ như thế nào?

Là một trong những chỉ số quan trọng nhất của biến động tiền tệ. Đối với các Forex trader, điều quan trọng cần lưu ý là lợi nhuận luôn lớn hơn khi đầu tư vào loại tiền tệ có lãi suất cao hơn. Ở các quốc gia, ngân hàng trung ương sẽ điều chỉnh lãi suất dựa trên tình hình kinh tế của quốc gia đó.

Khi ngân hàng trung ương tăng lãi suất cơ bản sẽ hút dòng tiền chảy vào các ngân hàng thương mại, khiến cho đồng nội tệ khan hiếm dẫn đến làm tăng giá trị của nó so với các ngoại tệ khác. Ngược lại, khi ngân ngân hàng trung ương giảm lãi suất cơ bản sẽ khiến dòng tiền chảy ra thị trường. Khi lãi suất giảm thì người dân và các doanh nghiệp sẽ không mặn mà với việc gửi tiền vào ngân hàng, hơn thế nữa, vì chi phí vay rẻ nên họ còn có xu hướng vay tiền để đầu tư và chi tiêu dẫn đến lượng tiền trong nền kinh tế nhiều khiến cho giá trị đồng nội tệ giảm.

Bất kỳ sự tăng hoặc giảm lãi suất sẽ giúp các Trader và nhà đầu tư phần nào biết được xu hướng biến động sắp tới của thị trường tiền tệ. Nếu cắt giảm lãi suất sẽ khuyến khích mua bán các loại tiền tệ có tỷ giá cao hơn.

   Lãi suất và forex trading (ảnh admiralmarkets)

Ảnh hưởng của tốc độ tăng trưởng GDP đến đồng nội tệ

GDP là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ được giám sát chặt chẽ nhất, chỉ số trực tiếp và thước đo lớn nhất về sức khỏe tổng thể của một kinh tế và sự ổn định tài chính của quốc gia. GDP tăng cho thấy nền kinh tết đang tăng trưởng, việc làm đang được tạo ra và sản xuất đang phát triển, lượng xuất nhập khẩu cùng với thương mại quốc tế tăng lên. GDP tăng từ 3 lên 3,5% là một con số an toàn và cho thấy một sự tăng trưởng kinh tế lành mạnh trừ đi nguy cơ lạm phát.

Khi một quốc gia có tốc độ tăng trưởng càng cao thì nhìn chung đồng tiền của quốc gia đó sẽ càng mạnh. Tốc độ tăng trưởng GDP cao biểu hiện năng suất lao động cao, hàng hóa được sản xuất ra nhiều, xuất khẩu nhiều, ngoại tệ chảy về nhiều thị nội tệ mạnh Tốc độ tăng trưởng GDP cao cũng hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền vào đầu tư khiến ngoại tệ nhiều, làm nội tệ mạnh.

Tác động của tỷ lệ lạm phát đến giá trị của tiền tệ

Các Trader và nhà đầu tư đang hoạt động trên thị trường ngoại hối cần phải quan tâm đến các số liệu lạm phát. Dựa vào giá hàng hóa và dịch vụ, lạm phát có thể tăng hoặc giảm khi cung tiền của một quốc gia tăng lên một cách không cân xứng.

Trên thị trường ngoại hối, các loại tiền tệ được giao dịch theo cặp. Do đó, lạm phát tăng có thể là dấu hiệu tăng giá của một đồng tiền nhưng lại là dấu hiệu giảm giá của đồng tiền còn lại trong cặp tiền tệ. Vì vậy, các dấu hiệu tăng giảm này phải được xem xét trong tổng thể thay vì riêng rẽ.

Lạm phát cao có nghĩa là đồng nội tệ đang bị mất giá so với hàng hóa đang tiêu dùng trên thị trường. Nếu các chỉ tiêu khác của nền kinh tế cho thấy tình hình lạm phát khó cải thiện thì đồng nội tệ không chỉ ngày càng mất giá so với các hàng hóa trong nước, mà nó còn mất giá mạnh so với các đồng tiền khác.

Tuy nhiên những báo cáo về lạm phát có thể khiến các ngân hàng trung ương điều chỉnh lãi suất để cân bằng lạm phát. Hành động điều chỉnh lãi suất của ngân hàng trung ương sẽ tác động trở lại đến giá trị đồng nội tệ khiến nó thay đổi.

Đôi khi các báo cáo về lạm phát có thể giúp các nhà đầu tư dự đoán hành động tiếp theo của ngân hàng trung ương. Chỉ riêng hành động dự đoán này thôi cũng có thể ảnh hưởng đến tỷ giá trên thị trường tiền tệ thế giới, khi các nhà đầu tư giao dịch theo phương án mà họ dự đoán.

Lạm phát và thị trường Forex

>Xem thêm: Làm gì khi thị trường Forex ít dao động

Sự thay đổi cán cân thương mại làm thay đổi tỷ giá tiền tệ

Cán cân thương mại phản ánh các chênh lệch giữa các khoản thu từ xuất khẩu và các khoản chi cho nhập khẩu hàng hóa. Các hàng hóa này có thể quan sát được bằng mắt thường khi di chuyển qua biên giới.
Nếu đồng tiền của một quốc gia mạnh lên, hàng hóa xuất khẩu của quốc gia này ra nước ngoài sẽ đắt đỏ hơn và hàng hóa nhập khẩu sẽ rẻ hơn. Ngược lại, một đồng tiền yếu sẽ làm cho hàng hóa xuất khẩu của một quốc gia rẻ hơn và nhập khẩu đắt hơn ở thị trường nước ngoài. Khi tỷ giá hối đoái tăng cao, cán cân thương mại của một nước thường giảm đi và khi tỷ giá hối đoái thấp hơn, cán cân thương mại sẽ tăng.

Nếu một quốc gia, về tổng quan, tiêu đi nhiều ngoại tệ hơn số nhận về, thâm hụt cán cân thương mại sẽ tăng. Nhu cầu dành cho ngoại tệ đó sẽ cao hơn và tỷ giá tăng lên. Để bù đắp thâm hụt, họ cần mượn nguồn vốn từ những tổ chức nước ngoài, điều đó sẽ làm đồng tiền quốc nội mất ổn định và khiến giá trị của đồng tiền bị giảm. Việc thặng dư hay cân bằng cán cân thương mại quốc tế sẽ đảm bảo tính ổn định cho tỷ giá.

Tỷ lệ thất nghiệp

Tỷ lệ thất nghiệp được định nghĩa là tỷ lệ phần trăm lực lượng lao động tích cực tìm kiếm việc làm. Trong thời kỳ phục hồi, thất nghiệp được xem là một chỉ số tụt hậu. Chúng ta có xu hướng thấy thất nghiệp tiếp tục tăng ngay cả khi GDP đã chạm đáy. Thời gian thất nghiệp kéo dài vô cùng tai hại cho tâm lý người tiêu dùng, và do đó cũng ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng và tác động đến tăng trưởng kinh tế.

Cũng là một chỉ số tài chính quan trọng trong Forex, dữ liệu thất nghiệp cung cấp cho các nhà giao dịch Forex hiểu biết sâu sắc về một trong những số liệu quan trọng tiếp theo là Fed. Điều này có nghĩa là bất kỳ sự phân kỳ mạnh mẽ nào từ các kỳ vọng đều có thể có tác động lớn đến thị trường ngoại hối và chứng khoán.

Tỷ lệ thất nghiệp là một chỉ tiêu phản ánh sức khỏe của nền kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp cao phản ánh nền kinh tế đi xuống khiến đồng nội tệ mất giá. Thất nghiệp cao cũng có nghĩa là các doanh nghiệp làm ăn không tốt, hàng hóa xuất khẩu ít, ngoại tệ thu về bị giảm khiến ngoại tệ khan hiếm và tăng giá so với nội tệ.

                                                                                           Tỷ lệ thất nghiệp và Forex

Chỉ số sản xuất, chỉ số bán lẻ và Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số sản xuất

Chỉ số sản xuất phản ảnh tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Chỉ số này cao nghĩa là các doanh nghiệp đang làm ăn tốt, phản ánh nền kinh tế đang phát triển tốt. Điều này ảnh hưởng tích cực đến giá trị đồng nội tệ.

Chỉ số bán lẻ

Chỉ số bán lẻ càng cao nghĩa là người dân đang có nhiều tiền để chi tiêu. Điều này phản ánh kinh tế phát triển, tác động tích cực đến giá trị đồng nội tệ. Sự thay đổi trong chỉ số này rất quan trọng và được nhận định là một biểu thị kịp thời nhất về mức tiêu thụ của khách hàng. nếu bạn sử dụng chỉ số bán lẻ để phân tích kinh tế như một người trading theo phương pháp cơ bản thật sự thì đó mới thực sự là khôn ngoan vì chỉ số bán lẻ có mức độ ảnh hưởng sâu và rộng, mang lại những phản ứng lâu dài chứ ko phải là nhất thời.

>>Xem thêm: Dùng giao dịch theo tin tức hay giao dịch theo price action

Chỉ số giá tiêu dùng

Chỉ số giá tiêu dùng (hay được viết tắt là CPI) là chỉ số tính theo phần trăm để phản ánh mức thay đổi tương đối của giá hàng tiêu dùng theo thời gian. Sự gia tăng trong chỉ số CPI sẽ được nhiều người nghĩ rằng như là “tỉ lệ lạm phát”. Nó được sự dụng bởi các thương nhân bán lẻ để dự đoán giá trong tương lai, bời các ông chủ để tính tiền lương và bởi chính phủ để xác định mức tăng cho quỹ bảo trợ xã hội.

Là một chỉ số tài chính, CPI có ảnh hưởng rất lớn đối với đồng tiền của quốc gia. Dấu hiệu của lạm phát có nghĩa là ngân hàng trung ương sẽ phải tăng lãi suất. Đa số dùng công cụ đo lạm phát là chỉ số CPI. Nếu CPI tăng, thì nó sẽ cho các ngân hàng trung ương như Fed các dự liệu hỗ cho việc tăng lãi suất. Lãi suất tăng thì đồng tiền của quốc gia tăng.

Triển vọng kinh tế toàn cầu đối với thị trường tiền tệ thế giới

Nếu triển vọng kinh tế toàn cầu tốt, thì nhu cầu sử dụng dầu mỏ cao khiến cho giá dầu có xu hướng tăng. Ngược lại sẽ khiến giá dầu giảm. Giá dầu tăng hay giảm sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh tế của các nước xuất khẩu dầu như Nga, Canada..Do đó, khi giá dầu tăng hay giảm thường khiến cho đồng CAD (ký hiệu tiền tệ của Canada) biến động mạnh. Nếu kinh tế toàn cầu bất ổn khó lương thì người dân và cả các quốc gia có xu hướng mua vàng dự trữ để phòng ngừa rủi ro khiến giá vàng tăng.

Thương mại quốc tế

Khi phân tích các chỉ số tài chính của một quốc gia, cần lưu ý đến chính trị và thương mại quốc tế của quốc gia đó vì đây chính là xu hướng mới của nền kinh tế thế giới. Một yếu tố chính quyết định tỷ giá hối đoái là dòng chảy của vốn từ một quốc gia vào thương mại quốc tế. Nếu sản lượng nhập khẩu lớn hơn xuất khẩu, thì tỷ giá sẽ giảm và ngược lại.

Do đó, giá trị đồng tiền chỉ ra sự ổn định về kinh tế chính trị của một quốc gia và cũng phản ánh triển vọng tăng trưởng trong tương lai của nó. Tuy nhiên, cái nhìn toàn cảnh về lãi suất có lẽ chính là tốt nhất để dự đoán xu hướng biến động của tiền tệ cùng với các chỉ số kinh tế chính khác.

Chính sách kinh tế của các nước lớn, đặc biệt là chính sách thương mại có ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu. Ví dụ điển hình là chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đang diễn ra. Thay đổi chính sách thương mại đem lại lợi ích cho một số quốc gia, và làm ảnh hưởng tiêu cực đối với một số quốc gia khác.

>>Xem thêm: Thị trường Forex sẽ vẫn ở đó vào ngày hôm sau

Lời kết

Trên đây chỉ là những chỉ số tài chính cơ bản nhất ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối. Trên thực tế, hầu như mọi biến động liên quan đến kinh tế chính trị thế giới đều phản ánh vào tỷ giá của các đồng tiền ở mức độ nhiều hay ít. Thậm chí có những tin tức có tác động đối nghịch nhau khiến cho thị trường trở nên khó dự đoán hơn. Vì vậy, để trở thành một trader thành công trên thị trường Forex, thì ngoài việc nắm vững các kiến thức về phân tích kỹ thuật, v.v. bạn cần trang bị cho mình những kiến thức kinh tế và liên tục cập nhật tin tức ảnh hưởng đến Forex trong nước và trên toàn thế giới.

Tổng hợp từ admiralmarkets

Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.