VNREBATES

Các tin tức thị trường Forex quan trọng nên đọc khi đầu tư ngoại hối

30.01.2023, 16:30 23 phút đọc

Tin tức là một phần quan trọng của giao dịch ngoại hối nhưng không phải tin ngoại hối nào trader cũng cần quan tâm. Các bản tin về chính sách lãi suất của các ngân hàng trung ương, bản tin Non-Farm hay các bài phát biểu của người đứng đầu các ngân hàng trung ương là những tin ngoại hối dễ gây biến động thị trường nhất, nên cần được trader cập nhật thường xuyên và liên tục.

Giao dịch Forex theo tin tức ngày càng trở nên phổ biến và đươc nhiều trader yêu thích vì nó mang lại cơ hội kiếm lợi nhuận lớn trong khoảng thời gian tương đối ngắn. Hơn nữa, dù bạn không phải trader theo trường phái cơ bản thì không có gì nghi ngờ khi khẳng định tin tức thị trường Forex là một động lực quan trọng của thị trường. Tuy vậy, thế giới tài chính diễn biến vô cùng khó lường, đầy bất ngờ và kịch tính và không phải tất cả các sự kiện tin tức kinh tế vĩ mô đều có tác động tương tự đến thị trường.

Vì vậy, trong số hàng trăm tin tức thị trường Forex được phát hành hàng ngày, làm sao để biết đâu những sự kiện tin tức bạn nên theo dõi? Tin tức nào chịu trách nhiệm về phần lớn biến động giá của hầu hết các cặp tiền tệ?

Trong bài viết dưới đây, Vnrebates sẽ chỉ ra và cùng bạn phân tích những tin tức thị trường forex quan trọng bao gồm những con số kinh tế nào được công bố khi nào, tin tức dữ liệu nào liên quan nhất đến các nhà giao dịch ngoại hối và hướng giao dịch của các trader đối với những thông tin biến động thị trường này.

Xem thêm:

Những bản tin ngoại hối quan trọng trader cần quan tâm

Những bản tin ngoại hối quan trọng trader cần quan tâm (Nguồn: Internet)

Cuộc họp của các ngân hàng trung ương và các quyết định về lãi suất – Central Bank Meetings and Interest rate policy

Bản tin tức thị trường forex có tác động quan trọng nhất là các cuộc họp của ngân hàng trung ương và các quyết định về lãi suất. Với nhiệm vụ kiểm soát lạm phát và đảm bảo sự ổn định về giá trị đồng tiền của quốc gia, các cuộc họp của ngân hàng trung ương có tác động cao nhất đến sự biến động của thị trường ngoại hối.

  • Các cuộc họp quan trọng: FOMC (Ủy ban Thị trường mở Liên Bang), ECB (Ngân hàng Trung ương Châu Âu), BoE (ngân hàng trung ương của Vương quốc Anh), RBA (Ngân hàng Dự trữ Úc), BoJ (Ngân hàng trung ương Nhật Bản)
  • Tần suất: Các cuộc họp của FOMC, BOE và BOJ được tổ chức định kỳ 8 lần 1 năm. Hội đồng quản trị (Governing Council), cơ quan ra chủ chốt của ECB, thường họp hai tuần một lần và cứ 6 tuần 1 lần, cơ quan này sẽ đưa ra quyết định về chính sách tiền tệ, tức là thiết lập các mức lãi suất chính cho khu vực đồng Euro.

Thông thường vào mỗi tháng, các ngân hàng trung ương của các nền kinh tế trên thế giới gặp nhau để thiết lập mức lãi suất và thảo luận về các kế hoạch chính sách trong tương lai. Theo đó, họ phải thống nhất ý kiến rằng, liệu nên giữ nguyên, tăng hay giảm lãi suất.

Phần quan trọng nhất của các cuộc họp Ngân hàng trung ương chính là chính sách lãi suất và các quyết định kèm theo. Kết quả của quyết định này là cực kỳ quan trọng đối với đồng tiền của các nền kinh tế bởi sự gia tăng lãi suất sẽ tỉ lệ thuận với việc tăng giá của đồng tiền và ngược lại.

Trong số các cuộc họp đó, cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên Bang (FOMC) – cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ trực thuộc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) là quan trọng nhất và có thể gây ra biến động lớn trên thị trường. Tại đây các thành viên sẽ bàn bạc với nhau để đưa ra chính sách lèo lái thị trường kinh tế Mỹ.

Hàng năm, FOMC tổ chức 8 cuộc họp tại Washington, D.C. và các cuộc họp này được lên lịch định kỳ trong năm cùng một số cuộc họp khác khi cần thiết. Các cuộc họp FOMC không công khai nhưng từ năm 2011, Chủ tịch FED sẽ tổ chức một cuộc họp báo ngay sau khi kết thúc mỗi cuộc họp vừa để tuyên bố những thay đổi về chính sách tiền tệ, bao gồm cả những báo cáo về quyết định chính sách và giải thích tính hợp lý của nó cũng như công khai số biểu quyết của các thành viên, vừa giải đáp thắc mắc từ báo giới. 

Mục đích chính của FOMC là điều chỉnh mức lãi suất, quyết định mua bán trái phiếu chính phủ Mỹ, đưa ra các thông báo về điều kiện kinh tế và tính hiệu quả của chính sách tiền tệ ở thời điểm hiện tại và hướng đến kỳ vọng về điều kiện kinh tế và chính sách tiền tệ tương lai.

Mỗi quyết định của FOMC đều ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế Mỹ – nền kinh tế đứng đầu thế giới. Do vậy, các cuộc họp FOMC là sự kiện kinh tế mà không chỉ Forex trader mà tất cả các nhà đầu tư tài chính trên thế giới đều đặc biệt quan tâm.

FOMC có khả năng gây ảnh hưởng mạnh lên chuyển động giá tiền, đặc biệt khi giá đô Mỹ biến động – qua FOMC – còn có thể ảnh hưởng tới giá vàng hay dầu và các hàng hoá khác nên nhiều Trader ngoài thị trường rất quan tâm tới sự kiện này khiến cho biến động trên thị trường Forex diễn biến phức tạp khó lường trước.

Xem thêm: 10 câu nói truyền cảm hứng về đầu tư Forex

Cuộc họp của các ngân hàng trung ương đặc biệt là FOMC với chính sách lãi suất

Cuộc họp của các ngân hàng trung ương đặc biệt là FOMC với chính sách lãi suất (Nguồn: Internet)

Tỷ lệ thất nghiệp (Unemployment Rate) và Bản tin Nonfarm Payrolls (NFP)

Việc làm chính là xương sống của tăng trưởng kinh tế, do đó tỷ lệ thất nghiệp được xem là chỉ báo quan trọng về sức khỏe của một nền kinh tế.

Tỷ lệ thất nghiệp ở một quốc gia tăng lên sẽ ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế. Điều này có nghĩa rằng các nhà giao dịch sẽ có một kỳ vọng rất xấu về sức khỏe kinh tế của quốc gia đó. Ngoài ra, còn có mối tương quan giữa số liệu việc làm và lãi suất: việc làm tăng lên sẽ dẫn đến việc các ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất với mục đích cân bằng lạm phát với tăng trưởng. 

Trong ngắn hạn, mối quan hệ giữa thất nghiệp và lạm phát là tỷ lệ nghịch: khi lạm phát cao, tỷ lệ thất nghiệp là thấp, và ngược lại. Do đó, khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống (hay việc làm tăng cao), nền kinh tế có thể ở tình trạng lạm phát và có hiện tượng tăng trưởng nóng, thì nhà nước sẽ thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt hay ngân hàng trung ương tăng mức lãi suất để hạ nhiệt nền kinh tế.

Kỳ vọng lạm phát cao hơn và lãi suất cao hơn có mối tương quan lớn với tỷ lệ thất nghiệp thấp. Do đó, tỷ lệ thất nghiệp đóng vai trò là một chỉ số hàng đầu cho các quyết định chính sách tiền tệ trong tương lai.

Dữ liệu về tỷ lệ thất nghiệp được công bố dưới các hình thức khác nhau ở mỗi nền kinh tế, nhưng một điều chắc chắn rằng công bố có tác động mạnh mẽ nhất đến thị trường ngoại hối toàn cầu là Bảng lương phi nông nghiệp (Nonfarm Payrolls – NFP) của Hoa Kỳ.

NFP báo cáo sự thay đổi về số lượng việc làm trong tháng trước (không bao gồm ngành nông nghiệp). NFP của Hoa Kỳ được Cục Thống kê Lao động công bố hàng tháng, thường là vào thứ Sáu đầu tiên của tháng. Đây được coi là một trong những chỉ số tốt nhất về sức mạnh của nền kinh tế Hoa Kỳ và do đó, nó sẽ tạo nên sự biến động mạnh đối với các thị trường sau khi phát hành.

Dữ liệu thất nghiệp rất quan trọng đối với Cục Dự trữ Liên bang trong việc quyết định chính sách lãi suất. Nếu tỷ lệ thất nghiệp cao, FED có nhiều khả năng cắt giảm lãi suất để kích thích tuyển dụng.

Tại thời điểm bản tin Nonfarm Payrolls được phát hành thường sẽ có biến động mạnh trong thị trường Forex, đặc biệt là các cặp tiền tệ có liên quan tới USD. Tương tự, bất kỳ cặp tiền tệ nào có tính thanh khoản cao nhất cũng sẽ trải qua biến động giá mạnh mẽ. Nguyên nhân là do sự liên kết chặt chẽ giữa thị trường toàn cầu và Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới, do đó nếu nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại, phần còn lại của thế giới cũng vì thế mà bị ảnh hưởng.

Tác động của Bản tin NFP đến cặp tiền EUR/USD

Tác động của Bản tin NFP đến cặp tiền EUR/USD

Nếu bạn thấy dự báo về NFP cao hơn so với tháng trước, đó là tin lạc quan đối với đồng Đô la Mỹ. Vì vậy, có thể nó sẽ gây ra tác động tăng giá đối với cặp tiền USD/JPY và tác động giảm giá đối với cặp tiền EUR/USD.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là sự thay đổi giá cả của một rổ hàng hóa và dịch vụ. Hiểu nôm na thì CPI đo lường tỷ lệ lạm phát trong nền kinh tế so với năm gốc (base year).

Đây cũng là một trong những tin tức thị trường forex có tác động mạnh mẽ nhất, trong đó Chỉ số giá tiêu dùng của Hoa Kỳ (US Consumer Price Index) được phát hành hàng tháng là bản tin quan trọng nhất mà trader cần theo dõi.

Bản tin CPI có tác động mạnh mẽ nhất được phát hành hàng tháng, nhưng do tầm quan trọng của nó, dữ liệu cũng được tổng hợp thành các bản ghi hàng quý và hàng năm.

Giá hàng hóa và dịch vụ tăng lên, gây ra lạm phát. Hầu hết các ngân hàng trung ương thường cố gắng giới hạn tỷ lệ lạm phát ở mức 2.0% và sử dụng chỉ số CPI để theo dõi tỷ lệ này (riêng FED còn sử dụng chỉ số tiêu dùng cá nhân – PCE cùng với CPI).

Do có mối liên hệ trực tiếp giữa CPI và chính sách lãi suất, nên khi tỷ lệ lạm phát vượt quá mức này, ngân hàng trung ương thường sẽ tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Ngược lại, khi tỷ lệ lạm phát xuống thấp, ngân hàng trung ương có nhiều khả năng sẽ cắt giảm lãi suất để kích thích tăng trưởng.

Bất cứ khi nào bạn thấy dự báo về CPI của 1 quốc gia tăng, đó sẽ là một tin lạc quan cho đồng tiền của quốc gia đó. Ví dụ: nếu dự báo CPI của Anh là 2,5% trong một quý và CPI của Úc vẫn ở mức 1,5%, thì nó sẽ có tác động tăng giá đối với cặp GBP/AUD.

Xem thêm: Giờ giao dịch Forex tốt nhất khi bạn ở Việt Nam

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) (Nguồn: Internet)

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP)

GDP của một quốc gia là đại diện của hoạt động kinh tế, tổng sản lượng và tăng trưởng kinh tế của quốc gia đó. Mặc dù hiểu theo nghĩa rộng thì Ngân hàng trung ương không trực tiếp dựa vào chỉ số này để đưa ra quyết định về chính sách lãi suất, nhưng GDP vẫn là thước đo chính cho sức khỏe tổng thể của một nền kinh tế.

Nếu tốc độ tăng trưởng GDP cao, thì đó là một dấu hiệu tốt cho thấy nền kinh tế đang phát triển và lãi suất có thể đang tăng lên, đồng nghĩa với việc đồng tiền đang mạnh lên. Ngược lại, nếu GDP giảm, báo hiệu có thể xảy ra suy thoái kinh tế, đòi hỏi ngân hàng trung ương phải đưa ra các chính sách cắt giảm lãi suất.

Trong các chỉ số thì chỉ số GDP của Hoa Kỳ được phát hành hàng quý (số liệu sơ bộ được công bố cuối mỗi tháng) là bản tin ngoại hối GDP quan trọng nhất. Nếu bạn đang giao dịch GBP/USD, chỉ cần theo dõi tốc độ tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, bạn có thể dễ dàng tìm ra xu hướng mà cặp tỷ giá này sẽ di chuyển trong những tuần tiếp theo.

Tốc độ tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ và Vương quốc Anh qua các năm (1996-2017)

Tốc độ tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ và Vương quốc Anh qua các năm (1996-2017) (Nguồn: Internet)

Bạn có thể thấy tốc độ tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ và Vương Quốc Anh thường xấp xỉ bằng nhau. Khi bạn thấy tốc độ tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ cao hơn tốc độ tăng trưởng của Vương quốc Anh, đó có thể là một tín hiệu giảm giá (bearish) đối với cặp GBP/USD. Tương tự, nếu bạn thấy một dự báo trong đó tốc độ tăng trưởng GDP của New Zealand giảm so với của Vương quốc Anh, đó sẽ là một tín hiệu tăng giá (bullish) đối với cặp GBP/NZD.

Theo một thống kê gần đây từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), 3 quốc gia dẫn đầu về GDP trên thế giới là Hoa Kỳ (20.49 nghìn tỷ USD), Trung Quốc (13.4 nghìn tỷ USD) và Nhật Bản (4.97 nghìn tỷ USD). Tuy vậy, trader nên nhớ rằng dù GDP rất quan trọng để đánh giá sức khỏe và sức mạnh tổng thể của một quốc gia, nhưng số liệu này có thể không dẫn đến những biến động thị trường mạnh mẽ vì dữ liệu thường được công bố trễ hơn từ 1 đến 3 tháng.

Xem thêm: Những nguyên tắc cần phải nắm rõ để trở thành trader chuyên nghiệp

Tin từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC)

OPEC bao gồm 13 thành viên là các quốc gia sản xuất dầu thô lớn như Ả Rập Saudi, Kuwait, Iran, v.v. Hiện tại, các nước OPEC kiểm soát khoảng 44% sản lượng dầu thô của thế giới và quyết định tăng hoặc giảm sản lượng dầu thô của họ có thể có tác động lớn đến thị trường năng lượng thế giới.

Có một mối tương quan chặt chẽ giữa thị trường tiền tệ và giá dầu, trong đó hành động giá này gây phản ứng tích cực hoặc tiêu cực ở các nước có dự trữ dầu đáng kể. Mối tương quan này vẫn tồn tại vì nhiều lý do, bao gồm việc phân phối nguồn lực, cán cân thương mại (BOT) và tâm lý thị trường. Ngoài ra, dầu thô cũng có đóng góp đáng kể vào áp lực lạm phát và giảm phát, thúc đẩy các mối liên hệ ràng buộc lẫn nhau này trong các giai đoạn có xu hướng mạnh — cả về mặt tăng và giảm.

Do ảnh hưởng này đối với giá dầu, các quyết định của OPEC có thể ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ vì nó tác động đến sản xuất trên quy mô toàn cầu và với tư cách là các nhà giao dịch ngoại hối, bạn cần theo dõi những động thái của OPEC.

Như chúng ta đã biết, dầu thô được định giá bằng đô la Mỹ, nên bất kỳ đồng tiền của một quốc gia có dự trữ dầu thô lớn sẽ bị ảnh hưởng bởi giá dầu thô.

Ví dụ: Ngành năng lượng đóng góp đáng kể vào GDP của Hoa Kỳ, trong đó Mỹ là quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn và dầu mỏ đang dần trở thành mặt hàng xuất khẩu chính của Hoa Kỳ. Theo truyền thống, đồng USD và giá dầu thô vốn có xu hướng biến động ngược chiều nhau.

Do đó, nếu các nước OPEC tăng sản lượng dầu, sẽ kéo giá dầu thô giảm xuống và tạo ra xu hướng làm tăng GDP của Hoa Kỳ, đó là tin tốt cho đồng bạc xanh. Trong khi đó, việc OPEC tăng sản lượng có thể không mấy tác động đến đồng Yên Nhật vì Nhật Bản không có trữ lượng dầu lớn. Vì vậy, nếu bạn đang xem xét cặp USD/JPY thì trong kịch bản này, cặp này đang có xu hướng tăng (Bullish).

Mặc dù rất khó để phân tích tác động của giá dầu đối với một loại tiền tệ nhất định, nhưng việc biết và hiểu tác động bằng cách đọc phân tích chi tiết có thể giúp bạn cảm nhận được nhịp đập của thị trường và đưa ra quyết định giao dịch tốt hơn.

Xem thêm: Quản lý vốn Forex và những điều cần lưu ý

Tin tức về hoạt động của tổ chức OPEC cũng có ảnh hưởng mạnh đến thị trường Forex

Tin tức về hoạt động của tổ chức OPEC cũng có ảnh hưởng mạnh đến thị trường Forex (Nguồn: Internet)

Các tin ngoại hối ngoài ý muốn (Unplanned Forex News) và các yếu tố địa chính trị

Về bản chất, chúng ta không thể đoán trước được điều gì sẽ xảy ra đối với xã hội mà chúng ta đang sống, những điều có thể làm thay đổi thị trường. Do đó, có những tin tức thị trường forex có tác động lớn đến thị trường ngoại hối mà bạn có thể hoặc không tìm thấy trên lịch kinh tế (Economic Calendar). Những tin quan trọng đó thường là những bài phát biểu của các chính trị gia, của các chủ tịch các ngân hàng trung ương, hay thậm chí chiến tranh, các cuộc tấn công khủng bố và đại dịch.

Một ví dụ cụ thể là việc Tổng thống Mỹ phát biểu tại một cuộc vận động tranh cử để tuyên bố đột xuất về một gói kích thích kinh tế. Điều này có khả năng khiến Đô la Mỹ tăng vọt do chính sách tài khóa ảnh hưởng đến nhu cầu về đồng tiền này.

Trái ngược với hầu hết các yếu tố kinh tế, các vấn đề địa chính trị – được biết đến với cái tên mỹ miều “Thiên nga đen” dù có tần suất xuất hiện ít hơn, nhưng tác động thì lớn hơn rất nhiều. Những yếu tố này có thể tác động tàn phá đến nền kinh tế và tiền tệ của các quốc gia bị ảnh hưởng.

Hiện tại, chúng ta đang trải qua một trong những thời kỳ bất ổn nhất về địa chính trị, từ căng thẳng Mỹ – Trung còn đang leo thang đến đại dịch COVID-19 chưa từng có trong lịch sử, thị trường Forex vì thế mà chao đảo. Thông thường, thị trường sẽ có nhiều rung lắc hơn khi một sự kiện quan trọng được diễn ra, đặc biệt khi những sự kiện đó tác động tiêu cực cho đồng tiền đang được xem xét.

Xem thêm: Bạn có biết mối quan hệ giữa giá dầu và USD trong nền kinh tế?

Các yếu tố địa chính trị ảnh hưởng đến Forex

Các yếu tố địa chính trị ảnh hưởng đến Forex (Nguồn: Internet)

Kết luận – Trader cần lưu ý gì khi giao dịch theo tin tức thị trường Forex để hạn chế rủi ro?

Tin tức là một phần quan trọng trong thị trường Forex, do đó vào thời điểm tin được tung ra thị trường sẽ trở nên sôi động hơn bao giờ hết, và có thể có trader kiếm được  lời và có không ít trader cháy tài khoản. Vậy, là một pro-trader bạn cần có khả năng phân tích và kết hợp các chỉ số kinh tế từ các bản tin ngoại hối quan trọng để tìm được đúng hướng đi của thị trường.

Theo kinh nghiệm từ nhiều pro-trader, lần lượt từ chính sách lãi suất từ các cuộc họp của các ngân hàng trung ương mà quan trọng nhất là FOMC, bản tin NFP của Hoa Kỳ tung ra vào thứ 6 đầu tiên của tháng, đến chỉ số CPI, GDP rồi đến những bài phát biểu của chủ tịch FED đều các tin tức có thể gây biến động mạnh mẽ đối với thị trường nhất.

Biểu đồ so sánh về tầm ảnh hưởng của các bản tin tức thị trường forex

Biểu đồ so sánh về tầm ảnh hưởng của các bản tin tức thị trường forex (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, trader cũng nên chú ý rằng, tùy thuộc vào tình trạng hiện tại của nền kinh tế, tầm quan trọng tương đối của các tin ngoại hối được phát hành này có thể thay đổi. Ví dụ, trong tháng này tin về tỷ lệ thất nghiệp có thể quan trọng hơn so với các quyết định về thương mại hoặc lãi suất. Do đó, điều quan trọng là bạn phải nắm bắt được những gì thị trường đang tập trung ở thời điểm hiện tại.

Lợi ích hấp dẫn của trade theo tin tức thị trường forex hẳn trader nào cũng nắm rõ, tuy nhiên lợi nhuận cao sẽ đi kèm những rủi ro lớn mà bạn phải hết sức thận trọng như: spread giãn, lệnh bị requote (báo giá lại), lệnh bị trượt giá (slippage) và kết hợp với phân tích kỹ thuật để tìm ra được đúng những gì đang diễn ra trên thị trường.

Ngoài ra, những trường hợp mà các cặp ngoại hối diễn biến theo chiều ngược lại so với những thông tin và các báo cáo/tin tức đặc biệt vừa tung ra. Lí do là do chính trader là người điều khiển chính dòng chảy trên thị trường, và khi giao dịch, ta giao dịch dựa trên niềm tin hay chính là kỳ vọng vào tương lai. Nên có thể khi thời điểm ấy đến, giá thực ra đã đến đích của nó rồi, và tin tức sẽ không tác động đến thị trường nhiều như phần đông mọi trader vẫn nghĩ.

Do vậy, nếu bạn không phải là trader chuyên nghiệp, thay vì quá chú tâm vào những giờ tin tức thị trường forex hot được tung ra, bạn hãy chăm chỉ theo dõi lịch kinh tế tại các trang như forexfactory để biết thời điểm nào có tin tức biến động mạnh, thời điểm nào thị trường lặng sóng để bạn giao dịch.

Nếu bạn ưa thích trade theo tin ngoại hối, để biết được xu hướng giá của các cặp tiền tệ thì điều quan trọng nhất là bạn phải phân tích kỹ lưỡng cặp mà muốn giao dịch, đọc thêm các tin tức, chuẩn bị trước các kịch bản có thể xảy ra trước giờ tin ra như trường hợp thị trường thường có xu hướng đi ngang (sideways) cho đến khi tin ra.

Theo dõi VnRebates để cập nhật tin tức Forex, Chứng khoán, Tiền điện tử mới nhất.

VnRebates – Hoàn tiền mọi giao dịch tài chính

Theo fxssitradeciety

👉 Cập nhật Phương pháp trading mới và hiệu quả nhất trên thế giới bằng 4 Khóa học video miễn phí
Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.