VNREBATES

Tổng quan thị trường chứng khoán Việt Nam 2022 – Tiềm năng tăng trưởng hấp dẫn

07.03.2022, 08:02 19 phút đọc

Thi trường chứng khoán Việt Nam đã có 2 năm hoạt động tuyệt vời đặc biệt là chỉ số VN-Index dù đã liên tiếp xác lập các kỷ lục lịch sử về điểm số nhưng theo các chuyên gia tiềm năng tăng trưởng còn rất lớn, thậm chí thị trường mới đang ở giai đoạn đầu của một quá trình tăng trưởng kéo dài nhiều thập kỷ, hứa hẹn trở thành kênh đầu tư lý tưởng cho nhiều nhà đầu tư.

Sau 22 năm hình thành và phát triển không ngừng, thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) đã lớn mạnh và trở thành một “cơ ngơi có vị thế”, là kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế, là bệ phóng cho nhiều doanh nghiệp phát triển vượt bậc và đặc biệt là kênh đầu tư hấp dẫn cho nhiều nhà đầu tư.

Vậy, chúng ta hãy cùng nhìn lại tổng quan về TTCK Việt Nam bao gồm cơ cấu, chức năng, nguyên tắc hoạt động… Đặc biệt, sau 2 năm hoạt động thăng hoa khi liên tiếp xác lập các kỷ lục lịch sử, tiềm năng tăng trưởng lẫn cơ hội đầu tư của TTCK Việt Nam như thế nào theo đánh giá của các chuyên gia tài chính? Cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé.

thi truong chung khoan viet nam

Tổng quan thị trường chứng khoán Việt Nam

1. Tổng quan thị trường chứng khoán Việt Nam

1.1 Những dấu mốc quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển TTCK Việt Nam

  • Ngày 26/11/1996, Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) được thành lập với nhiệm vụ ban đầu là chuẩn bị các điều kiện cần thiết để hình thành thị trường chứng khoán (TTCK). Sau một thời gian tích cực chuẩn bị các điều kiện về cơ sở pháp lý và cơ sở vật chất, ngày 20/7/2000, Trung tâm giao dịch chứng khoán (GDCK) TPHCM chính thức khai trương hoạt động và tổ chức phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 28.7.2000, trở thành đơn vị tổ chức giao dịch chứng khoán tập trung đầu tiên của Việt Nam, đánh dấu sự ra đời chính thức của TTCK ở nước ta.

Khai trương Trung tâm Giao dịch chứng khoán Tp. HCM (năm 2000)

  • Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng được hình thành ngay trong năm 2000 và từng bước phát triển.
  • Năm 2003, Công ty quản lý quỹ tại Việt Nam VFM ra đời, đánh dấu sự tham gia của nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp trong nước đầu tiên, đồng thời mở đầu cho một dạng đầu tư tập thể mới trên thị trường.
  • Năm 2005, TTCK Việt Nam tiếp tục có thêm bước tiến mới với sự ra mắt của của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội hoạt động theo mô hình thị trường phi tập trung (OTC), tổ chức thị trường thứ cấp cho các chứng khoán chưa niêm yết theo cơ chế thỏa thuận và Trung tâm lưu ký chứng khoán vào năm 2006.
  • Năm 2009, thị trường trái phiếu Chính phủ chuyên biệt được hình thành đóng vai trò then chốt trên thị trường trái phiếu. Thị trường này đã nhanh chóng khẳng định được vai trò là kênh huy động vốn hiệu quả cho Chính phủ, hỗ trợ cho việc huy động trái phiếu Chính phủ được nhiều hơn, chủ động hơn.
  • Năm 2018, Thị trường chứng khoán phái sinh được đưa vào vận hành đã tạo một bước ngoặt mới cho TTCK nói riêng và thị trường tài chính nói chung. Dù còn khá non trẻ nhưng TTCK phái sinh đã phát triển nhanh chóng với mức tăng trưởng giao dịch bình quân đạt 3,3 lần/năm, cung cấp thêm các công cụ đầu tư và quản lý rủi ro hữu hiệu cho các nhà đầu tư và thúc đẩy thanh khoản trên TTCK cơ sở.

Khai trương Thị trường chứng khoán phái sinh (năm 2018)

1.2 Chức năng của TTCK Việt Nam

  • Huy động vốn đầu tư cho các doanh nghiệp và cả nền kinh tế nói chung.
  • Xây dựng và cung cấp môi trường đầu tư cho công chúng.
  • Tạo tính thanh khoản cho các chứng khoán.
  • Đánh giá hoạt động của các doanh nghiệp tham gia TTCK
  • Tạo môi trường giúp Chính phủ thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô.

Xem thêm: Top 10 các công ty chứng khoán tại Việt Nam được đánh giá tốt nhất

1.3 Các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam

Có 4 chủ thể tham gia vào TTCK Việt Nam bao gồm:

#1 Nhà phát hành chứng khoán: Bao gồm các tổ chức thực hiện huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán,có thể là Chính phủ, chính quyền địa phương hoặc các doanh nghiệp.

  • Chính phủ: Phát hành các loại trái phiếu chính phủ nhằm huy động tiền bù đắp thâm hụt ngân sách hoặc thực hiện những công trình quốc gia lớn.
  • Chính quyền địa phương: Phát hành trái phiếu địa phương để huy động tiền đầu tư cho các công trình hay chương trình kinh tế, xã hội của địa phương.
  • Các doanh nghiệp: Phát hành trái phiếu doanh nghiệp hoặc cổ phiếu để huy động nguồn vốn đầu tư cho phát triển sản xuất.

#2 Nhà đầu tư

  • Nhà đầu tư cá nhân
  • Nhà đầu tư tổ chức: Công ty đầu tư, công ty bảo hiểm, quỹ bảo hiểm xã hội, công ty tài chính hay các ngân hàng thương mại…

#3 Các tổ chức kinh doanh trên thị trường chứng khoán bao gồm: Các công ty chứng khoán (VPS, HSC, VCBS, VNDIRECT…), Quỹ đầu tư chứng khoán, Các trung gian tài chính…

#4 Các tổ chức liên quan đến chứng khoán:

  • Ủy Ban chứng khoán Nhà nước
  • Các sở giao dịch chứng khoán (Sàn Hose, Sàn HNX)
  • Hiệp hội các nhà kinh doanh chứng khoán
  • Tổ chức lưu ký và thanh toán bù trừ chứng khoán (Trung tâm Lưu ký Chứng khoán…)
  • Công ty dịch vụ máy tính chứng khoán
  • Các tổ chức tài trợ chứng khoán
  • Công ty đánh giá hệ số tín nhiệm

1.4 Cấu trúc và phân loại trên TTCK Việt Nam

TTCK Việt Nam có thể được phân loại theo nhiều tiêu chí như sự luân chuyển nguồn vốn, hàng hóa được giao dịch trên thị trường hay phương thức hoạt động của thị trường.

Phân loại theo phương thức hoạt động của thị trường:

  • Thị trường trường chứng khoán tập trung: Là nơi diễn ra các hoạt động giao dịch chứng khoán theo quy định của pháp luật, chứng khoán được niêm yết và giao dịch trên 2 Sở giao dịch chứng khoán của Việt Nam bao gồm Sàn HOSE (Sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh và sàn HNX (Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội).
  • Thị trường chứng khoán phi tập trung (OTC): Là nơi diễn ra các hoạt động mua bán chứng khoán nằm ngoài sở giao dịch, không có địa điểm tập trung nhà môi giới, nhà đầu tư. Giao dịch thuận mua vừa bán.

Phân loại theo sự luân chuyển nguồn vốn:

  • Thị trường sơ cấp: Là nơi huy động vốn cho nhà phát hành chứng khoán, diễn ra các hoạt động mua bán chứng khoán mới phát hành lần đầu và giá chứng khoán trên thị trường sơ cấp sẽ do tổ chức phát hành quyết định. Những người bán trên thị trường này thường là Ngân hàng Nhà nước, kho bạc, Công ty phát hành, Tập đoàn bảo lãnh phát hành,…
  • Thị trường thứ cấp: Thị trường này không trực tiếp mang lại vốn cho người đầu tư sản xuất kinh doanh. Giao dịch trên thị trường thứ cấp phản ánh nguyên tắc cạnh tranh tự do và chứng khoán trên thị trường này có thể được mua bán nhiều lần.

Phân loại theo hàng hóa trên thị trường:

  • Thị trường cổ phiếu: Nơi diễn ra các giao dịch và mua bán các loại cổ phiếu, bao gồm cổ phiếu thường, cổ phiếu ưu đãi.
  • Thị trường trái phiếu: Nơi diễn ra các giao dịch và mua bán các loại trái phiếu đã được phát hành, bao gồm trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu đô thị và trái phiếu chính phủ.
  • Thị trường chứng khoán phái sinh: Nơi diễn ra các giao dịch các sản phẩm chứng khoán phái sinh (cụ thể hiện nay là Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 và Hợp đồng tương lai Trái phiếu Chính phủ).

1.5 Nguyên tắc hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam

  • Nguyên tắc công khai: Mọi hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam phải được công khai nhằm đảm bảo sự công bằng trong giao dịch và sự minh bạch của thị trường cũng như quyền lợi của nhà đầu tư. Mọi thông tin được công khai như báo cáo tài chính, kết quả kinh doanh của tổ chức phát hành chứng khoán, số lượng và giá cả chứng khoán hay quản trị công ty cần đảm bảo các tiêu chí: chính xác, kịp thời, dễ dàng và đầy đủ.
  • Nguyên tắc trung gian: Nguyên tắc này thể hiện ở việc chứng khoán được mua bán thông qua môi giới nhằm đảm bảo thị trường hoạt động lành mạnh, chuyên nghiệp và hài hòa cũng như giúp nâng cao tính an toàn và tiết kiệm chi phí.
  • Nguyên tắc đấu giá: Cạnh tranh hoàn hảo của TTCK được thể hiện thông qua nguyên tắc đấu giá với 3 hình thức: Đấu giá trực tiếp (trực tiếp gặp gỡ và thương lượng tại sở giao dịch chứng khoán), Đấu giá gián tiếp (nhà đầu tư liên hệ, thương lượng gián tiếp qua điện thoại hoặc Internet) và Đấu giá tự động (qua Internet giữa máy chủ của các sở giao dịch chứng khoán với hệ thống máy tính của các công ty chứng khoán thành viên.)

Xem thêm: Từ A-Z về chỉ số thị trường chứng khoán Việt Nam

2. Những thành tựu ấn tượng của TTCK Việt Nam sau 22 năm hoạt động

Những con số ấn tượng của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021

Sau hơn 20 năm kể từ ngày đi vào vận hành, thị trường chứng khoán Việt Nam đã ghi nhận sự phát triển vượt bậc cả về quy mô và chất lượng, không ngừng hoàn thiện về cấu trúc, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Dưới đây là những thành tựu đáng ghi nhận:

  • Quy mô huy động vốn: Quy mô huy động vốn qua TTCK giai đoạn 2011-2020 đạt gần 2,9 triệu tỷ đồng, gấp gần 10 lần so với giai đoạn 2001-2010, đóng góp bình quân 19,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Tổng mức huy động vốn trên TTCK trong 11 tháng đầu năm 2021 đạt 444.940 tỷ đồng tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.
  • Cấu trúc: Từ một Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh đến nay, TTCK Việt Nam đã có 2 Sở Giao dịch Chứng khoán và một Trung tâm Lưu ký Chứng khoán vận hành các hệ thống giao dịch, lưu ký và thanh toán bù trừ chứng khoán một cách thông suốt, an toàn, và ngày càng nhiều các công ty chứng khoán uy tín ra đời góp phần thúc đẩy thanh khoản và hiệu quả của thị trường.
  • Sức hút mạnh mẽ các nhà đầu tư trong và ngoài nước: Số lượng nhà đầu tư tham gia giao dịch trên thị trường ngày càng tăng, từ mức 3.000 tài khoản trong năm 2000 lên gần 2,8 triệu tài khoản vào cuối năm 2020. Đặc biệt, tính đến hết năm 2021 đã có 1.3 triệu nhà đầu trong nước và 133 tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài mở mới nâng tổng số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam lên con số 4,08 triệu tài khoản, tăng 47,3% so với cuối năm 2020.
  • Tổng quy mô TTCK tăng mạnh bao gồm Quy mô vốn hóa của thị trường và tổng dư nợ trái phiếu: Tổng quy mô TTCK cuối năm 2020 đạt 131,95% GDP, chiếm tỉ trọng 47% tổng tài sản hệ thống tài chính, cao hơn nhiều so với tỉ trọng 21% của năm 2010. Trong đó, quy mô vốn hóa thị trường tăng mạnh đạt 84,1% GDP, gấp hơn 7,3 lần so với năm 2010, vượt mục tiêu 70% GDP vào năm 2020. Tính đến cuối năm 2021, thị trường cổ phiếu đạt mức vốn hóa hơn 7,7 triệu tỉ đồng, tăng 46% so với cuối năm 2020, xấp xỉ 123% GDP năm 2020. Đặc biệt có 52 doanh nghiệp niêm yết lọt vào “câu lạc bộ” vốn hóa tỉ USD, trong đó Vietcombank (VCB), Vinhomes (VHM) và Vingroup (VIC) lọt vào top 3 doanh nghiệp hàng đầu với vốn hóa trên 10 tỉ USD.
  • Quy mô niêm yết: Đăng ký giao dịch của thị trường đạt 1.727 nghìn tỷ đồng, tăng 14,1% với cuối năm 2020 với 761 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 sở giao dịch chứng khoán và 890 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM..
  • Thanh khoản thị trường tăng mạnh: Thanh khoản trên thị trường cổ phiếu cũng tiếp tục bùng nổ và tăng mạnh nhờ dòng tiền của các nhà đầu tư trong nước dẫn dắt thị trường. Từ giá trị giao dịch bình quân đạt mức 19.000 tỉ đồng/phiên trong tháng đầu năm, thanh khoản thị trường cổ phiếu đã gia tăng nhanh chóng và liên tục qua các tháng và đến tháng 11 đạt mức 40.000 tỉ đồng/phiên.
  • Chỉ số Vn-Index: Sau khi đạt mốc lịch sử 1.500.81 điểm (ngày 25/11), Chỉ số chứng khoán VN-Index chính thức khép lại năm 2021 với mốc 1.498.28 điểm, tăng gần 395 điểm (+36%) trong vòng 1 năm.

Xem thêm: Cổ phiếu blue-chip là gì? Các hình thức đầu tư hiệu quả với cổ phiếu blue-chip

3. Tiềm năng tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam nhìn về dài hạn

3.2 Định giá thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn ở mức hấp dẫn

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển vượt bậc trong những năm gần đây, đặc biệt là 2 năm vừa qua liên tiếp xác lập các kỷ lục lịch sử về điểm số và thanh khoản nhưng giới phân tích cho rằng tiềm năng tăng trưởng còn rất lớn, thậm chí thị trường mới đang ở giai đoạn đầu của một quá trình tăng trưởng kéo dài nhiều thập kỷ.

Các chuyên gia đã sử dụng chỉ số Vn-Index để định giá và so sánh sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam so với các nước khác trong khu vực.

Cụ thể, các nghiên cứu cho thấy định giá thị trường chứng khoán Việt Nam tương đối hấp dẫn, tiềm năng thu hút dòng vốn ngoại với triển vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi. So sánh tương quan với các thị trường trên thế giới và thị trường trong khu vực, thị trường Việt Nam đang được giao dịch ở mức P/E tương đối hấp dẫn với mức ROE cao và tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận cao hơn.

Khi so sánh với các thị trường chứng khoán trong khu vực, thị trường Việt Nam đang được định giá thấp hơn. Theo các chuyên gia, tầm nhìn đến cuối năm 2022, khi các công ty phục hồi hoạt đồng sản xuất kinh doanh hoàn toàn, mức dự phóng tăng trưởng EPS năm 2022 khoảng 24%, tương đương mức P/E dự phóng cuối 2022 khoảng 13,9x.

3.2 Những yếu tố cho thấy TTCK Việt Nam có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong những năm tới

  • Nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững nên các doanh nghiệp trong nước ngày càng lớn mạnh. Cụ thể, số lượng công ty Việt Nam có vốn hóa thị trường trên 1 tỷ USD đã tăng từ 10 công ty vào năm 2015 lên hơn 50 công ty hiện nay và tổng giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán tăng mạnh từ 30% lên 90% GDP của Việt Nam, tương đương với các nước trong khu vực.
  • Chính sách của Chính phủ trong việc quyết tâm tâm thực hiện các cải cách để thị trường vốn của Việt Nam minh bạch hơn sẽ giúp cho thị trường chứng khoán Việt Nam càng ngày càng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
  • Chứng khoán ngày càng trở thành kênh đầu tư hấp dẫn: Trong bối cảnh dịch bệnh lẫn không có nhiều giải pháp đầu tư khác hấp dẫn hơn, mặt bằng lãi suất thấp, ngày càng có nhiều người gửi tiết kiệm trong nước chuyển sang thị trường chứng khoán.
  • Còn nhiều dư địa mở rộng và phát triển: Sự nhiệt tình của các nhà đầu cá nhân mới đang bao trùm toàn bộ thị trường chứng khoán, tuy nhiên tỷ lệ tham gia của các nhà đầu tư cá nhân hiện tại vẫn còn rất thấp so với quy mô dân số (4% dân số). Qua có thể thể thấy vẫn còn nhiều dư địa mở rộng và phát triển khi hướng tới mục tiêu 5% dân số tham gia thị trường vào năm 2025, đảm bảo sự phát triển ổn định của thị trường chứng khoán trong tương lai.

  • Tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được đẩy mạnh trong những năm sắp tới sẽ cung cấp thêm nhiều cơ hội đầu tư và thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Dư địa phát triển của thị trường vẫn còn rất lớn khi Chính phủ đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thị trường trái phiếu doanh nghiệp dù mới sơ khai nhưng sẽ là thị trường tiềm năng lớn trong thời gian tới
  • Lành mạnh hóa và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp song song với thị trường cổ phiếu.
  • Các sản phẩm chứng khoán phái sinh, các chứng chỉ quỹ (chứng chỉ quỹ mở, quỹ ETF) các chỉ số chứng khoán phát triển không ngừng nhằm đáp ứng nhu cầu khác nhau của nhà đầu tư. Có thể nói, sự trưởng thành, lớn mạnh trong thời gian vừa qua của các công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư chứng khoán là rất đáng ghi nhận với những đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của TTCK Việt Nam. Hoạt động quản lý quỹ đầu tư chứng khoán tại Việt Nam vẫn còn có tiềm năng lớn để phát triển trong thời gian tới.
  • Đặc biệt khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi sẽ thu hút thêm rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Xem thêm: ETF là gì ? Cơ hội và rủi ro từ đầu tư ETF và top 10 quỹ ETF tốt nhất

3. Lời kết

Nhận định về diễn biến thị trường chứng khoán trong thời gian tới, Ủy ban chứng khoán nhà nước đánh giá dù vẫn phải tiếp tục đối mặt với những diễn biến khó lường do do tốc độ hồi phục không đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp những khó khăn về nguồn cung, giá nguyên liệu, cước vận chuyển, nguồn lao động… nhưng nhìn chung nhiều tín hiệu khả quan.

Bên cạnh nhiều tín hiệu khả quan cho thị trường chứng khoán trong năm tới, vẫn còn đó một số rủi ro cần phải được lưu ý, đặc biệt là chính sách thắt chặt tiền tệ của các Ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ tạo thêm áp lực cho thị trường chứng khoán nói chung.

Nhìn chung, sau hơn 20 năm hoạt động, về yếu tố nội tại, TTCK Việt Nam đã tích lũy được thành quả cả về lượng và chất, tăng khả năng chống chịu với yếu tố bên ngoài. Do vậy, cùng với sự hỗ trợ từ những yếu tố khách quan như mặt bằng lãi suất ngân hàng thấp giúp kích thích tăng trưởng thông qua kích thích đầu tư, cộng với bản thân nội lực, trong trung và dài hạn thị trường chứng khoán Việt nam có triển vọng tiếp tục phát triển tích cực và hứa hẹn đem lại nhiều cơ hội kiếm lời hấp dẫn cho nhà đầu tư.

VnRebates – Nơi Trading là NGHỀ

 

Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.