VNREBATES

Trade biểu đồ giá dầu như thế nào? Hướng dẫn đọc biểu đồ giá dầu nhanh

19.09.2020, 08:30 30 phút đọc

Để trade biểu đồ giá dầu như 1 trader chuyên nghiệp không phải là 1 chuyện dễ dàng và nhanh chóng. Vì nhiều lý do, trader nhỏ lẻ khá e ngại khi trade dầu mỏ. Trong đó, nguyên nhân chính là động lực khá phức tạp của thị trường này. Bài viết này của VnRebates sẽ giúp gỡ bỏ những khó khăn, cung cấp những kiến thức chi tiết nhất khi trade biểu đồ giá dầu.

Xem thêm:

Dầu thô là gì? WTI vs. Brent là gì?

Dầu thô (Crude oil) là gì?

Trước khi đọc tiếp, hình ảnh bên dưới sẽ giúp bạn có cái nhìn bao quát nhất về dầu thô, điểm bắt đầu của các nguồn năng lượng cấp thiết trên toàn cầu:

Biểu đồ giá dầu

Dầu thô – điểm khởi đầu của mọi nguồn năng lượng (Nguồn: Internet)

Dầu thô (Crude Oil) là một sản phẩm dầu mỏ tự nhiên, chưa qua tinh chế, được tạo thành từ các mỏ hydrocacbon và các vật liệu hữu cơ khác. Dầu thô thường thu được thông qua quá trình khoan, và thường được tìm thấy cùng với các tài nguyên khác, chẳng hạn như khí tự nhiên (nhẹ hơn và do đó nằm trên dầu thô) và nước mặn –  Saline water (đặc hơn và chìm xuống bên dưới). 

Từ 1 loại nhiên liệu hóa thạch, dầu thô có thể được tinh chế để tạo ra các sản phẩm có thể sử dụng được như xăng, dầu diesel, dầu hỏa, nhựa đường và nhiều dạng hóa dầu khác. Là một nguồn tài nguyên không thể tái sinh, có nghĩa là dầu thô không thể được thay thế một cách tự nhiên với tốc độ chúng ta tiêu thụ nó và do đó, là một nguồn tài nguyên có hạn.

Độ nhẹ của dầu thô được đặc trưng bởi trọng lực của dầu, và độ ngọt của dầu thô được đặc trưng bởi hàm lượng Lưu huỳnh. Dầu thô chia làm 2 loại: 

  • Dầu thô ngọt có ít hơn 0,5% lưu huỳnh (theo phân loại của Sàn giao dịch hàng hóa New York), có chất lượng cao hơn dầu thô chua và yêu cầu quá trình xử lý, chế biến thành thành các thành phẩm như xăng, dầu diesel, dầu hỏa, dầu bôi trơn… ít tốn công sức và chi phí hơn. Lý do là vì lưu huỳnh có tính ăn mòn và gây hao mòn các thiết bị vận chuyển, xử lý dầu. Ước tính mỗi thùng dầu thô ngọt có thể tiết kiệm 15USD tổng chi phí (Theo Wiki). Khái niệm “ngọt” của loại dầu này xuất phát từ thực tế là nó có vị hơi ngọt và mùi dễ chịu do có hàm lượng lưu huỳnh thấp. 
  • Dầu thô chua có hàm lượng lưu huỳnh hơn 0.5% 

Khi trade biểu đồ giá dầu, sẽ không thể tìm thấy biểu đồ của tất cả các loại dầu thô trên thế giới, mà thay vào đó là biểu đồ giá dầu WTI và Brent. Vậy, WTI và Brent là gì?  

Dầu Brent là gì?

Dầu thô Brent là 1 loại dầu thô ngọt nhẹ. Dầu thô Brent được chiết xuất từ Biển Bắc (North Sea). Hỗn hợp dầu thô Brent bao gồm Brent Blend, Forties Blend, Oseberg và Ekofisk được gọi là BFOE Quotation.  Dầu thô Brent Crude còn được gọi là Brent Blend, London Brent và Brent petroleum. 

Bieu do gia dau

Vị trí giàn khoan dầu Brent (Nguồn: Internet)

Brent đóng vai trò là benchmark giá dầu chuẩn của thị trường dầu thô (bên cạnh WTI), được sử dụng để định giá 2/3 nguồn cung dầu thô giao dịch quốc tế trên thế giới. Giá dầu Brent cũng chính là tiêu chuẩn cho giá dầu do các nước OPEC xuất khẩu.

Khi bạn thấy biểu đồ giá dầu “Brent crude”, thì thường đó là giá dầu thô Futures Brent của ICE – Intercontinental Exchange (chúng tôi sẽ giữ nguyên thuật ngữ Futures khi đề cập đến hợp đồng tương lai trong bài này). Tuy nhiên, giá dầu Brent crude có thể là:

  • Hợp đồng Futures hàng tháng dầu thô Brent;
  • Hợp đồng kỳ hạn (forward) hàng tháng dầu thô Brent;
  • CFD hàng tuần dầu thô Brent;
  • Giá đánh giá ngắn hạn theo ngày của dầu thô Brent;
  • Giá thị trường giao ngay Brent-Forties-Oseberg-Ekofisk-Troll (BFOET), Dated Brent, hoặc Brent;
  • Dầu thô Brent hỗn hợp;
  • Chỉ số Brent ICE.

Dầu WTI là gì?

Không giống như Dầu thô Brent, dầu thô WTI (West Texas Intermediate ) không liên quan đến bất kỳ loại dầu thô cụ thể nào được sản xuất từ ​​bất kỳ mỏ dầu cụ thể nào. Thay vào đó, dầu thô WTI có thể được mô tả là “dầu ngọt nhẹ được giao dịch và giao hàng tại Cushing, Oklahoma” (với dầu thô WTI Midland và WTI Houston được định nghĩa tương tự cho Midland, Texas và Houston, Texas).

Trong lịch sử, dầu thô WTI đề cập đến các mỏ dầu xung quanh Midland, Texas và Cushing, Oklahoma. Do đó, dầu WTI còn được gọi là loại ngọt nhẹ Texas, mặc dù dầu được sản xuất từ bất kỳ địa điểm nào cũng có thể được coi là WTI nếu đáp ứng các tiêu chuẩn yêu cầu. Các phép đo độ đậm nhạt và độ ngọt của WTI thay đổi tùy thuộc vào loại dầu nhẹ và ngọt cụ thể được giao dịch tại Cushing tại thời điểm đo, và thậm chí cả phương pháp đo cụ thể. 

WTI có thể đề cập đến loại dầu hoặc hỗn hợp dầu thô, và / hoặc giá giao ngay, giá Futures hoặc giá đánh giá cho loại dầu đó. Theo thông lệ, WTI thường đề cập đến giá của hợp đồng Futures dầu thô WTI của Sở giao dịch hàng hóa New York (NYMEX) hoặc chính hợp đồng đó. Ví dụ các hợp đồng Futures WTI của NYMEX gần đây:

Đặc điểm HĐ Futures NYMEX WTI (T5/2020) Đánh giá WTI của Platts (T5/2020) Đánh giá WIT của Argus (T3/2020)
Độ nhẹ 37-42 độ API Gravity 41,4 độ API Gravity 40 độ API Gravity
Độ ngọt Dưới 0,42% lưu huỳnh 0,37% Lưu huỳnh  0,40% Lưu huỳnh

Tại sao dầu Brent thường mắc hơn dầu WTI?

Dầu thô Brent và WTI có các tính chất khác nhau, dẫn đến chênh lệch giá giữa 2 loại này được gọi là quality spread (chênh lệch do chất lượng). Và vì chúng phản ánh các khu vực địa lý khác nhau trên thế giới (Brent ở Châu Phi, châu Âu, Trung Đông và WTI ở Bắc Mỹ), nên cũng được coi có location spread (spread do địa lý). 

Biểu đồ giá dầu qua các năm ở phần tiếp theo bài này cho thấy, bắt đầu từ năm 2011-2013, giá dầu Brent bắt đầu có sự chênh lệch cao hơn giá dầu WTI. Vậy, vì sao cùng là mức benchmark khi đề cập đến đồ thị giá dầu thế giới, tại sao lại có sự khác biệt về giá giữa Brent và WTI?

Chênh lệch giá bắt đầu mở rộng trong năm 2011 với giao dịch Brent ở mức cao hơn so với WTI, do nguồn cung thay đổi nhanh chóng so với nhu cầu. Sự gia tăng của sản xuất dầu của Hoa Kỳ được thúc đẩy bởi công nghệ đá phiến và fracking, đã tăng sản lượng của WTI, đồng thời sản lượng của dầu dùng Brent làm benchmark thì giữ cân bằng và được kiểm soát chặt chẽ bởi OPEC+.

Theo CME Group, công ty điều hành thị trường hàng hóa NYMEX, chênh lệch giá spread của WTI / Brent bị ảnh hưởng bởi 4 yếu tố chính:

  • Mức sản xuất dầu thô của Hoa Kỳ
  • Cân bằng cung và cầu dầu thô ở Hoa Kỳ
  • Hoạt động khai thác dầu thô ở North Sea
  • Các vấn đề địa chính trị trên thị trường dầu thô quốc tế

Nói một cách đơn giản, sự ưa chuộng đối với dầu thô Brent ngày nay bắt nguồn từ thực tế rằng nó có thể là một chỉ báo tốt hơn về giá dầu toàn cầu. Brent về cơ bản khai thác dầu từ hơn một chục mỏ dầu nằm ở Biển Bắc, và Brent cũng vẫn được coi là một loại dầu thô ngọt, mặc dù có hàm lượng lưu huỳnh cao hơn WTI. Mặc dù trong lịch sử, Brent được dành cho các thị trường châu Âu, nhưng hiện tại đã được sử dụng làm tiêu chuẩn giá cho các hạng dầu khác.

Theo báo cáo của Bloomberg: “Brent đại diện cho thị trường dầu ngọt Tây – Bắc Âu, nhưng vì được sử dụng làm tiêu chuẩn cho tất cả dầu thô Tây Phi và Địa Trung Hải, và ngay cả đối với một số dầu thô đến từ Đông Nam Á, nên Brent liên kết trực tiếp với một thị trường lớn hơn so với WTI.”

Lịch sử giá dầu và các biến động nổi bật của Brent và WTI

Trong suốt các thời kì lịch sử thì giá dầu Brent và WTI luôn có sự tương quan song hành cùng nhau, tức là giá dầu Brent và WTI luôn biến động cùng chiều với nhau.Chính vì vậy để nhìn lại lịch sử giá dầu chúng ta có thể sử dụng một đại diện phổ biến đó là dầu WTI.

Lịch sử giá dầu

Lịch sử giá dầu (Nguồn: Internet)

Lịch sử giá dầu WTI

Trước đây, việc tìm kiếm các mỏ dầu lúc đầu không được coi  trọng vì thời điểm đó con người yêu thích tìm ra giếng nước hoặc mỏ muối hơn. Đến năm 1857, giếng dầu thương mại đầu tiên mới được khoan ở Romania. Và ngành công nghiệp dầu khí Hoa Kỳ ra đời hai năm sau đó nhờ vào một vụ khoan trộm xảy ra tại Titusville.

Phần lớn nhu cầu ban đầu của con người chủ yếu là dầu hỏa và đèn dầu. Sau đó tới năm 1901, ngành công nghiệp khai thác dầu bắt đầu có bước tiến mới khi khoan được 1 giếng dầu tại địa điểm có tên là Spindletop, nằm phía đông nam Texas (Mỹ), với sản lượng đạt hơn 10.000 thùng dầu mỗi ngày, có thể thấy giá dầu đã bắt đầu tăng lên mốc 40 USD/thùng vào cuối năm 1900 – đầu năm 1901.

Tuy nhiên, với những sự thay đổi liên tục, khiến giá dầu lên xuống vô cùng thất thường. Dầu từng đạt đỉnh ở 147 USD/thùng vào tháng 7 năm 2008 với hàng loạt các sự kiện phức tạp từ OPEC, nhu cầu dầu của các nên kinh tế mới nổi cho đến lo ngại chiến tranh Vịnh Ba Tư…. Sau đó giảm xuống còn 30 USD/thùng vào năm 2009, và giao dịch quanh mức 70 USD trong năm 2018.

Đến năm 2020 giá dầu đã chạm mức thấp nhất mọi thời đại khi giá dầu giao ngay rơi xuống ngưỡng 37 USD/thùng và giá dầu của thị trường hợp đồng tương lai giảm về con số 0 do các lo ngại về sự cắt đứt nhu cầu trong đại dịch Corona.

Năm 2022 đánh dấu sự trở lại của dầu khi tình hình dịch bệnh được kiếm soát, giải tỏa phần nào nhu cầu dầu của thị trường, kèm theo đó là sự căng thẳng và khủng hoảng chính trị giữa Nga và Ukraine đã đẩy giá dầu một lần nữa giao dịch trên mốc 100 USD/thùng như hiện nay.

Các mặt lợi ích của kênh đầu tư hàng hóa dầu thô

Dầu thô là 1 trong những nguồn năng lượng mà con người gần như không thể sống thiếu được. Nói một cách chính xác là một trong những nguồn nguyên liệu quan trọng nhất dùng để sản xuất điện, cũng như là nhiên liệu của toàn bộ phương tiện giao thông vận tải.

Hơn nữa, như đã nói dầu thô là nguồn nhiên liệu không thể tái tạo, và cũng theo tính toán từ các chuyên gia, tương tự như vàng, dầu thô sẽ sớm cạn kiệt trong vài chục năm tới. Chính vì thế, giá dầu theo thời gian sẽ tăng dần theo thời gian chứ không giảm đi.

Ngoài ra, với một số điểm nổi bật khác về dầu thô sẽ khiến nhiều nhà đầu tư luôn xem đây là một trong những loại hàng hóa đáng để quan tâm nhất hiện nay như :

  • Giúp nhà giao dịch đa dạng hóa khoản tiền đầu tư, để tránh rủi ro.
  • Là một loại năng lượng mà thế giới chưa thể tìm ra được các giải pháp thay thế, khiến cho giá dầu cũng giống như vàng sẽ tăng theo thời gian.
  • Không bị ảnh hưởng bởi lạm phát, bởi dầu là 1 sản phẩm hàng hóa chứ không phải là tiền tệ, nhờ vậy ở bất kỳ thời kỳ nào con người còn hoạt động đều cần tới loại nhiên liệu này nên giao dịch dầu có xu hướng ổn định hơn.

Những điều cần biết trước khi trade biểu đồ giá dầu

Biểu đồ giá dầu thế giới qua các năm

Bieu do gia dau

Biểu đồ giá dầu Brent vs. WTI (Nguồn: Internet)

Biểu đồ giá dầu trên cho thấy rằng:

  • Giá dầu rất nhạy cảm với các yếu tố dự báo về “khủng hoảng” kinh tế và chính bản thân “khủng hoảng”. Trong các cuộc khủng hoảng tài chính (giai đoạn 2008-2009), dịch bệnh lớn (Covid-19) .., giá dầu có thể làm nản lòng bất cứ trader nào. Giá dầu sau đó có thể bùng nổ trở lại khi thị trường hưng phấn sau những giai đoạn thăng trầm. Tuy nhiên, với sự biến động lớn hiện tại, có thể nói trading dầu là 1 hình thức mang lại lợi nhuận cũng như rủi ro tiềm năng rất lớn.
  • Sự chênh lệch giá giữa Brent vs. WTI bắt đầu từ sau những năm 2011. Mức chênh lệch “thường” được mở rộng hơn, nghiêng về phía Brent, vào giai đoạn bùng nổ phục hồi sau các cú sock lớn của nền kinh tế toàn cầu.  

Đọc thêm: Chiến tranh dầu mỏ và khủng hoảng vàng đen – hai mặt sáng tối của dầu thô

Theo dõi biểu đồ giá dầu hiện tại ở đâu?

Bạn gần như có thể theo dõi biểu đồ giá dầu hiện tại ở bất kỳ 1 broker/ sàn giao dịch nào cung cấp giao dịch CFD dầu hoặc giá giao ngay. Tuy nhiên, đây là hình thức trade CFD (Contract-for-Difference) – 1 dạng derivative dành cho đầu cơ dựa trên biến động giá, được tính toán trên giá dầu của tháng đầu tiên và tháng thứ 2 của hợp đồng Futures gần nhất. Ví dụ như trên website của IC Markets bên dưới.

Chỉ cần bạn vào biểu đồ trên platform của sàn giao dịch bạn đang đăng kí (live account hoặc demo account) là có thể theo dõi được diễn biến giá dầu hiện tại. 

Bieu do gia dau

Trade biểu đồ giá dầu với IC Markets (Nguồn: Internet)

Đối với những trader đang muốn tìm hiểu về giá dầu, có những nguồn mở phổ biến bên dưới để bạn theo dõi giá dầu mà không cần phải tạo tài khoản với bất cứ broker nào:

  • Dầu Brent tại website ICE – sàn cung cấp hợp đồng Futures của Brent  – Tại đây bạn sẽ theo dõi giá dầu Futures của hợp đồng đang mở gần nhất (tại thời điểm viết bài là Futures contract OCT20), và các hợp đồng các tháng tiếp theo ( Hiện tại, là đến hợp đồng Tháng 12-2024: NOV20, DEC20, DEC24,…)

    Bieu do gia dau

    Biểu đồ giá dầu Futures Brent ICE (Nguồn: Internet)

  • Dầu WTI  hay NYMEX WTI Crude Oil futures (CL) tại website CMEgroup  – Tại đây bạn sẽ theo dõi giá dầu Futures của hợp đồng đang mở gần nhất (tại thời điểm viết bài là Futures contract SEP 2020), và các hợp đồng các tháng tiếp theo (Hiện tại, là đến hợp đồng Tháng 2-2031).

Bieu do gia dau

Biểu đồ giá dầu WTI (CL) (Nguồn: Internet)

  • Các nguồn mở như dailyfx.com (biểu đồ do IG cung cấp), investing.com, oilprice.com (rất nhiều biểu đồ giá dầu trên thế giới, không chỉ riêng Brent và WTI).

Liệu giá dầu có bị âm không?

Giá dầu không thể bị âm. Chỉ có giá dầu hợp đồng Futures/ Kỳ hạn có thể bị âm mà thôi. Vào ngày 20 tháng 4 năm 2020, thị trường tài chính hỗn loạn khi hợp đồng Futures tháng 5 của WTI đóng cửa ở mức – 37,63 USD/ thùng trong khi hợp đồng tháng 6 đóng cửa ở mức dương 20,43 đô la / thùng. Sau đó giá Futures T5 của WTI tăng lại lên 1,1 USD/thùng, trong khi đó Brent tháng 6 là 25,61 USD/thùng.

Giá dầu thô

Giá dầu thô (Nguồn: BloomBerg)

Giá dầu âm đồng nghĩa là người bán phải trả tiền cho người mua. Vậy nguyên nhân tại đâu? Có 2 yếu tố làm giảm nhu cầu, với các vấn đề về lưu trữ và hợp đồng tháng 5 hết hạn vào ngày hôm sau dẫn đến giao dịch giảm:

  • Đại dịch Covid-19
  • Cuộc chiến giá dầu nội bộ OPEC+: giữa Nga và Saudi Arabia

Phía nhà sản xuất dầu thì có 2 lựa chọn khi ngày giao hàng cho hợp đồng Futures đang cận kề là ngưng sản xuất hoặc tìm kho bãi để trữ dầu khi giá dầu qua thấp, hoặc là bán lỗ để bên mua nhận và lưu trữ dầu. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại trước bối cảnh mọi hoạt động ngưng trệ do đại dịch, không có hoạt động sản xuất thì kho bãi cũng đầy, và chi phí vận chuyển trở nên đắt đỏ. Đồng thời, việc ngừng sản xuất càng đắt hơn. Do đó, trả thêm tiền cho người mua nhận hàng vẫn là lựa chọn “có tính kinh tế” hơn.

Về phía người mua đã mua hợp đồng Futures trước đó chỉ có 2 lựa chọn nhận dầu – tìm vận chuyển, kho bãi, hay là bán lỗ lại hợp đồng. Với bối cảnh kinh tế lúc đó, gần như không ai có ý định nhận dầu sau khi mua hợp đồng Futures, nên chỉ có 1 lựa chọn duy nhất là bán lại hợp đồng Futures tháng 5 khi ngày expiration date đến.   

Dưới áp lực đó, lần đầu tiên, việc giảm giao dịch đã đóng cửa cơ chế Trading at Setllement (TAS) của hợp đồng WTI T5/2020 30 phút trước khi kết thúc giao dịch do thiếu người mua. Việc TAS ngừng hoạt động báo hiệu cho những người tham gia thị trường rằng tất cả các hợp đồng WTI mở tháng 5 năm 2020 còn lại phải được bán trên thị trường mở trong 20 phút tới.

Tốc độ bán hợp đồng và thời điểm hết hạn hợp đồng gần kề khiến các nhà kinh doanh dầu vật chất lớn, những người có thể đã vận chuyển và tích trữ dầu ở nơi khác với mức giá đủ thấp, không thể mua hợp đồng do hoạt động kịp thời do rủi ro quản lý và các giới hạn vị trí địa lý. Bất kỳ trader nào còn lại, những người sẵn sàng mua các hợp đồng, lúc này đều có được sức mạnh thị trường và đẩy giá xuống vùng tiêu cực. 

Hướng dẫn đọc biểu đồ giá dầu nhanh

Đối với trader, biểu đồ giá chính là trung tâm của mọi hành động. Đọc được biểu đồ giá là kỹ năng cơ bản đầu tiên để tiếp cận với thế giới đầu tư. Hướng dẫn dưới giúp bạn đọc nhanh biểu đồ giá dầu trước khi bắt đầu trading. Đơn giản nếu bạn đã quen với biểu đồ Forex hay vàng, thì biểu đồ giá dầu không có gì khác biệt.

Khung thời gian

Có 3 khung thời gian chính để xem xét biểu đồ giá dầu:

  • Khung thời gian ngắn (m: minute – phút): 1m, 3m, 5m, 15m, 30m, 45m – Đặc biệt, khung 1m va 3m cho thấy sự thay đổi tức thời của giá dầu
  • Khung thời gian trung bình (h: hour – giờ): 1h, 2h, 3h, 4h – thường dùng để xem xét xu hướng giá dầu trong thời gian ngắn sắp tới
  • Khung thời gian dài (d: day – ngày, w: week – tuần, m: month – tháng): 1d, 1w, 1m – cung cấp cái nhìn toàn diện và dài hạn hơn về xu hướng chung

Thông trường, lựa chọn trade trên  khung thời gian nào sẽ phụ thuộc vào phong cách đầu tư của bạn: scalping, day trading, swing trading hay position trading. Tuy nhiên, dù theo phong cách nào, việc phân tích dựa trên đa khung thời gian là 1 kỹ năng rất quan trọng để trading thành công.

Biểu thị giá

Điều khoản hợp đồng giao dịch dầu thường sẽ như bên dưới:

  • Giá theo: thùng (barrel)
  • Quy mô lot giao dịch: 1,000 thùng
  • Kích thước lệnh nhỏ nhất thường là: 0.01 lot
  • Biến động giá thấp nhất (pips): 0.01
  • Giá trị 1 Tick: 10USD

Thông thường, biểu đồ giá dầu cũng tương tự như các biểu đồ khác, biểu thị dưới các hình thức sau:

  • Biểu đồ nến Nhật: Phù hợp nhất với tất cả các tài sản, bao gồm dầu thô;
  • Biểu đồ bar chart truyền thống;
  • Biểu đồ dải;
  • Biểu đồ đường;
  • Renko;
  • Point Figure;

Biểu đồ theo nến Nhật

Công cụ phân tích biểu đồ

Thế giới công cụ và mô hình chart sử dụng trong phân tích biểu đồ vô cùng phong phú. Có thể nói, không ai có thể am hiểu hết tất cả. Tuy nhiên, cũng không nên chỉ biết 1 hoặc 2 công cụ. Lí do, vì các công cụ phân tích kỹ thuật không phải bao giờ cũng đưa ra các tín hiệu chuẩn xác.

Thông thường, trader hay sử dụng nhiều công cụ để đưa ra tín hiệu và xác định thành công trước khi thực hiện lệnh. Các công cụ phổ biến (và bạn có thể sử dụng cùng với nhau), nhưng không giới hạn ở danh sách dưới, gồm:

Ngoài các xu hướng và các khu vực hỗ trợ và kháng cự, biểu đồ giá dầu cũng có thể cho phép các nhà đầu tư phát hiện ra những mô hình giá kỹ thuật cụ thể trên thị trường. Các mô hình phân tích kỹ thuật được sử dụng rộng rãi nhất là các mô hình: cốc và tay cầm, đầu và vai, nêm, hình tam giác và cờ.

Kết hợp phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật khi trade biểu đồ giá dầu

Các oil trader chuyên nghiệp thường tuân theo một chiến lược. Họ sẽ tìm hiểu các yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến giá dầu, phân tích biểu đồ giá để xem động lượng thị trường, và sử dụng chiến lược giao dịch phù hợp với phong cách giao dịch của mình. Mỗi chiến lược giao dịch là khác nhau, trong đó, quản lý rủi ro là một thành phần quan trọng để giao dịch nhất quán, đảm bảo sử dụng đòn bẩy hiệu quả và tránh những sai lầm giao dịch là ưu tiên hàng đầu.

Một chiến lược trading dầu thô toàn diện gồm đầy đủ 3 phần:

Một khi trader hiểu các yếu tố cung và cầu cơ bản ảnh hưởng đến giá dầu, họ có thể tìm kiếm các điểm vào lệnh bằng cách sử dụng phân tích kỹ thuật. Sau đó, khi tín hiệu mua hoặc bán đã được xác định bằng phân tích kỹ thuật, họ bắt đầu thực hiện các kỹ thuật quản lý rủi ro thích hợp.

Phân tích cơ bản khi trade dầu thô

Phân tích cơ bản chính là phân tích các yếu tố góp phần vào cung và cầu của hợp đồng tương lai giá dầu.

Ví dụ, trader có thể xem xét mức tồn kho Dầu Thô, đặt trong bối cảnh chính hiện tại để đặt giả định việc liệu nguồn cung sẽ tăng hay giảm trong tương lai, từ đó làm động lực khiến giá dầu thô tăng hoặc giảm trong thời gian tới. Nếu sau khi phân tích cơ bản từ báo cáo hàng tồn kho, dự đoán giá sẽ tăng cao, trader có thể chọn mua dầu ngay bây giờ.

Ví dụ thì đơn giản, nhưng thực tế có nhiều yếu tố sẽ làm tăng cung và cầu đối với thị trường. Các yếu tố này rất phức tạp, có mối quan hệ với nhau và ảnh hưởng của chúng đến giá cả có thể thay đổi theo thời gian. Cần phải có một mô hình và phân tích chi tiết để tạo ra một bức tranh cơ bản hoàn chỉnh về thị trường.

Cung và cầu thường phản ứng chậm vì dù là bên cung hay cầu, mỗi 1 nhà kinh doanh dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ đều có một chiến lược bảo vệ khỏi những cú sốc đối với thị trường. Những cú sốc này có thể đến từ các sự kiện như thiên tai, các vấn đề về chuỗi cung ứng hoặc cuộc chiến tranh giữa các ông lớn trên thị trường.

Ví dụ, nếu một thiên tai và một cảng chính để bốc dỡ dầu thô bị hư hỏng khiến tàu không thể bốc dỡ hàng hóa, tạo ra một sự sụt giảm bất ngờ trong nguồn cung, gây tăng giá. Và dĩ nhiên, điều đó đã không được dự báo hoặc dự đoán trong mô hình cung cầu.

Phân tích kỹ thuật khi trade dầu thô

Phân tích kỹ thuật sử dụng các mẫu trên biểu đồ do giá tạo ra để xác định xu hướng thị trường đang di chuyển. Sự chuyển động của giá được theo dõi trên biểu đồ với nhiều chỉ báo hoặc mô hình khác nhau để giúp xác định nơi giá sẽ di chuyển tiếp theo. Phân tích kỹ thuật “vẽ” giá trên biểu đồ để giúp minh họa giá đang ở đâu và có thể di chuyển như thế nào trong tương lai.

Các khu vực phổ biến mà các trader quan tâm trên biểu đồ là cung  trên thị trường và mức kháng cự – hỗ trợ. Cung và kháng cự – hỗ trợ có thể được chỉ ra bởi nhiều dấu hiệu, chẳng hạn như đường trung bình động, mức cao và mức thấp trước đó và mức giá trước đó mà giá không thể di chuyển trên hoặc dưới.

Một điều quan trọng cần nhớ về phân tích kỹ thuật là các biểu đồ khung giá khác nhau cần cho 1 tín hiệu giống nhau, cho dù đó là biểu đồ M5 cho giao dịch trong ngày hay biểu đồ hàng ngày, hàng tuần hoặc hàng tháng cho giao dịch dài hạn. Khi bạn đã hiểu rõ về các tín hiệu và mẫu biểu đồ, bạn có thể sử dụng chúng để giao dịch dầu trong các khung thời gian khác nhau.

Kết hợp như thế nào là hợp lý?

Ví dụ này cho bạn thấy phân tích cơ bản và kỹ thuật hoạt động như thế nào trong thị trường dầu thô.

  • Phân tích kỹ thuật có thể chỉ rằng có một ngưỡng kháng cự mạnh ở mức 100 USD/thùng dầu, bởi vì mỗi khi giá đạt đến mức đó thì kéo theo đó là một đợt giảm giá. Giá đã không thể di chuyển qua mốc 100 USD bởi vì người mua không thể có đủ nhu cầu để mua ở mức giá đó, và cũng như giá không thể vượt cao hơn đủ để người bán cầm hàng.
  • Trader theo phân tích cơ bản có thể đã nghiên cứu chi phí sản xuất của các nhà sản xuất khác nhau và nhận ra rằng. Dưới mức 100 USD/thùng, có nhiều giếng dầu với chi phí cao không được khai thác, nhưng ở mức khoảng 100 đô la /thùng, nhiều nhà sản xuất dầu sẽ tiến hành khai thác các giếng dầu này dù với chi phí sản xuất cao hơn bình thường. Do đó, làm tăng nguồn cung và giảm giá.
  • Dầu thô có nhiều loại chi phí khai thác, một số giếng có thể có chi phí hiệu quả dưới 40 đô la và những giếng khác có thể không hiệu quả cho đến khi Dầu thô đạt 60 đô la hoặc cao hơn. Lý do là vì không phải tất cả dầu đều được khai thác từ cùng một địa chất, từ giếng sâu dưới đáy biển đến sản xuất dầu đá phiến, mỗi loại có chi phí thăm dò và khai thác khác nhau.

Như vậy, Khi nhìn vào cung và cầu trong tương lai, phân tích kỹ thuật và phân tích cơ bản được kết hợp nhiều lần để cung cấp cho nhà giao dịch một cái nhìn toàn cảnh hơn về thị trường:

  • Có nhiều trader sẽ xây dựng các mô hình định giá và sau đó xem biểu đồ để xác nhận các giả định của họ hoặc tinh chỉnh các mục nhập và thoát lệnh.
  • Cũng có nhiều trader xem xét biểu đồ, sau đó rà soát các nguyên tắc cơ bản để xem liệu cung và cầu trong tương lai có đủ khả năng di chuyển giá bức qua ngưỡng hỗ trợ hoặc kháng cự hoặc tạo ra tình huống cung hoặc cầu mạnh tạo xu hướng trong một thời gian dài hay không. Có một số cú sốc đối với thị trường có tác động cung và cầu có thể kéo dài hàng tháng hoặc hàng năm.

Lưu ý là các thị trường không bao giờ riêng lẻ, mà luôn liên kết với nhau. Nhiều khi một nhà giao dịch sẽ cần xem xét nhiều thị trường để xây dựng một bức tranh hoàn chỉnh về những gì họ đang giao dịch. Nhiều trader sẽ mô hình hóa mối quan hệ giữa hai thị trường và cố gắng hiểu cung và cầu ở một thị trường này có thể ảnh hưởng như thế nào đến cung và cầu ở thị trường khác.

Quản lý rủi ro khi trade dầu như thế nào?

Phải nhấn mạnh rằng, quản lý rủi ro quan trọng và tương đối đòi hỏi cùng 1 kỹ năng và kiến thức nhất định cho mọi hình thức đầu tư, từ chứng khoán, ngoại hối, vàng, cho đến dầu thô. Với đầu tư trên biểu đồ giá dầu, trader có thể tìm cách đặt mức chốt lời trên mức cao gần đây và đặt mức cắt lỗ ở mức thấp gần đây.

Ngoài cách đặt chốt lời lỗ dựa trên mức cao, mức thấp, kháng cự, hay hỗ trợ, trader cũng nên cân nhắc sử dụng tỷ lệ Risk:Reward (Rủi ro: Lợi nhuận). Chúng tôi đã nghiên cứu hàng triệu giao dịch trực tiếp trên nhiều thị trường khác nhau và phát hiện ra rằng, đạt được tỷ lệ RR dương là yếu tố chính để tạo ra giao dịch nhất quán và lợi nhuận bền vững cho trader. Ngoài ra, các trader chuyên nghiệp cũng khuyên bạn CHỈ nên mạo hiểm dưới 5% vốn cho tất cả các giao dịch đang mở.

Chúc bạn trade biểu đồ giá dầu thành công!

VnRebates – Hoàn tiền mọi giao dịch tài chính

Nguồn: sưu tầm

👉 Cập nhật Phương pháp trading mới và hiệu quả nhất trên thế giới bằng 4 Khóa học video miễn phí
Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.