Học đầu tư Forex nâng cao

Day Trading: 5 lý do bạn không nên lựa chọn

Day Trading, hay Giao dịch trong ngày là một chiến lược giao dịch khá phổ biến đối với các đầu tư cá nhân. Thế nhưng, không phải nhà giao dịch nào cũng có nhận thức đầy đủ về những rủi ro tiềm ẩn của chiến lược này.

👉 Cập nhật Phương pháp trading mới và hiệu quả nhất trên thế giới bằng 4 Khóa học video miễn phí

Việc thực hiện chiến lược Giao dịch trong ngày giúp các Trader có cơ hội ra vào lệnh liên tục với nhiều tín hiệu từ các khung thời gian nhỏ. Cùng với đó là những khoản lợi nhuận đến ngay thay vì phải chờ đợi nhiều ngày cho từng giao dịch.

Tuy nhiên, Day Trading là một chiến lược ẩn chứa rủi ro nhiều như những cơ hội mà nó mang lại. Chiến lược này hoàn toàn không phù hợp với các Trader mới, thậm chí là cả các Trader có kinh nghiệm lâu năm cũng phải dè chừng.

Bài viết dưới đây sẽ tập trung chia sẻ về bản chất và những góc khuất mà không phải ai cũng thấy được của chiến lược Day Trading, với hy vọng cung cấp cho các nhà giao dịch những lý do để họ hiểu rằng giao dịch trong ngày có thể là con đường dẫn đến thảm họa đối với hầu hết những nhà giao dịch thiếu kinh nghiệm và kiến thức.

Bài viết được VnRebates  dịch lại dựa theo chia sẻ của tác giả Nial Fuller – nhà giao dịch chuyên nghiệp, tác giả và huấn luyện viên nổi tiếng.

 

1. Vẻ bề ngoài đầy cám dỗ của Day – Trader

Day – Trader, hay Nhà giao dịch trong ngày, là những nhà giao dịch theo trường phái Day Trading, họ giao dịch trên các biểu đồ nhỏ hơn khung ngày, và thường không giữ các lệnh của mình quá một ngày.

Khi bạn nói bạn là một nhà giao dịch hay một nhà đầu cơ tài chính, có vẻ mọi người xung quanh thường có ấn tượng rằng bạn là một người giao dịch trong ngày, luôn ngồi trước máy tính và thực hiện hàng chục lệnh giao dịch mỗi ngày. Họ không biết rằng giao dịch có rất nhiều trường phái, và giao dịch trong ngày chỉ là một trong số đó.

Tuy nhiên, chính sự ấn tượng mặc định đó của người khác khiến cho hình ảnh của một nhà giao dịch trong ngày trở nên uy tín hơn.

Khi bạn nói với mọi người rằng bạn là một nhà giao dịch trong ngày, mọi người có lẽ sẽ hình dung ra ngay công việc của bạn.

Mặt khác, nếu bạn nói với họ rằng bạn là một nhà giao dịch dài hạn, một tuần hoặc một tháng bạn chỉ thực hiện 5-7 lệnh giao dịch… thì điều đó nghe có vẻ kém hấp dẫn hơn nhiều, rất có thể mọi người còn cho rằng bạn không phải là một nhà giao dịch thực thụ.

Hình ảnh một nhà giao dịch trong ngày đã hấp dẫn những nhà giao dịch mới bước chân vào thị trường bằng cách đó. Họ muốn được mọi người nhìn nhận như một nhà giao dịch thực thụ – một công việc hấp dẫn và giàu có, trong khi mọi người chẳng biết thực tế công việc này khắc nghiệt ra sao.

day trading

                                     Các nhà giao dịch thường bị vẻ ngoài của Day Trading cám dỗ (ảnh minh họa)

Vậy thực tế như thế nào? Đó là hình ảnh một anh chàng vừa thức đến 4 giờ sáng để giao dịch nốt phiên cuối cùng trong ngày. Và giờ đây anh ta lại đang cố thức dậy vào 6 giờ để kịp cho phiên giao dịch của ngày mới.

Anh ta đang cố gắng để có thể trở nên giàu có như hình ảnh mà người khác nghĩ, vì thế anh ấy dán mắt vào biểu đồ để không bỏ qua bất cứ một cơ hội kiếm lợi nhuận nào từ thị trường.

Rõ ràng đó không phải là một cách giao dịch lành mạnh, và càng không phải một cách lành mạnh để học giao dịch cho các Trader mới.

2. Sai lầm khi tiếp cận thị trường từ phần ngọn

Day Trading là một chiến lược mà có lẽ chỉ nên dành cho các nhà giao dịch dày dặn kinh nghiệm, hiểu rõ thị trường. Tuy nhiên ngoài thị trường có rất nhiều các tổ chức, các “chuyên gia” đang quảng cáo rầm rộ chiến lược này hướng đến đối tượng là các nhà giao dịch mới, với lời hứa hẹn về những khoản lợi nhuận khổng lồ chỉ sau thời gian ngắn.

Hãy tưởng tượng khi bạn xây một ngôi nhà, chắc chắn là bạn cần phải xây phần móng trước. Móng càng vững chắc thì mới xây được ngôi nhà càng cao. Dần dần khi hoàn tất ngôi nhà, chúng ta mới đi đến phần trang trí, nội thất,…

Áp dụng lý thuyết đó đối với giao dịch, bạn cần phải hiểu cách hoạt động và hành động giá của các khung thời gian lớn trước khi thử học và giao dịch ở các khung thời gian thấp hơn. Khung thời gian lớn cũng như phần móng của ngôi nhà, bạn cần nắm vững về nó mới có thể triển khai đến các khung nhỏ hơn được.

Thế nhưng các nhà giao dịch mới lại bị cám dỗ bởi những lời mời chào mà chúng ta vừa nói đến, họ bước những bước đầu tiên vào thị trường với chiến lược Day Trading, giao dịch ở những khung thời gian rất nhỏ với biến động từng giây. Đó quả thật là một sai lầm tai hại khi tiếp cận với thị trường từ phần ngọn.

3. Hầu hết các nhà môi giới đều thích Day Trading

Không phải tất cả, nhưng hầu hết các nhà môi giới đều thích khách hàng của họ giao dịch trong ngày. Điều này rất dễ hiểu: giao dịch trong ngày thì thực hiện nhiều lệnh hơn, và nhiều lệnh hơn có nghĩa là nhiều hoa hồng hơn cho họ.

Nếu để ý, bạn cũng có thể thấy các trang môi giới và các nhà môi giới ít khi nhắc đến rủi ro của chiến lược Day Trading, họ chỉ hay nói về những khoản lợi nhuận mà nó có thể đem lại để thu hút Trader.

Đáng buồn là các nhà giao dịch khi bước chân vào thị trường đều phải thông qua các nhà môi giới như vậy, không theo cách này thì theo cách khác. Vì vậy, họ thường bị thu hút vào những chiến lược giao dịch với phương châm thực hiện càng nhiều lệnh càng tốt.

nhà môi giới thích Day trading

                                                 Đa số các nhà môi giới đều thích Day Trading (ảnh minh họa)

Tuy nhiên, điều đáng mừng là không phải tất cả các nhà môi giới đều như vậy. Cũng có những nhà môi giới luôn đề cao lợi ích cho khách hàng của họ. Đổi lại, học có được sự đồng hành lâu dài của nhà giao dịch. Hoặc đôi khi có những nhà môi giới hành động như vậy chỉ đơn giản bằng cái tâm của mình.

Vậy vấn đề của bạn là phải chọn được cho mình một nhà môi giới cũng như sàn giao dịch một cách khôn ngoan, một người nghĩ cho lợi ích của bạn và có thể đồng hành cùng bạn, giúp bạn xử lý các vấn đề phát sinh.

4. Những người “săn Stop loss” thích các nhà giao dịch trong ngày.

Các nhà giao dịch trong ngày hiển nhiên có các điểm cắt lỗ (stop loss) gần với điểm vào lệnh, vì họ thường giao dịch trong các khung thời gian nhỏ và mức lợi nhuận kỳ vọng cũng không quá xa.

Các “ông lớn” và các nhà giao dịch theo tổ chức thường thích điều đó, vì họ sẽ có nhiều điểm dừng lỗ để “săn”.

Việc có quá nhiều lệnh giao dịch trong ngày có nghĩa là bạn cũng sẽ có rất nhiều lệnh thua do cắn stop loss. Thật ra, đôi khi điều đó không hẳn là do bạn nhận định sai về thị trường.

Các nhà giao dịch là các tổ chức tài chính lớn đôi khi có quyền truy cập thông tin về dòng lệnh, bao gồm điểm stop loss và take profit, hoặc đơn giản, với kinh nghiệm từ các chuyên gia tài chính, họ có thể nhìn ra điểm cắt lỗ mà các nhà giao dịch cá nhân có thể đặt.

Đồng thời, do stop loss của các nhà giao dịch trong ngày thường khá gần, nên bằng nguồn vốn lớn của mình, các tổ chức tài chính hoàn toàn có thể tác động một chút, đủ để giá thị trường chạm đến điểm dừng lỗ của bạn trước khi trở lại đúng theo xu hướng chung của thị trường.

Trên thực tế, có lẽ bạn cũng đã có đôi lần thấy rằng thị trường có xu hướng chạm vào điểm stop loss của bạn rồi quay trở lại đi theo đúng hướng mà bạn đã nhận định từ đầu. Vì vậy bạn cần hiểu rằng, càng tham gia nhiều giao dịch trong ngày thì bạn càng có nguy cơ trở thành con mồi của các ông lớn trên thị trường.

Mình sẽ minh họa rõ hơn về hành động “săn stop loss” trong ví dụ bên dưới.

Bạn đang giao dịch ở khung M15 cặp tiền USD/JPY. Tại điểm A bạn thấy một cây nến rút râu khá mạnh nên bạn quyết định mở một lệnh mua.

Bạn đặt stop loss tại điểm B, nằm dưới râu nến đó một chút, và kỳ vọng take profit tại điểm C, là đỉnh cũ trước đó.

Quan sát biểu đồ, ta thấy giá đã phản ứng với tín hiệu và đi lên, tuy nhiên chưa chạm được tới điểm chốt lời của bạn thì lại quay đầu về đến điểm B để quét toàn bộ stop loss của bạn cũng như của các nhà giao dịch khác có cùng ý tưởng với bạn. Đó chính là lúc các “thợ săn” hành động. Sau khi đã bắt được con mồi, họ rút khỏi thị trường, và giá lại quay ngược trở lại lên tới điểm C như kỳ vọng của bạn, chỉ là lệnh của bạn đã không còn.

 

bị săn stop loss trong day trading

                                                                               Minh họa giao dịch bị “săn” stop loss

 

Cuộc đi săn kết thúc ở đây. Nhưng sẽ còn rất nhiều cuộc đi săn như vậy tiếp tục xảy ra nếu bạn vẫn cứ mải mê với quá nhiều lệnh giao dịch mỗi ngày cùng chiến lược Day Trading của mình.

Vậy làm cách nào để tránh trở thành “con mồi”

Câu trả lời rất đơn giản, hãy giao dịch ở khung thời gian lớn hơn. Bạn sẽ có những thiết lập stoploss xa hơn. Khi đó không có một tổ chức nào có thể thao túng thị trường hàng nghìn tỉ đô này và tạo ra được những biến động đủ lớn để “săn” được stoploss của bạn – trừ khi xu hướng thị trường thật sự đổi chiều.

Cùng xem xét kỹ hơn ở biểu đồ USD/JPY khung ngày bên dưới.

Bạn vào một lệnh ở  điểm A1, A2, hay A3 khi thấy có tín hiệu mua. Trường hợp này nếu bạn đặt stop loss cho mỗi lệnh ở dưới râu nến, lệnh của bạn sẽ được an toàn vì giá tiếp tục đi lên theo đúng xu hướng của nó, dù cho có một vài biến động xảy ra nhưng giá không thể chạm tới stop loss của bạn khi mà xu hướng tăng vẫn còn tiếp diễn.

tránh trở thánh con mồi vì sử dụng day trading

                                    Giao dịch khung thời gian lớn hơn có thể giúp bạn tránh trở thành con mồi

5. Nhiễu thị trường là một điểm vô cùng bất lợi trong các khung thời gian ngắn

Ngày nay, sự ra đời của giao dịch thuật toán với khối lượng và tần suất lớn khiến cho các biểu đồ khung thời gian nhỏ chứa đầy các tín hiệu sai và nhiễu. Các nhà giao dịch nhỏ lẻ đang gặp rất nhiều khó khăn để kiếm được lợi nhuận trên thị trường so với khi giao dịch thuật toán chưa xuất hiện.

Những nhà giao dịch thuật toán có một lợi thế không công bằng với chúng ta, đó là họ có thể thấy những dữ liệu mà chúng ta có thể thấy nhưng sớm hơn rất nhiều, với sự hỗ trợ của các thuật toán cao cấp.

Điều đó thật sự đã thay đổi bản chất của các biểu đồ trong ngày, khiến chúng trở nên biến động khó lường, làm cho chúng ta khó có thể đọc được biểu đồ một cách chính xác.

Cùng xem ví dụ dưới đây:

Đây là một biểu đồ 5 phút, trong đoạn này giá chỉ dao động khoảng 15 pip nhưng diễn biến rất lộn xộn và khó giao dịch. Bạn có thể thấy có rất nhiều tín hiệu giả được tạo ra. Và nếu vẫn cố giao dịch trên biểu đồ này, tài khoản của bạn sẽ bị cắt thành từng mảnh một cách rất nhanh chóng.

biểu đồ nhiều tín hiệu nhiễu trong day trading

Vậy phương án là gì? Cũng giống như trường hợp bị săn stop loss, lúc này bạn nên chuyển sang các khung thời gian lớn hơn để giao dịch. Và sẽ càng tối ưu hơn nếu bạn có thể phân tích nhiều khung thời gian cùng lúc để giảm tối đa các tín hiệu bị nhiễu.

6. Lời kết

Hy vọng những chia sẻ vừa rồi đã giúp bạn có cái nhìn đầy đủ và khách quan hơn về chiến lược giao dịch Day Trading, từ đó đưa ra những lựa chọn chính xác cho chiến lược giao dịch của mình.

VnRebates khuyên bạn nên chọn cho mình một chiến lược an toàn, ít nhất là cho đến khi tích lũy đủ kinh nghiệm và trải qua tất cả các giai đoạn biến động của thị trường. Bên cạnh đó, đừng quên trau dồi kiến thức hàng ngày, vì kiến thức là hành trang vô cùng quan trọng giúp bạn tồn tại và đứng vững được trên thị trường này.

Chúc bạn giao dịch an toàn và hiệu quả!

Nguồn Nial Fuller

Tổng hợp bởi VnRebates.net