Học đầu tư Forex nâng cao

Giao dịch quá mức – Sai lầm lớn nhất của một Trader

Nhiều nhà giao dịch đôi khi vô tình rơi vào trạng thái Giao dịch quá mức mà không nhận thức được sự nguy hiểm của nó. Liệu bạn có phải một trong số đó? Hãy cùng VnRebates tìm hiểu để tự bảo vệ bản thân mình trước cạm bẫy này của thị trường nhé.

👉 Cập nhật Phương pháp trading mới và hiệu quả nhất trên thế giới bằng 4 Khóa học video miễn phí

Giao dịch quá mức (Over Trading) có lẽ là sai lầm lớn nhất mà các Trader thường mắc phải. Đó là quan điểm của Nial Fuller – một nhà giao dịch – huấn luyện viên chuyên nghiệp ở Australia.

Fuller được biết đến như một bậc thầy về Price Action cùng những bài học vô cùng hữu ích từ website learntotradethemarket.com của anh.

Trong bài viết hôm nay, Vnrebates xin được dịch lại và gửi tới các bạn một bài chia sẻ của tác giả Nial Fuller về vấn đề Giao dịch quá mức, cũng như những lời khuyên hữu ích của anh giúp các nhà giao dịch vượt qua được vấn đề tâm lý cực kỳ tai hại này.

1. Làm thế nào để nhận biết bạn đang Giao dịch quá mức?

Nếu bạn không biết mình có đang giao dịch quá mức hay không, thì câu trả lời rất có thể là có. Trên thực tế, hầu hết các nhà giao dịch bị rơi vào cạm bẫy giao dịch quá mức vì họ không nhận thức được về sự tồn tại của nó. Cạm bẫy này thường có nhiều cách khiến cho các Trader mắc phải trong khi họ không hề biết rằng họ đang làm điều đó.

Ví dụ, bạn đang học về biểu đồ hàng ngày, bạn cam kết tập trung và nắm vững nó. Thế nhưng bạn có thấy rằng, bạn có xu hướng nhìn vào các biểu đồ ở khung thời gian thấp hơn thay vì chỉ tập trung vào biểu đồ ngày? Đó chính là sự khởi đầu cho việc giao dịch quá mức.

Các nhà giao dịch theo trường phái Price Ation khi chưa thành thạo và kỷ luật ở khung thời gian ngày sẽ rất dễ Over Trading nếu cứ tập trung sang các khung thời gian thấp hơn.

Nguyên nhân là do các khung thời gian thấp hơn đem lại nhiều tín hiệu giao dịch hơn, các nhà giao dịch sẽ bị thu hút bởi các tín hiệu đó vì nó phù hợp với các thiết lập mà họ đang chờ đợi. Họ sẽ giao dịch thêm những lệnh mà lẽ ra họ đã không thực hiện nếu chỉ theo dõi biểu đồ ngày.

Xem thêm: Khung thời gian giao dịch nào là tốt nhất.

Một ví dụ khác: bạn có thường vào thêm các lệnh giao dịch khi thấy các lệnh hiện tại của mình đang có lãi? Trong tình huống này, bạn đang hào hứng với chiến thắng mình vừa có được, nên bạn đưa ra các quyết định giao dịch tiếp theo một cách vội vã mà không cân nhắc kỹ rằng liệu tín những tín hiệu này có thực sự đáng tin cậy.

Ngoài hai trường hợp trên, còn có nhiều tình huống khác có thể đưa các nhà giao dịch vào trạng thái giao dịch quá mức. Vấn đề chính là nhiều nhà giao dịch không hề biết rằng họ đang giao dịch quá mức. Họ cứ ngồi đó quan sát biểu đồ, bị thu hút vào những thiết lập giao dịch kém hoàn hảo mà quên đi kế hoạch giao dịch của mình.

giao dịch quá mức

Bạn có đang giao dịch quá mức? (Ảnh minh họa)

Các tình huống như vậy thường xuất phát từ cảm xúc trong giao dịch, vì vậy bạn khó có thể phát hiện ra chúng. Để chiến đấu với những kẻ thù này, bạn cần có sự chuẩn bị trước, bằng cách lập ra kế hoạch và chiến lược giao dịch. Bạn cũng cần có kỉ luật, cam kết thực hiện đúng các chiến lược của mình trong mọi trường hợp.

2. Thời điểm tốt nhất để ngừng giao dịch quá mức là trước khi bạn bắt đầu

 

Như chúng ta vừa thảo luận, bạn khó có thể nhận ra mình đang giao dịch quá mức khi bạn đang ở trong thị trường. Vì vậy, để không rơi vào tình trạng này thì cách tốt nhất là bạn phải lập kế hoạch giao dịch cho mình trước khi bắt đầu.

Chúng ta có thể ví giao dịch giống như một loại chiến tranh. Nó không phải cuộc chiến giữa bạn với thị trường, mà là cuộc chiến bên trong bản thân bạn. Một bên là quyết định kết thúc khi đạt được mục tiêu, với kẻ địch là cơ chế cảm xúc của não bộ – thứ sẽ ngăn cản bạn dừng lại.

Bạn biết đấy, việc thắng lại cơ chế của bộ não là điều vô cùng khó khăn, đặc biệt là khi bạn đang trong thị trường với nhiều yếu tố khác thúc đẩy bạn tiếp tục giao dịch. Vậy nên cách tốt nhất là chuẩn bị một kế hoạch từ trước thay vì đưa ra quyết định khi đã ở trong thị trường.

Khi đã có cho mình một kế hoạch hay chiến lược giao dịch, bạn cần cam kết thực hiện nó ngay từ đầu, và không phá vỡ kế hoạch trong bất cứ trường hợp nào. Việc đó là cần thiết để phát triển được thói quen giao dịch đúng đắn và khách quan thay vì giao dịch theo cảm tính.

Giao dịch trên thị trường Forex, hay bất cứ thị trường tài chính nào khác tạo ra cảm xúc một cách tự nhiên và khó kiểm soát, vì vậy nếu không có một kế hoạch ngay từ đầu, gần như chắc chắn rằng bạn sẽ giao dịch quá mức.

lập kế hoạch giao dịch để tránh giao dịch quá mức

Hãy lập cho mình một kế hoạch giao dịch và cam kết thực hiện nó

3. Giao dịch như một tay bắn tỉa

Một tay bắn tỉa là người biết sử dụng những viên đạn của mình một cách đúng lúc, đúng chỗ và đem lại hiệu quả cao nhất với số lượng đạn bắn ra là ít nhất.

Khi bạn giao dịch quá mức, rõ ràng là bạn đang không giống như một tay bắn tỉa, mà chỉ là một xạ thủ giao dịch bằng cách “bắn” các lệnh vào thị trường nhiều hơn cần thiết, thậm chí đôi khi bạn bắn vào bất cứ mục tiêu nào mà bạn cho là một tín hiệu giao dịch dù nó chưa đủ xác nhận.

Hay kể cả khi bạn có cho mình một chiến lược giao dịch đã được chứng minh là có hiệu quả, nhưng nếu bạn không thành thạo nó thì bạn cũng không thể giao dịch như một tay bắn tỉa.

Nếu bạn không hiểu rõ chiến lược của mình, thì bạn không có cách nào lựa chọn ra được những tín hiệu tốt nhất làm mục tiêu. Bạn không biết chính xác mình cần tìm những gì, nên bạn vẫn giao dịch như một xạ thủ thông thường – bắn vào tất cả các tín hiệu mà bạn cho là có thể giao dịch. Kết quả, bạn sẽ rơi vào trạng thái giao dịch quá mức.

Chúng ta đến với ví dụ sau đây:

vi du giao dich qua muc

  • Ở thời điểm số 1, chúng ta có thể thấy mô hình nến Inside Bar hình thành ở ngay vùng hỗ trợ. Đây có thể coi là một tín hiệu mua đáng tin cậy với tỉ lệ lợi nhuận rủi ro tốt.
  • Thời điểm thứ 2, một cây Pinbar hình thành cũng ở vùng hỗ trợ mà ta vừa nói đến. Nó tiếp tục được coi là một tín hiệu mua đáng tin.
  • Tại thời điểm số 3, có một cây Pinbar giảm giá xuất hiện, có vẻ như cung cấp một tín hiệu bán phù hợp với lực đi xuống vừa trước đó. Tuy nhiên nếu vào một lệnh bán ở đây, tỉ lệ lợi nhuận rủi ro là rất xấu với điểm stoploss ở khá xa, và cũng rất rủi ro khi nó ở rất gần ngưỡng hỗ trợ.
  • Thời điểm thứ 4, một cây pinbar tăng giá tiếp tục xuất hiện tại vùng hỗ trợ cũ. Tín hiệu mua này đáng tin cậy với tỉ lệ lợi nhuận rủi ro tốt, tuy nhiên thiết lập này không chắc chắn bằng vị trí số 1 và 2 bởi trước đó đã có đà giảm phá vỡ ngưỡng hỗ trợ này.
  • Ở vị trí số 5, có 2 thanh Pinbar xuất hiện liên tiếp, có vẻ như đưa ra tín hiệu tăng giá. Tuy nhiên bạn có thể thấy 2 cây Pinbar này xuất hiện ở vùng giá lơ lửng, không có bất kỳ một tín hiệu nào khác xác nhận cho sự tăng giá. Cùng với đó là tỉ lệ lợi nhuận rủi ro là cực kỳ xấu nếu ta vào lệnh.

Bây giờ chúng ta đặt các tay bắn tỉa và các xạ thủ thông thường vào trong ví dụ này:

  • Đối với một Trader thông thường, rất có thể họ sẽ không bỏ qua bất kỳ tín hiệu nào trong số 5 thiết lập trên, bởi vì họ không có kế hoạch và không nắm vững chiến lược giao dịch. Đó chính là biểu hiện của giao dịch quá mức.
  • Nếu bạn là một tay bắn tỉa thì mọi chuyện lại khác. Bạn kiên nhẫn, chờ đợi các thiết lập có độ tin cậy cao nhất. Đồng thời bạn không vào quá nhiều lệnh vì bạn đã có một kế hoạch cụ thể. Như ví dụ trên, bạn sẽ chỉ giao dịch theo tín hiệu số 1 và số 2, cũng có thể thêm tín hiệu số 4, nhưng trước đó chắc chắn bạn đã cân nhắc kỹ lưỡng.

 

4. Đừng giao dịch nhiều cặp tiền tương đồng cùng lúc

Một lỗi khác mà các Trader giao dịch quá mức mắc phải, đó là cùng lúc giao dịch trên nhiều cặp tiền tương quan với nhau.

giao dịch quá mức với các cặp tiền tương quan

Đừng giao dịch cùng lúc các cặp tiền tương quan với nhau

Ví dụ, cặp EUR/USD với cặp GBP/USD về cơ bản là di chuyển tương tự như nhau vì chúng cùng phụ thuộc vào đồng USD. Vì vậy bạn cần lưu ý để không nhân đôi vị thế của mình khi vào lệnh trên cả hai cặp.

Ngay cả khi có tín hiệu và thiết lập giao dịch đáng tin cậy trên cả hai cặp, bạn chỉ nên sử dụng một. Bạn cần dùng kinh nghiệm và kỹ năng của mình để tìm ra thiết lập nào tốt hơn rồi lựa chọn thiết lập đó.

Nếu bạn quyết định giao dịch cả hai cặp này cùng lúc khiến cho việc giao dịch khi đó giống như sử dụng đòn bẩy giao dịch quá mức. Ở cả hai trường hợp, bạn đều đang gặp rủi ro vì sử dụng số tiền quá lớn so với tài khoản.

Nhiều nhà giao dịch nghĩ rằng khi giao dịch nhiều cặp tiền tức là họ đang phân tán rủi ro. Tuy nhiên trong trường hợp này họ đang nhân đôi rủi ro của mình, giống như việc họ giao dịch với một khối lượng gấp đôi. Bạn cần hiểu rằng bạn đang mắc hai lỗi nếu như sử dụng cách làm này: vừa giao dịch quá mức, vừa sử dụng đòn bẩy quá mức.

5. Càng ít càng hiệu quả

Nếu bạn thực sự muốn dừng giao dịch quá mức, bạn phải hiểu rằng giao dịch càng ít thì hiệu quả càng nhiều. Thế nhưng, trên thực tế các nhà giao dịch luôn có tâm lý ngược lại – càng nhiều càng tốt.

Các Trader có xu hướng nghĩ rằng giao dịch nhiều hơn, dùng nhiều chỉ báo hơn, nhiều giờ trước máy tính hơn,… sẽ tốt hơn.  Tuy nhiên đây chắc chắn là điều cần thay đổi nếu bạn muốn ngừng việc giao dịch quá mức.

xem biểu đồ quá nhiều dẫn đến giao dịch quá mức

Việc ngồi cả ngày trước máy tính không giúp bạn giao dịch hiệu quả hơn

Việc dành quá nhiều thời gian trước biểu đồ sẽ khiến bạn phân tích quá nhiều, dùng quá nhiều các chỉ báo để cố gắng tìm ra càng nhiều tín hiệu giao dịch càng tốt. Điều đó sẽ khiến mọi thứ rối tung và bạn sẽ giao dịch quá mức với các thiết lập không đáng tin cậy.

Có thể bạn cho rằng, khi mới bước chân vào thị trường, bạn cần nhiều thời gian cho thị trường để học hỏi, phân tích. Điều đó là đúng. Tuy nhiên thời gian đó chỉ nên dành cho việc học hỏi và lên cho mình một chiến lược đúng đắn, thay vì dùng toàn bộ cho việc tìm kiếm các thiết lập và vào lệnh liên tục.

Tất cả những gì bạn cần làm là học hỏi và tìm ra cho mình một chiến lược hiệu quả, rồi kiên trì thực hành nó để hình thành thói quen giao dịch kỷ luật và lành mạnh.

6. Bạn chỉ có thể kiểm soát bản thân, đừng cố kiểm soát thị trường

Bạn hãy dừng lại một chút, tự hỏi bản thân xem bạn có từng có ý định muốn kiểm soát thị trường hay không. Bạn có nghĩ rằng chiến lược của mình hiệu quả, các thiết lập của mình chắc chắn sẽ đúng và nghĩ rằng thị trường sẽ chạy theo kế hoạch của mình?

Nếu bạn nghĩ như vậy, bạn đang cố gắng kiểm soát thị trường và bạn sẽ thất bại rất nhanh chóng. Bạn không thể nào đoán trước được thị trường sẽ diễn biến ra sao, và tất nhiên càng không thể bắt thị trường chạy theo ý mình được.

Cho đến khi nào bạn nhận ra rằng thứ mà bạn có thể kiểm soát được là bản thân bạn chứ không phải thị trường, thì bạn mới có thể giao dịch một cách thoải mái và hiệu quả mà không lo rơi vào cạm bẫy giao dịch quá mức.

Hãy có cho mình một chiến lược, rồi kiên nhẫn chờ đợi đến khi các thiết lập phù hợp với giao dịch của mình và tự tin bước vào thị trường. Sau đó lại chờ đợi, hãy cứ làm như vậy một cách kiên nhẫn và kỷ luật, thành công sẽ đến với bạn.

7. Lời kết

Với những chia sẻ của tác giả Nial Fuller mà mình vừa có cơ hội mang đến với các bạn, hy vọng các bạn đã có những kinh nghiệm hữu ích về vấn đề giao dịch quá mức, cũng như biết cách để không rơi vào tình trạng này. Đừng quên học hỏi và bổ sung kiến thức thường xuyên cùng VnRebates để kiếm được lợi nhuận ổn định và lâu dài trên thị trường nhé.

Chúc bạn giao dịch an toàn và hiệu quả.

Nguồn Nial Fuller

Tổng hợp bởi VnRebates.net