VNREBATES

Trading là nghề gì? Trading bao gồm những loại hình sản phẩm gì?

08.07.2020, 15:18 7 phút đọc

Thử về nhà tuyên bố hùng hồn với bố mẹ “Cho con trăm triệu con làm trader nhe b…” – chưa kịp nói hết câu thì “Mày bị điên à?”

#banker_sharing

Trading – là 1 thuật ngữ bị biến tướng khá nhiều ở VN qua nhiều những scandal như đầu tư bitcoin, đầu tư fx theo tín hiệu, etc… Hơn hết, không thật sự nhiều người hiểu về trading từ gốc rễ nó là gì.

Trader, gọi thực tế hơn một chút, là con buôn. Ví dụ bạn đánh lô hàng Quảng Châu về bỏ sỉ ra chợ, bạn là Wholesale trader (buôn hàng sỉ). Mua từ các chợ sỉ về bỏ lẻ cho khách cá nhân, bạn là Retail Trader (buôn lẻ).

Đối với ngành tài chính cũng vậy, trading cũng phân ra 2 đối tượng riêng biệt là Institution (tổ chức) nhưng ngân hàng, trading firm, hedge fund, etc… – phần còn lại thường bị thịt khá nhiều là Retail (nhỏ lẻ) trader.

Trong bài sau mình sẽ viết rõ về sự khác biệt giữa trading trong bank, fund với retail trader. Bài này sẽ nói về cái nghề trading ở góc nhìn của nhóm các ông lớn trong ngành tài chính.

Trading Floor ở J.P Morgan

1.HÌNH THỨC TRADING TRÊN THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH?

Có 2 hình thức chính với trading, là proprietary trading và market making.

Proprietary trading (Proptrade) có lẽ là điều nhiều người thường hay nghĩ đến nhất khi nói về giao dịch tài chính. Nôm na đơn giản nhất, là bạn dùng mọi cách để mua/bán một sản phẩm để kiếm ra được lợi nhuận – bằng mọi cách. Cái này là hình thức trading các hedge fund, trading firm và investment bank toàn cầu sử dụng nhiều nhất để tìm kiếm lợi nhuận cho họ.

Tuy nhiên sau sự kiện 2008, để kiểm soát sự “biến tướng” với các sản phẩm phái sinh, thì các IB lớn đã bị cấm proptrade để tránh việc buôn bán qua lại lẫn nhau và tạo nên cuộc khủng hoảng khác tương tự như Lehman Brothers.Hình thức này hiện nay chỉ còn phổ biến nhất là với các hedge fund (quỹ phòng hộ), có thể áp dụng mọi chiến lược mọi kế hoạch mọi cách thứ để trade các sản phẩm tài chính hiệu quả nhất.

Market Making (tạo lập thị trường) là hình thức tìm người mua và người bán phù hợp cho 1 loại hình sản phẩm nào đó. Cái này hình dung dễ nhất là chợ, bán đấu giá, bán mấy món độc lạ chút. Bạn tìm được người muốn mua sản phẩm đó, sau đó bạn đi tìm nguồn cung cấp sản phẩm đó với giá X – đem về bán cho người đặt nó với giá cao hơn. Tiền chênh lệch là của bạn, cái này thì thường gặp theo kiểu thị trường về hàng hoá (commodity) là chủ yếu.

Agency Trading (giao dịch uỷ thác) trade trên sự tín nhiệm của người gửi tiền cho bạn, thường thì các quỹ trading sẽ là vai trò này. Họ trade điểm kiếm lợi nhuận cho khách hàng, hưởng mức phí hoa hồng, phí giao dịch, và tiền thưởng.

 

2. TRADING BAO GỒM NHỮNG LOẠI HÌNH SẢN PHẨM GÌ?

Gần như mọi thứ, chứng khoán (equity), trái phiếu (bonds), asset (tài sản như bất động sản), commodity (hàng hoá như dầu, vàng, bạc, đá quý, etc..), FX (tiền tệ giữa các nước) – và cuối cùng không thể thiếu món rất shady và cũng gây nhiều tranh cãi, đó là phái sinh.

Phần nhiều trên thế giới hiện nay, phái sinh là công cụ trading khá phổ biến vì nó là “ĐƯỢC ĐẺ RA” từ giá của các sản phẩm tài chính thật.

Phái sinh (derivatives) bao gồm những thứ từ cơ bản như hợp đồng giao sau (forward), quyền chọn (options), hợp đồng tương lai (futures), hoán đổi (swap) cho đến những món phái sinh ngoại lai (exotic derivatives) phức tạp như MBS, CDO, CDS, CMO, OCF … ít nhiều là tác nhân gây nên khủng hoảng tài chính 2008.

Nghe thì khó nhưng ví dụ vậy cho dễ đi, quỹ A dự đoán giá cổ phiếu XYZ sẽ tăng, họ đặt cược $10mil với quỹ B nếu tăng đến mức đó bằng 1 option X. Quỹ C thấy thằng A chơi liều quá, tin chắc là nếu $10mil kia thằng A thua thì nó sẽ phá sản, họ mua 1 CDS Y từ quỹ D để cược thằng A kia phá sản.

Đó, phái sinh lòng vòng nó là vậy. Việc định giá các phái sinh cũng vô cùng phức tạp vì tính đan xen chồng chéo lẫn nhau đặt cược trong tương lai về sự thay đổi giá của một loại sản phẩm nào đó. Cho nên năm 2008 các bạn thấy khi giá BĐS Mỹ không còn tăng vĩnh viễn được nữa, là lúc thị trường “ngả bài” ra và toàn hệ thống sập vì cá cược vô tội vạ chồng chéo lẫn nhau.

3. Ở CÁC TỔ CHỨC HỌ TRADING THẾ NÀO?

Không đơn giản như chỉ mua thấp bán cao không. Mà cực kỳ nhiều hình thức giao dịch theo sự dịch chuyển giá mà kiếm lời. Tuy nhiên ở các quỹ các bank lớn, nguồn vốn của họ là rất lớn nên không thể chỉ có 1 2 người mà trade trên cả khối tài sản to béo bự đó được.

Thường thị họ có nhiều phòng ban với những chức năng khác nhau, tuỳ mỗi nơi sẽ có những đặc thù nhất định. Tuy nhiên mô hình hay gặp nhất sẽ bao gồm các chức năng sau đây:

– Treasury Management: Quản lý phân bổ nguồn vốn, tính toán mức độ luân chuyển dòng tiền phù hợp để tránh việc quỹ hoặc bank bị kẹt tiền hay huy động thêm nguồn vốn, đề xuất thanh lý giao dịch khi cần để đảm bảo dòng tiền không bị thiếu hụt. Portfolio manager là người đứng đầu vị trí này để cân đối các khoản này.

– Research & Analysis: phòng nghiên cứu và phân tích nhằm đưa ra những dự báo, phân tích về sản phẩm tài chính, đo lường sự thay đổi dịch chuyển về giá, nghiên cứu các giả định kinh tế, các cơ hội để kiếm tiền trên thị trường, phân tích nói chung là nhiều thứ có lợi nhất cho trading. Vị trí Research Director hoặc Head of Research là người đứng đầu nhóm này.

– Planning & Strategy: cơ quan đầu não cho việc lên kế hoạch giao dịch, lên những chiến lược giao dịch, chiến lược mua/bán ra sao cho hợp lý. Thường thì việc lên chiến lược cần kết hợp từ research, cân đo đong đếm bởi treasury và đánh giá rủi ro từ phòng rủi ro. Strategy Director thường là người ở vị trí này, chịu trách nhiệm như thuyền trưởng.

– Trading Floor: nơi các trader thần thánh như anh em chúng ta ngồi làm việc kaka. Nghiệp vụ của trader, nói chung là tìm điểm vào lệnh, thoát lệnh sao cho tối ưu hoá nhất với mức phí hợp lý nhất. Theo dõi thực chiến trên thị trường và được phép làm những thứ có lợi. Nhóm này là nhóm đi đánh trận kiếm tiền với đủ mọi ngón nghề, kỹ thuật, tâm lý chiến, máu lạnh, và nhiều thứ khác để kiếm được tiền nhiều nhất trên thị trường.

– Risk management: Quản lý rủi ro nghe là biết rồi ha, bà cô khó tính chuyên đi bóp cổ 4 thằng còn lại nếu tụi nó máu liều quá có nguy cơ gây thua lỗ. Trading mà không có cái chức năng này thì ra đê sớm thôi các bạn ạ. Risk Manager ở đây sẽ là người giám sát hệ thống rủi ro của cả tổ chức và đo lường các nhân tố rủi ro ảnh hưởng đến quỹ.

Ngoài ra còn nhiều vị trí khác từ FO, MO đến BO. Nhưng một bài khác sẽ có nhiều thông tin hơn về các phòng ban này sau.

Mục đích cuối cùng của tổng thể khá đơn giản, tối ưu hoá lợi nhuận, giảm thiểu chi phí đến mức hợp lý

Nghe thì dễ chứ làm thì nhiều lúc thị trường ngửa bài lên thì tè ra máu cả lũ chứ chả đùa.

Tuy nhiên thị trường tài chính là một “Zero Sum Game”, một trò chơi có tổng bằng 0 – nên có người được, thì sẽ có người thua vì cá cược sai.

👉 Cập nhật Phương pháp trading mới và hiệu quả nhất trên thế giới bằng 4 Khóa học video miễn phí
Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.