VNREBATES

Trái phiếu xanh là gì? Thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam

27.12.2022, 18:03 9 phút đọc

Trái phiếu xanh là một công cụ tài chính nhân văn nhằm huy động vốn trung và dài hạn phục vụ cho môi trường và công cộng. Trái phiếu xanh có ý nghĩa rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. Vậy trái phiếu xanh thực sự là gì? Hãy cùng VnRebates tìm hiểu thông tin về trái phiếu xanh qua bài viết sau đây.

Đọc thêm:

Trái phiếu xanh là gì?

Theo Khoản 1, Điều 157, Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường do Chính phủ ban hành ngày 10/01/2022, quy định khái niệm về trái phiếu xanh như sau: 

“Trái phiếu xanh là trái phiếu do Chính phủ, chính quyền địa phương và doanh nghiệp phát hành để huy động vốn cho dự án thuộc danh mục phân loại xanh quy định tại Điều 154 Nghị định này.” [1]

Về mặt cấu trúc, trái phiếu xanh có các đặc điểm như trái phiếu thông thường, chẳng hạn như về lãi suất, tính chất và rủi ro. Điểm khác biệt cốt lõi giữa hai loại trái phiếu này là: 

  • Mục đích sử dụng của vốn huy động: Doanh nghiệp huy động vốn phải cam kết phân bổ cho các dự án lợi ích môi trường, dự án chống biến đổi khí hậu, năng lượng sạch, điện gió,…
  • Công bố thông tin: Các thông tin dự án xanh này đều được công khai và quản lý minh bạch bởi tổ chức phát hành.  

Có thể nói, trái phiếu xanh là một công cụ hiệu quả nhằm khuyến khích nhà đầu tư tài trợ cho cộng đồng và nền kinh tế phát thải ít carbon, giúp bảo vệ môi trường sống. Sản phẩm huy động này cực kỳ nhân văn và thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước. 

Xem thêm: Công thức tính giá trái phiếu (Bond Price) chi tiết

Trái phiếu xanh huy động phục vụ mục đích công cộng

Trái phiếu xanh huy động phục vụ mục đích công cộng (Nguồn: Internet)

Xu hướng phát triển trái phiếu xanh

Năm 2008, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã phát hành trái phiếu xanh đầu tiên để huy động nguồn vốn đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các dự án nhân đạo. Kể từ khi phát hành trái phiếu xanh lần đầu tiên, thị trường đã tăng trưởng đáng kể. 

Theo báo cáo của Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), hiện nay giá trị phát hành tích lũy trái phiếu xanh toàn cầu đã chạm mốc 1.000 tỉ đô la kể từ năm 2007 đến năm 2020. Trong 5 năm trở lại đây, thị trường trái phiếu xanh đã ghi nhận tăng gấp 20 lần và đang phát triển rất nhanh trong giai đoạn phục hồi nền kinh tế sau đại dịch COVID-19. [2]

Tổng khối lượng phát hành trái phiếu xanh toàn cầu (Đơn vị: tỷ USD)

Tổng khối lượng phát hành trái phiếu xanh toàn cầu (Đơn vị: tỷ USD) (Nguồn: Infragreen.ru)

Trên thế giới, việc phát hành trái phiếu xanh (TPX) đã và đang là xu hướng toàn cầu với sự tham gia của các định chế tài chính quốc tế lớn như: Ngân hàng Thế giới (World Bank), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hoặc Quỹ tiền tệ thế giới IMF,… Đồng thời, thị trường TPX được xem là kênh huy động vốn cốt lõi cho sự tăng trưởng bền vững  của các nền kinh tế lớn trên thế giới. 

Hiện tại, thị trường TPX đã có sự tham gia của hằng trăm quốc gia bao gồm các nước như Pháp, Đức, Trung Quốc,… trong đó lớn nhất là nước Mỹ. Các tổ chức phát hành thường tập trung huy động vốn cho các ngành như: biến đổi khí hậu, giao thông vận tải, tái chế, năng lượng và xử lý nước, rác thải.

Các nước phát hành trái phiếu xanh lớn nhất thế giới

Các nước phát hành trái phiếu xanh lớn nhất thế giới (Nguồn: Climatebonds.net)

Tại khu vực ASEAN, giá trị phát hành năm 2021 đã đạt đến 24 tỷ USD tăng trưởng 76,5% so với cùng kỳ. Các thị trường TPX lớn gồm có Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan. [3]

Tóm lại, trái phiếu xanh đã trở thành một kênh đầu tư được ưa chuộng bởi hầu hết các nước phát triển trên thế giới, trong đó có cả các nước đang phát triển như Việt Nam. Điều này chứng tỏ các hoạt động đầu tư gắn liền với trách nhiệm xã hội đang dần trở thành chuẩn mực chung trong lĩnh vực tài chính quốc tế.

Trái phiếu xanh là xu hướng tương lai tại ASEAN

Trái phiếu xanh là xu hướng tương lai tại ASEAN (Nguồn: ClimateBond.net)

Tình hình trái phiếu xanh tại thị trường Việt Nam

Nắm bắt được xu hướng toàn cầu, trong “Chiến lược và kế hoạch hành động cho thị trường vốn xanh phát triển bền vững giai đoạn 2021-2030”, Chính phủ đã nêu rằng luôn ưu tiên đẩy mạnh phát triển bền vững các sản phẩm tài chính xanh, trong đó trái phiếu xanh là tất yếu.

Công cụ trái phiếu xanh đem lại một kênh huy động vốn hiệu quả cho các chính quyền địa phương trong việc tài trợ cho các dự án xanh. Tuy nhiên, theo Sổ tay “Hướng dẫn TPX, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững” của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước năm 2021, giá trị phát hành của TPX so với quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam (104,6 tỷ USD vào năm 2019 và 324,1 tỷ USD vào 9 tháng đầu năm 2020) là quá ít và chưa thực sự đáng kể. [4]

Có thể thấy, bức tranh tổng thể thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam đang khá “sơ khai”, chưa phát triển về quy mô và nền tảng cung – cầu chưa sôi động. Đặc biệt, hoạt động hệ thống thông tin và tuyên truyền về sự hiểu biết của nhà đầu tư về thị trường trái phiếu xanh còn rất nhiều hạn chế.

Có thể bạn quan tâm: 

Thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam còn “sơ khai”

Thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam còn “sơ khai” (Nguồn: Internet)

Quy định về trái phiếu xanh

Hiện nay, quy định về trái phiếu xanh được điều chỉnh bởi các khung pháp lý sau: 

  • Luật Bảo vệ môi trường năm 2020;
  • Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính Phủ ngày 10/01/2022 quy định chi tiết các điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020;
  • Nghị định số 153/2020/NĐ-CP của Chính Phủ ngày 31/12/2020 quy định chi tiết về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế;
  • Thông tư số 122/2020/TT-BTC của Bộ Tài Chính ban hành ngày 31/12/2020 về việc hướng dẫn chế độ công bố thông tin.

Giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh mà Chính phủ đề ra, cũng như thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu xanh bền vững, thời gian tới cần tập trung triển khai các giải pháp sau: 

  • Hoàn thiện cơ chế quản lý thị trường trái phiếu xanh: Trên cơ sở hành lang pháp lý hiện có, Nhà nước cần ban hành các văn bản cụ thể quy định rõ các tiêu chuẩn trong việc xác định trái phiếu xanh, dự án xanh, và bộ nguyên tắc quản lý, sử dụng nguồn vốn huy động từ trái phiếu xanh. 
  • Khuyến khích các tổ chức phát hành TPX và thu hút các NĐT quan tâm đến loại tài sản này: Sau khi đưa ra  các tiêu chuẩn liên quan đến TPX, Nhà nước cần có những ưu đãi về thuế, phí hoặc những lợi ích khác cho các tổ chức phát hành, cũng như những NĐT trong và ngoài nước. Đồng thời, thúc đẩy đầu tư, giao dịch trái phiếu xanh dựa trên phát triển cơ sở NĐT, tập trung vào các doanh nghiệp bảo hiểm, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Quỹ đầu tư và các nhà đầu tư nước ngoài.
  • Nâng cao nhận thức của người dân: Những chính sách về tăng trưởng bền vững, hệ thống tài chính xanh cần được tuyên truyền và phổ cập rộng rãi đến người dân, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Từ đó hoàn thiện đầy đủ yếu tố cung – cầu cho việc phát triển trái phiếu xanh tại Việt Nam.

Tìm hiểu thêm: Bond Yield là gì? Yield của trái phiếu ảnh hưởng đến thị trường Forex như thế nào?

Các giải pháp giúp phát triển thị trường trái phiếu xanh

Các giải pháp giúp phát triển thị trường trái phiếu xanh (Nguồn: Internet)

KẾT LUẬN

Trong bài viết trên, VnRebates đã chia sẻ với nhà đầu tư về trái phiếu xanh và thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam. Trái phiếu xanh giữ vai trò quan trọng, vừa thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế, vừa mang ý nghĩa nhân văn về bảo vệ môi trường. Nên việc tìm hiểu và đầu tư trái phiếu xanh giúp nhà đầu tư an toàn và đạt lợi nhuận bền vững trong dài hạn. Hãy giao dịch cùng VnRebates để hiệu quả hơn. 

VnRebates – Hoàn tiền mọi giao dịch tài chính

👉 Cập nhật Phương pháp trading mới và hiệu quả nhất trên thế giới bằng 4 Khóa học video miễn phí
Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.