VNREBATES

Đồng Đô la Mỹ và những điều cần biết (phần 5): USD Index là gì?

26.02.2024, 10:31 17 phút đọc

Trong nền kinh tế toàn cầu, vị thế độc tôn của đồng USD – đồng tiền mạnh nhất thế giới khiến cho chỉ số USD Index có tầm quan trọng không thể thay thế. Vậy USD Index là gì? Công thức tính chỉ số USD Index như thế nào? Cùng VnRebates tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.

Xem thêm:

Chỉ số USD Index

Chỉ số USD Index là gì?

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), hơn 60% dự trữ ngoại hối được tính bằng đồng USD. Đó là lí do người ta đã thiết lập một chỉ số riêng cho đồng đô la Mỹ, gọi là chỉ số USD Index.

Chỉ số USD Index là chỉ số (hoặc thước đo) giá trị đô la Mỹ so với một rổ ngoại tệ, thường được gọi là rổ tiền tệ với 6 loại ngoại tệ của nhóm các quốc gia hàng đầu thế giới, hay các đối tác thương mại lớn của Mỹ.

Chỉ số USD tăng lên khi đồng đô la Mỹ tăng giá trị khi so sánh với các đồng tiền khác cũng như sự dao động giá trị của những loại tiền tệ trong chỉ số này sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới sự lên xuống của chỉ số USD Index.

Như vậy, chỉ số USD Index có thể được xem là một chỉ số phản ánh “sức khỏe” của đồng USD và cũng chính là thước đo sức mạnh tuyệt đối của đồng bạc xanh này.

Chỉ số USD Index tăng phản ánh đồng USD đang khỏe lên, ngược lại, USD Index giảm phản ánh đồng USD đang yếu đi. Chỉ số này được duy trì và công bố bởi Sàn giao dịch liên lục địa ICE (Intercontinental Exchange, Inc.) và “U.S Dollar Index” là một thương hiệu đã đăng ký bản quyền thương mại.

Tìm hiểu thêm: Chỉ số chứng khoán là gì? Các chỉ số chứng khoán quan trọng Việt Nam và Mỹ

USD index

Chỉ số USD Index là gì? (Nguồn: Internet)

Các tiền tệ thành phần trong chỉ số USD Index

Chỉ số này được cấu tạo gồm rổ tiền tệ gồm 6 thành viên chính là các đồng: Euro (EUR), yên Nhật (JPY), bảng Anh (GBP), đô la Canada (CAD), Kronor Thụy Điển (SEK), Franc Thụy Sỹ (CHF), trong đó mỗi loại tiền tệ có trọng số khác nhau, cụ thể như sau:

  • EUR 57,6%
  • JPY 13,6%
  • GBP 11,9%
  • CAD 9,1%
  • SEK 4,2%
  • CHF 3,6%

Vì USD index là một chỉ số được tính theo trọng số, nghĩa là các thành phần cấu tạo nên chỉ số này có một giá trị trọng số khác nhau tùy theo sức mạnh của nền kinh tế. Sự lên xuống của từng thành phần trong chỉ số này có ảnh hưởng ít nhiều vào sự lên xuống của chỉ số.

USD index

Tỉ trọng các đồng tiền trong chỉ số USD index

Lịch sử hình thành chỉ số USD Index

Cục Dự trữ Liên bang FED – Ngân hàng trung ương quan trọng nhất thế giới đã tạo ra chỉ số USD Index vào năm 1973 để theo dõi giá trị của đồng Đô la, ngay sau khi Tổng thống Nixon từ bỏ bản vị vàng, cho phép giá trị của đồng đô la được thả nổi trên thị trường ngoại hối.

Trước khi tạo ra chỉ số USD Index, đồng đô la luôn được cố định ở mức 35 USD/ounce vàng từ năm 1944 cũng chính là thời điểm diễn ra thỏa thuận Bretton Woods [1]. Tuy nhiên, đồng đô la mạnh như vậy gây ra vấn đề cho các nhà xuất khẩu Mỹ – những người nhận thấy rằng hàng hóa của họ không còn tính cạnh tranh quốc tế.

Do đó, chính phủ Mỹ đã có các động thái để làm cho đồng tiền trở nên cạnh tranh hơn với năm quốc gia đồng ý thao túng Đô la trên thị trường forex như một phần của Thỏa Ước Plaza (Plaza Accord). [2]

Thỏa ước này là một thỏa thuận được kí vào năm 1985 bởi các nước Pháp, Đức, Mỹ, Anh và Nhật Bản, với mục đích chính là làm cho đồng đô la Mỹ giảm giá tương đối so với đồng Yên Nhật và Deutsche mark của Đức. Sau đó, chỉ số Đô la Mỹ đã giảm 51% trong bốn năm tiếp theo.

Kể từ đó, chỉ số USD index được dùng theo dõi hiệu suất kinh tế và các dòng thanh khoản. Ví dụ, nó đã tăng khi tài khoản hiện tại tạo ra thặng dư trong những năm 1990, giảm khi mức nợ của Mỹ tăng trong thập niên 2000 và tăng mạnh khi các nhà đầu tư đổ xô đến sự an toàn tương đối của Dollar trong cuộc Đại suy thoái (2008).

Mức thấp nhất mọi thời đại mà USD Index tạo ra là 71,58 vào 22/4/2008, thấp hơn 28,42% so với lúc mới thành lập – đẩy giá cả các loại hàng hóa đi xuống đồng thời lập các kỷ lục đi vào lịch sử.

USD index

Dữ liệu lịch sử của DXY trên khung thời gian tháng (Nguồn: TradingView)

Sự khác biệt giữa DXY và BBDXY

Để so sánh giá trị giữa đồng Đô la Mỹ với các loại tiền tệ khác thì ngoài chỉ số USD index – DXY, bạn còn có thể thấy thêm một chỉ số tương tự, đó chính là Bloomberg Dollar spot index – BBDXY. Chỉ số này đi vào hoạt động từ ngày 31 tháng 12 năm 2004.

Bloomberg đã tuyên bố rằng chỉ số của họ là thước đo chính xác nhất và tốt nhất trong tất cả các chỉ số đô la trên thị trường. Lý do để họ đưa ra kết luận này, là vì chỉ số đô la Mỹ của họ công bố rõ các thành phần, đồng thời tính toán cho nhiều loại tiền tệ.

BBDXY là chỉ số động, bởi nó sẽ tái cân bằng hàng năm để nắm bắt trạng thái thay đổi của thị trường tiền tệ. Đây cũng là một khác biệt lớn giữa hai chỉ số BBDXY và DXY, vì chỉ số DXY không bao giờ thay đổi, còn chỉ số Bloomberg Dollar Spot Index thì sẽ được tái cân bằng định kì.

Về cơ bản, DXY và BBDXY đều là các chỉ số đánh giác sức mạnh của đồng USD, điều khác biệt ở đây đó thành phần trong cơ cấu đánh giá, tỉ trọng của các loại tiền tệ và sự linh hoạt mỗi khi tái cân bắng chỉ số (chỉ có ở BBDXY).

Tìm hiểu thêm: Tỷ giá hối đoái và các yếu tố chủ chốt ảnh hưởng đến tỷ giá

USD index

Tỉ trọng các loại tiền tệ được so sánh trong chỉ số BBDXY (Nguồn: Internet)

Công thức tính chỉ số USD Index

Chỉ số USD Index được tính bằng công thức sau:

USDX = 50,14348112 × EURUSD -0,576 × USDJPY 0,136 × GBPUSD -0,119 × USDCAD 0,091 × USDSEK 0,042 × USDCHF 0,036

Khi đồng đô la Mỹ là đồng yết giá, ta lấy giá trị mỗi loại tiền tệ nhân với trọng số. Ngược lại, khi đồng đô la Mỹ là đồng định giá, ta lấy giá trị mỗi loại tiền tệ nhân với trọng số âm.

Trong số 6 loại ngoại tệ chỉ có Euro và bảng Anh là hai loại tiền tệ duy nhất có đồng đô la Mỹ là tiền tệ cơ sở (base currency), 4 loại tiền tệ còn lại đều có đồng đô la Mỹ là tiền tệ định giá (quote currency).

Tuy nhiên, công thức trên thực chất chỉ có giá trị đối với các nhà kinh tế học, hoặc các chuyên gia. Đối với các trader, công thức chi tiết các bạn có thể không cần phải nắm. Bởi vì hiện tại, các chỉ số này và biểu đồ được cung cấp trực tiếp trên các nền tảng theo dõi tài chính và giao dịch của bạn.

Tính toán chuyển động của USD Index

Giá trị chỉ số là 120 cho thấy đồng đô la Mỹ đã tăng giá 20% so với rổ tiền tệ trong khoảng thời gian được đề cập. Trừ đi giá trị ban đầu là 100 từ giá trị hiện tại là 120 mang lại 20; chia chênh lệch cho giá trị ban đầu là 100 cho mức tăng 20%. Nếu USDX tăng giá, điều đó có nghĩa là đồng đô la Mỹ đang tăng sức mạnh hoặc giá trị khi so sánh với các loại tiền tệ khác.

Tương tự, nếu chỉ số hiện tại là 80, giảm 20 so với giá trị ban đầu, thì phép tính tương tự sẽ cho khấu hao 20%. Các kết quả tăng và giảm là một yếu tố của thời gian.

Dữ liệu lịch sử của chỉ số USD Index

Sau đây là dữ liệu lịch sử của chỉ số USD Index, trong khoảng thời gian kể từ 1973 – 2020 được tính theo ngày cuối cùng của năm:

Từ năm 1970: Chu kỳ tăng, giảm giá của USD là từ 5 – 7 năm cho mỗi một quá trình. Theo quy luật đó thì sau khi USD lên giá tới mức kỷ lục vào năm 2001 (USD Index lúc đó đạt gần 122 điểm), USD bắt đầu giảm giá so các loại tiền tệ mạnh khác của thế giới vào đầu năm 2002.

2007: Giá trị của USD Index là 76,70 theo giá giao ngay (spot price) được tính vào ngày 31/12.

2008: Chỉ số USD Index kết thúc năm ở mức 82,15, sau một cú giảm ngoạn mục xuống 71,30 vào 17/3. Ngay sau đó, ngân hàng Bear Stearns phải nhờ đến sự trợ giúp từ bên ngoài, khi các ngân hàng khác đều đồng loạt từ chối cho Bear Stearns vay tiền vì sợ rằng Bear Stearns đã có quá nhiều khoản nợ xấu liên quan đến lĩnh vực bất động sản dưới chuẩn.

Vào thời điểm đó, các nhà đầu tư nghĩ rằng điều này chỉ gây ảnh hưởng tới Mỹ và đồng USD nên họ đã quyết định mua Euro. Ngay sau đó, FED đã hạ lãi suất cho vay 8 lần nhằm ổn định thị trường tài chính và tiếp tục tiến hành QE vào ngày 25/ 11.

Nhờ áp dụng các biện pháp Nới lỏng định lượng – Quantitative Easing [3] đã khiến cho chỉ số USD Index có dấu hiệu hồi phục. Các nhà đầu tư bắt đầu mặn mà với đồng đô la và xem chúng như 1 nơi trú ẩn an toàn, khiến cho USD Index tăng lên mức 82,15.

2009: DXY kết thúc phiên cuối năm ở mức 77,92. Ngân hàng Trung ương châu Âu hạ lãi suất, để đối phó với cuộc khủng hoảng. Điều này đã khiến đồng USD giảm vì niềm tin của các nhà đầu tư vào đồng Euro tăng lên.

2010: USD Index đã có 1 cú tăng vọt vào ngày 4/ 6 với mức 88,26 đánh dấu mức cao nhất trong năm 2010. Tuy nhiên, tới cuối năm, nó đã giảm xuống còn 78,96 bất chấp FED cho thực hiện biện pháp QE2 (Nới lỏng định lượng) tiếp theo vào ngày 3/11.

2011: DXY giảm xuống 73,10 do khủng hoảng nợ diễn ra vào ngày 2/5. Tuy nhiên, do khủng hoảng từ khu vực đồng Euro khiến cho các nhà đầu tư đã hào hứng quay trở lại với USD, nhất là ngay sau khi FED khởi động “Chiến dịch Twist” (Operation Twist) trị giá 400 tỷ USD nhằm vực dậy nền kinh tế Mỹ, giúp cho DXY chốt sổ ở mức 80,21 vào ngày cuối cùng của 2011.

2012: FED đã công bố QE3 vào ngày 13 tháng 9 và QE4 vào tháng 12. DXY đóng cửa tại mức 79,77.

2013: Tháng 6, FED thông báo sẽ cắt giảm quy mô của chương trình mua trái phiếu hàng tháng và chương trình mua chứng khoán thế chấp, đã khiến các nhà đầu tư hoảng loạn buộc phải bán trái phiếu. Chính nhờ vậy mà DXY đóng cửa cuối năm ở mức 80.04.

2014: Đồng USD vẫn ổn định trong sáu tháng đầu năm, chạm mốc 80,12 vào ngày 10/7. Cuộc khủng hoảng Ukraine và khủng hoảng nợ Hy Lạp làm cho các nhà đầu tư tìm đến đồng USD như 1 nơi trú ẩn an toàn. FED tuyên bố kết thúc gói nới lỏng tiền tệ vào cuối tháng 10, đồng thời giữ 4,5 nghìn tỷ đô la trong Kho bạc. Sau đó FED tuyên bố rằng họ sẽ tăng lãi suất cho vay trong năm 2015. USD index đã tăng 15% lên mức 91,92 vào ngày 29 tháng 12.

2015: Ngân hàng Trung ương châu Âu tuyên bố sẽ bắt đầu QE ​​vào tháng 3 và đồng Euro giảm xuống còn 1,0524 USD vào 12/3. USD Index đạt mức cao nhất, đã tăng 25% kể từ năm 2014 lên thành 100,18 vào ngày 16/3. Sau đó FED đã tăng lãi suất cơ bản từ mức 0-0,25% lên 0,25-0,5% vào 17/12 và đồng đô la kết thúc năm ở mức 98,69 vào ngày 27 tháng 12.

2016: FED đã tăng lãi suất quỹ lên thành 0.75 khiến cho đồng đô la đạt 102,95 vào ngày 11 tháng 12, tăng 28% kể từ tháng 7 năm 2014.

2017: Kinh tế châu Âu cải thiện vì thế đồng Euro được củng cố. Các quỹ phòng hộ bắt đầu bán đồng đô la. FED quyết định tăng lãi suất vào 15/3. Sau đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu thông báo có thể kết thúc QE vào 20/7 tới. USD Index đã kết thúc năm ở mức 92.12.

2018: DXY đã giảm xuống mức thấp nhất trong năm ở mức 88,59 vào 15/2, giảm 14% so với năm 2016. Các nhà đầu tư không còn mặn mà với USD khi nền kinh tế châu Âu tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Nhưng sau đó, nền kinh tế Hoa Kỳ có nhiều dấu hiệu cải thiện khiến cho USD Index đạt mức cao nhất là 97,54 vào ngày 12/11/18 và kết thúc phiên đóng cửa năm tại mức 96,17.

2019: Đồng đô la đạt đỉnh 98,20 vào 24/4. Tuy nhiên, nó đã giảm xuống mức thấp nhất trong năm 95,98 vào ngày 24/6. Sau đó, khi FED thông báo hạ lãi suất còn 2,25%. giúp cho USD Index tăng lên đạt mức 98,52 vào ngày 31/7.

2020: Là một năm với nhiều biến động lịch sử trên thị trường tài chính toàn cầu khi đại dịch COVID-19 đang gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Sau mốc đỉnh 102.94 điểm mà chỉ số USD Index đạt được vào ngày 19/03/2020, vị thế đồng USD đang dần suy yếu khi chỉ số USD Index phiên 30/06 đã giảm về mức 97.37 điểm, tương đương giảm 10% so với mức đỉnh đã đạt được và chỉ tăng 1% so với mức 96.23 điểm của hồi đầu năm.

Tham khảo:

USD index

Biểu đồ nến chỉ số USD index với khung thời gian tháng (Nguồn: TradingView)

Tầm quan trọng của USD Index trong giao dịch Forex

Chúng ta cần kể đến một số vai trò quan trọng của chỉ số DXY sau đây:

  • Chỉ số USD Index là chỉ số đáng tin cậy, một công cụ chỉ báo rất hữu ích trong giao dịch Forex vì nó có thể xác nhận xu hướng cho cặp tiền bạn đang giao dịch và cũng cảnh báo về các biến động trong tương lai.
  • Là nền kinh tế lớn nhất thế giới, nền kinh tế Mỹ đã giúp cho đồng dollar trở thành đồng tiền được giao dịch nhiều nhất trên thế giới, bao gồm khoảng 70% tất cả các giao dịch trong một ngày nhất định. Nên các biến động từ dollar sẽ có tác động lớn lao đến thị trường Forex kéo theo các đồng tiền hoặc các loại hàng hóa khác như vàng, bạc, dầu thô cũng biến động theo.
  • Bên cạnh vai trò quan trọng trong thị trường Forex, USDX còn được dùng trong các hợp đồng tương lai (Futures contract), hợp đồng quyền chọn, và cũng là một phần quan trọng trong các quỹ tương hỗ (Mutual funds), quỹ hoán đổi danh mục (ETFs).

Giao dịch Forex với chỉ số USD index

Chức năng công cụ hỗ trợ của chỉ số DXY trong giao dịch forex

  • Như phân tích ở trên, bạn đã biết USD Index phản ánh sức khỏe của đồng dollar, nên chỉ số USDX giúp  quan sát giá trị của đồng đô la Mỹ (USD) so với giá trị của một ngoại tệ thuộc rổ tiền tệ trong một giao dịch đơn. Chỉ số này còn giúp bạn đưa ra phân tích và phán đoán xu hướng tăng hoặc giảm giá trị của USD trong tương lai.
  • Nếu chỉ số USD Index tăng, đồng nghĩa với việc đồng USD khỏe lên, nhà đầu tư có thể lựa chọn các chiến lược mua vào đồng dollar so với các đồng tiền khác. Ngược lại, nếu USD Index giảm, tức là USD yếu đi, nhà đầu tư hạn chế mua vào đồng USD hoặc thậm chí áp dụng chiến lược bán khống đồng USD và chuyển qua mua vàng chẳng hạn.
  • Ngoài ra, thì USD index cũng sẽ cung cấp cho bạn một chỉ báo rất tốt về sức mạnh của đồng USD và ảnh hưởng của nó đến phần còn lại của thị trường forex. Trong trường hợp kỳ vọng vào USD không quá rõ ràng thì biểu đồ USD Index cùng các chỉ báo kỹ thuật khác sẽ giúp bạn có đánh giá tổng quát và phân tích rõ ràng hơn.

Tham khảo:

Sử dụng USD Index để dự đoán các cặp tiền tệ khác

Dựa vào biến động của USD Index, bạn có thể phân tích các thay đổi trong giá trị USD Index của Mỹ để mang đến cho mình những nhận định về tình hình của đồng USD hoạt động trên thị trường ngoại hối như một cách để nhận thấy tiền tệ riêng lẻ tăng hay giảm so với đồng USD.

Cặp tiền tệ chính có đặc điểm chung là trong cặp tiền tệ, phải có ít nhất một loại là USD. Vậy, các cặp tiền tệ chính mà chúng ta xem xét là: EUR/USD, USD/JPY, USD/CHF, USD/CAD, GBP/USD. Trong đó, USD Index sẽ đóng vai trò quan trọng trong theo dõi biến động tỷ giá của các cặp tiền tệ này. Ví dụ: DXY tăng, có thể EUR/USD sẽ giảm và USD/CHF sẽ tăng.

Như các bạn thấy, trong rổ tính USD index thì EUR chiếm tỷ trọng tới 57,6%. Vì vậy USDX gần như biến động ngược chiều với cặp EUR/USD. Do đó, theo dõi và dựa vào xu hướng của USD index có thể dự đoán phần nào sự biến động của EUR/USD để giao dịch kiếm lời và tránh được rủi ro giao dịch.

Thông qua cặp biểu đồ sau giữa USD index và cặp tiền EUR/USD, có thể thấy rõ mối tương quan đã đề cặp ở trên. Khi mà xu hướng USD index liên tục tạo đỉnh mới và là một xu hướng tăng, thì EUR/USD thể hiện một xu hướng giảm ngược lại.

Xem thêm: Chỉ số đô la Index tiếp tục tăng cao trong khi cặp EUR/USD yếu

USD index

Biểu đồ DXY và EUR/USD khung thời gian ngày (Nguồn: Internet)

Kết luận

Đồng USD là đồng tiền được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới. Vì vậy, việc theo dõi sức mạnh đồng USD khi giao dịch forex là một điều cần lưu ý đối với các nhà giao dịch. Ngoài ra, cần kết hợp việc theo dõi chỉ số USD index và một nền tảng phân tích kỹ thuật tốt sẽ giúp trader tăng xác suất giao dịch thành công. Theo dõi VnRebates để cập nhật thêm kiến thức và tin tức mới nhất về giao dịch Forex, Tiền điện tử, Chứng khoán.

VnRebates – Hoàn tiền mọi giao dịch tài chính

Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.