VNREBATES

Xăng “giảm mạnh 1 nghìn 10 lít” – Tại sao giá dầu thế giới giảm đã lâu mà giá xăng trong nước vẫn ở đỉnh?

05.07.2022, 13:51 7 phút đọc

Anh em trader theo dõi thị trường hàng ngày có lẽ đều biết rằng giá dầu thế giới đã giảm khá nhiều tính từ đầu tháng 6. Thế nhưng, trong khoảng thời gian từ đó đến nay thì giá xăng trong nước vẫn liên tục tăng, chỉ đến đợt điều chỉnh vào ngày 1 tháng 7 vừa rồi mới giảm nhẹ một chút, nhưng có thể nói là vẫn đang ở đỉnh. Vậy tại sao giá dầu thế giới giảm mà giá xăng trong nước vẫn cao như vậy? Chúng ta cùng đi tìm câu trả lời nhé.

Tình hình giá xăng dầu trong nước

Trong đợt điều chỉnh giá xăng dầu định kỳ gần đây nhất, vào ngày 01 tháng 7, thì giá xăng dầu đã có sự giảm nhẹ sau khi lập đỉnh trong đợt điều chỉnh trước đó – ngày 21 tháng 6. Tuy nhiên, với mức giảm mà người ta vẫn nói đùa với nhau là “giảm mạnh tới tận 1 nghìn cho 10 lít”, cụ thể là E5 RON 92 giảm 410 đồng, RON 95-III giảm 110 đồng, dầu diesel giảm 400 đồng, thì có thể nói rằng giá xăng vẫn đang ở đỉnh.

Nếu anh em chưa biết, thì giá xăng trong nước được Bộ Công thương điều chỉnh định kỳ 3 lần mỗi tháng. Trước lần giảm giá đầu tháng 7 này thì giá xăng đã có chuỗi tăng 7 lần liên tiếp tính từ đợt điều chỉnh ngày 21 tháng 4. Và nếu tính từ đầu năm 2022 chúng ta có 13 lần tăng của xăng, trong khi chỉ có 3 lần giảm. Vậy lần giảm giá vừa rồi là lần giảm thứ 4 trong năm, thế nhưng so với những lần tăng “nhẹ” từ vài trăm đến hơn một nghìn đồng mỗi lần trước đó, thì đợt giảm này thật sự không thể khiến người tiêu dùng yên lòng.

giá xăng

Lịch sử điều chỉnh giá xăng từ đầu năm 2022 (nguồn: laodong.vn)

Đối với anh em trader thì chúng ta biết rất rõ rằng giá dầu thế giới đã bước vào một đợt giảm từ đầu tháng 6, và giảm khá mạnh kể từ ngày 09/06 đến ngày 23/06. Thế nhưng trong thời gian đó giá xăng trong nước vẫn liên tiếp có hai lần tăng mạnh vào ngày 13/06 và 21/06. Vậy anh em có thắc mắc tại sao giá xăng trong nước lại đi ngược lại giá dầu thế giới như vậy?

giá xăng

Biểu đồ giá dầu thô

Xem thêm: Dầu thô – Sự khác nhau giữa Brent và WTI

Điều gì quyết định giá xăng trong nước

Trên thực tế, phần lớn xăng dầu tiêu thụ trong nước ta được nhập khẩu từ xăng thành phẩm, tức là xăng dầu đã qua chế biến chứ không phải dầu thô, do đó hoàn toàn dễ hiểu khi giá xăng trong nước không thể chịu tác động trực tiếp từ giá dầu thô thế giới được.

Cụ thể, phần lớn xăng dầu tiêu thụ tại Việt Nam được nhập khẩu từ xăng dầu thành phẩm của Singapore. Tuy nhiên, Singapore không phải nước tự khai thác dầu mỏ mà cũng chủ yếu nhập khẩu dầu thô từ OPEC. Sau khi nhập dầu thô về, Singapore cần trải qua công đoạn “chế biến” số dầu thô đó rồi Việt Nam chúng ta mới mua lại dầu thành phẩm, và công đoạn này cần có thời gian, tức là giá dầu thành phẩm đã có độ trễ so với giá thị trường.

Đơn giản hơn thì anh em có thể hiểu là giả sử Singapore nhập dầu thô từ ngày 1 với giá 100 USD/ thùng, sau đó mất 2 tuần mới có dầu thành phẩm xuất sang Việt Nam, tức ngày 14. Vào ngày 14 đó giá dầu thô thế giới có thể chỉ còn 90 USD/thùng, nhưng dầu thành phẩm mà chúng ta phải mua từ Singapore là lô dầu từ mùng 1, nên sẽ phải chịu giá 100 USD. Tất nhiên, đó là chưa kể chi phí chế biến.

Tóm lại, giá xăng dầu ở Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá dầu thành phẩm mà Singapore bán cho chúng ta chứ không phải giá dầu thô thế giới. Anh em có thể theo dõi giá dầu thành phẩm được Bộ Công thương cập nhật hàng ngày tại đây

giá xăng

Giá xăng thành phẩm tại Singapore cập nhật đến ngày 01/07

Vậy, việc giá dầu thế giới đã giảm từ ngày 09/06 nhưng đến ngày 01/07 giá xăng trong nước mới giảm là có thể hiểu được. Tuy nhiên, không chỉ đơn giản như vậy mà còn nhiều vấn đề khác chúng ta cần xem xét.

Xem thêm: OPEC tổ chức ảnh hưởng đến giá vàng đen thế giới

Những yếu tố quyết định giá xăng dầu bán ra

Giá xăng dầu tại Singapore

Như chúng ta đã phân tích, thì tất nhiên giá dầu Singapore sẽ là yếu tố đầu tiên quyết định đến giá xăng dầu trong nước, vì chúng ta trực tiếp mua xăng dầu của họ.

Giá bán lẻ tại Singapore thay đổi theo từng ngày, trong khi tại Việt Nam giá được điều chỉnh 3 lần mỗi tháng, nên ở mỗi lần điều chỉnh đó Bộ Công thương sẽ cần tính toán dựa trên giá trung bình đã mua vào trong thời gian từ lần điều chỉnh trước đến lần điều chỉnh này. Tuy nhiên, đây có thể nói chỉ là giá cơ sở để tính giá bán thực tế cho thị trường trong nước, vì rõ ràng không phải chỉ đơn giản là chúng ta nhập về 1 đồng rồi bán ra luôn 1 đồng được đúng không anh em.

Các loại thuế, phí

Xăng dầu cũng là một mặt hàng kinh doanh, nên bắt buộc phải chịu các loại thuế và phí cơ bản cũng như đặc thù khi tiêu thụ trong nước, cụ thể như sau:

  • Thuế nhập khẩu
  • Thuế tiêu thụ đặc biệt
  • Thuế GTGT
  • Thuế bảo vệ môi trường
  • Chi phí lợi nhuận, chi phí bán hàng…
  • Các loại chi phí khác

Những loại chi phí này thì chúng ta cũng không cần thắc mắc nhiều, vì chúng là bắt buộc. Hơn nữa, đây hầu hết là các loại chi phí cố định nên giá xăng dầu thực tế bán ra vẫn phụ thuộc vào giá nhập khẩu từ Singapore

Quỹ bình ổn giá

Trên thực tế, giá dầu thế giới biến động liên tục hàng ngày, thậm chí hàng giờ, do đó giá dầu thành phẩm từ Singapore cũng khó tránh khỏi những biến động mạnh. Tuy nhiên, sự biến động liên tục suy cho cùng không hề có lợi cho người tiêu dùng. Vì vậy Bộ Công thương và Bộ Tài chính luôn có quỹ bình ổn giá để hạn chế các biến động mạnh thất thường, giúp chúng ta không phải chịu những cú “shock” về giá cả.

Trên thực tế, quỹ bình ổn xăng dầu hoạt động khá hiệu quả, bởi anh em có thể thấy rằng có nhiều thời điểm giá dầu thế giới biến động cực kỳ mạnh nhưng giá xăng Việt Nam vẫn được giữ ổn định, tăng một cách chậm rãi để chúng ta kịp thích nghi. Đồng thời, trong quá khứ cũng đã có nhiều lần quỹ bình ổn giúp chúng ta được mua xăng giá rẻ hơn thế giới khá nhiều khi giá dầu thô tăng nóng.

Xem thêm: Cung cầu và các yếu tố ảnh hưởng đến giá dầu

Lời kết

Với tình hình giá dầu thế giới lại đang “muốn” tăng trở lại, thì có lẽ trong tương lai gần chúng ta cũng không mong đợi nhiều vào việc được đổ xăng giá rẻ, 1 lít xăng vẫn cứ bay ngay 1 bát phở anh em ạ. Tuy nhiên, qua những phân tích vừa rồi hy vọng anh em đã hiểu được tại sao giá xăng dầu trong nước lại không có sự liên kết với giá dầu thô thế giới – thứ mà chúng ta giao dịch hàng ngày.

Mặc dù giá xăng dầu trong nước không liên quan đến trading, nhưng lại là thứ bào mòn ví tiền của anh em mỗi ngày nên việc hiểu được nguyên lý giá cả của mặt hàng chắc chắn không thừa đúng không anh em. Cuối cùng, trong bối cảnh giá xăng cao như hiện tại, nếu có thể hãy đi bộ hoặc đi xe đạp để vừa tiết kiệm, vừa bảo vệ môi trường lại vừa rèn luyện sức khỏe anh em ạ. Sức khỏe là yếu tố rất quan trọng để chúng ta chiến đấu với nghề Trading đó.

VnRebates – Nơi Trading là NGHỀ

👉 Cập nhật Phương pháp trading mới và hiệu quả nhất trên thế giới bằng 4 Khóa học video miễn phí
Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.