VNREBATES

Những thú vui rất “khác người” của các trader huyền thoại

30.06.2022, 11:08 14 phút đọc

Không phải những sở thích xa xỉ thường thấy của giới thượng lưu hay doanh nhân nổi tiếng mà chính những sở thích “kỳ lạ” được xem là liều thuốc hỗ trợ tâm lý hữu hiệu, thậm chí chìa khóa thành công cho những tượng đài trader như Warren Buffett, Jim Rogers hay Paul Tudor Jones.

Văn hóa “Work hard, play hard – Làm hết sức, chơi hết mình” vô cùng quen thuộc ở mọi lĩnh vực và giới trading cũng không phải ngoại lệ. Sau những giờ đắm mình vào thị trường “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” với các lệnh mua/bán các trader đều cần những giây phút giải trí để nạp lại năng lượng.

Cân bằng được công việc trading với cuộc sống cá nhân cũng như duy trì những sở thích của bản thân là điều mà các tượng đài trader luôn đánh giá cao, thậm chí xem là kim chỉ nam để tồn tại trong thị trường tài chính vốn khốc liệt cũng như đời sống trading đầy cô đơn.

Những sở thích độc lạ của những trader top đầu

Hành trình trở thành huyền thoại của những tỷ phú, những bậc thầy trader vốn không hề bình thường thì những sở thích của những bậc lão làng đó cũng độc lạ không kém.

Nếu đã từng nghe đến những cuộc chơi xa hoa bất tận ở những thiên đường hoa lệ Manhattan hay Las Vegas bên rượu xịn, ma túy và những cô đào nóng bỏng của giới thượng lưu phố Wall thì anh em hẳn sẽ “mắt tròn mắt dẹt” với những thú vui có phần độc lạ của những tượng đài trader như Warren Buffet, Jim Roger, hay David Solomon… mà VnRebates kể dưới đây. Điều đặc biệt, có vẻ những bộ óc siêu đẳng đó không chỉ “chơi cho vui” mà ẩn sau những giây phút thư giãn đó là chìa khóa, bí quyết thành công cho “đấu trường” trading của họ.

“Nhà tiên tri xứ Omaha” Warren Buffett “nghiện” chơi bài Bridge và đàn Ukulele

2 tỷ phú Warren Buffett và Bill Gates là “bạn bài” cứng của nhau

Tỷ phú Warren Buffett – nhà đầu tư vĩ đại nhất thế kỷ 20 đã trở thành huyền thoại trong lịch sử tài chính bằng triết lý đầu tư đúng đắn và hữu ích. Là người truyền cảm hứng, truyền kinh nghiệm giá trị cho hàng vạn nhà đầu tư trên thế giới trong nhiều năm qua nhưng ông vẫn duy trì lối sống giản dị đến bất ngờ. Cả sự nghiệp lừng lẫy của Warren Buffett luôn gắn bó với hoạt động đầu tư, vậy ngoài thời gian trading “vị hiền tài xứ Omaha” có những sở thích gì?

Ngoài 80% thời gian rảnh rỗi của Buffett được dùng để đọc sách, thì ông dành 8 tiếng một tuần để chơi bài Bridge, còn lại là dành tình yêu cho đàn ukulele.

Huyền thoại đầu tư này từng thú nhận mình“nghiện” chơi bài Bridge và thường xuyên tụ hội với “bạn bài” trong đó có cả tỷ phú Bill Gates, thậm chí họ còn có chung một huấn luyện viên. Tuy nhiên, cũng như người bạn bài nổi tiếng của mình, Warren Buffett không chơi bài cho vui mà với ông cách tiếp cận, chiến thuật cũng kỹ thuật được sử dụng trong trò chơi này cũng tương tự như trong trading:

“Đây có lẽ là bài tập thiết thực nhất cho nhà đầu tư. Bạn nhìn ra cơ hội cùng những tình huống mới chỉ trong vòng 10 phút và phải tính toán từng nước đi một để dành chiến thắng”.

Đương nhiên việc chơi bài bridge không phải là “chìa khóa” duy nhất dẫn đến thành công trong đầu tư của Warren nhưng vị tỷ phú này cho rằng trò chơi này giúp ông rèn luyện óc phán đoán, mài dũa các kỹ năng và giúp đưa ra những quyết định đầu tư chính xác hơn.

Trong những khoảng thời gian thiếu tập trung, ông lại tìm đến trò chơi này để chỉnh đốn lại bản thân. Thậm chí, có lần người ta còn thấy vị tỷ phú lớn tuổi bỏ ra 7 USD để được ngồi chơi bài với các cụ về hưu khác ngoài lề một siêu thị nhỏ.

Nói Warren Buffett nghiện chơi bài Bridge quả không sai, bởi chẳng có gì có thể khiến trader đại tài này phân tâm khi ông đang “sát phạt” cả dù đó là có 1 người phụ nữ không một mảnh vải che thân đi qua trước mặt! Chẳng thế mà, bậc thầy đầu tư còn đùa rằng: “Tôi từng nói rằng vào tù cũng chẳng có gì đáng sợ nếu như tôi có 3 người bạn tù cùng phòng có thể chơi bài bridge cùng tôi suốt ngày đêm”.

Ngoài trò chơi bài Bridge thì ukulele là một sở thích khác cũng thú vị không kém mà ông duy trì từ những năm thanh xuân của mình. Chiếc đàn đầu tiên mà Warren Buffett mua là để phục vụ mục đích “cua gái”. Việc theo đuổi cô gái không thành nhưng từ đó đàn ukulele đã đồng hành cùng ông. Dù trong các party hay cuộc họp cổ đông hàng năm, không lúc nào ông quên mang “liều thuốc” giảm căng thẳng này đến với mọi người.

Nhà đầu tư vĩ đại nhất thế kỷ 20 với cây đàn ukulele

Tượng đài đầu tư Paul Tudor Jones và sở thích sưu tập vịt mồi (duck decoys)

Vâng, sở thích sưu tập là một trong những sở thích kinh điển và phổ biến nhất của con người, nhưng điều thú vị là bộ sưu tập của Nhà tiên tri chứng khoán đại tài Paul Tudor Jones này không phải đồ cổ, siêu xe hay những thứ xa hoa mà lại là những thứ “kỳ lạ” như đôi giày tennis cũ của diễn viên nổi tiếng Bruce Willis hay thậm chí là “vịt mồi – duck decoys”.

Câu chuyện có đôi chút tâm linh khi trong một bộ phim tài liệu của mình ông nói rằng cứ mỗi lần ông đeo chiếc giày đó, giá cổ phiếu lại tăng 30$.

Chia sẻ với Business Insider, Paul cho biết đam mê sưu tầm mà ông theo đuổi lâu nhất chính là vịt mồi. Ông bắt đầu sưu tập vịt mồi từ những năm 70 của thế kỷ trước sau khi nhận được một món quà sinh nhật là chú chim mồi từ một người bạn ở New Orleans. Chú chim mồi này đã gợi lại những kỷ niệm tuyệt vời về trải nghiệm săn bắn thời thơ ấu của ông, và từ đó ông quyết định sưu tập đồ vật kỳ lạ này.

Hình ảnh chú vịt mồi

Nói đến vịt mồi hay chim mồi thì đây mà một chú chim/vịt mô hình, được trang trí cầu kỳ và thường được thợ săn dùng để thu hút những chú vịt thật. Paul bị hấp dẫn bởi những chú vịt mồi này nhờ vẻ đẹp sang trọng một cách đơn giản.

Ông chia sẻ: “Khi tôi tôi cầm vịt mồi trong tay, tôi mong muốn đó là một trải nghiệm hoán đổi cảm xúc. Tôi cố gắng đưa mình trở lại lần cuối cùng ngồi cạnh một cái đầm lầy hay con sông mà vịt mồi vừa ở đó và cảm nhận, trải nghiệm điều kỳ diệu, kinh ngạc và phấn khích mà những người thợ săn cuối cùng đã trải qua.”

Tháng 12, năm 2006 nhà quản lý quỹ tài ba này đã mang bộ sưu tập đẳng cấp thế giới của mình đến tham dự cuộc thi Nghệ thuật Tem Vịt Liên bang (Federal Duck Stamp Art Contest.). Ngoài ra, sở thích sưu tập vịt mồi của ông cũng là nguồn cảm hứng cho Frank Schmidt and Gary Guyette viết cuốn sách: The Art of Deception: Waterfowl Decoys from the Collection of Paul Tudor Jones II.

Xem thêm: Ai là tỷ phú forex trên thế giới?

Jim Rogers – 3 kỷ lục Guinness với các cuộc phiêu lưu vòng quanh thế giới

Hành trình rong ruổi vòng quanh thế giới bằng motor của trader đại tài Jim Rogers được ông kể lại trong cuốn Investment Biker

Là một nhân vật huyền thoại của giới tài chính, tên tuổi của Jim Rogers gắn liền với tỷ phú George Soros – “kẻ” đánh sập ngân hàng Anh cùng với kỳ tích đáng kinh ngạc là tỷ suất sinh lời 45%/năm trên cương vị nhà quản lý quỹ.

Bên cạnh sự nghiệp lẫy lừng đó thì cuộc sống cá nhân của vị bậc thầy đầu tư thông minh, hóm hỉnh này cũng thú vị và đặc sắc không kém. Với một cơ duyên lạ lùng, cử nhân triết học Yale và Oxford đã có một “tình yêu” bất diệt với trung tâm tài chính lớn nhất thế giới.

Tuy vậy, ông còn một “tình yêu” khác cũng mãnh liệt không kém đó là chu du khắp thế giới. Năm 1980, Rogers quyết định tạm thời “giải nghệ” để thực hiện những kế hoạch cá nhân của mình, mà đặc biệt là những hành trình rong ruổi vòng quanh thế giới trên chiếc biker BMW của mình và ghi danh 3 lần vào kỷ lục Guinness.

1 trong những chuyến chu du qua 6 lục địa của huyền thoại đầu tư này được chính ông viết trong cuốn Investment Biker. Đây là câu chuyện hấp dẫn về hành trình 12 tháng vượt qua 105.000 km đất liền và hàng nghìn km đường hàng không, đường thủy và đường sắt của Jim cùng người bạn Tabitha của mình trên chiếc motor BMW vào năm 1990.

Chuyến đi kỳ diệu lập kỷ lục Guinness này không đơn giản là một chuyến du lịch mà còn là hành trình khám phá thị trường đầu tư ở các quốc gia đang phát triển trên thế giới, với những lời khuyên sâu sắc về hiện trạng và hướng đi trong tương lai của các nền kinh tế toàn cầu và truyền cảm hứng cho các nhà đầu tư quan tâm đến thị trường nước ngoài.

Xem thêm: Jim Rogers – Bậc thầy đầu tư với triết lý khác biệt để thành công

Cựu trader trái phiếu và CEO Goldman Sachs – David Solomon đam mê làm DJ

David Solomon – ngày làm CEO Goldman Sachs, đêm đến làm DJ tại các câu lạc bộ

Cựu trader trái phiếuDavid Solomon có lẽ là CEO “dị” nhất Phố Wall: Đi làm bằng tàu điện ngầm, tự pha cà phê mỗi ngày và đặc biệt là biểu diễn DJ ở các câu lạc bộ đêm ở NewYork, Bahamas và MTV Europe Music Awards ở London.

Ban ngày, Solomon vẫn làm CEO của ngân hàng hàng đầu thế giới Goldman Sachs với thu nhập vài chục triệu USD mỗi năm. Nhưng đêm đến, người ta lại biết đến ông với biệt danh DJ D-Sol.

Ban đầu DJ với Solomon chỉ là một sở thích cá nhân. Nhưng sau khi gặp gỡ Paul Oakenprint – nhà sản xuất thu âm và DJ tài năng người Anh, Solomon bị thuyết phục chơi thử tại Manhattan Club và dần dần trở thành một DJ chính hiệu. Việc một nhà CEO “chìm đắm” trong tiếng nhạc xập xình và ánh đèn sân khấu từng trở thành đề tài “nóng” cho giới truyền thông và khiến bản thân Solomon cảm thấy lo lắng việc này khiến công chúng nhìn nhận ông là người thiếu nghiêm túc.

Rất may là với sự ủng hộ của nhiều người đặc biệt là CEO tiền nhiệm của Goldman Sachs, Solomon quyết định vẫn gắn bó với sở thích đặc biệt này. Điều đáng ghi nhận là ông dành toàn bộ thu nhập từ việc làm DJ để làm từ thiện.

Cũng theo Solomon, đó là “một cách thức tuyệt vời để kết nối với những đồng nghiệp trẻ tuổi hơn mình”.

Vị CEO cảm thấy nghề DJ giống như một mảnh ghép hoàn hảo cho sự nghiệp tài chính của mình. Đắm mình trong âm nhạc giúp ông xoa dịu tâm trí mỏi mệt trước những lịch trình dày đặc, giúp ông cân bằng sự nghiệp và cuộc sống cá nhân.

Solomon từng chia sẻ dù ở cương vị nào dù là CEO của một trong những ngân hàng lớn nhất nước Mỹ hay 1 tay DJ chuyên nghiệp thì ông đều “theo đuổi đến cùng”“cố gắng làm mọi thứ với khả năng tốt nhất của mình.”

Victoria Woodhull – Nữ môi giới chứng khoán đầu tiên của phố Wall cùng tình yêu với báo chí, giáo dục và chính trị

Victoria Woodhull –  Người phụ nữ đầu tiên điều hành một công ty môi giới chứng khoán ở Phố Wall

Trader cuối cùng mà chúng tôi muốn nhắc đến là bà Victoria Woodhull –  người phụ nữ đầu tiên điều hành một công ty môi giới chứng khoán ở Phố Wall.

Lịch sử đầu tư phần lớn là về nam giới. Trong lịch sử 200 tuổi của thị trường chứng khoán Mỹ, cơ hội dành cho phụ nữ không nhiều, thậm chí còn xa vời. Nhưng người phụ nữ sinh năm 1938 với biệt danh “fearless girl” đến từ vùng nông thôn nghèo khó bang Ohio đã phá vỡ mọi rào cản ấy và mở đường cho thế hệ sau.

Victoria Woodhull được đánh giá một trong những nhân vật nhiều màu sắc nhất thế kỷ 19. Bà nổi bật ở mọi lĩnh vực, y học, chính trị, báo chí và giáo dục. Bà ủng hộ nữ quyền, là một diễn giả nổi tiếng, một nhà xuất bản báo chí tài năng và đặc biệt là ứng cử viên nữ tổng thống đầu tiên vào năm 1872.

Sau khi định cư ở New York và nhờ mối quan hệ với ông trùm ngành đường sắt Cornelius Vanderbilt, Victoria và chị gái đã tích góp được gần 700.000 USD trong vòng 6 tuần. Đến tháng 2 năm 1870, cả hai mở công ty môi giới Woodhull, Claflin và Company và trở thành những người phụ nữ đầu tiên điều hành một công ty môi giới ở Phố Wall và được giới ưu ái gọi với biệt danh “nữ hoàng tài chính”.

Nhưng tham vọng của Victoria chưa dừng lại ở đó, việc mở công ty môi giới chỉ là công cụ để bà phát triển sự nghiệp báo giới và giáo dục và bước vào chính trường.

Sau Victoria Woodhull, đã có thêm nhiều nữ trader làm việc tại phố Wall cũng như nhiều phụ nữ tự ứng cử cho vị trí Tổng thống Mỹ nhưng sự tiên phong bất chấp các chuẩn mực xã hội của thời đại cũng như cuộc đời phong phú nhiều màu sắc của bà không bao giờ bị lãng quên.

VnRebates – Nơi Trading là NGHỀ

 

 

👉 Cập nhật Phương pháp trading mới và hiệu quả nhất trên thế giới bằng 4 Khóa học video miễn phí
Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.