VNREBATES

Cung cầu và các yếu tố ảnh hưởng đến giá dầu

13.04.2022, 08:15 14 phút đọc

Dầu thô là một loại hàng hoá đặc trung trên sàn giao dịch vì bản thân giá dầu bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố, chính vì vậy việc tìm hiểu và nắm bắt được các yếu tố ảnh hưởnng đến giá dầu là một trong những việc phải được áp dụng khi phân tích giá dầu trên thị trường.

Dầu thô là một trong những loại hàng hóa không chỉ phục vụ và cần thiết cho sự phát triển các ngành công nghiệp liên quan mà còn là một trong những sản phẩm được giao dịch nhiều trên thị trường. Ngoài các mối tương quan giữa giá và phân tích kỹ thuật ra thì các yếu tố ảnh hưởng đến giá dầu cũng rất đa dạng.

Vậy những yếu tố ảnh hưởng đến giá dầu bao gồm các yếu tố nào? Quy luật tác động ra sao? Anh em hãy cùng VnRebates tìm hiểu qua bài viết này nhé!

#Kiến_thức_NGHỀ_Trading

1. Tình hình dầu thô thế giới

Trong lịch sử thì giá dầu thô toàn cầu tương đối nhất quán trong thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Nhưng điều này đã thay đổi vào những năm 1970, với sự gia tăng đáng kể giá dầu trên toàn cầu. Đã có một số động lực cơ cấu của giá dầu toàn cầu trong lịch sử, bao gồm các cú sốc về cung, cầu và trữ lượng dầu, và các cú sốc đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến giá dầu.

yếu tố ảnh hưởng đến giá dầu

Tình hình dầu thô qua các thời kì

Các mốc đáng chú ý dẫn đến biến động giá đáng kể bao gồm:

  • Lệnh cấm vận dầu mỏ năm 1973 của OPEC nhắm vào các quốc gia đã hỗ trợ Israel trong Chiến tranh Yom Kippur dẫn đến cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973.
  • Cách mạng Iran trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1979
  • Cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008
  • Tình trạng dư thừa nguồn cung dầu năm 2013 đã dẫn đến “đợt giảm giá dầu lớn nhất trong lịch sử hiện đại” từ năm 2014 đến năm 2016 với mức giảm 70% của giá dầu toàn cầu
  • Đến năm 2015, Hoa Kỳ đã trở thành nhà sản xuất dầu lớn thứ 3 – chuyển từ nhà nhập khẩu sang nhà xuất khẩu.
  • Cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Ả Rập Xê Út năm 2020 đã khiến giá dầu toàn cầu giảm 65% kết hợp với việc bắt đầu đại dịch COVID-19 .
  • Vào năm 2021, giá dầu cao kỷ lục được thúc đẩy bởi sự gia tăng nhu cầu trên toàn cầu khi thế giới phục hồi sau cuộc suy thoái COVID-19.
  • Năm 2022 cuộc khủng hoảng chính trị và chiến tranh Nga – Ukraine đã làm giá dầu leo lên mốc kỉ lục do áp lực lo sợ thiếu nguồn cung từ Nga cũng như các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với nước này.

#Thực_chiến_NGHỀ_Trading

2. Cung cầu dẫn dắt và là yếu tố ảnh hưởng đến giá dầu

Giá dầu được xác định bởi lực cung và cầu trên toàn cầu , theo mô hình kinh tế cổ điển về xác định giá trong nền kinh tế hàng hóa. Nhu cầu về dầu phụ thuộc nhiều vào các điều kiện kinh tế vĩ mô thế giới. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, giá dầu tăng cao nói chung có tác động tiêu cực lớn đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Khái niệm về cung và cầu có thể hiểu đơn giản là khi cầu tăng (hoặc cung giảm), giá sẽ tăng lên. Khi nhu cầu giảm (hoặc cung tăng), giá sẽ giảm, tuy có vẻ đơn giản nhưng thực tế lại liên quan đến nhiều yếu tố khác:

Giá dầu chủ yếu được kiểm soát dựa vào thị trường hợp đồng tương lai. Đây là hình thức mua bán dầu theo giá thỏa thuận hiện tại nhưng lại giao hàng vào 1 thời điểm cụ thể trong tương lai. Hợp đồng này được thực hiện trên sàn giao dịch hàng hóa do các nhà giao dịch đã đăng ký với Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai (CFTC – Commodities Futures Trading Commission).

yếu tố ảnh hưởng đến giá dầu

Các commodities traders và cung cầu tạo nên yếu tố ảnh hưởng đến giá dầu

Hình thức này đã được thực hiện trong suốt một thế kỉ, theo quy định của CFTC kể từ năm 1920, chính phủ Hoa Kỳ và OPEC chính là nhân tố ảnh hưởng đến việc đưa ra quyết định đấu thầu giá dầu, mặc dù chính phủ Hoa Kỳ và OPEC không thực sự kiểm soát giá, mà là nhà giao dịch hàng hóa (Commodities traders). Và các trader forex cũng sẽ quan tâm đến việc các commodities trader đang muốn gì vì giá dầu sẽ ảnh hưởng đến các đồng tiền hàng hoá như đồng CAD, AUD,…

Xem thêm: Tại sao đồng CAD và giá dầu có mối tương quan vô cùng chặt chẽ

Các commodities traders xác định giá dầu dựa trên ba yếu tố chính là: nguồn cung sản lượng, dự đoán nguồn cung trong tương lai, nhu cầu dầu trong từng mùa.

2.1. Nguồn cung sản lượng

Nguồn cung sản lượng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến giá dầu khi xét theo cung cầu.

Từ 1973, OPEC đã hạn chế hơn 60% nguồn cung xuất khẩu dầu thế giới. Tuy nhiên, do sản lượng dầu đá phiến ở Mỹ đã tăng gấp đôi từ năm 2011 đến 2014, đã tạo ra dư thừa dầu (cung tăng) làm cho giá dầu giảm chỉ còn 45 USD/thùng. Sau đó đến năm 2015 giá tiếp tục giảm một lần nữa còn 36,87 USD/thùng và còn 27 USD/thùng vào năm 2016.

OPEC luôn muốn giảm nguồn cung ra thị trường để giữ giá dầu tăng ở mức 70 USD/thùng.  Lý do OPEC làm vậy vì họ hiểu các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ cần giá dầu phải ổn định ở mức giá 40 USD – 50 USD/thùng thì mới đủ chi trả các trái phiếu lãi suất cao để huy động vốn.

OPEC đã dùng cách này để giết chết các nhà sản xuất dầu đá phiến, nhằm giúp họ giữ nguyên thị phần thống trị. Tuy nhiên, giai đoạn từ 2011 – 2016 OPEC đã để dầu lao dốc, rơi tự do.

2.2. Dự đoán nguồn cung trong tương lai

Khả năng tiếp cận nguồn cung trong tương lai phụ thuộc vào trữ lượng dầu, bao gồm:

  • Nguồn dầu có sẵn trong các nhà máy lọc dầu của Hoa Kỳ
  • Nguồn dầu trong các Chiến lược dự trữ dầu mỏ SPR (Strategic Petroleum Reserve) của Hoa Kỳ.

Dựa trên các tiêu chí trong Đạo luật Bảo tồn và Chính sách Năng lượng (EPCA), những nguồn dự trữ này có thể được tiếp cận dễ dàng để tăng nguồn cung dầu nếu giá quá cao, thiên tai làm gián đoạn dòng chảy của dầu vào Hoa Kỳ hoặc nếu có nhu cầu về dầu.

yếu tố ảnh hưởng đến giá dầu

Các kho dự trữ dầu của Hoa Kỳ

Nếu các nguồn cung này dồi dao trong tương lai thì khi có sự gia tăng về cầu thì các commodities traders có xu hướng đồng thuận và chấp nhận giá dầu sẽ không tăng cao hoặc giảm nhẹ nếu chính phủ mở các kho dự trữ này làm tăng nguồn cung trên thị trường.

Ngược lại, nếu các nguồn cung trong tương lai bị hạn chế thì thì lúc này nếu có nhu cầu tăng cao thì sự cạn nguồn cung hoặc cầu vượt cung sẽ đẩy giá dầu đi lên một mức giá mới.

Tháng 04/2022, Giá dầu đã có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi Mỹ công bố quyết định xả kho dự trữ dầu mỏ chiến lược 1 triệu thùng mỗi ngày trong 6 tháng. Giá dầu đã giảm khoảng 13% kể từ sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo kế hoạch xả 1 triệu thùng dầu mỗi ngày trong 6 tháng kể từ tháng 5. Giá dầu Brent đã giảm xuống mức 103,5 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ của Mỹ đã giảm dưới mốc 100 USD xuống còn 98,46 USD/thùng.

Qua đó anh em có thể thấy nguồn cung trong tương lai cũng là yếu tố ảnh hưởng đến giá dầu khi xét theo cung cầu

2.3. Nhu cầu dầu

Các commodities traders xem xét nhu cầu dầu trên thị trường và đây cũng chính là yếu tố cuối cùng ảnh hưởng đến giá dầu khi xét theo cung cầu . Nhu cầu này chủ yếu đến từ Hoa Kỳ. Những con số ước tính được cung cấp hàng tháng bởi Cơ quan Thông tin Năng lượng.

Nhu cầu dầu thường tăng trong mùa hè – mùa của du lịch và nhiều hoạt động khác. Các dự báo từ cục du lịch AAA được dùng để xác định tiềm năng sử dụng xăng vào mùa hè. Song song đó, dự báo thời tiết được sử dụng để xác định tiềm năng sử dụng dầu để sưởi ấm nhà trong mùa đông. Nhu cầu tăng dẫn đến việc thúc đẩy giá dầu đi lên.

Tháng 02/2021, giá dầu thô Brent tại Sàn giao dịch hàng hóa New York có lúc tăng 1,6% lên 64,4 USD/thùng. Giá dầu WTI (West Texas Intermidate) có lúc vượt 61 USD/thùng nguyên nhân do mùa đông lạnh bất thường ở Mỹ đã kéo theo nhu cầu sử dụng dầu để sưởi ấm và gia tăng các hoạt động sản xuất.

3. Các yếu tố ảnh hưởng đến giá dầu khác

3.1. Sự tác động của OPEC

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC là tổ chức cá nước có sản lượng khai thác vào khoảng 40% tổng sản lượng dầu thế giới và nắm giữ khoảng 3/4 trữ lượng dầu, bao gồm các quốc gia: Algerie, Libya, Nigeria, Angola, Iran, Iraq, Kuwait, Quatar, Ả rập Xê út, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Venezuela và Ecuado.

yếu tố ảnh hưởng đến giá dầu

Tổ chức OPEC

OPEC dựa vào việc phân bổ định mức cho các thành viên để điều chỉnh lượng khai thác dầu mỏ, tạo ra khan hiếm hoặc dư dầu nhằm tăng, giảm hoặc giữ giá dầu, nói chung là khống chế giá dầu ở mức có lợi nhất cho các thành viên trong tổ chức.

Xem thêm: OPEC tổ chức ảnh hưởng đến giá vàng đen thế giới

Chính yếu tố này là điểm mấu chốt mà OPEC làm cho giá dầu biến động, anh em có thể thấy thông qua ví dụ về “nguồn cung sản lượng” trong quy luật cung cầu ở trên khi OPEC tìm cách khống chế giá dầu thế giới.

3.2. Bất ổn chính trị các nước khai thác dầu sản lượng lớn trên thế giới

Các nước sản xuất dầu lớn khi gặp phải các vấn đề bất ổn về chính trị, thị trường sẽ phản ứng bằng cách tăng giá dầu. Trong trường hợp này cũng cho thấy nguồn cung dầu sẽ bị gián đoạn trong tương lai.

yếu tố ảnh hưởng đến giá dầu

Bất ổn đến các nước khai thác dầu mỏ chủ đạo luôn kèm theo áp lực tăng giá dầu

Một số bất ổn có thể kể đến như:

  • Chiến tranh Yom Kippur – Lệnh cấm dầu: Sự thiếu hụt nguồn cung trong một thời gian dài đã đẩy giá dầu tăng 400% (từ khoảng 3 USD/thùng năm 1972 lên đến 12 USD/thùng cuối năm 1974).
  • Cách mạng hồi giáo Iran: Giá dầu vẫn bật tăng ngất ngưởng do nỗi sợ hãi của thị trường, cộng thêm việc việc Tổng thống Mỹ ra lệnh ngừng nhập khẩu dầu từ Iran khiến mỗi thùng dầu nhảy vọt từ 16 USD lên 40 USD chỉ trong vòng 12 tháng.
  • Chiến tranh Iran và Iraq: Tháng 9/1980 xảy ra chiến tranh, sau đó giá dầu đã ở mức cao 35 USD/thùng năm 1981.
  • Chiến tranh vùng Vịnh: Trong vòng 2 tháng, giá dầu từ 17 USD lên 36 USD mỗi thùng. Chỉ khi lực lượng Liên quân do Mỹ lãnh đạo đưa quân vào giải phóng Kuwait, tình trạng thiếu nguồn cung mới chấm dứt và giá bắt đầu hạ.
  • Cuộc nội chiến Lybia năm 2011: Giá dầu đạt ngưỡng cao kỉ lục. Dầu WTI tăng hơn 100 USD/thùng, trong khi dầu Brent chạm mức 120 USD/thùng.

3.3. Các báo cáo dầu thô của Mỹ

Mỗi thứ Ba hàng tuần, Hiệp hội Dầu thô Hoa Kỳ (API) và Bộ Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) sẽ công bố các thay đổi về cung – cầu năng lượng hàng tuần. Đặc biệt sự tăng hoặc giảm trong số dư tồn kho của Mỹ có ảnh hưởng đáng kể đến giá dầu thô.

Hiện tại, Mỹ là nước tiêu thụ nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, xét về nhu cầu thì có thể hình dung được tầm quan trọng của hai dữ liệu này, chính vì vậy đây cũng là yếu tố ảnh hưởng đến giá dầu thô.

Ví dụ: kết thúc phiên giao dịch ngày 06/04/2021, giá dầu thô WTI tăng 1.16% lên 59.33 USD/thùng, giá sẽ tăng nhẹ nhờ báo vào cáo của Viện dầu khí Mỹ (API). Báo cáo tồn kho của API cho thấy tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ trong tuần trước giảm 2.6 triệu thùng, mức giảm nhiều hơn dự đoán của thị trường.

3.4. Tỷ giá đồng USD

Giá dầu thô luôn có mối liên hệ chặt chẽ với đồng đô la Mỹ, việc giao hàng và định giá đều được tính bằng đô la Mỹ, do đó chỉ số đô la Mỹ (USD Index) cũng sẽ có tác động đến giá dầu thô. Thay đổi giá dầu và thay đổi chỉ số đô la Mỹ có mối quan hệ chống tương quan nhất định.

Xem thêm: USD Index – chỉ số buộc phải theo dõi khi giao dịch với đồng Đô la Mỹ

Nếu giá trị của đồng đô la Mỹ tiếp tục mất giá, thu nhập thực tế của các sản phẩm dầu mỏ được tính bằng đô la Mỹ sẽ giảm, khiến tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ phải tăng giá dầu thô như một biện pháp đối phó để duy trì sự ổn định tương đối của nó. Theo cách tương tự, nếu đồng đô la Mỹ tăng giá, giá dầu sẽ giảm.

Ngày 17/06/2022, Giá dầu thế giới giảm gần 2% trong phiên giao dịch, tuột khỏi mức đỉnh của nhiều năm, do đồng USD tăng giá sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố có thể tăng lãi suất từ năm 2023.

3.5. Kinh tế toàn cầu và nhu cầu phát triển công nghiệp

Các yếu tố kinh tế phát triển kéo theo kéo theo sự phổ biến của các hoạt động công nghiệp, nhu cầu dầu thô cũng được đẩy mạnh dẫn đến giá dầu tăng cao. Ngược lại khi nền kinh tế kém phát triển, các hoạt động công nghiệp suy giảm và nhu cầu dầu thô giảm dẫn đến giá dầu đi xuống.

Từ 1981 đến 1986, do tăng trưởng kinh tế chậm tại các nước công nghiệp (hậu quả của các cuộc khủng hoảng năm 1973 và 1979), nhu cầu tiêu thụ dầu trên toàn thế giới chậm lại. Ở các nước tiêu thụ dầu lớn như Mỹ, Nhật và châu Âu, nhu cầu nhiên liệu giảm 13% từ năm 1979 đến 1981. Hệ quả là giá dầu giảm mạnh từ 35 USD/thùng hồi 1981 xuống dưới 10 USD/thùng năm 1986.

3.6. Các yếu tố tự nhiên

Sưởi ấm là một trong những công dụng cơ bản nhất của dầu. Chính vì vậy, giá dầu ảnh hưởng rất lớn bởi thời tiết lạnh hoặc mùa hè – người tiêu dùng sẽ có xu hướng thụ xăng nhiều hơn. Thông thường, các yếu tố thời thiết bất lợi thường có khả năng làm biến động và làm giá dầu tăng cao.

Ví dụ: Vào năm 2005, cơn bão Katrina tấn công vào những giàn khoan vịnh Mehico, dẫn đến sản lượng các nhà máy lọc dầu tại Mỹ giảm 4,5 triệu thùng/ ngày, đẩy giá dầu WTI lên tới mức trên  70 USD/thùng.

3.7. Đầu cơ

Giá dầu cũng bị ảnh hưởng bởi số lượng vị thế đầu cơ của các nhà đầu tư trên thị trường. Năm 2008, giá dầu đạt mức 140 USD/thùng. Nhiều tổ chức và các công ty dầu khí cho rằng những nhà đầu cơ dầu đang cố gắng đưa giá dầu lên và tạo ra bong bóng giá dầu. Ngay sau đó, vào năm 2009, giá dầu đã giảm xuống còn quanh vùng 30$/thùng bởi nhu cầu để đẩy giá lên 140 USD/thùng là không tồn tại đến mức gây ra cơn sốt về giá dầu như vậy.

4. Kết luận

Dầu thô là một trong những nhiên liệu không thể tái tạo và là hàng hoá có vai trò quan trọng bậc nhất đối với sự phát triển của kinh tế nói chung và nền công nghiệp nói riêng. Có rất nhiều yếu tố tác tác động đến giá dầu thô nhưng trong đó mối tương quan cung cầu là yếu tố chính dãn dắt giá dầu bên cạnh các yếu tố khác.

Qua bài viết này của VnRebates, hi vọng anh em đã có thể trang bị cho mình những kiến thức thiết thực về các yếu tố tác động đến giá dầu thông qua các phân tích và dẫn chứng cụ thể. Chúc anh em thành công khi giao dịch trên thị trường!

VnRebates – Nơi Trading là NGHỀ

👉 Cập nhật Phương pháp trading mới và hiệu quả nhất trên thế giới bằng 4 Khóa học video miễn phí
Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.