VNREBATES

Đồng CNY có gì đặc biệt? Trung Quốc quản lý tiền tệ như thế nào?

02.04.2022, 08:15 21 phút đọc

Đồng Nhân dân tệ đang ngày càng thể hiện được sức mạnh của mình trong nền tài chính toàn cầu. Đó là điều tương đối dễ hiểu khi mà kinh tế của Trung Quốc đã và đang trên đà tăng trưởng thần tốc trong thời gian gần đây. Vậy chính xác thì đồng CNY cùng với nền kinh tế Trung Quốc đã vươn lên như thế nào, và đồng tiền này có những đặc điểm gì đáng lưu ý đối với các nhà giao dịch trên thị trường ngoại hối? Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Mặc dù Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu, và cạnh tranh trực tiếp với vị thế số 1 của Mỹ, thế nhưng đồng CNY của nước này lại có giá trị khá thấp so với đồng USD. Trên thực tế, nguyên nhân của việc này là do “sự cố ý” của Trung Quốc, nhằm tận dụng lợi thế về tỷ giá hối đoái để phát triển kinh tế. Cụ thể việc này là như thế nào? Chúng ta sẽ cùng phân tích sau khi tìm hiểu những thông tin cơ bản về đồng CNY.

#Kiến_thức_phục_vụ_NGHỀ_Trading

1. Thông tin cơ bản về đồng CNY

1.1. CNY – đồng tiền mới nổi trong thị trường ngoại hối

CNY là ký hiệu cho đồng nhân dân tệ – đồng tiền chính thức của Trung Quốc. Đồng nhân dân tệ được phát hành bởi ngân hàng trung ương của Trung Quốc, tức Ngân hàng Nhân Dân Trung Quốc.

Đồng nhân dân tệ lần đầu được đưa vào sử dụng từ năm 1950. Sau mỗi lần phát hành, đồng tiền này đều có những thay đổi về tiền giấy và tiền xu, và những mẫu tiền trước đó sẽ bị loại bỏ.

Đồng CNY không phải đồng tiền thả nổi tự do như đa số các loại tiền tệ khác trên thế giới. Thay vào đó, đồng tiền này được quản lý thông qua tỷ giá hối đoái thả nổi, hay nói dễ hiểu hơn là nó được phép thay đổi trong một biên độ hẹp, xung quanh một tỷ lệ cố định nào đó so với các loại tiền tệ khác trên thế giới.

Ký hiệu đồng tiền của Trung Quốc là chữ Y với hai dấu gạch ngang đi qua tâm: ¥. Nếu anh em đang nghĩ rằng đây là ký hiệu của đồng yên Nhật, thì đúng là như vậy.

Đồng nhân dân tệ và đồng yên có ký hiệu giống nhau, tuy nhiên cách phát âm của hai ký tự này ở mỗi quốc gia lại khác nhau. Mặc dù chúng ta khó mà phân biệt được điều đó, tuy nhiên anh em có thể sử dụng bối cảnh để phân biệt giữa đồng yên và đồng nhân dân tệ khi chúng sử dụng ký hiệu cùng nhau.

Về đơn vị lưu hành, đồng CNY được quy đổi với tỷ lệ 1 tệ = 10 hào (1 yuan = 10 jiao). 1 hào lại có thể được chia nhỏ hơn thành 10 xu (fen). Tiền giấy của nước này bao gồm các mệnh giá 1, 2, 5, 10, 20, 50 và 100 nhân dân tệ, nhỏ hơn có các đồng 1, 2 và 5 hào và có các đồng xu 1, 2 và 5 xu.

đồng CNY

Đồng nhân dân tệ

Cho đến năm 2015, đồng CNY của Trung Quốc chính thức được quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) thêm vào giỏ các đồng tiền dự trữ của thế giới, bên cạnh Dollar, Euro, Pound và Yên. Có thể nguyên nhân chính là do sự phát triển kinh tế thần tốc của Trung Quốc khiến cho đồng tiền này ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư nắm giữ, và cũng vì thế nó được xem như một loại tiền tệ mới nổi.

Xem thêm: JPY là tiền gì? Những điều Trader cần biết về đồng Yên Nhật

1.2. Sự khác biệt giữa Yuan và Renminbi

Khi tìm hiểu về tiền tệ của Trung Quốc, anh em sẽ dễ dàng bắt gặp hai khái niệm khác nhau là Yuan và Renminbi để ám chỉ đồng tiền này. Trên thực tế, đây bản chất chỉ là hai tên gọi khác nhau của đồng nhân dân tệ chứ không phải hai loại tiền tệ khác nhau của Trung Quốc. Vậy cụ thể tại sao đồng tiền này lại có hai tên gọi như vậy?

Renminbi

Renminbi được ký hiệu là RMB. Có thể nói đây mới là tên gọi chính thức của đồng nhân dân tệ. Tên gọi này dịch ra tiếng Quan Thoại có nghĩa là tiền tệ của nhân dân. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thành lập Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và phát hành đồng RMB đầu tiên vào tháng 12 năm 1948.

Yuan

Nếu như Renminbi là tên gọi, thì Yuan là đơn vị của đồng nhân dân tệ, ký hiệu là CNY. Nói một cách chính xác thì Yuan là đơn vị của đồng Renminbi. Các giao dịch trên thế giới thanh toán bằng đồng nhân dân tệ đa số luôn sử dụng đơn vị CNY thay vì tên gọi RMB, tuy nhiên, nhiều trường hợp hai ký hiệu này vẫn được sử dụng để thay thế cho nhau.

Tóm lại, anh em có thể hình dung sự khác biệt như sau: khi nhắc đến nhân dân tệ hoặc tiền tệ của Trung Quốc nói chúng, người ta sẽ dùng Renminbi. Còn trong trường hợp đề cập đến một số tiền cụ thể, sẽ dùng đến đơn vị Yuan. Ví dụ chúng ta nói mặt hàng này có giá 10 CNY chứ không nói nó có giá 10 RMB.

Vì ký hiệu CNY trên thực tế được sử dụng rộng rãi hơn, và việc giao dịch của chúng ta cũng sử dụng đơn vị CNY thay vì tên gọi chung RMB, nên trong phần còn lại của bài viết này, mình sẽ sử dụng ký hiệu đồng CNY để đại diện cho đồng nhân dân tệ.

1.3. Đồng CNY trong nước và ngoài nước – nguồn gốc và sự khác biệt

Hai “biến thể” khác của đồng nhân dân tệ mà anh em cần có sự phân biệt, đó là đồng nhân dân tệ trong nước và đồng nhân dân tệ ngoài nước Trung Quốc. Nguyên bản hai khái niệm này là Oneshore Renminbi và Offshore Renmibi. Đồng nhân dân tệ ngoài nước còn được ký hiệu là CNH, để phân biệt với đồng tiền trong nước – CNY.

Hiểu một cách đơn giản và cơ bản nhất, thì đồng nhân dân tệ ngoài nước xuất hiện khi Trung Quốc bắt đầu cố gắng quốc tế hóa tiền tệ của mình, và đồng CNH là đồng nhân dân tệ được giao dịch ra nước ngoài.

Khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa nền kinh tế, họ muốn đồng tiền của mình được sử dụng nhiều trên thế giới cho các thanh toán tài chính và thương mại. Khi đó, Hong Kong – nơi từng là trung tâm quốc tế của Trung Quốc đại lục trở thành địa điểm tuyệt vời để phát triển thị trường đồng CNH. Sau đó, Singapore, Đài Loan và London cũng phát triển thị trường đồng CNH của riêng họ.

Có thể nói thị trường CNH bắt đầu khi sự phát triển của hoạt động kinh doanh ngân hàng bằng đồng nhân dân tệ được cho phép ở Hong Kong vào năm 2004. Từ đó, tiền gửi bằng đồng nhân dân tệ tiếp tục tăng cao ở ngoài đại lục Trung Quốc, và trái phiếu được phát hành bằng CNH được mệnh danh là trái phiếu tổng hợp. Năm 2010, McDonld’s là công ty nước ngoài đầu tiên phát hành trái phiếu tổng hợp này.

Một điều quan trọng và cũng là điểm khác biệt giữa đồng CNH so với đồng CNY là nó không dao động trong một biên độ hẹp và không chịu sự kiểm soát của chính quyền Trung Quốc về tỷ giá. Hay nói cách khác, CNH có thể được coi là đồng tiền thả nổi, tỷ giá của nó so với các đồng tiền khác phụ thuộc hoàn toàn vào cung cầu.

Xem thêm: Tỷ giá thả nổi (Floating Exchange Rate) là gì? So sánh tỷ giá thả nổi với tỷ giá cố định

2. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và nền kinh tế đại lục

2.1. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc là ngân hàng trung ương của đất nước tỷ dân này, có trụ sở tại thủ đô Bắc Kinh và chịu trách nhiệm về chính sách tiền tệ của đất nước.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc viết tắc là PBOC – People’s Bank of China, được thành lập ngày 1 tháng 12 năm 1948. PBOC là một trong những ngân hàng trung ương lớn nhất trên thế giới, với hơn 3 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối.

PBOC

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc

PBOC thực chất được hợp nhất từ Ngân hàng Hoa Bắc, Ngân hàng Bắc Hải và Ngân hàng Nông dân Tây Bắc của Trung Quốc, sau khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, và chính thức trở thành ngân hàng trung ương của Trung Quốc vào tháng 9 năm 1982.

PBOC chịu trách nhiệm soạn thảo luật và quy định trong phạm vi chức năng tài chính của mình, bao gồm thực hiện chính sách tiền tệ nhằm duy trì sự ổn định tài chính và tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc. Một số trách nhiệm khác bao gồm ấn định lãi suất, điều tiết thị trường tài chính, phát hành đồng CNY, điều tiết hoạt động của các ngân hàng và quản lý ngoại hối cũng như các giao dịch ngoại tệ.

2.2. Kinh tế Trung Quốc và chính sách tiền tệ của PBOC

Trung Quốc là nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất trên thế giới trong nhiều năm trở lại đây. Là một nước tập trung vào sản xuất và xuất khẩu, nên không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc xuất siêu với tỷ trọng bán hàng hóa cho thế giới lớn hơn rất nhiều so với những gì họ mua vào.

Theo các nghiên cứu quốc tế, đất nước này đã trở thành nhà sản xuất lớn nhất thế giới từ năm 2010, và GDP bình quân đầu người theo đó cũng đã tăng hơn 2000% trong 25 năm, từ 473 USD năm 1994 lên 10 262 USD trong năm 2019. Để so sánh, trong cùng thời kỳ này, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của Anh chỉ là 115%. Sự phát triển này đã giúp Trung Quốc chiếm hơn 25% thị phần sản xuất trên toàn thế giới kể từ năm 2014.

Trung Quốc nhận được chủ yếu là USD khi xuất khẩu hàng hóa ra thế giới, nhưng chi phí sản xuất phải thanh toán bằng nội tệ, tức đồng CNY. Do đó, nguồn cung USD tại quốc gia này là rất lớn, trong khi nhu cầu về đồng CNY cao, từ đó theo như quy luật cung cầu thông thường, tỷ giá đồng CNY so với USD có thể sẽ tăng lên rất mạnh mẽ.

Tuy nhiên, nếu điều đó thực sự xảy ra, hàng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ trở nên đắt đỏ hơn đối với thế giới khi tính theo USD, hệ quả là làm mất lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đây có thể sẽ trở thành vấn đề vô cùng nan giải đối với Trung Quốc, thậm chí có thể khiến cho tình trạng thất nghiệp xảy ra diện rộng, kinh tế đình trệ nếu như không bán được hàng.

Chính vì vậy, PBOC đã can thiệp để tránh tình trạng này diễn ra, bằng cách tác động trực tiếp tới tỷ giá hối đoái của đồng CNY, giữ cho tỷ giá này thấp hơn thông qua các biện pháp nhân tạo thay vì thả nổi dựa theo cung cầu.

Theo số liệu thực tế, từ năm 2008 đến năm 2020, tỷ giá đồng CNY so với USD vẫn ổn định trong khoảng từ 6,1 đến 7,1. Để làm được điều đó, Trung Quốc cần tăng lượng cung tiền nội địa giữ cho tỷ giá so với USD không tăng, nhưng cũng không được để tình trạng cung tăng quá mức dẫn đến lạm phát.

đồng CNY

Sự ổn định của tỷ giá CNY so với USD

Dưới đây là các biện pháp mà PBOC đã sử dụng để kiểm soát nguồn cung tiền ở mức ổn định:

  • In tiền tệ: PBOC có nhiệm vụ mua ngoại tệ từ các nhà xuất khẩu bằng đồng CNY. Điều quan trọng là PBOC được tự do phát hành nội tệ để đổi lấy ngoại hối, tuy nhiên cần đảm bảo tỷ giá vẫn được cố định trong một phạm vi cho phép.
  • Kiểm soát lạm phát: do được tự do phát hành nội tệ, nên nguy cơ lạm phát luôn luôn hiện hữu đối với Trung Quốc, vì vậy PBOC đã bán trái phiếu để lấy đi lượng tiền mặt dư thừa trong thị trường. Ngược lại, PBOC cũng mua trái phiếu khi cần tăng nguồn cung tiền trong nội địa, từ đó kiểm soát nguồn cung nội tệ theo cả hai chiều.
  • Điều khiển tỷ lệ dự trữ: các ngân hàng thương mại luôn được yêu cầu giữ một tỷ lệ phần trăm trong tổng số tiền gửi mà họ nhận được từ thị trường, đó gọi là tỷ lệ dự trữ. Tỷ lệ dự trữ này do PBOC quyết định. Nếu ngân hàng trung ương giảm tỷ lệ dự trữ, các ngân hàng thương mại cần giữ lại ít tiền hơn, đồng nghĩa với việc họ có thể cung cấp cho thị trường nhiều hơn. Ngược lại, nếu cần giảm cung thì PBOC sẽ tăng tỷ lệ dự trữ, khi đó các ngân hàng thương mại có ít tiền để đưa ra thị trường hơn.
  • Tỷ lệ chiết khấu: nếu các ngân hàng thương mại vay thêm tiền từ ngân hàng trung ương, họ cần trả lãi theo một mức tỷ lệ chiết khấu do PBOC quy định. PBOC có thể tăng tỷ lệ lãi suất này để làm giảm sức vay của các ngân hàng thương mại, từ đó giảm cung tiền ra thị trường. Ngược lại, họ sẽ giảm tỷ lệ chiết khấu để kích thích các ngân hàng thương mại vay nhiều hơn nếu cần tăng cung tiền trong nội địa

Đó là các biện pháp được PBOC cũng như Trung Quốc áp dụng một cách hiệu quả để kiểm soát tỷ giá hối đoái của đồng CNY ở mức ổn định dù tỷ trọng xuất khẩu rất lớn, và cũng là mấu chốt để quốc gia này trở thành siêu cường tài chính cũng như duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.

Xem thêm: Chính sách đồng Đô la mạnh – Các điều cần biết khi giao dịch với USD

#Thực_chiến_NGHỀ_Trading

3. Những vấn đề nổi bật của đồng CNY

3.1. Đồng CNY được neo giá

Trong phần đầu tiên, mình cũng đã có nhắc đến việc đồng CNY là đồng tiền có tỷ giá cố định chứ không thả nổi như đa số các quốc gia phát triển khác. Nói cách khác, đồng CNY là đồng tiền được neo giá, bắt đầu từ năm 1994.

Mục đích của việc neo giá này là giữ cho giá trị của đồng CNY ở mức thấp so với các đồng tiền khác, nhằm lấy lợi thế về xuất khẩu và thương mại quốc tế như chúng ta đã phân tích. Hàng hóa của Trung Quốc sẽ rẻ hơn so với các nước khác, vì chi phí sản xuất được trả bằng đồng CNY, rẻ hơn so với đồng USD.

Trên thực tế, điều này cũng hoàn toàn có lợi đối với thị trường, khi mà nhiều người có thể mua được hàng hóa của Trung Quốc hơn, nhất là những người tiêu dùng sử dụng đồng bạc xanh (USD).

Việc duy trì giá trị đồng CNY ở mức thấp là động lực chính giúp cho Trung Quốc phát triển rất mạnh mẽ trong 20 năm qua, với tốc độ trung bình hơn 10% mỗi năm như những gì chúng ta đã tìm hiểu phía trên.

Rõ ràng những điều này cho thấy việc kiểm soát tỷ giá là tốt với Trung Quốc, tuy nhiên điều tương tự là không đúng với thế giới. Các nhà sản xuất Mỹ cho rằng tỷ giá đồng CNY đã mang lại cho Trung Quốc lợi thế không công bằng. Thậm chí, Mỹ đã cáo buộc nước này thao túng tiền tệ và kêu gọi định giá lại đồng CNY.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, điều này cũng có những lợi ích nhất định của nó. Ngoài việc giúp người tiêu dùng có thể mua sắm với giá rẻ, thì thâm hụt thương mại của Trung Quốc cũng mang lại lợi ích cho nền kinh tế nói chung.

Cụ thể, việc thu về quá nhiều ngoại tệ, chủ yếu là USD, đòi hỏi Trung Quốc phải có sự dịch chuyển dòng vốn sang Hoa Kỳ. Dòng vốn này có thể thúc đầy thêm các khoản đầu tư mạnh mẽ hơn, từ đó phần nào hỗ trợ cho nền kinh tế Mỹ cũng như các nước khác theo cách tương tự.

Vậy tất cả những điều này có ý nghĩa gì đối với các nhà giao dịch đồng CNY.

Khi giao dịch đồng tiền này, anh em nên lưu ý rằng nó được PBOC duy trì ổn định so với USD, do đó sự biến động là rất ít, đặc biệt là trong ngắn hạn.

đồng CNY

Đồng CNY biến động rất ít trong ngắn hạn (biểu đồ: tradingview.com)

Trong dài hạn, cụ thể là khung Week trong biểu đồ dưới đây, anh em có thể thấy xu hướng là rõ rệt hơn. Nhưng xét trên khung hàng tháng thì sự biến động này là rất ít so với các cặp tiền khác, chưa kể động lượng thị trường và thanh khoản cũng khá thấp.

đồng CNY

Xu hướng của USDCNY trong dài hạn

Vậy, nếu muốn giao dịch đồng CNY, anh em bắt buộc phải chấp nhận giao dịch swing, thậm chí là nắm giữ lệnh rất lâu nếu muốn có lợi nhuận tốt.

3.2. Những lần thay đổi tỷ giá đồng CNY của Trung Quốc

Bắt đầu từ năm 1994 cho đến năm 2005, tỷ giá của đồng CNY hoàn toàn được cố định so với USD ở mức 8,28 CNY / 1 USD. Chỉ đến tháng 7 năm 2005, đồng nhân dân tệ mới được Trung Quốc đưa ra những điều chỉnh đầu tiên sau hơn một thập kỷ.

Nguyên nhân của sự điều chỉnh được cho là do sức ép của các đối tác thương mại lớn của nước này, khi họ nhận thấy sự không công bằng trong cạnh tranh với tỷ giá đồng CNY quá thấp so với mức phát triển của Trung Quốc. Kể từ khi bắt đầu sự điều chỉnh, đồng CNY cũng không còn cố định hoàn toàn mà được thả nổi trong một phạm vi hẹp, dựa trên sự tính toán với một giỏ tiền tệ gồm các loại tiền quan trọng trên thế giới.

Trong lần điều chỉnh đầu tiên năm 2005, đồng CNY được tăng giá 21%, lên mức 6,83 so với USD.

đồng CNY

Đồng CNY lần đầu tiên được điều chỉnh tỷ giá vào năm 2005

Đến tháng 7 năm 2008, Trung Quốc đã ngừng tăng giá đồng CNY do nhu cầu của thế giới đối với các sản phẩm của nước này giảm mạnh trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Đến tháng 6 năm 2010, Trung Quốc tiếp tục nâng dần đồng CNY lên, và đến tháng 12 năm 2013, đồng tiền này đã tăng khoảng 12% lên 6,11.

đồng CNY

Tỷ giá ngừng thay đổi từ năm 2008 đến 2010

Giá trị thật sự của đồng CNY rất khó xác định. Mặc dù có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng đồng tiền này bị định giá thấp, ít nhất là 3% và nhiều nhất là thấp hơn tới 50% so với giá trị thật mà nó nên có. Mặc dù nhiều cáo buộc và nhiều lời kêu gọi định giá lại đồng tiền, nhưng Trung Quốc vẫn kiên quyết với chính sách tiền tệ của mình, và chỉ thực hiện điều chỉnh một cách chậm rãi để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển kinh tế.

Trong trường hợp đồng CNY được định giá lại đột ngột, tức tăng giá, thì hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sẽ thiếu cạnh tranh, đồng thời người tiêu dùng trên thế giới cũng mất đi một nguồn cung cấp hàng hóa với giá tốt.

Đối với Mỹ, việc đồng nhân dân tệ tăng giá quá cao cũng không thật sự tốt, vì dòng tiền từ Trung Quốc vào nước này sẽ giảm đáng kể, cùng với đó là sự dịch chuyển lao động cũng như các nhà sản xuất cũng sẽ hướng sang các nước có chi phí rẻ khác chứ không giúp sản xuất ở Mỹ mạnh hơn.

Với các lý do trên, có thể cho rằng đồng CNY vẫn sẽ tiếp tục duy trì tỷ giá ổn định so với đô la Mỹ, và chỉ được điều chỉnh một cách chậm rãi dựa theo chính sách của Trung Quốc. Do đó, khi giao dịch đồng tiền này, anh em chỉ nên giao dịch dài hạn và theo sát các chính sách điều chỉnh tỷ giá của Trung Quốc để nắm bắt những cơ hội tốt nhất.

Xem thêm: Trung Quốc và đô la Úc – mối tác động từ chiến tranh thương mại

4. Kết luận

Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc đang dần vươn lên vị trí hàng đầu thế giới, nhưng đồng CNY lại không thực sự là một đồng tiền được giao dịch phổ biến trên thị trường ngoại hối. Nguyên nhân chủ yếu là do đồng CNY được PBOC kiểm soát tỷ giá rất chặt chẽ, nên không thu hút được thanh khoản từ thị trường.

Tất nhiên, anh em vẫn có thể giao dịch đồng CNY nếu muốn, nhưng hãy đảm bảo rằng mình có đủ kiến thức cũng như kinh nghiệm, và quản lý vốn thật tốt nhé.

Nếu có bất cứ ý kiến hay câu hỏi nào, anh em hãy chia sẻ cùng chúng mình tại hòm thư hỏi đáp của VnRebates nhé.

Chúc anh em giao dịch an toàn và hiệu quả.

VnRebates – Nơi Trading là NGHỀ

👉 Cập nhật Phương pháp trading mới và hiệu quả nhất trên thế giới bằng 4 Khóa học video miễn phí
Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.