VNREBATES

Dự báo Forex trong tuần: Lạm phát Hoa kỳ sẽ chiếm “vị trí trung tâm sân khấu”

13.09.2021, 16:57 10 phút đọc

Tâm điểm tin tức trong tuần tới chính là ấn bản mới nhất của báo cáo lạm phát và doanh số bán lẻ của Hoa Kỳ. Ngoài ra, một lượng lớn tin kinh tế được phát hành từ các cường quốc như Vương quốc Anh, Canada, Úc và Trung Quốc cũng là những bản tin quan trọng có thể tạo ảnh hưởng lớn đến tỷ giá các đồng USD, EUR, GBP, CAD và AUD.

Nếu không có bất kỳ cuộc họp Ngân hàng trung ương nào trong chương trình nghị sự vào tuần này, thì tâm điểm sẽ rơi vào ấn bản mới nhất của báo cáo lạm phát và doanh số bán lẻ của Hoa Kỳ.

Kỳ vọng về một tuyên bố cắt giảm QE của Fed trong tháng này đã giảm sút đáng kể sau khi báo cáo việc làm đáng thất vọng được công bố, nhưng bộ dữ liệu này vẫn có thể rất quan trọng đối với tiến trình bình thường hóa và đồng USD. Ngoài ra còn có một “cơn bão” tin kinh tế được phát hành từ các cường quốc như Vương quốc Anh, Canada, Úc và Trung Quốc.

Lạm phát Hoa Kỳ là tâm điểm tin tức của tuần này

Đồng USD và “Câu chuyện buồn” đến từ chuỗi cung ứng

Có vẻ như tình hình lạm phát sẽ không hạ nhiệt nhanh chóng như Fed kỳ vọng. Fed từng cho rằng, đại dịch đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy giá một số hàng hóa và dịch vụ lên cao, nhưng những vấn đề đó sẽ nhanh chóng được giải quyết khi các công ty thích nghi và mở rộng khả năng sản xuất.

Nhưng khả năng đó đã thất bại khi một số nền kinh tế châu Á phải đối mặt với tình trạng đóng cửa để ngăn chặn sự bùng phát của biến thể Delta. Các cuộc khảo sát kinh doanh như PMI cho thấy sự gián đoạn chuỗi cung ứng thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn. Chi phí sản xuất và vận chuyển đang tiếp tục tăng lên, và các công ty sản xuất đang chuyển phần lớn chi phí đó sang người tiêu dùng thông qua việc tăng giá sản phẩm. Ngay cả nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, TSMC, cũng đang rục tịch tăng giá đáng kể vào năm tới đây.

Chi phí vận chuyển tăng chóng mặt gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng (nguồn: Refinitiv Datastream)

Do đó, ý tưởng về “lạm phát tạm thời” có thể sớm chuyển thành “lạm phát dai dẳng”. Điều khôi hài ở đây chính là, một khi chuỗi cung ứng được bình thường hóa và lạm phát do chi phí đẩy hạ nhiệt vào năm tới, lạm phát do cầu kéo có thể quay trở lại khi thị trường lao động trở lại trạng thái toàn dụng. Người lao động đang được hưởng nhiều quyền thương lượng hơn so với nhiều thập kỷ trước và toàn cầu hóa đang trong xu hướng đảo ngược.

Trong bối cảnh này, các thị trường sẽ theo dõi sát sao dữ liệu lạm phát sắp tới của Mỹ dự kiến được công bố ​​vào thứ Ba, sau đó doanh số bán lẻ sẽ được công bố vào thứ Năm. Các dự báo cho thấy tỷ lệ CPI được giữ ổn định ở mức 5,4% trong tháng 8, trong khi doanh số bán lẻ dự kiến ​​sẽ có đợt giảm tháng thứ 2.  

Đối với Fed, điểm sáng duy nhất chính là công bố cắt giảm QE vào tháng 11 tới. Lạm phát có thể sẽ tiếp tục tăng nóng và việc tiêu dùng lắng xuống không quá đáng lo ngại với mức tăng đáng kinh ngạc trong năm 2020 vừa qua. Thị trường nhà đất cũng đang bùng nổ. Các nhà hoạch định chính sách về cơ bản là đang chờ đợi một báo cáo việc làm sáng sủa trước khi quyết định khởi động quá trình bình thường hóa.

FED vẫn trên đà cắt giảm QE bất chấp mức tiêu thụ ở Hoa Kỳ giảm sút (nguồn: Refinitiv Datastream)

Do đó, những nguy cơ xung quanh cặp tiền EUR/USD vẫn nghiêng về chiều giảm, bởi chắc chắn Fed sẽ đi trước ECB trong quá trình bình thường hóa, do nền kinh tế Mỹ hồi phục nhanh hơn châu Âu. Triển vọng chi tiêu lớn hơn từ Quốc hội Hoa Kỳ cũng lập luận theo hướng tương tự. Biến số bất ngờ đối với tiến trình này có thể là cuộc bầu cử quốc hội Đức sắp tới, có thể khiến đồng EUR trải qua một đợt giảm nhẹ nếu phe cánh tả giành chiến thắng và làm tăng cơ hội hội nhập EU và đầu tư lớn hơn.

Xem thêm: CPI là gì? 6 kiến thức trader phải biết về chỉ số này!

Đồng Sterling – GBP đang chờ “cơn lũ” dự liệu

Bên kia bờ Đại Tây Dương, nhà đầu tư đang mong chờ một loạt các các bản phát hành dữ liệu của Vương quốc Anh sắp được công bố. Số lượng việc làm cho tháng Bảy, số liệu thống kê lạm phát của tháng 8 và doanh số bán lẽ sẽ lần lượt được công bố vào các ngày thứ Ba, thứ Tư và thứ Sáu.

BoE sắp kết thúc QE và có dự định tăng lãi suất (nguồn: Refinitiv Datastream)

Gần đây, dư luận đang quan tâm đến việc Quốc hội Anh có thông qua đề xuất của Thủ tướng Boris Johnson về việc tăng thuế đối với người lao động nhằm bổ sung kinh phí cho hệ thống chăm sóc y tế và xã hội hay không. Trong khi đó vấn đề không nhận được sự chú ý chính là những thông điệp Diều hâu (hawkisk) khác thường từ Thống đốc ngân hàng Anh quốc (BoE).

Phát biểu trước những nhà lập pháp trong tuần này, Thống đốc BoE Andrew Bailey cho biết tại cuộc họp gần nhất về việc đánh giá xem các điều kiện tối thiểu để tăng lãi suất đã được đáp ứng hay chưa, về cơ bản ngân hàng Trung ương nước Anh chia đều 4-4 về hai phe Bồ câu và Diều hâu. Tiết lộ này cho thấy thị trường có thể đang đánh giá quá thấp khả năng nhanh chóng thực thi lần tăng lãi suất đầu tiên. Hiện tại, BoE đã dự tính mức tăng 0.25% cho tháng 8 năm sau.

Các vị trí tuyển dụng ở Vương Quốc Anh lập kỷ lục (nguồn: Refinitiv Datastream)

Ít nhất, BoE gần như chắc chắn sẽ kết thúc chương trình mua tài sản của mình trong năm nay. Trong thời gian tới, đồng bảng Anh (GBP) sẽ phải vật lộn khi chương trình Furlough (hỗ trợ duy trì việc làm cho người lao động kết thúc), dẫn đến nguy cơ khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến. Nhưng với số lượng tuyển dụng việc làm kỷ lục trong nền kinh tế, điều đó có thể không bao giờ thành hiện thực. Bức tranh toàn cảnh của đồng bảng Anh có vẻ sáng sủa, đặc biệt là so với EUR và JPY, 2 đồng sẽ không được hưởng tỷ giá cao hơn trong những năm tới.

Xem thêm: Những bản tin tức thị trường Forex quan trọng nên đọc khi đầu tư ngoại hối

Đồng CAD và Tình hình lạm phát tại Canada

Tại Canada, dữ liệu lạm phát cho tháng 9 sẽ được công bố vào thứ 4. Điều khó hiểu rằng Ngân hàng Trung ương Canada sẽ nhóm họp trong tuần này nhưng không thể hiện bất kỳ quan ngại nào về các dấu hiệu cho thấy tăng trưởng đã hạ nhiệt trong quý hai. BoC sẽ tiếp tục có cuộc họp nữa vào tháng 10 tới và nhiều người tin rằng ngân hàng Trung ương này sẽ tiếp tục cắt giảm việc mua tài sản của mình một lần nữa.

Nhìn chung, nền kinh tế Canada vẫn đang rất khả quan. Tỷ lệ tiêm chủng rất ấn tượng, thị trường việc làm gần như đã phục hồi, tỷ lệ lạm phát gần gấp đôi mức mục tiêu của BoC, và thị trường nhà ở đang bùng cháy. Triển vọng cho đồng loonie (CAD) vẫn khá tích cực, mặc dù hiện tại nó sẽ phụ thuộc rất nhiều vào cuộc bầu cử sắp diễn ra vào ngày 20 tháng 9 tới.

Thị trường nhà ở tại Canada đang “bùng cháy”

Trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây, Thủ tướng Trudeau đã bị đối thủ của mình bên đảng Bảo thủ dẫn trước, và nếu đảng Tự do của Trudeau thất bại, điều đó có nghĩa là chi tiêu chính phủ cho nền kinh tế trong tương lai sẽ ít hơn. Điều này có thể sẽ gây ảnh hưởng xấu đến đồng loonie, nhưng khó có thể làm thay đổi bức tranh lớn hơn bởi việc cắt giảm các khoản chi tiêu chính phủ vẫn còn khá xa vời.

Xem thêm: Ảnh hưởng của lãi suất đến nền kinh tế – bài toán hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng hậu đại dịch

Đồng AUD và sự phụ vào mối quan hệ thương mại chặt chẽ giữa Australia và Trung Quốc 

Trong lĩnh vực FX hàng hóa, báo cáo việc làm của Úc cho tháng 8 sẽ được công bố vào thứ Năm. Gần đây, người dân Úc đã có một sự phục hồi ấn tượng với sức mạnh từ tốc độ tiêm chủng tăng nhanh chóng, điều này mở ra cơ hội thoát khỏi tình trạng phong tỏa trong những tuần tới.

Nhưng liệu sự phục hồi này có kéo dài hay không lại phụ thuộc vào cách thức hoạt động của nền kinh tế Trung Quốc, chính bởi vì mối quan hệ thương mại chặt chẽ giữa Australia và Trung Quốc. Theo đó, kết xuất dữ liệu hàng tháng của Trung Quốc bao gồm doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp cho tháng 8 sẽ công bố vào thứ Tư sẽ thu hút quan tâm từ thị trường. Nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tăng trưởng chậm lại. Đây có thể là tin xấu đối với người Úc, đồng AUD cũng như tâm lý rủi ro nói chung.

lam phat

Australia đang cố gắng theo kịp các nước dẫn đầu về tỷ lệ tiêm vaccine dù bắt đầu chiến dịch khá muộn (nguồn: Refinitiv Datastream)

Cuối cùng, số liệu thống kê GDP quý 2 của New Zealand sẽ được công bố vào thứ Năm, nhưng hiện tại quý 3 cũng đã gần kết thúc và gần đây quốc gia này lại tiếp tục đóng cửa, do đó các thị trường có thể sẽ coi bộ dữ liệu này là lỗi thời.

VnRebates Tổng hợp

Theo Actionforex

 

👉 Cập nhật Phương pháp trading mới và hiệu quả nhất trên thế giới bằng 4 Khóa học video miễn phí
Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.