VNREBATES

FED đang “thách thức” sức chịu đựng của phố Wall?

15.06.2022, 17:15 6 phút đọc

Những lo ngại của thị trường xoay quanh việc FED đang chịu sức ép buộc phải tăng lãi suất nhanh chóng để kiềm chế lạm phát. Lo sợ về một cú “hạ cánh cứng” của FED sẽ đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái ngày một cao hơn.

Giới đầu tư đang đặt cược rằng hôm nay Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ công bố đợt tăng lãi suất 0.75% đầu tiên kể từ năm 1994 – một sự thay đổi mạnh mẽ trong kỳ vọng của thị trường những ngày gần đây khi lạm phát tỏ ra “cứng đầu” hơn dự đoán.

Trong nỗ lực kiềm chế lạm phát, cả Fed và BoC (Ngân hàng Canada) đều đang đẩy mạnh siết chính sách tiền tệ.

Sau khi tăng lãi suất 0.5% vào tháng 5 vừa qua, giới chức Fed từng đánh tiếng sẽ tiếp tục một đợt tăng 0.5% trong cuộc họp chính sách tiếp theo vào ngày 15/6. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, thị trường tài chính bắt đầu bỏ qua những tín hiệu này và định giá một động thái quyết liệt hơn.

Thị trường phố Wall hôm qua vẫn đỏ lửa dù đã ổn định hơn so với phiên giao dịch trước đó

Theo công cụ FedWatch của CME Group, đến ngày hôm qua xác suất kỳ vọng của thị trường về quyết định tăng lãi suất 0.75% đã tăng lên tới 90% từ con số ít ỏi 4% 1 tuần trước đó. Số liệu này được tính toán dựa trên các Hợp đồng tương lai được sử dụng để phòng hộ rủi ro đối với các động thái tăng lãi suất của Fed.

Sự thay đổi tâm lý nhà đầu tư này đã làm chao đảo các thị trường tài chính. Dòng lũ bán tháo cuốn phăng đáng kể trái phiếu, cổ phiếu cùng các tài sản thay thế như tiền điện tử trong những ngày gần đây.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng hơn 40 điểm cơ bản kể từ thứ Sáu – chạm mức 3.49% vào thứ Ba, mức cao nhất được ghi nhận vào năm 2011. (Lợi suất và giá trái phiếu diễn biến ngược chiều nhau).

Trong khi đó, chỉ số S&P 500 chính thức “rơi” vào thị trường gấu – thị trường đầu cơ giá xuống (Bear market) sau khi giảm gần 4% trong phiên giao dịch hôm thứ Hai. Sang hôm sau, thị trường chứng khoán đã ổn định hơn chút khi S&P 500 giảm 0.38%, trong khi chỉ số Nasdaq Composite tăng 0.18%.

Xem thêm: S&P 500 bị “gấu vả” trong bối cảnh lo ngại suy thoái gia tăng

Lãi suất quỹ liên bang tăng mạnh trong tuần này có thể làm tăng khả năng xảy ra tình trạng “hạ cánh cứng” – một kịch bản trong đó Fed sẽ đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái để giải quyết lạm phát và ngăn không cho kỳ vọng tăng giá tiếp tục trở nên thiếu xác thực.

Kỳ vọng của thị trường về mức độ tăng lãi suất đã thay đổi mạnh mẽ sau khi chỉ số CPI được công bố cuối tuần trước. Cụ thể, tỷ lệ lạm phát đã tăng 8.6% trong tháng Năm so với cùng kỳ năm trước, đẩy lạm phát lên mức cao nhất trong 40 năm qua. Con số này vượt quá ước tính của Phố Wall và làm sụp đổ mọi hy vọng rằng lạm phát đã bắt đầu ổn định.

2 báo cáo được công bố trong những ngày gần đây của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York và Đại học Michigan đã củng cố lập luận cho một đợt tăng lãi suất “siêu lớn”. Báo cáo cho thấy kỳ vọng của các hộ gia đình Mỹ về lạm phát trong tương lai đã tăng lên trong những ngày gần đây.

Điều này đặt Fed vào một tình huống nguy hiểm, vì bản thân kỳ vọng lạm phát có thể tự mình đạt được, khi các doanh nghiệp thiết lập giá và nhân viên đòi tăng lương dựa theo mức lạm phát mà họ kỳ vọng.

Hình ảnh Chủ tịch Fed, Jerome Powell

Phát biểu trong buổi họp báo sau cuộc họp chính sách của Fed diễn ra hồi tháng 5, Chủ tịch Fed, Jerome Powell, cho biết:

 “Chúng tôi không thể để xảy ra tình trang vòng xoáy tiền lương-giá cả cũng như không thể để kỳ vọng lạm phát trở nên thiếu chính xác”. Hay nói đúng hơn là Fed “không được phép” để 2 tình trạng đó xảy ra.”

Các thị trường dường như cũng đã phản ứng với một câu chuyện được đăng trên The Wall Street Journal hôm thứ Hai, trong đó cho biết dữ liệu kỳ vọng lạm phát và CPI gần đây “có khả năng khiến giới chức của Cục Dự trữ Liên bang đánh giá xem có nên gây bất ngờ cho thị trường với đợt tăng lãi suất 0.75%”.

Fed đang trong thời gian nghỉ chờ trước khi công bố lãi suất và chưa đưa ra bình luận nào về các động thái thị trường gần đây. Theo phát biểu của Chủ tịch Powell hồi tháng 5 thì “mức tăng 0.75% không phải là điều mà FOMC đang tích cực xem xét.”

Xem thêm: Đoán định kỳ vọng của FOMC qua biểu đồ Dot Plot

Trong một lưu ý cho khách hàng, Derek Holt – Trưởng bộ phận Kinh tế Thị trường vốn của Ngân hàng Bank of Nova Scotia, cho biết: “Mức tăng 75 điểm cơ bản sẽ không phải là một động thái vô giá trị của Fed.”

“Nếu Fed thực sự tăng 0.75% trong cuộc họp ngày mai, thì ngay cả hướng dẫn trước cuộc họp của họ cũng sẽ trở nên hoàn toàn vô dụng. Mọi cuộc họp sẽ trở thành “mùa đi săn” đối với Fed và quyền lực để khuấy đảo thị trường sẽ được giao cho các phương tiện truyền thông đại chúng”.

Giới chức Fed đã nhấn mạnh vào sự cần thiết phải “nhanh nhạy” và điều chỉnh chính sách tiền tệ dựa trên các dữ liệu kinh tế sắp tới.

Lãi suất quỹ liên bang được thiết lập trong khoảng 0.75% đến 1%. Các thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ đẩy tỷ lệ này lên cao hơn nữa trong những quý tới, đạt gần 4% vào đầu năm tới.

Tại Canada trong những tuần gần đây, các quan chức Ngân hàng Trung ương Canada cho biết họ sẵn sàng tăng lãi suất thêm 0.75%. BoC đã tăng lãi suất chính sách thêm 0.5% hồi đầu tháng 6 và cho biết họ đã “sẵn sàng hành động mạnh mẽ hơn nếu cần thiết”.

Tuần trước, Thống đốc BoC – Tiff Macklem cho biết NHTW này có khả năng nhanh chóng tăng lãi suất lên 3% hoặc cao hơn để đối phó với tình trạng lạm phát leo thang.

“Chúng ta có thể cần phải đẩy nhanh lộ trình tăng lãi suất để nhanh chóng đưa lạm phát trở lại mục tiêu. Tăng lãi suất nhiều lần hơn hoặc tăng mạnh hơn mỗi lần là những biện pháp có thể được áp dụng.

VnRebates – Nơi Trading là NGHỀ

Theo Financial Times

 

 

👉 Cập nhật Phương pháp trading mới và hiệu quả nhất trên thế giới bằng 4 Khóa học video miễn phí
Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.