VNREBATES

Lý thuyết sóng Gann là gì? Cách vẽ mô hình sóng Gann trong đầu tư

08.10.2021, 06:09 14 phút đọc

Có lẽ nhiều anh em còn khá xa lạ với lý thuyết Gann trong phân tích kỹ thuật, vì nó không thực sự quá phổ biến tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, cha đẻ của phương pháp này – William D. Gann thực sự là một huyền thoại của phố Wall với những dự đoán chính xác về tình hình thế chiến thứ nhất, sau đó là những dự đoán chính xác không kém về tình hình thị trường tài chính trong những năm 1929. Lý thuyết Gann là một “tác phẩm” của ông sau quá trình nghiên cứu các phương pháp phân tích kỹ thuật trên biểu đồ. Lý thuyết này được sử dụng rộng rãi từ khi ra đời cho đến tận ngày nay, với những giá trị vẫn còn nguyên vẹn. Nếu anh em chưa biết về phương pháp này, hãy cùng mình tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Xem thêm:

Lý thuyết sóng Gann là gì?

Năm 1908, Gann phát hiện ra cái mà ông gọi là “yếu tố thời gian” của thị trường, phát minh này đã khiến ông trở thành một trong những người tiên phong của phân tích kỹ thuật. Ông đã phát triển chiến lược của mình và thử nghiệm với một tài khoản 300 USD và một tài khoản 150 USD.

Với hai tài khoản thử nghiệm của mình, ông đã rất thành công khi kiếm được 25000 USD với tài khoản 300USD trong ba tháng và 12000 USD khác với tài khoản 150USD của mình chỉ trong vòng 30 ngày. Sau khi những kết quả này được xác minh, ông đã trở nên nổi tiếng trong phố Wall với tư cách là một trong những nhà dự báo giỏi nhất mọi thời đại.

Phương pháp phân tích kỹ thuật của Gann hoạt động dựa trên ba yếu tố, cũng là ba cơ sở để ông dự đoán các biến động, bao gồm:

  • Ba yếu tố cần xem xét là giá cả, thời gian và phạm vi biến động của giá trong thời điểm đang xét (yếu tố giá cả)
  • Thị trường có tính chất chu kỳ (yếu tố thời gian)
  • Thị trường có kết cấu hình học trong thiết kế và cả trong chức năng của nó (yếu tố mô hình)

Dựa vào ba cơ sở trên, các chiến lược của lý thuyết Gann xoay quanh việc dự đoán dựa theo ba lĩnh vực:

  • Nghiên cứu giá cả: sử dụng các đường hỗ trợ và kháng cự và một số yếu tố kỹ thuật khác.
  • Nghiên cứu thời gian: xem xét những sự kiện lặp lại trong lịch sử, quyết định khung thời gian tối ưu nhất và khoảng thời gian cần xem xét.
  • Nghiên cứu mô hình: xem xét sự biến động của thị trường thông qua các mô hình kỹ thuật như đường xu hướng, mô hình nến đảo chiều và các mô hình giá khác.

Các yếu tố này là nền tảng của phương pháp Gann, và cũng là các yếu tố cốt lõi để xây dựng lên mô hình Gann (hay còn gọi là góc Gann). Góc Gann chính là công cụ kỹ thuật được sử dụng trực tiếp trên biểu đồ để phân tích thị trường. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về công cụ này trong phần tiếp theo.

Xem thêm: Cách ứng dụng chỉ báo Volume At Price trong Forex

Lý thuyết sóng Gann là gì?

Lý thuyết sóng Gann có thể dự đoán chuyển động giá của một tài sản trong tương lai (Nguồn: Internet)

Các bước vẽ mô hình Gann chi tiết

Mô hình Gann thường được gọi là góc Gann, bởi vì chúng được xây dựng bởi các đường thẳng chung một điểm gốc và tạo thành các góc nhất định. Góc Gann được xây dựng dựa theo ba yếu tố mà chúng ta vừa thảo luận, với quy trình như sau:

  • Xác định đơn vị thời gian: xác định đơn vị thời gian tức là xác định khoảng thời gian mà chúng ta sẽ phân tích, bao gồm ngắn hạn (trong vài ngày), trung hạn (một vài tháng) hay dài hạn (nhiều năm). Việc lựa chọn đơn vị thời gian cần phù hợp với khung thời gian mà anh em sử dụng, cũng như lưu ý khoảng cách giữa những lần biến động lớn của giá xảy ra.

Thông thường, các nhà giao dịch thường lựa chọn biểu đồ trung hạn (thường đi kèm với khung ngày) thay vì biểu đồ ngắn hạn và dài hạn. Lý do là trong hầu hết các trường hợp, các biểu đồ trung hạn tạo ra số lượng mẫu tối ưu và đáng tin cậy nhất.

  • Xác định các mức đỉnh và đáy làm điểm gốc để vẽ đường Gann: Đây là bước thứ 2 trong quy trình vẽ góc Gann. Việc xác định các đỉnh hoặc đáy này có thể được thực hiện với sự hỗ trợ của các công cụ khác, điển hình là Fibonacci.
  • Xác định mẫu góc Gann sẽ sử dụng: Các mẫu phổ biến nhất của góc Gann là mẫu 1×1, 1×2 và 2×1. Các con số này có thể được hiểu đơn giản là kích thước hai cạnh góc vuông của tam giác tạo bởi trục giá và trục thời gian, với đường chéo là đường Gann. Trong trường hợp 1×1, chúng ta có một tam giác cân và góc Gann lúc này là 45 độ. Anh em có thể xem ví dụ để dễ hình dung.
Các bước vẽ mô hình Gann chi tiết

Góc Gann 1×1 và 2×1 (Nguồn: Internet)

  • Vẽ các mẫu góc Gann: Hướng vẽ sẽ là hướng từ trên xuống và trái sang phải nếu vẽ từ đỉnh, và từ dưới lên hướng sang phải nếu vẽ từ đáy. Chúng ta sẽ vẽ một đường chéo của tam giác vuông với tỷ lệ 2 cạnh góc vuông tương ứng với mẫu 1×1, 1×2 hoặc 2×1…
  • Tìm kiếm các mô hình lặp lại dựa theo các đường Gann: chúng ta sẽ để ý đến các mẫu hoặc các tín hiệu lặp lại có liên quan đến đường Gann và góc Gann, ví dụ như những lần giá chạm vào đó rồi đảo chiều.

Trên thực tế, việc vẽ được góc Gann đòi hỏi một số kinh nghiệm nhất định, và có thể mỗi người sẽ có kết quả vẽ khác nhau. Lý do nằm ở việc cân đối tỷ lệ giữa trục giá và trục thời gian. Ở mẫu 1×1, chúng ta cần có tỷ lệ chính xác là 1 đơn vị giá phải tương ứng với 1 đơn vị thời gian thì góc Gann mới có hiệu lực.

Nếu anh em chưa hiểu, thì mình muốn nói rằng khi chúng ta phóng to thu nhỏ biểu đồ, tỷ lệ giữa hai trục sẽ thay đổi dẫn đến mô hình Gann 1×1 có thể không thực sự còn là 1×1. Để vẽ được chính xác, chúng ta không có cách nào khác ngoài việc dùng kinh nghiệm. Anh em cần thực hành thành thạo và điều chỉnh tỷ lệ các trục một cách chính xác nhất mỗi khi vẽ đường Gann.

Tuy nhiên, với những anh em mới tìm hiểu về phương pháp này, mình cũng có một mẹo nhỏ để anh em vẽ được đường Gann một cách tương đối như sau:

  • Anh em mở biểu đồ của mình trên MT4 hoặc Tradingview và giữ nguyên tỷ lệ gốc của nó (không thu phóng)
  • Thực hiện các bước 1 và bước 2 như bình thường và tìm ra vị trí để vẽ mô hình Gann.
  • Góc Gann là chỉ báo có sẵn cả trên MT4 và Tradingview, khi sử dụng nó sẽ cung cấp cho chúng ta tất cả các mẫu từ 1×1, 1×2, 2×1, 1×4, 4×1, 1×8 và 8×1. Ở điểm bắt đầu, anh em nên dùng công cụ đo góc có sẵn để vẽ một góc 45 độ, sau đó đặt chỉ báo Gann sao cho đường 45 độ (tức đường 1×1) trùng với góc 45 độ đã vẽ. Các đường còn lại sẽ tự động ở đúng vị trí của nó.

Tuy nhiên hãy nhớ rằng đây cũng chỉ là cách làm mang tính tương đối, vì các tỷ lệ ban đầu của biểu đồ không chắc chắc là tối ưu. Anh em vẫn cần thực nghiệm và rút ra kinh nghiệm của riêng mình để vẽ được góc Gann sao cho chúng hoạt động một cách chính xác nhất.

Xem thêm:

4 Ứng dụng lý thuyết Gann trong giao dịch Forex

Lý thuyết Gann đã được chứng minh sự hiệu quả bởi chính kết quả giao dịch của người tạo ra nó, và nó có thể là một công cụ ưu việt nếu nắm bắt được và sử dụng một cách chính xác. Mình sẽ cùng anh em thảo luận về một số cách phổ biến nhất để áp dụng lý thuyết Gann, cụ thể là các mô hình góc Gann vào giao dịch.

1. Sử dụng lý thuyết Gann xác định hỗ trợ và kháng cự

Ứng dụng phổ biến nhất của lý thuyết Gann có lẽ chính là dùng góc Gann để xác định hỗ trợ và kháng cự. Khi sử dụng khoảng thời gian phù hợp, khung thời gian phù hợp và cân chỉnh biểu đồ một cách chính xác, anh em hãy vẽ các góc Gann theo các bước mà chúng ta vừa tìm hiểu. Các góc Gann sẽ tạo khung cho thị trường, anh em có thể đọc chuyển động giá bên trong khung này.

Các góc tăng (vẽ từ đáy) sẽ cung cấp các đường hỗ trợ, ngược lại các góc giảm (vẽ từ đỉnh) sẽ cung cấp cho chúng ta các đường kháng cự. Do các góc có sẵn và cố định trên biểu đồ, nên các nhà giao dịch có thể xác định các vị thế mua ở hỗ trợ và bán ở kháng cự.

Sử dụng góc Gann xác định hỗ trợ và kháng cự

Góc Gann đóng vai trò hỗ trợ kháng cự (Nguồn: Internet)

Anh em cũng cần lưu ý về cách mà giá di chuyển từ góc này sang góc khác. Khi giá phá vỡ một góc, nó sẽ hướng đến góc tiếp theo và nó trở thành ngưỡng kháng cự hoặc hỗ trợ tiếp theo. Ví dụ với các góc giảm (vẽ từ đỉnh) thì sau khi giá phá vỡ góc 1×1 thì nó sẽ hướng đến góc 2×1, và góc 2×1 lúc này trở thành mức kháng cự mới.

Sử dụng lý thuyết Gann xác định hỗ trợ và kháng cự

Giá chuyển tiếp giữa các góc Gann (Nguồn: Internet)

Anh em có thể kết hợp lý thuyết Gann với các mức nằm ngang để tìm ra được khu vực hỗ trợ kháng cự mạnh nhất. Ví dụ như một góc Gann kết hợp với một đường hỗ trợ kháng cự nằm ngang, hoặc một mức fibonacci quan trọng thì sẽ có sức mạnh lớn hơn so với một góc Gann không có sự liên kết với các yếu tố khác.

2. Góc Gann và đường xu hướng

Có nhiều người cho rằng các góc Gann giống như các đường xu hướng, nhưng thực tế không hẳn là như vậy. Đường xu hướng được tạo ra bằng cách nối các đỉnh trong xu hướng giảm và các đáy trong xu hướng tăng. Còn góc Gann là một đường chéo chuyển động với tốc độ đều xuất phát từ một đỉnh hoặc đáy duy nhất.

Tuy nhiên, các góc Gann cũng có thể được sử dụng để nhận biết xu hướng, khi mà trong một xu hướng tăng các đáy sẽ cao dần và nằm trên góc Gann, còn trong xu hướng giảm thì ngược lại, các đỉnh giảm dần và nằm dưới các góc gan. Khi giá vượt qua một góc Gann cũng có thể coi là dấu hiệu xu hướng bị phá vỡ.

Có một ưu điểm của góc Gann so với đường xu hướng là chúng chuyển động với tốc độ đều. Khi sử dụng thành thạo công cụ này anh em sẽ hiểu được điều này. Nó giúp cho chúng ta dự báo được giá sẽ ở đâu vào một thời điểm cụ thể trong tương lai.

Tuy nhiên, lưu ý rằng không phải là góc Gann có thể dự đoán chính xác thị trường sẽ ở đâu, mà điều đó có nghĩa là các nhà giao dịch biết góc Gann sẽ ở đâu để đánh giá được sức mạnh của xu hướng, từ đó dự đoán được thị trường sẽ ở đâu trong tương lai.

Xem thêm: 6 mẹo xác định xu hướng thị trường

3. Góc Gann giúp xác định sức mạnh thị trường

Dựa vào lý thuyết Gann với ứng dụng cụ thể là các góc Gann, chúng ta không chỉ xác định được sức mạnh kháng cự mà còn nhận định được sức mạnh thị trường.

Hãy để ý các góc 1×1, 1×2 và 2×1, cũng là các góc quan trọng nhất. Khi giá đang được giao dịch quanh góc 1×1 cho thấy thị trường đang cân bằng giữa lực mua và lực bán. Thường thì trường hợp này sẽ khó giao dịch do không có các tín hiệu rõ ràng và chúng ta nên chờ giá thoát ra khỏi khu vực đó.

Trường hợp khác, khi các tài sản được giao dịch tại góc 2×1 hoặc gần đó, có nghĩa là thị trường đang ở xu hướng mạnh, bao gồm xu hướng tăng mạnh đối với các góc tăng vẽ từ đáy, và trong xu hướng giảm mạnh đối với góc giảm được vẽ từ đỉnh. Ngược lại, nếu giá ở quanh mức 1×2 có nghĩa là xu hướng không mạnh.

Chúng ta có thể lấy góc 1×1 làm mốc. Nếu thị trường đang ở dưới mức này trong xu hướng giảm hoặc trên mức nay trong xu hướng tăng có nghĩa là sức mạnh của xu hướng đang yếu dần và chúng ta sẽ khó giao dịch trong điều kiện đó.

Góc Gann giúp xác định sức mạnh thị trường

Góc Gann xác định sức mạnh xu hướng (Nguồn: Internet)

4. Sử dụng góc Gann để dự đoán những mốc thời gian quan trọng

Một ứng dụng quan trọng cuối cùng của góc Gann và lý thuyết Gann là dùng để dự báo các đỉnh hoặc đáy quan trọng và các tín hiệu thay đổi xu hướng. Trong phương pháp này, một số kỹ thuật toán học được sử dụng để xác định thời điểm mà thị trường có khả năng thay đổi hướng. Nguyên lý cơ bản là mong đợi sự đổi chiều khi giá đạt đến một đơn vị thời gian bằng với đơn vị giá.

Sử dụng góc Gann để dự đoán những mốc thời gian quan trọng

Góc Gann dự báo các mốc thời gian quan trọng (Nguồn: Internet)

Đây có thể là một lý thuyết khá khó hiểu. Anh em cần thực hành thành thạo để nắm bắt tốt các khái niệm về đơn vị thời gian và đơn vị giá trong lý thuyết Gann để sử dụng được tốt các ứng dụng của nó.

Việc dự đoán thời gian này hoạt động tốt nhất trên các biểu đồ dài hạn như biểu đồ khung tuần hoặc tháng. Lý do là ở các biểu đồ ngày trở xuống, có quá nhiều các đỉnh đáy và các phạm vi khác nhau để phân tích, có thể khiến chúng ta bị rối do quá nhiều thông tin xuất hiện.

Đọc thêm:

Tổng kết

Lý thuyết Gann có rất nhiều ứng dụng khác nhau, ngoài việc sử dụng góc Gann mà chúng ta vừa tìm hiểu còn có một số cách sử dụng khác như hộp Gann, là một dạng chỉ báo hình hộp. Tuy nhiên, góc Gann có thể nói là ứng dụng phổ biến nhất và quan trọng nhất của lý thuyết Gann nên mình nghĩ anh em chỉ cần tập trung vào loại chỉ báo này trước cho đến khi thành thạo nó.

Đối với các ứng dụng cụ thể của góc Gann, có thể anh em cần thêm thời gian thực nghiệm để có thể hiểu hết về chúng. Vì như mình đã nói, việc sử dụng góc Gann cần rất nhiều kinh nghiệm để nắm bắt kiến thức về đơn vị giá và đơn vị thời gian, từ đó mới có thể sử dụng một cách chính xác và hiệu quả nhất.

Khi mới tiếp xúc với lý thuyết Gann, anh em có thể tập trung vào việc sử dụng nó để xác định hỗ trợ và kháng cự, vì nó là ứng dụng phổ biến nhất đồng thời cũng là dễ tiếp cận nhất. Sau khi đã thành thạo được cách sử dụng góc Gann, anh em có thể từ từ tìm hiểu các ứng dụng khác của nó cho đến khi thực sự thành thạo và tận dụng được hết sức mạnh của công cụ này.

Chúc anh em giao dịch an toàn và hiệu quả.

VnRebates tổng hợp

Theo investopedia.com

👉 Cập nhật Phương pháp trading mới và hiệu quả nhất trên thế giới bằng 4 Khóa học video miễn phí
Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.