VNREBATES

Mối quan hệ Mỹ – Trung và sức mạnh của đồng CNY so với USD

04.04.2022, 08:29 12 phút đọc

Trung Quốc là một cường quốc đã và đang có tốc độ phát triển thần tốc, và đe dọa trực tiếp tới vị thế nền kinh tế lớn nhất của Mỹ. Nhiều năm trở lại đây, hai quốc gia này luôn ở trong trạng thái căng thẳng về kinh tế và thương mại, mà một phần không nhỏ nguyên nhân là do sự thao túng tiền tệ của Trung Quốc giống như Mỹ đã cáo buộc. Vậy những căng thẳng này cụ thể là như thế nào, và nó ảnh hưởng ra sao tới sức mạnh của đồng CNY?

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc được coi là đồng tiền mới nổi trong thị trường tài chính, do sự phát triển thần tốc của nền kinh tế này. Tuy nhiên, so với đô la Mỹ, tỷ giá đồng CNY còn khá thấp và chịu sự kiểm soát của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC). Vậy sức mạnh của đồng  CNY thực sự như thế nào, và những căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ là do đâu?

#Kiến_thức_phục_vụ_NGHỀ_Trading

1. Sự vươn lên của Trung Quốc và sức mạnh của đồng CNY

Trong vài thập kỷ gần đây, kinh tế Trung Quốc thật sự đã bứt phá vô cùng mạnh mẽ để vươn lên trở thành nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới, và vẫn tiếp tục cạnh tranh với vị trí số 1 của Mỹ. Năm 2015. đồng nhân dân tệ của nước này đã chính thức được quỹ tiền tệ quốc tế thêm vào giỏ các đồng tiền dự trữ của thế giới, và được nhiều quốc gia sử dụng như nguồn dự trữ ngoại tệ.

sức mạnh đồng CNY

Các nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2020

Sự tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc được thúc đẩy chủ yếu bởi sản xuất và xuất khẩu hàng hóa ra thế giới. Tính riêng với Mỹ, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai. Mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc được mở rộng từ khi Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2001, đã khiến kim ngạch thương mãi giữa hai nước tăng 100 lần, và cũng là động lực thúc đẩy kinh tế của Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ.

Sức mạnh của đồng CNY hiển nhiên cũng tăng lên khi nền kinh tế ngày càng được mở rộng, cũng như vị thế của Trung Quốc trên quốc tế ngày càng được tăng cường. Thế nhưng, trên thực tế giá trị của đồng CNY lại khá thấp so với đồng USD, có thể nói là không tương xứng với sự tăng trưởng. Vậy điều đó liệu có thể hiện rằng sức mạnh của đồng CNY so với USD vẫn còn thấp hay không?

Câu trả lời hoàn toàn là không phải. Việc sức mạnh của đồng CNY ngày càng lớn là điều không phải bàn cãi. Còn về nguyên nhân tỷ giá CNY vẫn thấp so với USD, đó hoàn toàn là do sự “cố ý” của Trung Quốc, với những chính sách tiền tệ chặt chẽ để kiểm soát đồng CNY không cho nó tăng giá quá cao.

Các chính sách này của Trung Quốc cũng đóng góp không nhỏ giúp nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng, tuy nhiên nó lại vấp phải nhiều cáo buộc trái chiều của Mỹ và phương Tây, khiến cho mối quan hệ thương mại Mỹ – Trung luôn luôn căng thẳng trong thời gian dài.

Xem thêm:Chính sách đồng Đô la mạnh – Các điều cần biết khi giao dịch với USD

2. Trung Quốc phá giá đồng CNY và căng thẳng thương mại Mỹ – Trung

Từ năm 1994 cho đến năm 2005, tỷ giá đồng CNY hoàn toàn được cố định so với USD, ở mức 8,28 CNY cho mỗi đô la. Tuy nhiên, trước sức ép của các đối tác thương mại với cáo buộc rằng Trung Quốc đang tạo ra lợi thế không công bằng, đến tháng 7 năm 2005, PBOC đã lần đầu tiên thay đổi tỷ giá đồng CNY sau nhiều thập kỷ.

Kể từ đó, sức mạnh của đồng CNY luôn được điều chỉnh tăng đều đặn, tuy nhiên nó vẫn được cố định và chịu kiểm soát chặt chẽ từ PBOC chứ không hoàn toàn thả nổi trong thị trường. Nhìn biểu đồ anh em có thể thấy tỷ giá USD/CNY giảm một cách rất ổn định, hoàn toàn không có biến động bất thường.

Trừ khoảng thời gian từ đầu tháng 7 năm 2008 đến tháng 6 năm 2010, Trung Quốc ngừng tăng giá đồng CNY do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu, khiến cho tỷ giá gần như lại được cố định. Còn lại trong suốt giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2015 anh em có thể thấy đồng CNY vẫn tăng đều so với USD.

sức mạnh đồng CNY

Tỷ giá USDCNY giảm đều đặn từ khi Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá năm 2005 (biểu đồ: tradingview.com)

Mọi chuyện bắt đầu trở nên căng thẳng vào tháng 8 năm 2015, PBOC đã khiến thị trường bất ngờ khi ba lần liên tiếp phá giá đồng CNY, với mức giảm tổng cộng khoảng 3% sau chu kỳ tăng đều đặn trước đó.

Nguyên nhân của quyết định này là gì? Có phải do sức mạnh của đồng CNY yếu đi? Điều đó cũng có thể coi là đúng, vì trong giai đoạn này kinh tế của Trung Quốc đã tăng trưởng chậm lại rõ rệt.

Trung Quốc này cho rằng tỷ giá đồng CNY đã tăng lên quá nhiều so với USD, khiến cho sự tăng trưởng chậm lại, và việc phá giá đồng CNY được nhiều người cho rằng đó là nỗ lực của Trung Quốc để thúc đẩy xuất khẩu, hỗ trợ nền kinh tế trở lại với sự tăng trưởng trước đó.

Thế nhưng, về phía PBOC, họ tuyên bố rằng đây là một phần trong những cải cách của họ nhằm hướng tới nền kinh tế mở định hướng thị trường hơn, chứ hoàn toàn không phải một biện pháp tiêu cực để níu kéo tốc độ tăng trưởng.

Về phía Mỹ, sau sự giảm giá đáng kể của đồng CNY so với USD từ năm 2015 đến năm 2018, chính quyền của ông Trump đã thường xuyên cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ, và đã đưa ra hàng loạt các loại thuế quan đối với hàng hóa của Trung Quốc – được coi là các biện pháp trừng phạt.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng ngay lập tức đáp trả bằng việc áp thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã căng thẳng thương mại trong suốt mùa hè năm 2019 và kéo dài cả sau đó.

sức mạnh đồng CNY

Trung Quốc đột ngột phá giá đồng CNY năm 2015 khiến tỷ giá USDCNY đảo chiều tăng

Tác động từ sự thao túng tiền tệ của Trung Quốc tới thị trường

Sau khoảng một thập kỷ tăng đều đặn so với USD, các nhà đầu tư dường như đã quen với sự ổn định về sức mạnh của đồng CNY. Chính vì vậy, mức giảm đột ngột khi Trung Quốc phá giá đã ảnh hưởng khá nhiều đến các nhà đầu tư và nhà giao dịch, đặc biệt là trên thị trường Forex với đòn bẩy cao.

Các thị trường chứng khoán ở Mỹ và châu Âu cũng đồng loạt giảm trước sự mất giá của đồng nhân dân tệ. Hầu hết các đồng tiền khác cũng có phản ứng với sự kiện này, khiến cho khá nhiều nhà giao dịch không kịp phản ứng

Tác động tới thương mại quốc tế

Việc phá giá tiền tệ không phải quá mới mẻ hay đặc biệt. Nhiều quốc gia đang phát triển, hay thậm chí là liên minh châu Âu, đôi khi vẫn định kỳ phá giá tiền tệ của họ để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, việc này xảy ra tại Trung Quốc đã gây khó khăn cho kinh tế toàn cầu.

Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, vì vậy bất kể một thay đổi nào của đất nước này cũng có thể ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu. Với việc đồng CNY giảm giá, hàng hóa của Trung Quốc rẻ hơn và cạnh tranh hơn. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các nền kinh tế quy mô vừa và nhỏ có thể bị Trung Quốc chiếm mất thị phần, và ảnh hưởng tới nền kinh tế của họ (trong đó có Việt Nam).

Vậy việc thao túng tiền tệ của Trung Quốc có phải là “sai trái”?

Mặc dù việc phá giá đồng CNY mang lại lợi thế cho Trung Quốc và gây ít nhiều thiệt hại đến các nền kinh tế khác, tuy nhiên việc này hoàn toàn không đi ngược lại các nguyên tắc cơ bản của thị trường.

Trong 20 năm, sức mạnh của đồng CNY đã tăng đều đặn so với USD cũng như các loại tiền khác. Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc đã thật sự tăng trưởng chậm lại trong giai đoạn này trong khi kinh tế Mỹ cải thiện đáng kể, vì vậy, nếu đồng CNY tiếp tục tăng giá mới chính là không phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của thị trường.

Xem thêm: Trung Quốc và đô la Úc – mối tác động từ chiến tranh thương mại

#Thực_chiến_NGHỀ_Trading

3. Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung có ý nghĩa gì với các nhà giao dịch

Như thông tin chúng ta vừa tìm hiểu, việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ đã ảnh hưởng không tốt tới các nhà giao dịch, nguyên nhân chính là do sự bất ngờ và không phản ứng kịp. Vậy trong tương lai, những căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ về vấn đề này sẽ tác động thế nào đến sức mạnh của  đồng CNY?

Đây là một câu hỏi khá khó đoán. Chúng ta chỉ có thể biết chắc một điều rằng, dù căng thẳng tiếp diễn, dù trừng phạt có được bổ sung thì Trung Quốc vẫn sẽ kiểm soát sức mạnh của đồng CNY.

Đồng nhân dân tệ vẫn sẽ tiếp tục là đồng tiền cố định chứ không phải đồng tiền có tỷ giá hối đoái thả nổi. Chính vì vậy, các phương pháp phân tích kỹ thuật gần như hoàn toàn không áp dụng được trong khi giao dịch CNY. Nếu giao dịch đồng tiền này, anh em hoàn toàn phải dựa theo các động thái của ngân hàng trung ương Trung Quốc – PBOC, xem họ muốn tăng hay giảm giá đồng CNY, từ đó mới có thể đưa ra quyết định giao dịch.

Thời gian trước khi Trung Quốc phá giá đồng CNY, tỷ giá USD/CNY gần như hoàn toàn chỉ di chuyển theo xu hướng giảm. Cặp tỷ giá này duy trì xu hướng đó trong hàng thập kỷ nên các nhà giao dịch đã quen với điều đó, và mỗi khi muốn giao dịch họ chỉ việc thực hiện theo hướng mua vào đồng CNY.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại mọi thứ đã thay đổi. Nhìn vào biểu đồ USD/CNY từ năm 2015 trở lại đây, anh em có thể thấy những đợt tăng giảm đã xuất hiện với tần suất đổi chiều nhiều hơn. Vì vậy, khi đầu tư hoặc giao dịch đồng CNY, anh em phải bám sát được các quyết định của PBOC thì mới có thể kỳ vọng có được lợi nhuận.

sức mạnh đồng CNY

Đồng CNY đã có nhiều đợt biến động hơn kể từ năm 2015

Xem thêm: Tỷ giá thả nổi (Floating Exchange Rate) là gì? So sánh tỷ giá thả nổi với tỷ giá cố định

4. Sức mạnh đồng CNY khi Ả Rập Xê Út xem xét chấp nhận thanh toán dầu bằng nhân dân tệ

Gần đây, từ ảnh hưởng của những vấn đề bất ổn trên thế giới như dịch bệnh, chiến tranh, cũng như những nguyên nhân sâu xa xuất phát từ bất đồng giữa Ả Rập Xê Út và Mỹ, nên Ả Rập đang xem xét chấp nhận cho Trung Quốc thanh toán chi phí mua dầu mỏ của họ bằng đồng nhân dân tệ thay vì đồng USD – hay còn gọi là petrodollar.

Hiển nhiên, nếu điều này xảy ra sẽ đe dọa trực tiếp tới vị thế của đồng đô la Mỹ, cũng như có thể nâng cao sức mạnh của đồng CNY trên thế giới. Đây cũng là nỗ lực của Trung Quốc trong việc đưa đồng tiền của họ ra toàn cầu, cạnh tranh với vị thế của đồng USD.

Tuy nhiên, như chúng ta đã nói, ở thời điểm hiện tại Trung Quốc vẫn hoàn toàn kiểm soát tỷ giá đồng CNY. Chính vì vậy, sự kiện này cũng khó có thể trực tiếp ảnh hưởng đến giá trị của đồng CNY, mà sự thay đổi nếu có cũng phải thông qua quyết định từ PBOC. Sự ảnh hưởng có chăng sẽ xảy ra với đồng USD, khi mà đồng tiền này có thể đánh mất dần vị thế của mình, từ đó tỷ giá USD/CNY cũng có thể có sự thay đổi đôi chút.

Nhìn chung, nếu muốn giao dịch đồng CNY thì anh em vẫn cần theo dõi sát các động thái của PBOC, còn các sự kiện xảy ra sẽ chỉ là nguyên nhân dẫn đến quyết định của họ, do đó anh em có thể theo dõi để dự đoán trước theo kinh nghiệm của mình.

5. Kết luận

Đồng CNY có thể nói là một đồng tiền khá đặc biệt, khi mà nó xuất phát từ nền kinh tế hàng đầu thế giới nhưng lại không được thả nổi theo cung cầu thị trường. Việc nắm bắt được sức mạnh của đồng CNY dường như là khá khó khăn đối với các nhà giao dịch cá nhân, khi mà những thay đổi tỷ giá của đồng tiền này gần như hoàn toàn do ngân hàng trung ương của Trung Quốc – PBOC quyết định.

Qua bài viết trên đây, hy vọng anh em đã nắm bắt được những vấn đề xung quanh đồng CNY, cũng như sự ảnh hưởng từ mối quan hệ thương mại Mỹ – Trung. Đây có thể coi là những nền tảng ban đầu mà anh em cần có nếu thực sự muốn giao dịch hoặc đầu tư vào đồng tiền mới nổi này.

Chúc anh em giao dịch an toàn và hiệu quả.

VnRebates – Nơi Trading là NGHỀ

👉 Cập nhật Phương pháp trading mới và hiệu quả nhất trên thế giới bằng 4 Khóa học video miễn phí
Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.