VNREBATES

Cách giao dịch forex thành công với nến Hammer

31.03.2020, 13:00 11 phút đọc

Nến Hammer là gì? Đây là một mô hình nến kinh điển bậc nhất trong phân tích kỹ thuật và price action. Nến Hammer xuất hiện rất nhiều ở cuối các xu hướng giá và cho tín hiệu đảo chiều. Vậy làm sao bạn có thể nắm lấy những cơ hội ngon ăn như vậy đồng thời tránh được những chiếc bẫy do tín hiệu nhiễu tạo ra. Bài viết này sẽ giúp bạn!

Nến Hammer là gì? Mô hình nến là một trong những phương pháp phân tích kỹ thuật phổ biến nhất hiện nay. Với sự thể hiện rõ ràng về dữ liệu giá, mô hình nến cho phép bạn nhanh chóng có được cái nhìn tổng quan về chuyển động và dao động của thị trường. Có rất nhiều loại mô hình nến và mỗi mô hình có một đặc điểm cũng như cách sử dụng khác nhau. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ với bạn về một mô hình cực kỳ cơ bản nhưng hiệu quả là mô hình nến Hammer

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ trình bày cách giải thích thông thường về Hammer. Bạn sẽ hiểu các ý nghĩa, cách phát hiện ra nó và cách bạn có thể thực hiện khi xây dựng chiến lược giao dịch  bằng việc sử dụng mô hình.

Nến Hammer là gì?

Nến Hammer là gì?

Nến Hammer là gì?

Hammer là một mô hình nến đảo chiều tăng hình thành sau khi giảm giá. Nó báo hiệu thị trường sắp thay đổi xu hướng và tiến đến mức cao hơn. Nói một cách ngắn gọn, nến Hammer là một cây nến có thân nhỏ và đuôi dưới dài. Mô hình này không có bóng nến phía trên hoặc bóng rất ngắn, thay vào đó, Hammer có bóng dưới rất dài, ít nhất là gấp đôi kích thước thân nến.

Đặc điểm của nến Hammer là gì?

Nến Hammer là một mô hình đảo chiều từ giảm sang tăng do đó chúng chỉ xuất hiện trong xu hướng giảm. Trong thực tế, đây thậm chí là một phần mô tả của mô hình. Nếu bạn thấy một nến Hammer xuất hiện sau một xu hướng tăng, thì đó không phải là một Hammer, mà là một cây nến Hanging man (người treo cổ). 

Cách xác định một Hammer:

  1. Phần thân khá nhỏ, giá mở cửa và đóng cửa đều nằm phía trên của nến
  2. Bóng nến dưới dài hơn nhiều so với phần thân, ít nhất là gấp đôi
  3. Mô hình xuất hiện trong một xu hướng giảm
  4. Nến Hammer có thể là nến giảm hoặc nến tăng đều được. Màu sắc nến không quan trọng.

Phân biệt nến Hammer và Hanging man

Nếu bạn đã từng thấy cả nến Hammer lẫn Hanging Man, bạn sẽ có thể hơi bối rối. Chúng nhìn  giống nhau nhưng mang ý nghĩa ngược lại.

Phân biệt nến Hammer và nến Hangging Man

Phân biệt nến Hammer và nến Hanging Man

Nến Hanging Man là nến xuất hiện trong xu hướng tăng và cho tín hiệu đảo chiều giảm trong khi đó nến Hammer xuất hiện trong xu hướng giảm và cho tín hiệu đảo chiều tăng.

Nến Hammer kể cho chúng ta câu chuyện gì về thị trường?

Các mô hình nến giúp chúng ta hình dung những gì xảy ra trên thị trường một cách tuyệt vời. Mỗi mô hình kể một câu chuyện khác nhau, và mô hình Hammer cũng không ngoại lệ.

Ban đầu thị trường đang trong xu hướng giảm giá. Phe bán đang kiểm soát và thị trường được dự đoán sẽ giảm xuống sâu hơn nữa.

Trong phiên giao dịch tiếp theo, thị trường mở cửa và ngay lập tức giảm xuống thấp hơn. Tuy nhiên, về sau, áp lực bán bắt đầu giảm dần và cuối cùng mang đến cho người mua cơ hội lấy lại quyền lực. Khi áp lực mua tăng lên, thị trường tăng cao hơn và  phục hồi từ hầu hết các khoản lỗ của phiên trước. Kết quả của diễn biến này để lại một bóng dưới rất dài trên cây nến.

Trong phiên giao dịch tiếp theo, phe mua tiếp tục đẩy giá cao hơn và thị trường bắt đầu một xu hướng tăng mới.

Ví dụ về Nến Hammer

Dưới đây là hai ví dụ về nến Hammer. Trong ví dụ đầu tiên, bạn có thể thấy một nến Hammer màu đỏ đã xuất hiện sau một chuỗi nến giảm. Trong phiên giao dịch tiếp theo, thị trường đã cố gắng đi xuống trong sự kiệt sức để rồi tạo gap và bật lên cao trong phiên giao dịch tiếp theo.

Ví dụ về nến Hammer

Ví dụ về nến Hammer

Ví dụ thứ hai là một nến Hammer xuất hiện sau một nến giảm trước đó. Những tưởng thị trường sẽ bị đẩy xuống sâu hơn nhưng cuối cùng lại tăng lên lại và tạo ra nến Hammer với chiếc đuôi rất dài đâm sâu xuống dưới trông như một động cơ phản lực đẩy giá bật lên lại phía trên.

Ví dụ về nến Hammer

Ví dụ về nến Hammer

Hướng dẫn phương pháp gia tăng độ chính xác của mô hình nến Hammer

Giao dịch với nến Hammer riêng lẻ không phải là một ý tưởng hay. Tùy thuộc vào thị trường và khung thời gian, bạn sẽ phải thêm các bộ lọc hoặc điều kiện bổ sung để tăng cường tín hiệu.

Dưới đây là những chia sẻ khi xem xét và cố gắng lọc ra các giao dịch xấu và cải thiện tính chính xác của một mô hình hoặc chiến lược.

Khối lượng

Khối lượng là một góc phân tích bổ sung. Trong khi dữ liệu giá cho bạn biết thị trường đã di chuyển như thế nào thì khối lượng cho thấy niềm tin đằng sau những chuyển động đó.

Ví dụ khối lượng lớn chỉ ra rằng đã có nhiều người tham gia giao dịch trước đó. Điều này làm tăng tầm quan trọng của xu hướng bởi đã có nhiều người đứng đằng sau và ủng hộ diễn biến của thị trường.

Khi nói đến việc sử dụng khối lượng với mô hình Hammer, có khá nhiều tình huống có thể giúp chúng ta đánh giá độ chính xác của tín hiệu.

Ví dụ, nếu Hammer được hình thành cùng với khối lượng lớn, nó cho thấy thị trường đã có diễn biến rất khốc liệt. Phe bán và phe mua đã chiến đấu kịch liệt để trở thành phe chiến thắng. Cuối cùng phe mua chiến thắng, đó có thể coi là dấu hiệu tích cực

Tuy nhiên, điều ngược lại cũng có thể đúng. Có lẽ Hammer được thực hiện với khối lượng rất thấp. Khối lượng thấp có thể là một dấu hiệu cho thấy xu hướng giảm đang ngày càng yếu đi và sẽ sớm đảo chiều. Điều này đặc biệt đúng nếu khối lượng giao dịch bắt đầu giảm trước khi hình thành mô hình nến Hammer.

Nói chung, sử dụng khối lượng để xác định xem một mô hình có hoạt động hay không, có thể được thực hiện theo nhiều cách. Cách nào là cách tốt nhất sẽ do chính bạn quyết định. Chúng tôi mong rằng có thể cung cấp cho bạn một câu trả lời dễ dàng, nhưng mọi bộ lọc ngoài đó sẽ hoạt động tốt hơn ở một số thị trường so với các bộ lọc khác!

Độ lớn của cây nến Hammer so với các cây nến xung quanh

Một cách khác để đo lường niềm tin của thị trường chính là phạm vi giao dịch. Phạm vi càng lớn, mô hình càng trở nên hiệu quả. Nói cách khác, đuôi nến càng dài, tín hiệu càng đáng tin cậy

Sử dụng sức mạnh của xu hướng

Một cách tiếp cận khác bạn có thể sử dụng để cải thiện độ chính xác của Hammer, là đánh giá sức mạnh của xu hướng giảm trước đó.

Khi thị trường giảm mạnh và đột ngột thì khả năng tăng trở lại càng cao.

Nếu bạn thấy rằng trước khi nến Hammer được tạo ra, thị trường hình thành một loạt nến giảm với kích thước tăng dần thì tín hiệu ở đây sẽ đầy hứa hẹn.

Chiến lược giao dịch sử dụng nến Hammer

Hầu hết các nhà giao dịch sử dụng mô hình Hammer cho rằng không nên sử dụng riêng lẻ mà cần phải kết hợp thêm các bộ lọc khác. Trong phần này của bài viết, chúng tôi sẽ chia sẻ với bạn một vài chiến lược ví dụ. Hy vọng, chúng sẽ cung cấp nguồn cảm hứng cho bạn trong thử nghiệm của riêng bạn!

Bạn nên đưa ra chiến lược giao dịch của riêng mình, hãy sử dụng các mô hình và bộ lọc khác nhau nếu bạn muốn có cơ hội trên thị trường. Hướng dẫn của chúng tôi về cách xây dựng chiến lược giao dịch chỉ cho bạn cách làm điều này!

Vì nến Hammer cho tín hiệu đảo chiều từ giảm sang tăng do đó chúng ta sẽ tìm kiếm cơ hội vào lệnh mua ở đây.

Chiến lược kết hợp nến Hammer với đường MA 10

Vì một Hammer xuất hiện khi thị trường ở trong xu hướng giảm cho nên giá lúc này phải nằm dưới đường MA. Chúng ta sẽ sử dụng đường MA như sau:

  1. Chỉ nhận tín hiệu từ nến Hammer nếu nó nằm dưới đường MA. Điều này đảm bảo rằng thị trường vẫn chưa có tín hiệu tăng giá, ít nhất là trong gần đây.
  2. Chúng ta cũng sẽ sử dụng đường MA làm mục tiêu chốt lời. Lệnh sẽ được đóng nếu giá tăng và vượt qua đường MA
Chiến lược kết hợp nến Hammer với đường MA

Chiến lược kết hợp nến Hammer với đường MA

Tóm lại, nguyên tắc giao dịch ở đây là:

  1. Mô hình Hammer xuất hiện sau một xu hướng giảm
  2. Nến đóng cửa dưới đường MA 10
  3. Chốt lời khi giá tăng và vượt qua đường MA 10
  4. Đặt stop loss ở bên dưới đuôi nến Hammer khoảng vài pip

Hammer và ADX

Một cách khá tốt để đo lường mức độ biến động và lọc các tín hiệu nhiễu là sử dụng chỉ báo ADX. Nếu chỉ số ADX vượt lên trên 20, nó thể hiện thị trường có độ biến động cao và do đó xác nhận xu hướng.

Đối với chiến lược này, chúng ta sẽ sử dụng ADX 10 kỳ và sử dụng các nguyên tắc giao dịch sau:

  1. Nến Hammer phải xuất hiện sau xu hướng giảm
  2. ADX 10 kỳ phải thấp hơn giá trị của chỉ số ADX trong 10 cây nến trước
  3. Đóng giao dịch sau khi 5 cây nến tiếp theo được tạo ra
  4. Đặt stop loss ở bên dưới đuôi nến Hammer vài pip
Chiến lược kết hợp nến Hammer với ADX

Chiến lược kết hợp nến Hammer với ADX

Hammer và RSI

Như đã biết trước đó, một Hammer hình thành trong một xu hướng giảm và  thị trường giảm càng mạnh thì khả năng đảo chiều càng cao.

Một trong những chỉ số yêu thích của chúng tôi là chỉ báo RSI. Khi chỉ số RSI đạt giá trị cao nó chỉ ra thị trường đang quá mua, còn khi đạt giá trị thấp nó chỉ ra thị trường đang quá bán.

Chúng ta sẽ vào lệnh mua nếu chỉ báo RSI đang ở vùng quá bán, như vậy sẽ có xác suất thành công cao hơn.

Ở đây chúng tôi sẽ sử dụng RSI 5 kỳ. Quy tắc vào lệnh mua ở đây là:

  1. Nến Hammer xuất hiện sau xu hướng tăng
  2. Chỉ số RSI 5 kỳ thấp hơn 30.
  3. Chốt lời khi RSI vượt lên trên 50
  4. Đặt stop loss ở bên dưới đuôi nến Hammer vài pip
Chiến lược kết hợp nến Hammer và RSI

Chiến lược kết hợp nến Hammer và RSI

Phần kết luận

Trong bài viết này, chúng tôi đã xem xét kỹ hơn về Hammer, ý nghĩa của nó và các cách giúp gia tăng độ hiệu quả của mô hình này. 

Hãy nhớ rằng nến Hammer có thể không hoạt động trên tất cả các thị trường và để tìm ra nơi nó hoạt động tốt, bạn sẽ phải kiểm tra nó trên các thị trường ở khung thời gian khác nhau.

Theo Therobusttrader

Tổng hợp bởi VnRebates

👉 Cập nhật Phương pháp trading mới và hiệu quả nhất trên thế giới bằng 4 Khóa học video miễn phí
Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.