VNREBATES

Cung cầu là gì? Quy luật cung cầu trong nền kinh tế thị trường

08.01.2023, 22:53 22 phút đọc

Quy luật cung cầu là một trong những quy luật cơ bản của nền kinh tế thể hiện sự tác động qua lại hay mối quan hệ giữa cung cầu và giá cả của thị trường. Trong thị trường tài chính, quy luật này thể hiện rất rõ nét trong tâm lý của nhà đầu tư. 

“Thị trường không bao giờ sai – chỉ có ý kiến của bạn về thị trường mới thường sai” là câu nói nổi tiếng của Jesse Livermore, một trong những huyền thoại đầu tư vĩ đại nhất của thế kỷ 20 như một lời khẳng định rằng thị trường luôn diễn ra đúng theo những quy luật vận hành nhất định.

Nhà đầu tư buộc phải hiểu rõ những những quy luật đó nếu không không muốn tiền của mình chảy vào túi người khác. Quy luật cung cầu là một trong những quy luật căn bản nhưng có tầm ảnh hưởng sâu sắc đến giá cả hàng hóa, dịch vụ trên thị trường cũng như có tác động lớn thị trường tài chính.

Vậy, quy luật cung cầu là gì? Quy luật này được xây dựng trên nền tảng nào? Và tâm lý nhà đầu tư nhìn từ quy luật cung cầu như thế nào? Cùng theo dõi bài viết dưới đây để tìm lời giải đáp cho những thắc mắc trên nhé!

Xem thêm:

Quy luật cung cầu là gì?

Quy luật cung cầu (Law of Supply and Demand) là quy luật của nền kinh tế thị trường thể hiện sự điều chỉnh giữa lượng cung và lượng cầu trong thị trường để xác định một mức giá cân bằng – Equilibrium Price (còn gọi là mức giá thị trường) và một lượng giao dịch hàng cân bằng (lượng cung bằng lượng cầu).

Hiểu theo cách khác, sự tác động qua lại cung và cầu hình thành nên giá cả thị trường, đến lượt nó, giá cả thị trường tác động ngược lại dẫn dắt cung và cầu, mối quan hệ này được gọi là quy luật cung cầu.

Như vậy, quy luật này giải thích sự tương tác giữa người bán và người mua hàng hóa – dịch vụ trên thị trường cũng như xác định mối quan hệ giữa giá của một hàng hóa hoặc sản phẩm nhất định và sự sẵn lòng mua của người mua hoặc bán của người bán. 

Nói cách khác, quy luật cung cầu thể hiện mối quan hệ giữa cung cầu và giá cả của thị trường. Cung là lượng hàng hóa có sẵn trong thị trường, cầu là lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu của thị trường. Theo đó, khi cung lớn hơn cầu thì giá cả giảm, cung nhỏ cầu thì giá cả tăng, cung bằng cầu thì giá cả ít biến động

Tại sao quy luật cung và cầu lại quan trọng?

Quy luật cung cầu là cơ sở giúp nhà kinh tế theo dõi và đánh giá sự phân chia các nguồn lực và giá trị của chúng trong xã hội:

  • Chúng ta có bao nhiêu sản phẩm?
  • Nhu cầu về sản phẩm đó có mạnh không?

Quy luật cung cầu điều tiết quá trình lưu thông hàng hóa trong nền kinh tế thị trường đồng thời giúp nhà đầu tư, doanh nhân và nhà kinh tế nắm bắt và dự đoán các điều kiện thị trường.

Ví dụ: Một công ty tung ra một sản phẩm mới có thể cố tình tăng giá sản phẩm của mình bằng cách tăng nhu cầu của người tiêu dùng thông qua quảng cáo.

Đồng thời, họ có thể cố gắng tăng giá hơn nữa bằng cách cố tình hạn chế số lượng sản phẩm bán ra để giảm nguồn cung. Trong trường hợp này, nguồn cung sẽ được giảm thiểu trong khi nhu cầu sẽ được tối đa hóa, dẫn đến giá cao hơn.

Xem thêm: Hướng dẫn giao dịch trên thị trường tài chính

Quy luật cung cầu là gì?

Quy luật cung cầu và lăng kính thể hiện tâm lý nhà đầu tư (Nguồn: Internet)

Quy luật cung cầu được xây dựng như thế nào?

Quy luật cung cầu được xây dựng dựa trên hai “quy luật” riêng biệt, luật cầu và luật cung. Hai quy luật này tương tác với nhau để xác định giá thị trường thực tế và khối lượng hàng hóa trên thị trường.

Cung và luật cung (law of supply) là gì?

Cung (Supply) là số lượng hàng hóa hoặc dịch vụ mà người bán muốn bán và có khả năng bán tại các mức giá khác nhau trong một khoảng thời gian nhất định, các nhân tố khác không đổi.

  • Hàng hóa đã bán và hàng hóa chưa bán được đều được gọi là cung.
  • Cung cá nhân: Lượng hàng hoá dịch vụ mà một cá nhân/chủ thể kinh tế có khả năng và sẵn sàng bán ở các mức giá khác nhau trong một khoảng thời gian nhất định, giả định các nhân tố khác không đổi.
  • Cung thị trường: Là tổng cung cá nhân tại các mức giá và cho biết lượng hàng hoá dịch vụ mà tất cả những người bán trên thị trường có khả năng bán và sẵn sàng bán ở tất cả các mức giá khác nhau trong một khoảng thời gian nhất định.
  • Tổng cung: là Cung của toàn thể các cá nhân/chủ thể kinh tế đối với tất cả mặt hàng trong nền kinh tế gộp lại.

Quy luật về cung (law of supply)

Cung và luật cung (law of supply) là gì?

Quy luật về cung (law of supply) (Nguồn: Internet)

  • Cung do sản suất quyết định, nhưng cung không phải lúc nào cũng đồng nhất với sản xuất.
  • Số lượng hàng hoá được “cung” trong khoảng thời gian nhất định tăng lên khi giá của hàng hoá đó tăng lên và ngược lại (giả định các nhân tố khác không đổi). Do đó, giá hàng hóa và dịch vụ và lượng cung có quan hệ thuận.
  • Giá cả tăng thì lượng cung tăng, giá cả giảm thì lượng cung giảm.

Đường cung (Supply curves) và sự di chuyển (shift) và dịch chuyển (movement) đường cung

Đường cung thể hiện số lượng hàng hóa mà người bán sẽ sản xuất ở các mức giá khác nhau. Khi giá giảm, số lượng cung cũng vậy.

  • Sự dịch chuyển dọc theo đường cung (shift) sẽ xảy ra khi giá của hàng hóa thay đổi và lượng cung thay đổi theo quan hệ cung ban đầu. Nói cách khác, một sự dịch chuyển xảy ra khi sự thay đổi của lượng cung chỉ do sự thay đổi của giá cả và ngược lại.
  • Sự dịch chuyển (movement) trong đường cung ngụ ý rằng đường cung ban đầu đã thay đổi, có nghĩa là lượng cung bị tác động bởi một yếu tố khác ngoài giá cả. Ví dụ, một sự thay đổi trong đường cung sẽ xảy ra nếu một thảm họa thiên nhiên gây ra sự thiếu hụt hàng loạt hoa bia; các nhà sản xuất bia sẽ buộc phải cung cấp ít bia hơn với cùng một mức giá.

Những yếu tố ảnh hưởng đến cung

  • Giá của các yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất hay còn được gọi là chi phí sản xuất.
  • Tiến bộ công nghệ (ứng dụng công nghệ mới làm tăng năng suất): Công nghệ có ảnh hưởng trực tiếp đến số lượng hàng hóa được sản xuất ra. Công nghệ tiên tiến sẽ làm tăng năng suất và do đó nhiều hàng hóa hơn được sản xuất ra.
  • Số lượng nhà sản xuất trong ngành do số lượng nhà sản xuất có ảnh hưởng trực tiếp đến số lượng hàng hóa được bán ra trên thị trường.
  • Các chính sách kinh tế của Chính phủ như chính sách thuế, chính sách trợ cấp…
  • Lãi suất: Lãi suất tăng, đầu tư có xu hướng giảm xuống, cung sẽ giảm.
  • Kỳ vọng giá cả và thu nhập: Cũng giống như người tiêu dùng, các nhà sản xuất cũng đưa ra quyết định cung cấp của mình dựa vào các kỳ vọng.

Xem thêm: Ảnh hưởng của lãi suất đến nền kinh tế – bài toán hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng hậu đại dịch

Cầu và luật cầu (law of demand) là gì ?

Cầu (Demand) là số lượng hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng muốn mua và có khả năng mua tại mỗi mức giá khác nhau trong một thời gian nhất định với giả định các nhân tố khác không đổi.

  • Nhu cầu: Là những nguyện vọng, mong ước vô hạn về hàng hóa, dịch vụ của con người. Sự khan hiếm làm cho hầu hết các nhu cầu không được thỏa mãn.
  • Cầu cá nhân hay lượng cầu: Là số lượng hàng hóa dịch vụ mà một cá nhân mong muốn mua và có khả năng mua tại các mức giá khác nhau trong một thời gian nhất định với giả định các nhân tố khác không đổi.
  • Cầu thị trường: Là tổng cầu cá nhân ở các mức giá.

Quy luật về cầu (Law of Demand)

Quy luật về cầu (Law of Demand là gì)

Quy luật về cầu (Law of Demand) (Nguồn: Internet)

  • Với giả định các nhân tố khác không đổi, số lượng hàng hóa hoặc dịch vụ được cầu trong một khoảng thời gian nhất định sẽ tăng lên khi giá giảm và ngược lại, sẽ giảm khi giá tăng.
  • Như vậy, giá hàng hóa, dịch vụ và lượng cầu có quan hệ nghịch.

Đường cầu (Demand curves) và sự di chuyển và dịch chuyển đường cầu

Đường cầu thể hiện số lượng hàng hóa mà người tiêu dùng sẽ mua ở các mức giá khác nhau. Khi giá tăng, số lượng cầu giảm. Đó là vì nguồn cung có hạn. Khi giá cả hàng hóa tăng lên, người tiêu dùng mua ít hơn. Đôi khi, người tiêu dùng thích mua nhiều hàng hóa khác có giá tương đối rẻ hơn.

  • Sự dịch chuyển dọc theo đường cầu (shift) là sự thay đổi của lượng cầu do giá của chính hàng hóa đang xét thay đổi, giả định các yếu tố khác không đổi.
  • Sự dịch chuyển (movement) trong đường cầu: Do các yếu tố khác ngoài giá của bản thân hàng hóa đang xét thay đổi => cầu sẽ thay đổi => đường cầu dịch chuyển sang vị trí mới.

Những yếu tố ảnh hưởng đến cầu

Tùy thuộc vào từng loại hàng hóa khác nhau mà các yếu tố tác động đến cầu sẽ khác nhau. Sau đây là một số yếu tố tác động đến cầu phổ biến:

  • Thu nhập của người tiêu dùng: là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định mua gì và bao nhiêu đối với người tiêu dùng vì thu nhập quyết định khả năng mua của người tiêu dùng.
  • Hàng hóa liên quan trong tiêu dùng: gồm hàng hóa thay thế hoặc hàng hóa bổ sung.
  • Số lượng người tiêu dùng hay quy mô thị trường là một trong những yếu tố quan trọng xác định lượng tiêu dùng tiềm năng. Thị trường càng nhiều người tiêu dùng thì cầu càng tăng và ngược lại.
  • Các chính sách kinh tế của Chính phủ: Thuế đánh vào người tiêu dùng thì cầu sẽ giảm, Chính phủ trợ cấp người tiêu dùng thì cầu sẽ tăng…
  • Kỳ vọng thu nhập và kỳ vọng về giá cả: Ví dụ, khi Chính phủ dự định cho nhập khẩu xe ô tô cũ cho thấy là rất nhiều người tiêu dùng kỳ vọng và “chờ đợi” để mua ô tô với giá rẻ và cầu đối với ô tô sản xuất trong nước tạm thời giảm xuống. Kỳ vọng của người tiêu dùng cũng ảnh hưởng đến quyết định mua hàng hóa và dịch vụ của họ.
  • Thị hiếu, phong tục, tập quán, mốt, quảng cáo… Thị hiếu là ý thích của con người. Thị hiếu xác định chủng loại hàng hóa mà người tiêu dùng muốn mua.
  • Các nhân tố khác: bao gồm môi trường tự nhiên, sự kiện mang tính thời sự…

Mối quan hệ giữa cung cầu và giá cả hàng hóa – Quy luật cung cầu trong nền kinh tế thị trường

Cung – cầu tác động lẫn nhau và ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả và là sự tác động phức tạp theo nhiều hướng và nhiều mức độ khác nhau. Cụ thể, cung – cầu trong nền kinh tế thị trường tuân theo một quy luật nhất định:

  • Khi cung của một loại hàng hóa nào đó được bán trên thị trường lại nhỏ hơn so với lượng cầu của người tiêu dùng đối với loại hàng hóa trên thì giá cả của hàng hóa này sẽ có xu hướng tăng lên.
  • Ngược lại, giá cả sẽ có xu hướng giảm đi, nếu như lượng cung mà các nhà cung cấp đổ ra thị trường lại vượt quá lượng cầu mà người tiêu dùng cần.
Mối quan hệ giữa cung cầu và giá cả hàng hóa

Mối quan hệ giữa cung cầu và giá cả hàng hóa (Nguồn: Internet)

Cân bằng thị trường – Equilibrium

Cân bằng thị trường (Equilibrium) là trạng thái mà tại đó cung vừa đủ thoả mãn cầu, do đó mà không có sức ép làm thay đổi giá hay sản lượng giao dịch và giá cả có khả năng tự ổn định, không phải chịu những áp lực thay đổi.

Tại mức giá này, lượng cung và lượng cầu bằng nhau hay người cung cấp sẽ sản xuất ra lượng hàng hóa gần như là bằng với lượng cầu mà người tiêu dùng muốn mua. Khi đó, điểm giao nhau giữa đường cung và đường cầu là điểm cân bằng và lượng cung và lượng cầu tại mức giá này là lượng cân bằng.

Như vậy ở trạng thái cân bằng, sẽ không có dư cung (lượng cung lớn hơn lượng cầu) hay dư cầu (lượng cầu lớn hơn lượng cung) và tạo ra sự hài lòng giữa người mua và người bán.

4 nguyên lý cơ bản về cung và cầu:

  • Nếu nhu cầu tăng và nguồn cung vẫn không đổi, thì tình trạng thiếu hụt xảy ra, dẫn đến giá cân bằng cao hơn.
  • Nếu nhu cầu giảm và nguồn cung vẫn không đổi, thì thặng dư xảy ra, dẫn đến giá cân bằng thấp hơn.
  • Nếu cầu vẫn không thay đổi và cung tăng, thì thặng dư xảy ra, dẫn đến giá cân bằng thấp hơn.
  • Nếu cầu vẫn không thay đổi và cung giảm, thì tình trạng thiếu hụt xảy ra, dẫn đến giá cân bằng cao hơn.
Cân bằng thị trường - Equilibrium

Cân bằng thị trường – Equilibrium (Nguồn: Internet)

Xem thêm: Cán Cân Thương Mại (Trade Balance) là gì ? Ảnh hưởng của Trade Balance như thế nào đến nền kinh tế

Quy luật cung cầu tác động đến thị trường tài chính như thế nào?

1. Cung cầu ngoại tệ và tỷ giá hối đoái – Giao dịch Forex với quy luật cung cầu như thế nào?

Cung cầu về ngoại tệ trên thị trường được xem là nhân tố có ảnh hưởng trực tiếp đến sự biến động của tỷ giá hối đoái. Cung cầu ngoại tệ lại chịu sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có 2 yếu tố chính là cán cân thanh toán quốc tế và tổng cung tiền tệ.

Cán cân thanh toán quốc tế:

  • Cán cân thanh toán quốc tế dư thừa => Cung ngoại hối > Cầu ngoại hối => Tỷ giá hối đối có xu hướng giảm.
  • Cán cân thanh toán quốc tế thiếu hụt => Cung ngoại hối < Cầu ngoại hối => Tỷ giá hối đối có xu hướng tăng.

Cũng như mọi thị trường khác, quy luật cung cầu trong giao dịch Forex cũng có nguyên lý hoạt động tương tự. Trong đó, trader cần đặc biệt quan tâm tới các kiến thức về vùng cung cầu, cấu trúc của thị trường (bao gồm người mua và người bán), động lực của thị trường để tìm ra các vùng quan trọng nơi giá có thể đảo chiều và tạo ra cơ hội tốt cho các nhà giao dịch.

Giao dịch Forex với vùng cung cầu (Supply zone và Demand zone)

4 giai đoạn chính mà thị trường tuần hoàn bao gồm: tích lũy, tăng trưởng, phân phối và suy thoái, cụ thể:

  • Ở giai đoạn tích lũy sau khi kết thúc 1 xu hướng giảm do nguồn cung cạn kiệt, nhu cầu mua vào bắt đầu hiện hữu chuẩn bị cho sự tăng giá diễn ra, tạo ra một vùng cầu. Trader có thể vào các lệnh mua để thu về lợi nhuận tốt.
  • Ngược lại, trong giai đoạn phân phối là lúc xu hướng tăng chững lại, giá đã tăng đủ nhiều nên lực cầu dần mất đi và thay vào đó là lực cung tăng mạnh, được gọi là vùng cung. Tại vùng cung, trader có thể vào các lệnh bán.

Xem thêm: Vùng cung cầu là gì? Hiểu và áp dụng vùng cung cầu trong giao dịch

2. Giá vàng và quy luật cung cầu

Quy luật cung cầu là một trong những lý do quan trọng hàng đầu quyết định đến giá vàng. Vàng là một loại hàng hoá đặc biệt và chính vì mang tính chất của một loại hàng hoá nên vàng cũng chịu tác động của quy luật cung cầu trên thị trường.

Xét về nguồn cung của vàng, vàng chủ yếu được cung cấp bởi những nước có trữ lượng vàng lớn, sản lượng xuất khẩu lớn có tầm ảnh hưởng đến thị trường vàng thế giới. Trong khi gần đây sản lượng khai thác vàng đã giảm, thì với vai trò quan trọng cộng với “văn hóa trọng vàng” đã tồn tại hàng nghìn năm khiến cho nhu cầu với vàng không ngừng tăng.

Tương tự như bất kỳ loại hàng hóa hoặc dịch vụ nào, nhu cầu tăng trong khi nguồn cung bị hạn chế có xu hướng tác động đến giá của hàng hóa hoặc dịch vụ đó cao hơn. Như trên đã nói, vàng là một nguồn tài nguyên hữu hạn và khi điều kiện kinh tế toàn cầu làm cho vàng trở nên hấp dẫn sẽ khiến nhu cầu sở hữu vàng tăng, làm cho giá tăng theo.

Xem thêm: 6 yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến giá vàng trên thị trường vàng

3. Giá dầu và quy luật cung cầu

Dầu mỏ cũng là một trong những hàng hóa quan trọng chịu chi phối bởi quy luật cung cầu. Thiếu đầu ra, thừa nguồn cung, khả năng cất trữ bão hòa,… là những nguyên nhân khiến thị trường dầu lửa không ngừng biến động.

Ví dụ: Để đẩy giá dầu tăng, theo quy luật cung cầu, OPEC+ đã chọn cách giảm cung. Từ tháng 5/2020, OPEC và các đối tác bắt đầu thực hiện việc cắt giảm 9,7 mbd trong tháng 5 và tháng 6/2020, trong khi các nước G20 hứa sẽ tăng cường hợp tác.

Tâm lý nhà đầu tư nhìn từ quy luật cung cầu

quy luat cung cau

Tâm lý nhà đầu tư thể hiện quy luật cung cầu như thế nào?

1. Không nắm được quy luật cung cầu nhà đầu tư thường dễ bị dẫn dắt chi phối bởi làn sóng cung – cầu hay “lái giá” từ các Big boy

Nhiều nghiên cứu tâm lý chỉ ra rằng phần lớn nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư mới vào thị trường có xu hướng mua bán theo cảm xúc hơn là sử dụng các phương pháp phân tích kỹ thuật hoặc phân tích cơ bản để đưa ra đến quyết định. Điều này khiến cho quy luật cung cầu trên thị trường trở nên khó đoán hơn, đồng thời lại trở thành công cụ đắc lực cho những tay to (big boy) không bị chi phối bởi nó.

Trong thị trường chứng khoán, quy luật này chính là lăng kính thể hiện tâm lý nhà đầu tư qua sự thay đổi của giá các mã cổ phiếu mà đôi khi không liên quan nhiều đến định giá. Ví dụ, dưới sự tác động của những sự kiện bất ngờ “thiên nga đen” khiến giá cổ phiếu lao dốc, nhà đầu tư bán tháo để bảo toàn vốn. Dù giá lên hay xuống, quy luật cung cầu luôn phản ánh tâm lý của nhà đầu tư một cách trực diện và chuẩn xác.

Hoặc đôi lúc doanh nghiệp “động chân tay” để kéo giá cổ phiếu tăng, như mua cổ phiếu quỹ để giảm nguồn cung cổ phiếu, trong khi cầu giữ nguyên dẫn đến giá cổ phiếu tăng.

Trong khi đó, những nhà đầu tư F0 lao vào đầu tư với sự hào hứng mà thiếu đi kiến thức và kinh nghiệm, dễ hoang mang bởi các màn điều chỉnh của thị trường, dễ bị cuốn vào đà tăng cổ phiếu mà không có chiến thuật phòng ngừa rủi ro, để rồi dễ trở thành mồi ngon cho những màn “lái giá” từ các “big boy” trên thị trường. Sự dao động giá cả trong từng phiên giao dịch thể hiện rõ sự ảnh hưởng mạnh mẽ của quy luật cung cầu đối với thị trường.

Xem thêm: Top những cổ phiếu tăng trưởng tốt tính đến quý 3 năm 2021

2. Nhà đầu tư cần bình tĩnh trước biến động để trụ vững trước các con sóng FOMO

Có thể nhận định rằng, quy luật cung cầu là con dao hai lưỡi. Nếu nhà đầu tư nắm rõ sẽ tránh được nhiều rủi ro khi tham gia thị trường tài chính. Ngược lại nếu không nắm được sẽ trở thành mồi ngon giữa những con sóng FOMO (hội chứng sợ bỏ lỡ cơ hội).

Cụ thể, trong chứng khoán, quy luật cung cầu thường ảnh hưởng mạnh đến giá cả của mã chứng khoán trong ngắn hạn nhưng trong trung và dài hạn, yếu tố quyết định sức mạnh giá cổ phiếu thường tuân theo quy luật giá trị.

Nhà đầu tư nên nhận định rằng trong thị trường tài chính không thiếu những trường hợp hàng hóa bị đầu cơ quá mức và thổi giá một cách khó hiểu để tạo ra bong bóng kinh tế và thậm chí trong những siêu chu kỳ, sự điên cuồng của thị trường có thể đẩy giá cổ phiếu lên gấp nhiều lần so với giá trị thật.

Do đó, để có quyết định đầu tư thành công, nhà đầu tư nên lựa chọn kỹ càng các doanh nghiệp có tiềm năng thông qua sử dụng phương pháp lọc cổ phiếu thông minh. Đó có thể là những phương pháp lọc cổ phiếu nổi tiếng đã được thực tế chứng minh về độ hiệu quả bởi những nhà đầu tư nổi tiếng như phương pháp CANSLIM hoặc dựa vào các chỉ tiêu quan trọng đánh giá như các chỉ số ROS, ROA, EPS

Theo các chuyên gia, một cách hiệu quả để nhà đầu tư không bị cuốn theo quy luật cung cầu là chủ động xác định “biên an toàn” của bản thân.

Xem thêm: Fomo là gì? Nghệ thuật biến Fomo thành Jomo?

Lời kết

Quy luật cung cầu là một trong quy luật cơ bản nhưng sức ảnh hưởng của nó vô cùng mạnh mẽ đến nền kinh tế cũng như trong thị trường tài chính. Trong đầu tư tài chính, quy luật này cũng được thể hiện rõ rét qua tâm lý của nhà đầu tư. Nắm được quy luật cung cầu chính là hiểu được quy luật vận hành cũng như động lực của thị trường sẽ giúp nhà đầu tư có những quyết định đúng đắn nhất.

 

👉 Cập nhật Phương pháp trading mới và hiệu quả nhất trên thế giới bằng 4 Khóa học video miễn phí
Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.