VNREBATES

Top 3 “siêu” cổ phiếu giá cao nhất trên TTCK Việt Nam

14.03.2022, 08:22 16 phút đọc

L14, VEF, VCF, GAB, NTC, THD, WCS là Top những cổ phiếu giá cao nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Trong số đó có những cái tên quen thuộc giữ phong độ ổn định là những “siêu cổ phiếu” với mức giá đang mơ ước, cũng có những nhân tố mới ghi nhận những cuộc bứt phá mạnh mẽ từ cuối năm ngoái.

Trong đầu tư chứng khoán, giá cổ phiếu (cp) là một thông số quan trọng mà nhà đầu tư cần đặc biệt quan tâm và theo dõi liên tục để có quyết định rót vốn phù hợp.

Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021 vừa qua đã có sự tăng trưởng vượt bậc nhờ sự bùng nổ của dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân, làm “bay màu” hàng trăm mã cổ phiếu “trà đá” dưới 5.000/cp trong khi nhóm những cổ phiếu “đắt đỏ” vẫn ghi nhận những pha “đu đỉnh” đầy ấn tượng.

Vậy, liệu có phải tất cả cổ phiếu giá cao nhất nào cũng “đắt xắt ra miếng” hay phản ánh đúng và chính xác giá trị thực của nó hay không? Dưới đây, VnRebates sẽ cùng bạn điểm qua Top 3 siêu cổ phiếu giá cao nhất trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam ở thời điểm hiện tại, qua đó nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể cân nhắc để có quyết định đầu tư đúng đắn.

co phieu gia cao nhat

Top những siêu cổ phiếu giá cao nhất TTCK Việt Nam

1. Thị giá cổ phiếu là gì? Tình hình biến động của các mã cổ phiếu có thị giá đắt đỏ nhất trên thị trường

1.1 Thị giá cổ phiếu là gì?

Thị giá cổ phiếu là giá giao dịch, giá khớp lệnh của cổ phiếu vào môt thời điểm xác định trên thị trường. Hiểu nôm na thì giá cổ phiếu là số tiền mà nhà đầu tư cần bỏ ra để mua một đơn vị cổ phiếu tại thời điểm hiện tại đang giao dịch trên thị trường.

Thị giá cổ phiếu luôn biến động theo thời gian và chịu sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố như tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tình hình kinh tế vĩ mô, lãi suất thị trường hay các biến động địa chính trị.

Mặc dù, giá cổ phiếu là dữ liệu quan trọng để nhà đầu tư đánh giá xem doanh nghiệp có đáng đầu tư hay không nhưng thông số này không phải lúc nào cũng phản ánh chính xác giá thị trường của nó. Cụ thể, trong nhiều trường hợp giá cổ phiếu sẽ bị định giá cao hoặc thấp hơn so với giá trị thực của nó.

Mã cp L14 (sàn HNX) của Công ty cổ phần Licogi 14, mã cp VCF (Sàn Hose) của Vinacafe Biên Hòa, GAB (sàn Hose) của Cổ phần Đầu tư khai khoáng & Quản lý tài sản FLC… là một số ví dụ về những mà cổ phiếu đắt đỏ nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Có phải cổ phiếu thị giá cao nào cũng “đắt xắt ra miếng” hay không?

Có phải mọi cổ phiếu giá cao đều “đáng đồng tiền bát gạo” để đầu tư hay không?

Nhà đầu tư cần phân biệt rõ mã cổ phiếu giá cao nhất với các mã cp vốn hóa lớn nhất như VCB, VHM, VIC, HPG…(đó là những cổ phiếu blue chip của những công ty dẫn đầu ngành và lĩnh vực, được thành lập lâu đời và có tiếng trên thị trường).

Nhìn chung thì nhiều mã chứng khoán có thị giá cao nhất thị trường hiện nay thường ghi nhận hiệu quả kinh doanh vượt trội, và ổn định qua nhiều năm cũng được được nhà đầu tư đánh giá là “đáng đồng tiền bát gạo” như VCF, WCS…

Tuy nhiên, nhà đầu tư cần chú ý không nên nhầm lẫn giá cổ phiếu với giá trị của một doanh nghiệp bởi điều này chỉ đúng trong một số trường hợp và thời điểm nhất định.

Xem thêm: Cổ phiếu blue-chip là gì? Các hình thức đầu tư hiệu quả với cổ phiếu blue-chip

1.2 Tình hình biến động của các mã cổ phiếu có thị giá đắt đỏ nhất trên thị trường

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam có rất nhiều mã CP được giao dịch ở mức giá trên 100.000 đồng/cp được giới đầu tư gọi là những cổ phiếu “giá 3 chữ số”.

Theo dòng lịch sử, TTCK từng ghi nhận những mã cổ phiếu có thời điểm được giao dịch ở mức giá tới gần 1.000.000 đồng/cp như cổ phiếu FPT của CTCP FPT (không tính chia tách CP), cổ phiếu BMC của công ty khoáng sản Bình Định cũng từng được giao dịch ở mức giá 850.0000 đồng/cp, hay mã SJS của CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà cũng từng ghi nhận mức giá 728.000 đồng/cp vào ngày 12/1/2007.

Ngoài những “vị vua trên sàn” kể trên, thị trường cũng ghi nhận nhiều mã cp từng được giao dịch với mức giá trên 400.000 đồng/cp như DHG (Dược Hậu Giang), BVS (Chứng khoán Bảo Việt), SD7 (Sông Đà), S99 (Sông Đà), HRC (Cao su Hòa Bình),…

Ở thời điểm hiện tại dù chỉ số VN-Index tăng mạnh và đã đạt đỉnh lịch sử vượt 1.500 điểm nhưng trên TTCK Việt Nam chỉ còn con số ít ỏi những mã có giá trên 200.000 đồng/cp (như L14, VEF, VCF, HLB…).

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến mức giá cổ phiếu giảm, phải kể đến như các doanh nghiệp phát hành thêm cổ phiếu, chia tách CP, trả cổ tức hay thậm chí là do hoạt động kinh doanh không hiệu quả.

Chúng ta có những ví dụ rõ rệt như: mã BMC của khoáng sản Bình Định sau khi đạt 847.000 đồng/cp hồi tháng 5/2007, đã giảm nhiều năm liên tục và hiện giờ chỉ còn 30.000 đồng/cp (chỉ còn 1/30 giá thời đỉnh cao), hay như mã VSP của công ty Đầu tư và vận tải Dầu khí Vinashin, đã trượt dốc từ mức giá hơn 300.000 đồng/cp, xuống còn 1.100 đồng/cp, thậm chí không còn giao dịch và phải chuyển sang sàn UPCOM.

Hay gần nhất là mã ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros thời điểm huy hoàng từng ghi nhận mức giá 200.000 đồng/cp để rồi sau đó giảm sốc về dưới 4.000 đồng/cp.

Xem thêm: Những nhóm cổ phiếu ngành nào sẽ “lên ngôi” trong năm 2022?

2. Top 3 siêu cổ phiếu giá cao nhất trên TTCK Việt Nam thời điểm hiện tại

Dưới đây là Top những mã cổ phiếu giá cao nhất thị trường chứng khoán Việt Nam ở thời điểm hiện tại (tháng 3/2022).

2.1 Mã cổ phiếu L14 (sàn HNX) của CTCP Licogi 14 là “tân vương” trong danh sách “siêu cổ phiếu” đắt đỏ nhất

Trong năm 2021 vừa qua, mã L14 của Licogi 14 được ví như chú “ngựa ô” với sự bứt phá vô cùng ấn tượng và “soán ngôi” vương của mã VCF của Vinacafe Biên Hòa để trở thành cổ phiếu giá cao nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.

L14 được niêm yết trên sàn HNX từ tháng 9/2011 và mở cửa đầu năm 2021 quanh vùng giá 53.100 đến 54.000 đồng/cổ phiếu và chỉ thực sự vượt ngưỡng “3 chữ số” từ ngày 12/10/2021. Đây chính thời điểm khởi đầu cho sự bứt phá ngoạn mục của mã cổ phiếu này.

Chỉ trong hơn nửa tháng L14 đã “phi” một mạch lên mức 200.000 đồng/cổ phiếu, rồi 1 tháng sau đó lại nhanh chóng chinh phục mức giá 300.000 đồng/cổ phiếu. Không dừng lại ở đó, L14 tiếp tục “bốc đầu” lên mức giá cao nhất 479.000 đồng/cp trong phiên giao dịch sáng 17/1/2022 trước khi bước vào những phiên điều chỉnh giảm. Đây là mức giá cao nhất trên TTCK Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây.

Biểu đồ giá cổ phiếu L14 của CTCP Licogi (theo tradingview) 14

Xét về tỷ lệ tăng giá, tính từ đầu năm 2021 đến nay, L14 đã tăng khoảng 379% từ vùng giá 53.000 đồng/cp lên 366.000 đồng/cp và tăng gấp 6 lần từ đầu năm 2021.

Licogi 14 có vốn điều lệ vào khoảng 268 tỷ đồng, và với thị giá hiện tại là 366.00 đồng/cp, vốn hóa thị trường của công ty rơi vào khoảng 10.000 tỷ đồng.

Khi giá cổ phiếu ghi nhận mức tăng đột biến, kết quả kinh doanh của Ligogi 14 cũng tăng vọt. Cụ thể, doanh thu cả năm 2021 của công ty đạt 167 tỷ đồng, tăng 43% so với năm trước, lợi nhuận gộp từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 75 tỷ đồng. Doanh thu tài chính đến từ lãi đầu tư cổ phiếu, cũng là nguồn thu chính của Licogi 14 đạt 398 tỷ đồng, khiến cho lợi nhuận sau thuế đạt mức ấn tượng 372 tỷ đồng, gấp hơn 10 lần so với số lãi đạt được năm 2020 cũng như vượt xa chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Như vậy, nhà đầu tư nào mua L14 từ đầu năm hoặc thậm chí từ đầu tháng 10 năm 2021, thì đều nhận được lợi nhuận khủng từ mã cp “đắt xắt ra miếng” này.

2.2 Vị trí á quân thuộc về “nhân tố mới” VEF (sàn UPCOM) của Trung tâm Hội chợ triển lãm Việt Nam

Mã cổ phiếu VEF của Trung tâm Hội chợ triển lãm Việt Nam (Central Vietnam Exhibition Fair)  – Công ty cổ phần được biết đến với danh xưng là chủ sở hữu của Triển lãm Giảng Võ hiện đứng vị trí á quân trong bảng xếp hạng các cổ phiếu giá cao nhất TTCK Việt Nam (thị giá hiện tại là 270.800 đồng/cp ngày 12/3/2022).

Biểu đồ giá cổ phiếu VEF

Vị trí á quân này gây bất ngờ dù trước đó VEF luôn giao dịch ở vùng giá khá cao (xấp xỉ 100.000 đồng/cp và có lúc quanh mức 150.000 đồng/cổ phiếu đầu năm 2021). Dù không bứt phá ngoạn mục như quán quân L14, nhưng VEF cũng chính thức bật tăng mạnh vào tháng 10/2021, từ mức giá 132.500 đồng/cổ phiếu lên 248.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng với mức tăng 87% trong tháng.

Sang tháng 11, VEF tiếp tục duy trì mức giá cao quanh mức 262.900 đồng/cổ phiếu. Dù phiên cuối năm có điều chỉnh, VEF giảm xuống còn 186.000 đồng/cp nhưng từ tháng 2 mã cp tiếp tục tăng tốc và đang giao dịch ở mức giá ấn tượng là 270.000 đồng/cp với thanh khoản thị trường khá ổn định.

Mã siêu cổ phiếu này được gọi với cái tên “nhân tố mới” bởi trong khi giá cổ phiếu tăng vọt thì kết quả kinh doanh lại tồn tại nhiều vấn đề. Là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề từ dịch bệnh, doanh thu từ hoạt động kinh doanh 9 tháng đầu năm 2021 chưa đến 3 tỷ đồng (giảm 1 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái), ghi nhận lỗ thuần 11 tỷ đồng từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ.

Tuy nhiên, nhờ khoản doanh thu tài chính (chủ yếu từ tiền lãi tiền gửi, tiền cho vay) lên tới 288 tỷ đồng (tăng 173 tỷ đồng so với cùng kỳ), khiến cho lãi sau thuế đạt 218 tỷ đồng, tăng 155% so với 9 tháng đầu năm ngoái.

2.3 Mã “cổ phiếu vua” quen thuộc VCF (sàn Hose) của Vinacafe Biên Hòa lùi về vị trí thứ 3

Mã VCF của CTCP Vinacafe Biên Hòa là một trong những mã cp thường xuyên nằm trong top những mã cổ phiếu giá cao nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Điều đặc biệt là mã cp đắt đỏ này giữ được phong độ lâu nhất khi nhiều lần chiếm lĩnh ngôi vương trong các mã thị giá cao (luôn duy trì mức giá trên 200.000 đồng/cổ phiếu.).

Ở thời điểm giữa tháng 12/2021, VCF leo lên mức giá 290.000 đồng/cp và hiện tại đang giao dịch quanh vùng giá 230.00-240.000 đồng/cp.

Biểu đồ giá cổ phiếu VCF của Vinacafe Biên Hòa

Xét về tỷ lệ tăng/giảm giá thì VCF giảm nhẹ so với đầu năm 2021. Nhưng nhìn xa hơn, tính từ đầu năm 2020 đến nay, mã cổ phiếu này đang khoảng 45% từ vùng giá 160.000 đồng/cp lên hơn 230.000 đồng/cp và vốn hóa thị trường vào khoảng 6.300 tỉ đồng.

Xét về cơ cấu cổ đông, VCF có cơ cấu cổ đông rất cô đặc, khi với vốn điều lệ vào khoảng 266 tỷ đồng nhưng có đến 98,79% vốn cổ phần của Vinacafe Biên Hòa hiện do Masan Beverage nắm giữ. Do đó, số cổ phần tự do còn lại không nhiều. khiến cho số cổ phiếu VCF giao dịch trên thị trường mỗi phiên chỉ mấy trăm đơn vị.

VinaCafe Biên Hòa có kết quả kinh doanh năm 2021 cụ thể là: doanh thu đạt 2.217 tỷ đồng, giảm 23,6% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt gần 429 tỷ đồng. EPS vẫn ở mức rất cao với 16.134 đồng, tuy nhiên giảm đáng kể so với con số 27.224 đồng của năm trước.

Xem thêm: EPS – Lãi cơ bản trên cổ phiếu là gì? Cách sử dụng chuẩn nhất

2.4. Những mã cổ phiếu xấp xỉ 200.000 đồng/cp – GAB, NTC, THD, DGC, WCS…

Bên cạnh những mã siêu cổ phiếu hiện đang giao dịch trên mức giá 200.000 đồng/cp thì còn khá nhiều những mã đang được giao dịch ở mức giá xấp xỉ 200.000 đồng/cp dù năm trước đã có những thời điểm vượt qua mức giá này.

Mã cp đầu tiên tiệm cận mức giá 200.000 đồng/cp là GAB của TCP Đầu tư khai khoáng và quản lý tài sản FLC (Global Asset Business) – một trong số ít những cổ phiếu có thị giá đắt đỏ nhất sàn Hose và cũng là một cái tên để lại ấn tượng sâu sắc. GAB có vốn điều lệ 138 tỷ đồng, tương ứng 13,8 triệu cổ phiếu giao dịch trên sàn. Được giao dịch trên sàn chứng khoán từ háng 7/2019 và giá cổ phiếu GAB nhanh chóng tăng mạnh lên 196.000 đồng/cổ phiếu trong tháng 3/2022 với vốn hóa thị trường rơi vào khoảng 2.700 tỷ đồng.

Trong nhóm ngành khu công nghiệp, mã cp NTC (sàn UPCOM) của CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên cũng luôn là cái tên nổi bật trong nhiều lĩnh vực như thị giá cổ phiếu, kết quả kinh doanh, và thường xuyên trả cổ tức tỷ lệ cao. Với 1 năm 2021 biến động mạnh, NTC mở cửa phiên giao dịch đầu năm 2021 ở mức 277.000 đồng/cổ phiếu và có lúc lên cao nhất trên 288.00 đồng/cổ phiếu. Sau chuỗi ngày thăng hoa, hiện NTC đang trong nhịp điều chỉnh giảm và hiện đang giao dịch ở mức giá 194.000 đồng/cp.

Biểu đồ giá cổ phiếu NTC của CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên

Mã cp THD (sàn HNX) của Thaiholdings cũng là một trong những cái tên ấn tượng thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong năm qua với những điểm nổi bật như: thị giá cao, thanh khoản khá ổn định ở mức cao, và đặc biệt cổ phiếu có nhiều biến động.

Năm 2021 vừa qua, THD tăng một mạch từ 115.000 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm lên cao nhất ở vùng giá 280.000 đồng/cổ phiếu trước khi rơi vào chuỗi giảm mạnh xuống còn 170.000 đồng/cp ở thời điểm hiện tại, vốn hóa thị trường xấp xỉ 60.500 tỷ đồng.

Biểu đồ giá cổ phiếu THD của Thaiholdings

Đặc biệt, THD cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khá ấn tượng: doanh thu năm 2021 gấp 4,5 lần cùng kỳ, đạt 8.248 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 5,8% lên 1.156 tỷ đồng và EPS đạt 2.831 đồng.

Một cái tên cũng khá đặc biệt là mã WCS (sàn HNX) của Bến xe miền Tây: doanh nghiệp có vốn điều lệ chỉ 25 tỷ đồng và thanh khoản cũng không hề lớn, nhưng thị giá cổ phiếu lại ở ngưỡng siêu đắt đỏ, khi có lúc vượt ngưỡng 200.000 đồng/cp và hiện đang giao dịch ở mức giá 181.000 đồng/cp.

Xem thêm: Top 3 sàn giao dịch chứng khoán uy tín và lớn nhất Việt Nam

3. Lời kết

Thực tế cho thấy, các mã cổ phiếu giá cao luôn thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư. Tuy nhiên, là một nhà đầu tư nhỏ lẻ với số vốn ít ỏi, bạn cần phải cân nhắc thật kỹ trước khi mua một cổ phiếu vì giá cổ phiếu quá cao có thể gây khó khăn trong giao dịch.

Đặc biệt, để có quyết định đầu tư đúng đắn, nhà đầu tư cần có các phương pháp định giá cổ phiếu, giá trị thực để đánh giá chuẩn xác cơ hội đầu tư sinh lời.

VnRebates – Nơi Trading là NGHỀ

👉 Cập nhật Phương pháp trading mới và hiệu quả nhất trên thế giới bằng 4 Khóa học video miễn phí
Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.