Warren Buffett và Phương pháp đầu tư giá trị của nhà đầu tư vĩ đại nhất thế kỷ 20

13.09.2020, 08:30 21 phút đọc

Warren Buffett đã trở thành huyền thoại trong lịch sử ngành tài chính và một yếu tố quan trọng dẫn đến thành công của tỷ phú này chính là phương pháp đầu tư giá trị mà ông theo đuổi

Dân chơi chứng khoán chắc hẳn ai cũng đã từng nghe về “Nhà tiên tri xứ Omaha” Warren Buffett được mệnh danh là một trong những nhà đầu tư thành công nhất trong lịch sử. Ông đã từng là người giàu nhất thế giới, và hiện tại là xếp thứ 4 trong số 10 người giàu nhất thế giới của Forbes với khối tài sản lên tới 67,5 tỷ đô la mỹ.

Warren Buffett không trở thành tỷ phú với tư cách là một nhà đầu tư, và ông không “đầu tư” theo cách thường được mô tả trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Đó có thể là một tuyên bố táo bạo, nhưng một khi bạn hiểu các kỹ thuật thực tế của ông để tích lũy tài sản, thì bạn sẽ có thể bắt đầu thực hiện các khoản đầu tư của mình theo cách tương tự.

Vậy, triết lý và chiến lược đầu tư của ông là gì? Liệu những mẩu chuyện cùng những lời đồn đại của nhà đầu tư khắp thế giới bấy lâu nay đã mô tả chính xác cách mà Warren Buffett đã làm để trở thành nhà đầu tư vĩ đại nhất của thế kỷ 20 chưa ?

Trong bài viết này, Vnrebates sẽ cùng các bạn tìm hiểu về Warren Buffett  cùng phương pháp đầu tư của ông trong thị trường chứng khoán.

1. Warren buffett là ai ? 

1.1 Tiểu sử 

Chân dung tỷ phú Warren Buffett

Warren Buffett có tên đầy đủ là Warren Edward Buffett và thường biết đến với biệt danh ” ‘Oracle of Omaha” (Nhà tiên tri của Omaha) sinh ngày 30 tháng 8 năm 1930,  tại Omaha, Nebraska. Ngay từ rất nhỏ ông đã thể hiện tài năng thiên bẩm về tính toán cùng khả năng kinh doanh tài ba của mình. Trong khi hầu hết các đứa trẻ chơi bóng gậy (gần giống với bóng chày) trên đường phố thì Buffett lại giành thời gian giao du với những nhân vật quyền lực nhất của Phố Wall.

Con đường học vấn của tỷ phú từng giàu nhất thế giới này cũng vô cùng đặc biệt. Năm 1947, Warren Buffett tốt nghiệp trung học và vào lúc ấy ông không có ý định đi học đại học. Trong quãng thời gian này ông đã kiếm được 5.000 đô la nhờ vào việc giao báo.

Sau đó theo học trường kinh doanh Wharton tại Đại học Pennsylvania hai năm rồi bỏ dở vì cho rằng mình biết nhiều hơn các giáo sư tại đây, ông quay trở về quê nhà ở Omaha và chuyển đến Đại học Nebraska-Lincoln và lấy bằng tốt nghiệp chỉ trong vòng 3 năm mặc dù dành phần lớn thời gian để đi làm thêm.

Địa điểm cuối cùng mà ông theo học là đại học Columbia sau khi bị Harvard từ chối bởi  với lý do còn “quá trẻ”.

Lúc 10 tuổi, Buffett đã có được khoảnh khắc thay đổi hoàn toàn cuộc đời ông trên Phố Wall: Trong một lần tới thăm thành phố New York, Buffett cùng cha mình đã ăn trưa cùng với At Mol, một người Hà Lan và cũng là thành viên của Sàn Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE). Sau buổi ăn trưa đó Buffett nhận ra rằng ông sẽ dành cuộc đời mình để kiếm tiền.

Năm 11 tuổi, ông bắt đầu bước đi đầu tiên trên thị trường chứng khoán:

  • Warren Buffett mua gom tiền mua cổ phiếu của công ty Cities Servies với giá giá 38 USD/cổ phiếu, cổ phiếu này giảm giá mạnh sau một khoảng thời gian dài. Chờ giá tăng trở lại lên 40USD/cổ phiếu, ông liền bán ra thị trường.
  • Thế nhưng vài năm sau giá cổ phiếu công ty này tăng lên đến 200 USD/ cổ phiếu, từ đây bài học đầu tiên về chứng khoán mà Warren Buffett rút ra được chính là phải kiên nhẫn và nắm bắt thời cơ thích hợp để giao dịch thành công.

Năm 1962, Warren Buffett chính thức trở thành triệu phú: Từ giao dịch chứng khoán và mua số lượng lớn cổ phiếu của công ty sản xuất vải Berkshire Hathaway.

Năm 1969: Ông chính thức trở thành chủ tịch và CEO của Berkshire Hathaway, một công ty đa quốc gia nắm cổ phần của rất nhiều tập đoàn lớn trên thế giớ ivới giá trị tài sản riêng là lúc đó là 25 triệu USD. Từ đó hành trình tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường chứng khoán của Buffett “lên như diều gặp gió” bất chấp thị trường Mỹ “đổ máu” 4 lần trong nửa thế kỷ.

Như vậy, có thể nói rằng trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán, Warren Buffett chính là “thiên tài”, nhà đầu tư tài ba mà bất cứ người chơi chứng khoán nào cũng cần phải học hỏi.

1.2 10 cổ phiếu lớn nhất trong danh mục đầu tư của tỷ phú Warren Buffett

Warren Buffett là nhà đầu tư theo chiến đầu tư giá trị và ông luôn trân trọng Benjamin Graham – cha đẻ của đầu tư giá trị như là người có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp của ông. Warren Buffett mua và giữ nhiều cổ phiếu trong suốt trong nhiều thập kỷ. Dưới đây là 10 cổ phiếu lớn nhất trong danh mục cổ phiếu của đế chế Berkshire Hathaway tính tới ngày 31/12/2019, theo báo cáo nộp Uỷ ban Chứng khoán Mỹ (SEC) mới đây. Có thể thấy, các cổ phiếu hàng không, ngân hàng chiếm tỷ lệ lớn trong danh mục đầu tư của Warren Buffett.

2. Warren Buffett và đầu tư giá trị cùng những quotes nổi tiếng 

Không chỉ là một vị tỷ phú và tài năng trong kinh doanh, Warren Buffett còn được biết đến với vị trí người thầy – người truyền cảm hứng, truyền kinh nghiệm hữu ích cho hàng vạn nhà đầu tư trên thế giới trong nhiều năm qua. Nhiều phát biểu của ông đã trở thành “kim chỉ nam” cho nhiều nhà đầu tư khắp thế giới . Ông đã chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm, kiến thức và chiến lược đầu tư của mình cho các nhà đầu tư, giúp họ biết cách nắm được những cơ hội tốt và mang về lợi nhuận. Chính những nguyên tắc vô cùng quý giá ấy đã mang lại cho Warren Buffett danh hiệu “nhà đầu tư vĩ đại nhất thế giới”.

Trong nhiều cuốn sách viết về vị tỷ phú này, có cuốn Phương Pháp Đầu Tư Warren Buffett (The Warren Buffett Way) của tác gia Robert G. Hagstrom đã được chính Warren Buffett đọc và chấp nhận để xuất bản từng đứng ở vị trí best seller của thời báo New York Times trong 21 tuần liên tiếp và bán được hơn 1 triệu bản.

Nếu những bạn nào đang có ý định đầu tư chứng khoán thì nên tham khảo cuốn sách này vì trong đây đã tóm tắt hầu hết những nguyên lý đầu tư của Warren. Nội dung sách viết dễ hiểu, không mang nặng tính học thuật nên rất dễ dàng tiếp cận với những bạn mới làm quen với thị trường chứng khoán, cũng như các phương pháp đầu tư.

Phương pháp đầu tư của Warren Buffett là một phương pháp đầu tư giá trị dài hạn được kế thừa  trường giá trị từ người thầy của mình là Benjamin Graham. Ông cho rằng về lâu dài giá thị trường của cổ phiếu sẽ phản ảnh giá trị nội tại của nó. Do đó những cổ phiếu tốt là những cổ phiếu đang được thị trường định giá thấp (underpriced) hơn giá trị nội tại của nó.

Theo ông, khoảng cách giữa giá thị trường và giá trị nội tại này càng lớn thì biên độ an toàn, cũng như lợi nhuận mà nhà đầu tư nhận được từ cổ phiếu sẽ càng cao. Để có lợi nhuận, phải tính được giá trị thật hay giá trị nội tại của cổ phiếu hay công ty đó.

2.1 Thế nào là đầu tư giá trị ?

Trên thị trường cổ phiếu, đầu tư giá trị là việc đầu tư cổ phiếu trên cơ sở giá trị của chúng, có nghĩa là nhà đầu tư đưa ra quyết định mua bán một cổ phiếu bằng cách nhìn vào giá trị mà cổ phiếu đó chứa đựng. Khái niệm này được dùng để phân biệt với việc mua bán cổ phiếu trên cơ sở dòng tiền/cung cầu thị trường đối với cổ phiếu. Đầu tư giá trị là cố gắng đi định giá và tìm kiếm lợi nhuận từ khoảng chênh lệch giữa giá thị trường và giá trị thực của cổ phiếu, hay còn được biết đến với khái niệm là biên an toàn (Safety Margin).

Nói cách khác, quyết định mua bán cổ phiếu của một nhà đầu tư giá trị được căn cứ vào giá trị nội tại (intrinsic value) mỗi cổ phiếu, tức là tiềm năng tăng trưởng trong tương lai của lợi tức (lợi nhuận và cổ tức) với mỗi cổ phiếu đó. Nếu giá thị trường (market value) thấp hơng iá trị nội tại, nhà đầu tư giá trị sẽ mua vào khi mức độ thấp đủ hấp dẫn. Mức độ đủ thấp của giá cổ phiếu tùy thuộc vào khả năng chấp nhận rủi ro của mỗi nhà đầu tư. Sau đó, khi giá thị trường tăng lên bằng hoặc cao hơn giá trị nội tại với một mức độ đủ lớn, thì nhà đầu tư giá trị quyết định SELL hoặc tiếp tục HOLD.

Theo giới chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm về kinh doanh và đầu tư đã cho rằng, việc đầu tư giá trị là phải “nắm giữ dài hạn”. Tuy nhiên, nếu hiểu the cách trên thì quan điểm này chưa hẳn là luôn luôn đúng. Trong khi đó, việc một người mua bán dựa trên dòng tiền/cung cầu thị trường với cổ phiếu mà không quan tâm đến việc cổ phiếu có chứa ý nghĩa gì không là khái niệm ngược lại. Với cách làm này, nhà đầu tư sẽ mua cổ phiếu nếu nhận thấy có dòng tiền lớn cũng mua cổ phiếu đó và bán khi dòng tiền có dấu hiệu dừng lại.

Bởi vì kết quả kinh doanh của doanh nghiệp thường không tăng trưởng nhanh chóng trong một khoảng thời gian ngắn, trong khi giá thị trường thường dao động với biên độ không quá lớn so với giá trị nội tại của cổ phiếu, nên các nhà đầu tư giá trị thường phải đợi lâu để có được một khoản sinh lời đáng kể. Điều này dẫn đến việc nhiều người lầm tưởng ‘Đầu tư giá trị’ chính là ‘nắm giữ dài hạn’.

Đầu tư giá trị

2.2 Những câu nói nổi tiếng của Warren Buffett

Chắc hẳn không ít nhà đầu tư trên khắp thế giới đã được chỉ đường dẫn lối bởi các chiến lược và triết lý đầu tư của Warren Buffett. Những triết lý sâu sắc của ông đã được đúc kết và lưu truyền rộng rãi, để giúp đỡ bất cứ nhà đầu tư giá trị nào.

Buffett nổi tiếng với 2 nguyên tắc quan trọng nhất của ông: “Nguyên tắc số 1 là: “Không bao giờ để mất tiền” còn nguyên tắc số 2 là: “Không bao giờ được quên nguyên tắc 1”.

Ngoài ra, dưới đây là 19 câu nói để đời của huyền thoại đầu tư này, theo Business Insider:

“Chỉ mua những cổ phiếu mà bạn sẵn sàng giữ trong 10 năm”, Buffett chia sẻ với tạp chí Forbes.

“Đừng theo dõi thị trường quá sát sao”, Buffett chia sẻ khi thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc vào năm 2016. “Nếu ai đó lo lắng khi cổ phiếu họ nắm giữ giảm giá một chút, hoặc nghĩ rằng họ nên bán ra khi chúng tăng giá, họ sẽ chẳng có kết cục tốt đẹp”.

“Mọi người được ngồi dưới bóng râm ngày hôm nay là bởi có người đã trồng cây rất lâu trước đó”.

“Gần như mỗi ngày, tôi đều dành rất nhiều thời gian để chỉ ngồi một chỗ và suy nghĩ. Điều này có vẻ không phổ biến trong giới kinh doanh tại Mỹ. Tôi đọc và suy nghĩ. Và vì tôi đọc và suy nghĩ nhiều hơn, nên tôi ít đưa ra các quyết định bốc đồng hơn so với hầu hết những người khác trong giới kinh doanh”, Buffett nói với tạp chí Time.

“Rủi ro đến từ việc bạn không biết mình đang làm gì”.

“Tôi sẽ cho các con mình đủ tiền để chúng cảm thấy có thể làm mọi thứ, nhưng không quá nhiều để chúng không làm gì cả”, Buffett chia sẻ với tờ Fortune vào năm 1986.

“Cổ phiếu giảm giá mạnh tạo cơ hội tuyệt vời cho những nhà đầu tư không vướng phải nợ nần. Chẳng ai có thể nói cho bạn điều này sẽ xảy ra. Đèn tín hiệu có thể chuyển từ xanh sang đỏ mà không hề chậm lại ở đèn vàng”, Buffett viết trong thư gửi cổ đông của Berkshire Hathaway vào năm 2017, với quan điểm phản đối việc vay mượn để mua cổ phiếu.

“Mất tới 20 năm để xây dựng danh tiếng nhưng chỉ cần 5 phút để huỷ hoại nó”, Buffett chia sẻ với tạp chí Forbes.

“Bạn không thể nào có được một thương vụ tốt với một người xấu”, Buffett chia sẻ với Suzy Welch, tác gia về quản trị nổi tiếng làm việc cho CNBC.

Trong thư gửi cổ đông năm 2014, Buffett tiết lộ 6 tiêu chí ông áp dụng để đánh giá các yếu tố cơ bản của một doanh nghiệp. Một trong số các tiêu chí đó là ông chỉ đầu tư vào những “doanh nghiệp đơn giản”. “Nếu có quá nhiều công nghệ, chúng ta sẽ không thể hiểu được”, ông viết.

“Sự khác biệt giữa những người ‘thành công’ và những người ‘thực sự thành công’ là những người ‘thực sự thành công’ nói ‘không’ với hầu hết mọi thứ”, CNBC dẫn lời Buffett.

“Trong thế giới kinh doanh, gương chiếu hậu luôn rõ ràng hơn kính chắn gió”, tỷ phú 90 tuổi chia sẻ với tờ Economic Times.

“Tốt hơn hết là nên giao du với những người tốt hơn bạn”, Buffett chia sẻ với Forbes.

“Giá là thứ bạn trả, còn giá trị là thứ bạn nhận được”, Buffett từng chia sẻ với Forbes.

3.  Triết lý đầu tư trong phương pháp đầu tư Warren Buffett

3.1 Hãy đầu tư vào cổ phiếu mà bạn biết rõ

Nhà đầu tư đại tài Warren Buffett đã nhận định rằng đầu tư chứng khoán không dành cho tất cả mọi người. Thực tế, những năm qua đầu tư chứng khoán trở thành một xu hướng kiếm tiền được nhiều người quan tâm, các nhà đầu tư ồ ạt đổ bộ vào thị trường tiềm năng này. Thế nhưng bên cạnh những nhà đầu tư nghiêm túc và gặt hái thành công có không ít người xem chứng khoán chỉ là một cuộc “dạo chơi” khi coi chứng khoán như đánh bạc, hoàn toàn dựa vào các yếu tố tâm linh hay tâm lý đám đông để đưa ra các quyết định giao dịch và phải trả giá bằng thua lỗ, thậm chí là phá sản.

Trước khi quyết định đầu tư vào cổ phiếu nào đó, một điều rất quan trọng mà các nhà đầu tư cần nắm được đó là hiểu rõ về công ty đó cũng như cách thức hoạt động của nó. Vì vậy, Warren Buffett khuyên nhà đầu tư hãy đầu tư khi thực sự hiểu rõ về mô hình kinh doanh của doanh nghiệp đó mà không nên mạo hiểm đầu tư vào những gì mình không hiểu rõ.

Lịch sử đã chứng minh qua cơn sốt dotcom ở những năm 1990, khi đa số mọi người đều chọn công ty công nghệ để đầu tư thì Buffett lại nằm ngoài “cuộc chiến” này, vì ông xác định rằng mình không hiểu rõ về những công ty này. Cuối cùng bong bóng dotcom vỡ vụn, Buffett trở thành nhà đầu tư khôn ngoan khi đã không dốc tiền vào đó.

Warren Buffet chỉ đầu tư vào các công ty mà ông hiểu và tin rằng họ có những sản phẩm ổn định hoặc có tiềm năng phát triển theo dự đoán trong 10 – 15 năm tới. Đây là lý do tại sao ông thường tránh các công ty công nghệ nhưng Apple lại là một ngoại lệ khi ông đã từng nói rằng mình cảm thấy hối tiếc khi không đầu tư vào đây sớm hơn.

3.2 Sẵn sàng khác biệt và ngược chiều đám đông

Phương pháp giao dịch của Warren Buffett khá khác biệt so với phần lớn nhà đầu tư khác bởi ông cho rằng việc đầu tư theo tâm lý đám đông có thể khiến nhà đầu tư “lên” rất nhanh, “lụi” cũng rất chóng, bởi lẽ đó ngược chiều đám đông mới là cách giúp bạn tìm kiếm được lợi nhuận cao trên thị trường. Một nhà đầu tư tài giỏi là phải biết tư duy độc lập và điều này đồng nghĩa với việc họ phải sẵn sàng để khác biệt, không đưa ra quyết định dựa trên những gì người khác đang làm.

Thực tế thì thị trường chứng khoán “tấp nập” là bởi vì tâm lý đám đông lấn át lợi nhuận và cổ tức và theo thống kê chỉ có 5% nhà đầu tư trên thị trường thắng lớn, còn lại 95% người chơi chứng khoán thất bại.

Bởi vậy, Warren Buffett nói rằng “Hãy sợ hãi khi người khác tham lam và tham lam khi người khác sợ hãi”. Đừng để quyết định của mình bị chi phối vởi ý kiến của người khác thay vào đó trước khi thực hiện giao dịch bạn nên bĩnh tĩnh nghiên cứu đánh giá doanh nghiệp một cách chuyên tâm nhất.

3.2 Luôn đa dạng hóa các danh mục đầu tư

“Không để tất cả các trứng vào một giỏ” chính là nguyên tắc mà Warren Buffett đặt ra trong kinh doanh. Việc đa dạng hóa danh mục đầu tư giúp bạn phân tán rủi ro trong các ngành nghề, khi ngành này làm ăn thua lỗ bạn vẫn có những kênh đầu tư tiềm năng khác để bù lỗ.

Theo từng giai đoạn, hãy tạo cho mình một kế hoạch đầu tư tối thiểu với 12 cổ phiếu. Nếu có thể, hãy bắt đầu phân phát trứng theo từng rổ khác nhau bằng quỹ hoán đổi danh mục (ETF).

3.3 Coi việc đầu tư giống như bạn đang mua lại toàn bộ công ty

Hãy đối xử với khoản đầu tư vào một cổ phiếu như thể bạn đang mua lại toàn bộ công ty. Warren Buffet luôn nhìn vào giá trị doanh nghiệp thay vì giá cổ phiếu vì theo ông đó mới là tổng giá của một công ty. Nói cách khác, đó chính là cái giá bạn sẽ phải trả cho công ty nếu bạn có thể mua toàn bộ công ty với giá hiện tại.

Thực tế, Warren Buffett mua đủ cổ phiếu để có vị trí trong hội đồng quản trị của các công ty. Ngay cả khi mới tham gia vào thị trường chứng khoán và khi chưa phải là một triệu phú, nhờ mối quan hệ đối tác đầu tư mà Warren đã mua cổ phiếu của một công ty có tên Sanborn Map Company và làm thành viên hội đồng quản trị của công ty này. Khi bạn là thành viên hội đồng quản trị của bất kỳ công ty nào, bạn có thể tham gia vào việc định hướng của công ty và việc thuê hoặc thay thế các CEO và CFO.

3.4 Hãy vững tâm và kiên định quyết tâm gắn bó với chiến lược đầu tư giá trị dài hạn

Warren Buffett khuyên các nhà đầu tư đừng để nỗi sợ hãi và lòng tham thay đổi tiêu chí và giá trị đầu tư của bạn, tránh bị áp đảo bởi các tin tức xấu và những ảnh hưởng của lực lượng bên ngoài đến cảm xúc của bạn và không bao giờ bán cổ phiếu khi rơi vào trạng thái hoảng loạn.

Khác với những gì người ta nói về ông trên các phương tiện truyền thông, Warren Buffet thuộc tuýp nhà đầu tư thích mua và nắm giữ cổ phiếu trong thời gian dài. Đầu tư giá trị và đầu tư dài hạn là hai nguyên tắc đầu tư không thể tách rời và luôn được Warren Buffett vận dụng triệt để. Buffett đã khuyên các nhà đầu tư rằng một khi đã mua một cổ phiếu, hãy nắm giữ nó bất kể điều gì, thậm chí có lúc nền kinh tế suy thoái, đang ở thời kỳ khó khăn tột độ; nhưng sau đó, nền kinh tế phục hồi, và bạn sẽ có được khoản lợi nhuận vô cùng lớn.

Đầu tư dài hạn là nguyên tắc “bất di bất dịch” trong chiến lược đầu tư của Warren Buffett và ông thường nói rằng thời gian nắm giữ mà ông yêu thích là mãi mãi. Nhưng tất nhiên, mãi mãi không có nghĩa là suốt đời mà hàm ý ám chỉ sự nghiêm túc trong đầu tư và xác định rõ tiềm năng tăng trưởng của cổ phiếu là dài hạn chứ không phải lợi nhuận trước mắt.

2.5 Đầu tư đi liền với tiết kiệm

Nguyên tắc cuối cùng làm nên tên tuổi của Warren Buffett chính là đầu tư đi liền với tiết kiệm. Không chỉ ông mà rất nhiều tỷ phú trên thế giới đều áp dụng nguyên tắc này trong kinh doanh. Người giàu sẽ luôn vạch cho bảng chi tiêu hợp lý và trích dư đủ lượng tiền để tái đầu tư cho những lần tiếp theo.

Bạn có biết công việc kiếm ra tiền trong những năm tháng ấu thơ của Warren Buffett chính là giao báo và làm việc vặt, với số tiền tiết kiệm của mình đến năm 14 tuổi ông đã có thể sở hữu cho mình một trang trại và đến nay đã có một khoản tích góp đủ có thể đánh bại chứng khoán Mỹ.

Kết luận

Phương pháp đầu tư Warren Buffett nhấn mạnh vào khung dài hạn và nhìn vào một bức tranh rộng hơn và tốt hơn hết là nên mua cổ phiếu có đòn bẩy tài chính thấp với tiềm năng tăng trưởng và tìm kiếm những cổ phiếu mà doanh nghiệp của họ có thể phân tích.

Tầm ảnh hưởng của Warren Buffett đến giới đầu tư là không ai có thể phủ nhận, đặc biệt là các trader chứng khoán. Và nếu bạn muốn trade chứng khoán theo chiến lược đầu tư giá trị thì hy vọng những phân tích trên về triết lý đầu tư theo phương pháp của Warren Buffett sẽ hữu ích cho bạn. Hãy luôn nhớ rằng cơ hội làm giàu của mỗi người là như nhau, nếu bạn biết cách vận dụng những kinh nghiệm của người đi trước để tránh những sai lầm trong bước đi của mình thì bạn có thể không trở thành tỷ phú, nhưng bạn sẽ ít thua lỗ hơn trong một số khoản đầu tư và nhiều lợi nhuận hơn ở những khoản khác.

Tổng hợp bởi Vnrebates

 

👉 Cập nhật Phương pháp trading mới và hiệu quả nhất trên thế giới bằng 4 Khóa học video miễn phí
Risk Disclaimer: Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của cá nhân tác giả, chỉ có giá trị tham khảo về mặt thông tin, kiến thức và không có giá trị pháp lý về khuyến nghị đầu tư hay thay thế cho việc tư vấn tài chính nào tương đương. Bài viết không đảm bảo bất kỳ khoản lợi nhuận nào hay giảm thiểu rủi ro đầu tư nào cho chính độc giả. VnRebates không chịu trách nhiệm hay liên quan đến khoản đầu tư của độc giả khi sử dụng thông tin từ bài viết này. Bản quyền thuộc về đóng góp của tác giả.